Bản đồ cho thấy chiến lược chiếm đất mà CHND Trung Hoa đang thực hiện

Nhân viên DIỄN ĐÀN
Việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) công bố phiên bản mới nhất của tấm bản đồ nước này tự nhận là bản đồ chính thức đã khiến Hoa Kỳ, các Đồng minh và Đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ, về cái được gọi là chiếm đất thông qua phương pháp lập bản đồ — tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với tất cả đất đai của Đài Loan tự trị, phần lớn diện tích của Biển Đông và các vùng lãnh thổ đang có tranh chấp ở những nơi khác.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết bản đồ này là “nỗ lực mới nhất nhằm hợp pháp hóa những thứ Trung Quốc cho là chủ quyền và quyền tài phán của nước này đối với các hòn đảo và vùng biển của Philippines [và] không có cơ sở theo luật pháp quốc tế” sau khi tấm bản đồ được công bố vào tháng 8 năm 2023. Bản đồ bao quanh Biển Đông, tiếp tục thách thức phán quyết tòa án quốc tế đưa ra vào năm 2016 về việc bác bỏ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của CHND Trung Hoa là không có giá trị về mặt pháp lý.
Ấn Độ và Malaysia cũng phản đối mạnh mẽ sau khi tấm bản đồ được sửa đổi này thể hiện những tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ của họ. “Chúng tôi bác bỏ những tuyên bố này vì chúng không có cơ sở. Những bước đi như vậy của phía Trung Quốc chỉ làm phức tạp thêm việc giải quyết vấn đề ở biên giới “, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết. Bản đồ của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bang Arunachal Pradesh ở phía bắc của Ấn Độ. Bang này nằm ở phần cuối về phía đông của đường biên giới đang có tranh chấp dài 3.380 kilomet giữa hai quốc gia, được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control – LAC).
Bản đồ cũng bao gồm phần lớn vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone – EEZ) của Malaysia, kéo dài 200 hải lý từ bờ biển của quốc gia Đông Nam Á này và khu vực mà luật pháp quốc tế cấp cho Kuala Lumpur quyền đối với các tài nguyên biển.
Việc vẽ lại các đường bản đồ là một phần trong chiến lược lớn hơn của CHND Trung Hoa nhằm chiếm đất. Chiến lược này bao gồm việc xây dựng các ngôi làng ở Nepal và những hành vi bắt nạt và cưỡng ép, đặc biệt là ở Biển Đông. “Vấn đề không phải chỉ là những đường họ vẽ trên bản đồ. Vấn đề là hành vi cưỡng ép của họ. Vấn đề là về cách họ đe dọa các nước láng giềng [của họ] cũng như một số Đồng minh và Đối tác của chúng tôi ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để cố gắng thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền sai lệch này trên biển”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby phát biểu trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.
CHND Trung Hoa đã lén lút xây dựng các tòa nhà trên vùng đất thuộc sở hữu của Nepal vào năm 2020 và sau đó không cho phép chính quyền Nepal vào khu vực này. Cuối năm đó, công cuộc xây dựng quân đội của CHND Trung Hoa đã làm gia tăng căng thẳng dọc theo đường LAC, châm ngòi cho một cuộc đụng độ khiến 20 Binh sĩ Ấn Độ và ít nhất bốn binh sĩ thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân bị thiệt mạng.
Vào tháng 4 năm 2023, trong một mưu đồ vẽ lại bản đồ khác, Trung Quốc cho biết họ đang đổi tên 11 đỉnh núi, con sông và khu dân cư ở Arunachal Pradesh, theo tin từ The Wire, một trang web tin tức có trụ sở tại Ấn Độ.
Các chuyên gia cho biết CHND Trung Hoa cố gắng bình thường hóa những tham vọng bành trướng của mình bằng cách hạ thấp sự tham gia của quân đội. Nước này đã sử dụng các dự án đáng lẽ thuộc lĩnh vực dân sự để nạo vét các đảo nhân tạo ở Biển Đông, nơi họ cũng sử dụng lực lượng cảnh sát biển và tàu dân quân hàng hải để quấy rối các tàu tiếp tế cho quân đội Philippines đóng tại Bãi Cỏ Mây trong vùng EEZ của Manila.
Ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, đã viết trên tờ The Japan Times rằng các chiến thuật như vậy, được gọi là cắt lát salami, tìm cách “thay đổi hiện trạng về lãnh thổ và hàng hải thông qua sự tiến triển đều đặn của các hành động nhỏ, không hành động nào trong số đó đóng vai trò là một biến cố khơi mào chiến tranh [hành động gây chiến], nhưng dần dà qua thời gian sẽ gộp lại để tạo nên một sự chuyển đổi chiến lược” có lợi cho Bắc Kinh.
Theo ông Ivo Daalder, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại NATO kiêm chủ tịch Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago, Hoa Kỳ đang cố gắng dồn lực để xây dựng và củng cố các liên minh trong khu vực.
Ông Daalder viết cho trang web Politico hoạt động tại Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2023: “Mối quan hệ an ninh Hoa Kỳ-Nhật Bản hiện đang ở vị thế mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, được củng cố bởi quyết định của Tokyo về việc tăng gấp đôi mức chi tiêu quốc phòng trong 5 năm, đồng thời đầu tư vào các năng lực mới cần thiết để tự vệ và tăng cường khả năng răn đe trên toàn khu vực”. “Úc cũng đã điều chỉnh chiến lược và vị thế quốc phòng của mình để tập trung vào việc duy trì khả năng răn đe mạnh mẽ ở Thái Bình Dương. Và Washington đã thành công trong việc khích lệ cả Tokyo và Seoul gạt bỏ sự khác biệt giữa hai nước để tăng cường quan hệ song phương và ba bên. Các nhà lãnh đạo của Bộ tứ gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ hiện cũng gặp nhau thường xuyên.”
Với việc Đài Loan cũng ngày càng đầu tư nhiều hơn vào các năng lực để đẩy lùi một cuộc xâm lược có thể xảy ra từ bên kia eo biển Đài Loan, những nỗ lực kết hợp của các Đồng minh và Đối tác đang gửi đến CHND Trung Hoa “một thông điệp không thể nhầm lẫn rằng một cuộc chiến xuyên eo biển sẽ đẫm máu và tốn kém — và không có gì chắc chắn về kết quả của nó”, ông Daalder viết.