Khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIPNam ÁNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Ấn Độ Dương tự do và rộng mở ở những điểm giao nhau trên biển

Nhân viên DIỄN ĐÀN

Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng ở Ấn Độ Dương. Sự bành trướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong miền chiến lược quan trọng, cùng với chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng Một Vành đai, Một Con đường (One Belt, One Road – OBOR) và gánh nặng nợ nần đi kèm cho các quốc gia ven biển, đã khiến Ấn Độ và các quốc gia khác phải bồn chồn lo lắng.

Theo báo cáo của Carnegie Endowment for International Peace vào tháng 6 năm 2023, hơn một phần ba hàng hóa số lượng lớn và hai phần ba lượng dầu và khí đốt của thế giới đi qua Ấn Độ Dương, một khu vực trải dài từ Đông Phi đến Tây Úc và là nơi sinh sống của 2,9 tỷ người. Vận tải đường biển là cách rẻ nhất, hiệu quả nhất để vận chuyển hàng hóa số lượng lớn và các tuyến đường biển của Ấn Độ Dương giúp thực phẩm, khoáng sản, kim loại quý và tài nguyên năng lượng được chuyển đi khắp thế giới.

Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc được trang bị ăng-ten và thiết bị liên lạc đậu tại cảng Hambantota do Trung Quốc điều hành của Sri Lanka vào tháng 8 năm 2022 bất chấp những lo ngại từ Ấn Độ và Hoa Kỳ về khả năng tàu này thực hiện hoạt động gián điệp. Yuan Wang 5 được cấp phép vào cảng nước sâu với điều kiện tàu này không được tiến hành nghiên cứu.
NGUỒN VIDEO: GETTY QUA AFP

Ba nút thắt cổ chai ở Ấn Độ Dương — những tuyến đường vận chuyển hẹp giữa các khối đất liền — hỗ trợ phần lớn hoạt động giao thương: Eo biển Hormuz ở cửa Vịnh Ba Tư; Eo biển Bab el-Mandeb giữa Sừng châu Phi và Bán đảo Ả Rập; và Eo biển Malacca, kênh vận chuyển chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Hoa Kỳ, các Đồng minh và Đối tác đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế thông qua các tuyến đường biển an toàn và an ninh. Tuy nhiên, khi các cuộc xung đột địa chính trị đe dọa thương mại và an ninh, khả năng kiểm soát các tuyến giao thông đường biển của khu vực được coi như một điểm then chốt.

Bốn phần năm lượng dầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đi qua Eo biển Malacca và các nhà lãnh đạo của quốc gia này trong nhiều năm qua đã lo lắng rằng việc phong tỏa tuyến đường vận chuyển này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của đất nước. Bắc Kinh đã mở rộng hoạt động trong khuôn khổ các phần về hàng hải của OBOR, xây dựng các cảng thương mại và các cơ sở liên quan ở các quốc gia Nam Á, tổ chức các cuộc tập trận trên biển với Iran, Pakistan và Nga, và tận dụng sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng của các quốc gia khác để đẩy mạnh những mục tiêu chính trị của mình, theo cơ quan nghiên cứu Atlantic Council ở Hoa Kỳ báo cáo vào tháng 8 năm 2023.

Hạm đội hải quân Ấn Độ Dương của Trung Quốc đã phát triển trong những thập kỷ gần đây, nâng cao triển vọng về lợi thế quân sự ở xa đường bờ biển nước này, ông Joshua T. White, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins, đã viết trong một báo cáo cho Viện Brookings vào tháng 6 năm 2020. Ông White viết rằng Ấn Độ, Hoa Kỳ cùng với các Đồng minh và Đối tác của họ nên theo dõi các hoạt động triển khai quân đội của Trung Quốc mà vượt quá nhu cầu chống cướp biển hoặc thực hiện các hoạt động nhân đạo, các phương tiện mới trên biển để thu thập thông tin tình báo và những nỗ lực nhằm tăng cường khả năng phục hồi của mạng lưới hậu cần trong một cuộc xung đột có thể xảy ra.

“Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đã làm dấy lên mối lo ngại ở một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, quốc gia coi các hoạt động của Trung Quốc là một thách thức chiến lược đối với tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực”, ông Sajjad Ashraf, giáo sư hợp đồng tại Đại học Quốc gia Singapore, trước đây là nhà ngoại giao Pakistan, viết trên trang web China-U.S. Focus vào tháng 4 năm 2023. Ông ghi nhận rằng Ấn Độ Dương cũng là một “điểm nóng cạnh tranh quan trọng”.

Trong số các dự án cảng và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc dọc theo vành đai Ấn Độ Dương: Chittagong, gần cửa Sông Karnaphuli ở Bangladesh; Gwadar, ở chân Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan ở Pakistan; Hambantota ở Sri Lanka; và Kyaukpyu, dọc theo Vịnh Bengal ở miền tây Miến Điện.

Các công ty quốc doanh Trung Quốc đã cấp vốn cho nhiều dự án, bao gồm sân bay, đường ống và mạng lưới thông tin liên lạc. Một số quốc gia tiếp nhận đã gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của họ. Ví dụ, vào năm 2017, một công ty thuộc sở hữu của CHND Trung Hoa đã nắm được quyền kiểm soát cảng Hambantota với hợp đồng cho thuê 99 năm khi Sri Lanka không thể trả các khoản nợ.

New Delhi từ lâu đã lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các cảng có vẻ bề ngoài là phục vụ mục đích thương mại để xúc tiến các hoạt động hải quân của mình. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đã đẩy lùi thành công các nỗ lực nhằm giành ảnh hưởng của Trung Quốc, Rand Corp., một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã báo cáo vào tháng 8 năm 2023: “Nhìn chung, Ấn Độ dường như đang chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược ở Nam Á. Nhưng không có gì đảm bảo là tình hình sẽ giữ nguyên như vậy.”

Theo bà Darshana M. Baruah, một học giả thuộc Chương trình Nam Á của Carnegie Endowment for International Peace, Ấn Độ Dương nên được xem xét như một khối, không nên được phân chia thành các tiểu vùng. Các quốc gia nên cố gắng để hiểu khu vực, “cho dù là đánh bắt cá bất hợp pháp, cướp biển, biến đổi khí hậu, nhận thức về miền hàng hải hay chiến tranh chống tàu ngầm”, bà Baruah đã trình bày trước Hạ viện Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2023.

Bà và các nhà phân tích khác ủng hộ một nỗ lực có sự phối hợp trong khu vực để giữ cho các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương được tự do và rộng mở. “Việc thiết lập một cách tiếp cận nhất quán và một bản sắc hàng hải cho Ấn Độ Dương sẽ cho phép tất cả các bên phối hợp và hợp tác tốt hơn với nhau”, bà Baruah và các nhà nghiên cứu khác của Carnegie viết.

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button