Các bài nổi bậtĐông Bắc ÁKhu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIPNhững Khu vực Chung của Thế giới

Bảo vệ Thường dân Trong Xung đột

Luật pháp quốc tế quy định rằng các lực lượng quân đội phải giảm thiểu tổn hại cho thường dân khi xảy ra chiến tranh

Nhân viên DIỄN ĐÀN

Các tranh chấp lãnh thổ, tham vọng chính trị và cạnh tranh tài nguyên thường châm ngòi hoặc làm leo thang những cuộc xung đột vũ trang. Kéo theo đó là các cuộc chiến tranh, bất kể nguyên nhân của chúng là gì, đều dẫn đến những hậu quả phức tạp. Theo một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2022, những hậu quả như thế bao gồm sự tàn phá ngắn hạn và dài hạn, và thương vong của dân thường chiếm gần 90% thương vong trong chiến tranh.

Một trong những bức tranh thảm khốc nhất về tổn hại mà cuộc xung đột gây ra cho dân chúng là cuộc chiến của Nga nhằm vào Ukraine, nơi những người ngoài cuộc đã bị giết “trong ngôi nhà của họ và trong khi chỉ đơn giản là cố gắng giải quyết các nhu cầu thiết yếu của họ, chẳng hạn như lấy nước và mua thực phẩm”, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk phát biểu trong một thông cáo báo chí.

“Những người từ rất trẻ đến rất già đều đã bị ảnh hưởng. Việc học tập của học sinh, sinh viên bị đình trệ hoặc gián đoạn bởi các cuộc tấn công vào các cơ sở giáo dục, trong khi người già và người khuyết tật phải đối mặt với những thách thức to lớn, trong một số trường hợp không thể đến được nơi trú ẩn tránh bom hoặc phải ở trong tầng hầm trong thời gian dài với những tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe của họ,” ông Türk cho biết vào tháng 2 năm 2023. “Mỗi ngày khi các hành vi vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế còn tiếp diễn, việc tìm ra con đường để tiến lên phía trước, hướng tới hòa bình, đi qua sự đau khổ và hủy diệt chồng chất, càng trở nên khó khăn hơn.”

Ảnh hưởng của cuộc chiến đã lan rộng trên toàn cầu, dẫn đến chi phí thực phẩm và nhiên liệu cao hơn và khiến những người chịu thiệt thòi nhiều nhất trở nên khốn khổ hơn. “Tổn hại lên người dân thường thật vượt quá mức chịu đựng,” ông Türk nói. 

‘Thực hiện Tất cả các Biện pháp Phòng ngừa Khả thi’

Luật Xung đột Vũ trang, còn được gọi là Luật Nhân đạo Quốc tế, không cấm chiến đấu ở các khu vực có người ở, nhưng sự hiện diện của thường dân làm tăng nghĩa vụ của các bên tham chiến trong việc hạn chế tổn hại cho dân thường, theo Human Rights Watch, một tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) có trụ sở tại Thành phố New York. Luật này yêu cầu các lực lượng quân đội phải “thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa khả thi” để tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại cho các vật thể dân sự hoặc việc khiến dân thường thiệt mạng.

Theo tổ chức phi chính phủ báo cáo vào tháng 2 năm 2023: “Những biện pháp phòng ngừa này bao gồm làm mọi việc có thể để xác minh rằng các đối tượng tấn công là các đối tượng quân sự chứ không phải dân thường hoặc các đối tượng dân sự và đưa ra ‘cảnh báo trước có hiệu lực’ về các cuộc tấn công khi hoàn cảnh cho phép”. “Bên tấn công không được miễn trừ nghĩa vụ tính đến rủi ro đối với dân thường đơn giản chỉ vì họ coi bên phòng thủ phải chịu trách nhiệm định vị các mục tiêu quân sự hợp pháp trong hoặc gần các khu vực có dân ở.”

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (International Committee of the Red Cross – ICRC), có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, đã xuất bản một cuốn sổ tay có tiêu đề “Tăng cường các Biện pháp Bảo vệ Dân thường trong Xung đột Vũ trang và các Tình huống Bạo lực Khác” nhằm chia sẻ thông tin và gợi ý về việc bảo vệ người vô tội. Hướng dẫn này tập trung vào những người bị tước quyền tự do trong một cuộc xung đột vũ trang hoặc tình huống bạo lực khác, thường dân không tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang hoặc tình huống bạo lực, và những người phải đối mặt với rủi ro, chẳng hạn như phụ nữ và trẻ em, người già và những người phải rời bỏ nhà cửa của họ. 

