Báo cáo: Tàu cá CHND Trung Hoa là một trong những kẻ lạm dụng lao động cưỡng bức hàng đầu
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) là quốc gia đứng đầu về tình trạng lạm dụng lao động cưỡng bức trên các tàu cá trên toàn cầu, theo một nghiên cứu mới.
Báo cáo mang tên “Mạng lưới đen: Khám phá những người đứng sau lao động cưỡng bức trên các đội tàu đánh cá thương mại,” (Dark webs: Uncovering those behind forced labour on commercial fishing fleets) của Liên minh Minh bạch Tài chính có trụ sở tại Washington, DC, tập trung vào các tàu hoạt động trên biển cả hoặc bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (exclusive economic zone – EEZ) của một quốc gia khác. Báo cáo tháng 11 năm 2023 cho thấy một phần tư các tàu cá thương mại bị nghi ngờ lạm dụng công nhân đã bay dưới lá cờ CHND Trung Hoa.
Tổ chức Lao động Quốc tế Liên Hợp Quốc ước tính rằng 128.000 ngư dân trên toàn thế giới bị mắc kẹt vào lao động cưỡng bức trên tàu, theo báo cáo “Ước tính Toàn cầu về Nô lệ Hiện đại” (Global Estimates of Modern Slavery) năm 2022. Tuy nhiên, con số đó “có thể chưa phản ánh đầy đủ phạm vi của vấn đề. Tình trạng cô lập của nơi làm việc gây khó khăn cho việc tiếp cận các ngư dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, tính dễ bị tổn thương nghiêm trọng đi kèm với công việc trên biển, cũng như nguy cơ hậu quả, có thể dẫn đến việc ngư dân miễn cưỡng báo cáo và thảo luận về các hành vi lạm dụng”, báo cáo nêu rõ.
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Nguồn lợi Thủy sản Poseidon và Sáng kiến Toàn cầu về Chống Tội phạm có Tổ chức Xuyên quốc gia, (Poseidon Aquatic Resource Management và Global Initiative Against Transnational Organized Crime) các tàu mang cờ CHND Trung Hoa là thủ phạm chính của hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated – IUU). Hành vi đánh bắt IUU đe dọa an ninh lương thực, ổn định kinh tế và hệ sinh thái hàng hải trên toàn cầu.
Việc CHND Trung Hoa cướp bóc san hô, trai và cá là “ hành vi trộm cắp trên quy mô lớn, cũng như là chiến tranh không hạn chế đối với tài nguyên thiên nhiên,” ông Kevin Edes, nhà phân tích an ninh hàng hải cho SeaLight, một dự án của Trung tâm Gordian Knot về Đổi mới An ninh Quốc gia của Đại học Stanford, đã viết trên trang web SeaLight vào tháng 11 năm 2023. Ông Edes lưu ý rằng Đô đốc Linda Fagan, chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, đã mô tả hành vi đánh bắt IUU của CHND Trung Hoa là “hành vi trộm cắp tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia”.
Đánh bắt IUU gắn với các đội tàu xa bờ hoạt động trong vùng biển quốc tế hoặc lãnh hải của các quốc gia khác, bao gồm cả đội tàu lớn nhất thế giới của CHND Trung Hoa. Các tàu tham gia khai thác IUU tuyển lao động từ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và thiệt thòi, có khả năng dẫn đến nạn buôn người và bạo lực, cũng như lạm dụng lao động.
Liên minh Minh bạch Tài chính đã xác định 475 tàu bị tình nghi sử dụng lao động cưỡng bức kể từ năm 2010, mặc dù không có thông tin chính xác về quốc tịch của khoảng một nửa số tàu đó vì thiếu tính minh bạch và giám sát theo quy định.
Báo cáo cho biết 77 công ty khai thác tàu đánh cá thương mại mang cờ CHND Trung Hoa đã sử dụng lao động cưỡng bức, trong đó hai công ty hàng đầu là ZheJiang Hairong Ocean Fisheries Co. và Pingtan Marine Enterprises. Hai công ty này đã vận hành 17 tàu bị cáo buộc hoạt động dựa trên lao động cưỡng bức.
Bà Beth Lowell, phó chủ tịch của nhóm bảo tồn Oceana của Hoa Kỳ, nói với The Associated Press: “Chúng tôi một lần nữa nhìn thấy thực tế đau lòng với những điều đang xảy ra trên các tàu đánh cá thương mại ngoài khơi. Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được”. “Lao động cưỡng bức và các hành vi vi phạm nhân quyền khác không nên là cái giá cho một bữa tối bạn ăn hải sản”.