Đông Bắc ÁĐông Nam ÁNhững Khu vực Chung của Thế giớiQuan hệ Đối tác

Thắc mắc, quan ngại nổi lên khi Bắc Triều Tiên lên kế hoạch phóng vệ tinh gián điệp lần thứ ba

Nhân viên DIỄN ĐÀN

Có nguồn tin cho rằng sau hai lần thất bại, Bắc Triều Tiên sẽ thử phóng vệ tinh gián điệp quân sự vào tháng 10 năm 2023. Viễn cảnh này làm dấy lên lo ngại về an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh ngày càng có nhiều người hoài nghi về hiệu quả tiềm năng của thiết bị này.

Tên lửa Chollima-1 đầu tiên, mang theo vệ tinh trinh sát Malligyong-1, đã rơi xuống Biển Vàng vào ngày 31 tháng 5 năm 2023. Theo tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, lần thử thứ hai cũng thất bại khi các mảnh vỡ tên lửa được phát hiện rơi xuống vùng biển Biển Vàng, Hoa Đông và Thái Bình Dương ở phía đông Philippines vào ngày 23 tháng 8. Cả hai tên lửa đều vỡ ra khi đến giai đoạn phân tách, sứ mệnh đưa các vệ tinh lên quỹ đạo đã không thành công.

Quân đội Hàn Quốc đã thu hồi các mảnh vỡ từ tên lửa và vệ tinh đầu tiên. Trang web SpaceNews đưa tin vào cuối tháng 8 rằng công nghệ của vệ tinh “chưa đủ tinh vi để hoàn thành các mục tiêu trinh sát, ngay cả nếu được phóng thành công”. Các chuyên gia dân sự chia sẻ với Đài phát thanh Công cộng Quốc gia rằng có khả năng vệ tinh gián điệp chỉ có thể phát hiện những mục tiêu lớn như tàu và máy bay. Theo trang web SpaceNews có trụ sở tại Hoa Kỳ, người ta đang tiến hành tìm kiếm tên lửa thứ hai.

Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo ngắn gọn cho các hòn đảo ở quận Okinawa sau vụ phóng thứ hai, còn cộng đồng quốc tế đã lên án cả hai vụ thử tên lửa này. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ các vụ phóng tên lửa, lưu ý rằng các vụ phóng tên lửa này đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc cấm Bắc Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Ông Antonio Guterres kêu gọi Bắc Triều Tiên chấm dứt các hành vi tương tự và nối lại các cuộc đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đảm bảo hòa bình bền vững.

Nhật Bản phản đối vụ phóng thứ hai “bằng những điều khoản mạnh mẽ nhất có thể” và Hàn Quốc cũng coi đó là sự vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, báo New York Times đưa tin.

Bất chấp phản bối của các bên, Bắc Triều Tiên cho biết nước này sẽ đặt một đội vệ tinh trên quỹ đạo để theo dõi các hoạt động quân sự của Hàn Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực và tăng cường khả năng vũ khí hạt nhân của nước này, tờ báo nhận định. Bình Nhưỡng sẽ điều tra các sứ mệnh thất bại, thực hiện các thay đổi nếu cần thiết và tiến hành vụ phóng tiếp theo, tạp chí The Diplomat đưa tin vào cuối tháng 8, trích dẫn bình luận của hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên.

Vụ phóng thất bại thứ hai diễn ra vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh ba bên mang tính bước ngoặt tại Trại David, Maryland, nơi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận về hành vi hung hăng của Bắc Triều Tiên, cùng với các chủ đề khác. Các nhà ngoại giao cấp cao của Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ cho biết các vụ phóng vệ tinh gián điệp và hành động khiêu khích khác sẽ tăng cường quan hệ hợp tác Seoul-Tokyo-Washington, theo tin đã đưa từ The Associated Press vào cuối tháng 8. Hàn Quốc đã chia sẻ thông tin giám sát với hai đối tác sau vụ phóng thứ hai. Ba quốc gia này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Bắc Triều Tiên như đóng băng tài sản của các cá nhân và tổ chức, Thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc đưa tin vào đầu tháng 9.

Các vụ phóng tên lửa và vệ tinh gián điệp của Bình Nhưỡng, bao gồm cả số vụ thử tên lửa kỷ lục vào năm 2022, diễn ra trong bối cảnh quốc gia bị cô lập này phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực triền miên. Bắc Triều Tiên là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực tồi tệ nhất kể từ nạn đói lan rộng vào những năm 1990, trang web 38 North của Trung tâm Stimson đưa tin vào giữa tháng 1 năm 2023. Tuy nhiên, quốc gia này lại chi gần một phần tư tổng sản phẩm quốc nội cho quân đội. Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã phát biểu rằng chi tiêu cho quân sự mang ý nghĩa cần thiết cho sự sống còn của quốc gia. Ông Kim Jong Un từng phát biểu: “Người ta có thể sống mà không có kẹo, nhưng người ta không thể sống mà không có đạn”, 38 North đưa tin.

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button