Theo sổ tay của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), “Dân thường không chỉ ngày càng trực tiếp bị vướng vào bạo lực, mà việc kiểm soát dân chúng thường là một trong những điều giao tranh trong một cuộc xung đột”. “Diễn biến của một tình huống như vậy có thể được quy cho mức căng thẳng gia tăng giữa các cộng đồng, sắc tộc và tôn giáo, sự sụp đổ của các cấu trúc nhà nước, tranh giành quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên, sự sẵn có trên diện rộng của vũ khí, sự gia tăng của các hành động khủng bố và tình trạng lan tràn của cái gọi là xung đột vũ trang bất đối xứng. Ngày nay, nhìn chung, việc thiếu biện pháp bảo vệ trong các cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến dân thường bị vướng vào cuộc xung đột vũ trang và các tình huống bạo lực khác là do, không phải một khuôn khổ lỏng lẻo, mà là sự tuân thủ kém”.

ICRC khuyến nghị các quốc gia xây dựng ít nhất một kế hoạch bảo vệ một phần để dùng trong các thời điểm xảy ra xung đột, bao gồm:

Trình bày, giải thích, thúc đẩy và thảo luận về việc thực hiện các hoạt động bảo vệ với các cơ quan chức năng có liên quan.

Đảm bảo rằng cơ quan thực thi pháp luật hiểu rõ vai trò của mình và sẵn sàng đảm bảo luật pháp được tôn trọng.

Phát triển một mạng lưới gồm những người đáng tin cậy giữa các cơ quan chức năng và với các bên liên quan có tầm ảnh hưởng, đặc biệt là trong xã hội dân sự, mà có thể cung cấp các nguồn lực trong cuộc khủng hoảng. 

Chọn khu vực, khoảng thời gian và người được ủy quyền trước để cung cấp dịch vụ hoặc sự hỗ trợ.

Thực hiện các hoạt động bổ sung để xúc tiến các biện pháp bảo vệ thay mặt cho thường dân, chẳng hạn như các chương trình hỗ trợ và các hoạt động truyền thông. 

Thiết lập và xây dựng các hoạt động bảo vệ tại thực địa, bao gồm các bài trình bày cho dân thường.  

“Trong khi thực hiện các hoạt động bảo vệ của mình, mỗi tổ chức nên chủ động tìm kiếm sự bổ sung ở thực địa và hướng tới hành động với các bên khác thực hiện hỗ trợ nhân đạo để đảm bảo có biện pháp ứng phó toàn diện nhất và qua đó có cơ hội lớn nhất để tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của những người gặp rủi ro”, sổ tay Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) nêu rõ.

Mối đe dọa đối với Nhân loại

Một trong những nước vi phạm nghiêm trọng nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là Bắc Triều Tiên. Nước này tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và phóng tên lửa bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng đang “gia tăng với tốc độ đáng lo ngại”, bà Laurent Gisel, người đứng đầu Đơn vị Vũ khí và Hành vi Chiến sự của ICRC, đã trình bày trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 10 năm 2022. Bà Gisel nói: “Vũ khí hạt nhân là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại.” “Việc sử dụng chúng sẽ gây ra tác hại không thể đảo ngược cho các thế hệ tương lai và đe dọa sự sống còn của nhân loại.”

Bà Gisel trình bày rằng có hơn 13.000 vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới và con số đó dự kiến sẽ tăng lên cùng với nguy cơ vũ khí được sử dụng.

