Các quốc gia đối tác đặt mục tiêu giải quyết sự lan rộng của phần mềm gián điệp độc hại
Gần một chục quốc gia vào tháng 3 năm 2023 đã kêu gọi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trong nước và quốc tế để chống lại sự gia tăng của phần mềm gián điệp thương mại.
Chính phủ Úc, Canada, Costa Rica, Đan Mạch, Pháp, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã ban hành một thông cáo chung.
Các quốc gia này đã cam kết sẽ ngăn chặn việc xuất khẩu công nghệ và thiết bị cho những người dùng cuối mà có khả năng sử dụng chúng cho “hoạt động mạng độc hại”. Thông cáo cũng cho biết các đối tác sẽ chia sẻ thông tin về tình trạng gia tăng phần mềm gián điệp, bao gồm cả thông tin tình báo để xác định tốt hơn các công cụ như vậy.
Vài ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế việc sử dụng với mục đích xấu các công cụ gián điệp kỹ thuật số nhắm vào nhân viên và xã hội dân sự Hoa Kỳ.
Lệnh này nhằm mục đích gây áp lực lên ngành tình báo bằng cách đặt ra những hạn chế mới cho các quyết định mua sắm của các cơ quan quốc phòng, cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tình báo Hoa Kỳ.
Trong năm 2021, điện thoại iPhone của ít nhất chín nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bị một tin tặc không rõ danh tính tấn công bằng cách sử dụng phần mềm gián điệp do một công ty Israel phát triển. Vào cuối tháng 3 năm 2023, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết ít nhất 50 nhân viên chính phủ Hoa Kỳ đặt tại 10 quốc gia đã trở thành nạn nhân của các công cụ tin tặc thương mại. Reuters