Đông Nam ÁKhu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIPNhững Khu vực Chung của Thế giới

Hoa Kỳ, Việt Nam cảnh báo việc “đe dọa hoặc sử dụng vũ lực” ở Biển Đông

Agence France-Presse

Vào tháng 9 năm 2023, Hoa Kỳ và Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo việc “đe dọa hoặc sử dụng vũ lực” ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, vài ngày sau các cuộc đụng độ liên quan đến các tàu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cho biết các yêu sách cạnh tranh về tuyến đường thủy chiến lược phải được giải quyết theo các quy tắc quốc tế.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển, nơi diễn ra các hoạt động vận tải thương mại trị giá hơn 23,9 triệu tỷ đồng (một nghìn tỷ đô la Mỹ) hằng năm. Trung Quốc cũng phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế rằng khẳng định của Bắc Kinh không dựa trên cơ sở pháp lý nào.

“Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc ủng hộ kiên định đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”, Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố trong chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.

Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi “sự tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được chào đón tại Việt Nam. NGUỒN VIDEO: REUTERS

Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác. Đây được nhiều người coi là một cách để chống lại sự gây hấn ngày càng tăng của ĐCSTQ trong khu vực. Quan hệ đối tác mới bao gồm một thỏa thuận về chất bán dẫn, trong đó Hoa Kỳ cam kết giúp Việt Nam phát triển năng lực và mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, còn có một phần về khoáng sản đất hiếm, được sử dụng để sản xuất các thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh và pin xe điện.

Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới. Theo các quan chức Hoa Kỳ, Hà Nội có vai trò quan trọng trong thời điểm Washington đang tìm cách đa dạng hóa và tăng cường chuỗi cung ứng.

Việt Nam, quốc gia đã trải qua cuộc chiến tranh với Trung Quốc từ năm 1979 đến năm 1988, luôn cảnh giác với quốc gia láng giềng phía bắc khổng lồ của mình. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối với nhiều đảo nhỏ và mỏm đá rải rác trên Biển Đông.

Vào đầu tháng 9 năm 2023, Philippines đã cáo buộc các tàu tuần duyên và tàu dân quân của ĐCSTQ quấy rối hai tàu Tuần duyên trong quá trình tiếp tế cho các thủy thủ Hải quân Philippines đóng quân trên Bãi Cỏ Mây. ĐCSTQ triển khai hàng trăm tàu tuần tra Biển Đông và tràn ngập các rạn san hô tranh chấp. Manila cho biết những tàu này thường xuyên chặn hoặc theo dõi các tàu Philippines trong vùng biển tranh chấp.

Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh bùng lên vào tháng 8 năm 2023, khi tàu của ĐCSTQ sử dụng vòi rồng cản trở nhiệm vụ tiếp tế của Philippines đến Bãi cạn Second Thomas, ngăn cản một con tàu vận chuyển hàng hóa của Philippines. Theo các báo cáo, cùng tháng đó, một thủy thủ đoàn tàu cá Việt Nam cũng bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng. Họ cho biết rằng một thành viên thủy thủ đoàn bị gãy tay, còn thuyền trưởng bị thương ở đầu. Kể từ năm 2014, ít nhất 98 tàu thuyền của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc phá hủy, theo hiệp hội đánh bắt cá trên đảo Lý Sơn ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Hòn đảo này là nơi sinh sống của hàng trăm gia đình có sinh kế phụ thuộc vào việc đánh bắt cá ở vùng biển tranh chấp.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button