Người dân sơ tán trong một cuộc diễn tập hỏa hoạn ở Seoul, Hàn Quốc. Cuộc diễn tập này là một phần trong cuộc diễn tập phòng thủ dân sự trên toàn quốc. THE ASSOCIATED PRESS

“Nguy cơ này càng được thúc đẩy bởi việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc phát triển các vũ khí hạt nhân nhỏ hơn được cho là có nhiều tính năng sử dụng hơn, và những sự phát triển công nghệ mà có thể làm tăng khả năng sai sót của vũ khí hạt nhân và hệ thống chỉ huy và kiểm soát của chúng khi xảy ra lỗi từ phía con người hoặc máy móc và các cuộc tấn công mạng”, bà Gisel trình bày. “Những phát triển này đang diễn ra bất chấp vô vàn bằng chứng về những tác động khủng khiếp, lâu dài và không thể đảo ngược của vũ khí hạt nhân đối với sức khỏe, môi trường, khí hậu và an ninh lương thực — bất chấp việc không có đủ năng lực cho một phản ứng nhân đạo trong trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân, và bất chấp nguy cơ leo thang mà bất kỳ việc sử dụng nào cũng sẽ dẫn tới.”

Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên do các đe dọa tên lửa của Bình Nhưỡng đã khiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào tháng 8 năm 2022 ra lệnh cập nhật kế hoạch hoạt động quân sự (operational plan – OPLAN) của nước này, trong đó phác thảo các tình huống bất ngờ dựa trên các kịch bản chiến tranh khác nhau.  

“Chúng ta cần khẩn trương chuẩn bị các biện pháp để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, bao gồm việc cập nhật các kế hoạch hoạt động chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên mà đang trở thành hiện thực”, ông Yoon nói, theo tin từ Reuters.

Các kế hoạch hiện tại không tính đến những tiến bộ sâu rộng mà Bắc Triều Tiên đã đạt được trong việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, một quan chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ nhận định: “Đây là điều đúng đắn cần làm”. 

“Môi trường chiến lược đã thay đổi trong vài năm qua và điều phù hợp và cần thiết là chúng tôi có một [kế hoạch hoạt động] được cập nhật và đảm bảo nó phù hợp với môi trường chiến lược”, vị quan chức này nói. Các năng lực của Hàn Quốc cũng đã được cải thiện và OPLAN phải tính đến điều đó, các nhà chức trách nói thêm.

OPLAN tích hợp vị thế phòng thủ kết hợp của Lực lượng Hàn Quốc (ROK) và Lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Theo tạp chí The Diplomat, một kế hoạch cập nhật sẽ có ba giai đoạn: đánh chặn một cuộc xâm lược của Bắc Triều Tiên qua Khu Phi Quân sự (Demilitarized Zone – DMZ), tiến hành một cuộc phản công để ngăn chặn quân lính vượt qua DMZ, và các lực lượng kết hợp Hàn Quốc – Hoa Kỳ vượt qua DMZ trong một cuộc phản công.

“Mục tiêu cao nhất của chúng ta là hòa bình chứ không phải xung đột, và để đạt được mục tiêu đó, hai quốc gia của chúng ta đã sát cánh bên nhau để ngăn chặn xung đột quy mô lớn, để tăng cường những năng lực kết hợp của chúng ta và để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà giúp đảm bảo an toàn cho tất cả chúng ta,” Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin phát biểu vào tháng 1 năm 2023 sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-Sup. “Chúng tôi vẫn giữ cam kết sắt đá đối với việc bảo vệ Hàn Quốc. Hoa Kỳ giữ vững cam kết mở rộng về hoạt động răn đe, và điều đó bao gồm toàn bộ năng lực phòng thủ của Hoa Kỳ, bao gồm năng lực phòng thủ thông thường, hạt nhân và tên lửa của chúng tôi”.

Cách Chuẩn bị cho Dân thường: Bài học từ Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc tiến hành định kỳ các cuộc diễn tập sơ tán và trường hợp khẩn cấp và đã ban hành các kế hoạch dự phòng cho các đại sứ quán để phân phát cho các công dân nước ngoài có thể bị ảnh hưởng. Các hướng dẫn dựa trên bốn cấp độ cảnh báo:

Cấp độ 1: Tăng cường Cảnh giác

Các Dấu hiệu: Các hành động khiêu khích liên tục như những vụ thử tên lửa và hạt nhân và lời lẽ khiêu khích. Đây là mức cảnh báo mặc định ở Hàn Quốc.

Việc cần làm: Giữ bình tĩnh nhưng phải thận trọng. Thận trọng và theo dõi các thông báo từ đại sứ quán và chính phủ Hàn Quốc. 

Cấp độ 2: Hạn chế Di chuyển

Các Dấu hiệu: Quân đội Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc tập trung dọc biên giới. Các đại sứ quán và tổ chức quốc tế có trụ sở tại Seoul ban hành các khuyến cáo và cảnh báo để hạn chế hoạt động đi lại đến một số địa điểm nhất định. Bộ An toàn và An ninh Công cộng thường xuyên đưa ra các khuyến cáo về an toàn cho người dân. Có thể có nhiều cuộc chạm trán quân sự hơn ở một số địa điểm, rất có thể là dọc theo DMZ.

Việc cần làm: Giảm thiểu hoạt động di chuyển và tránh những nơi có khả năng xảy ra xung đột. Làm theo hướng dẫn của lực lượng cảnh sát hoặc lực lượng phòng vệ dân sự. Chuẩn bị cho khả năng sơ tán đến nơi trú ẩn tại địa phương. Chuẩn bị một bộ dụng cụ sinh tồn gồm các vật dụng thiết yếu để sử dụng trong 72 giờ. 

Cấp độ 3: Hồi hương Tự nguyện

Các Dấu hiệu: Các cuộc chạm trán giữa lực lượng Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc dọc biên giới gia tăng. Chính phủ Hàn Quốc ban hành hướng dẫn về việc sơ tán cho các khu vực biên giới. Thêm binh sĩ quân đội bắt đầu triển khai và đến từ Hoa Kỳ và có thể là Nhật Bản. Lượng binh sĩ tập trung dọc theo DMZ tăng lên. Các đại sứ quán và tổ chức quốc tế có trụ sở tại Seoul khuyến cáo người dân không nên đến Hàn Quốc.

Việc cần làm: Các đại sứ quán tại địa phương khuyên công dân tự nguyện rời khỏi Hàn Quốc và có thể cung cấp khoản hỗ trợ tài chính để họ làm việc đó. Di chuyển với một bộ dụng cụ sinh tồn, bộ dụng cụ này cần được kiểm tra sáu tháng một lần để đảm bảo sẵn sàng sử dụng.

Cấp độ 4: Sơ tán Bắt buộc

Các Dấu hiệu: Xung đột quân sự quy mô lớn sắp xảy ra. Các đại sứ quán chuẩn bị cho công dân của họ sơ tán với số lượng lớn khỏi Hàn Quốc. Hàn Quốc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Các tổ chức dân sự ngừng hoạt động. Những người đàn ông Hàn Quốc đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được gọi nhập ngũ. 

Việc cần làm: Đi đến một điểm sơ tán được chỉ định, có thể là một địa điểm xa hơn về phía nam, cách xa DMZ. Mỗi người đều cần có một bộ dụng cụ sinh tồn. 

Xây dựng Khả năng Phục hồi 

Xung đột vũ trang đặt ra những thách thức phức tạp, nhưng thiếu sự chuẩn bị để bảo vệ dân thường không nên là một trong số đó. Các nguồn lực như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) và Liên Hợp Quốc, và các ví dụ như Hàn Quốc cung cấp điểm khởi đầu cho việc xây dựng một kế hoạch. Theo ICRC, “có thể khó tìm thấy các tình huống thường không hiển hiện, trong đó các quy tắc chiến tranh đã cứu sống nhiều người”. “Chúng ta không thấy những câu chuyện của các phi công đã quyết định không thả bom sau khi đánh giá rằng quá nhiều người sẽ bị tổn hại. Chúng ta không thấy cảnh quay các nhân viên y tế vượt qua tuyến đầu trong cuộc xung đột để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu.”

Mặc dù có tồn tại những vi phạm luật nhân đạo quốc tế, nhưng cũng có những kế hoạch hoạt động để bảo vệ dân thường và binh sĩ, những người tôn trọng các quy tắc tham chiến và tuân thủ nghĩa vụ của họ về việc không gây hại cho dân thường.

“Không thể tránh khỏi sự sợ hãi, đau đớn và đau lòng trong xung đột”, theo ICRC. “Tuy nhiên, cũng có sự kiên cường, tái thiết và phục hồi. Những người bị ảnh hưởng bởi xung đột, cũng như chính các xung đột, có nhiều đặc trưng đa dạng.”  

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button