Chống lại vi-rút nhận thức của Trung Quốc
Thiếu tá Ya-Chi Huang/Quân đội Đài Loan
Trong những năm gần đây, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đã tiến hành các chiến dịch thông tin và các chiến dịch nhận thức thông qua các “trang trại nội dung” — các trang web và các thực thể liên quan tung ra một lượng lớn nội dung chất lượng thấp để tuyên truyền — nhằm gây ảnh hưởng đến người dân Đài Loan và kích động các cuộc xung đột nội bộ trên hòn đảo tự quản này, nơi Trung Quốc tuyên bố phải được hợp nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết. Tuy nhiên, kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Hồng Kông vào giữa năm 2019 về dự luật dẫn độ của Trung Quốc và những hành vi vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tân Cương được đưa ra ánh sáng, người dân Đài Loan đã cảnh giác hơn với những chiến dịch tung tin sai lệch như vậy, đặc biệt là những chiến dịch bắt nguồn từ Trung Quốc.
Kết quả là, Trung Quốc đã bị buộc phải thay đổi chiến thuật. Do đó, khi Đài Loan phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 vào tháng 5 năm 2021, đó chính là cơ hội để Trung Quốc tiến hành các chiến dịch nhận thức của mình. Giờ đây, Trung Quốc không chỉ sử dụng những kẻ quấy rối kiểu cũ trên mạng internet, chẳng hạn như Đội quân 50 Xu hay các nhà ngoại giao “chiến binh sói”, mà còn khai thác các trang mạng xã hội và nền tảng mới để tiếp tục lan truyền thông tin sai lệch và tin giả về các vấn đề gây tranh cãi với hy vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở Đài Loan và làm suy yếu lòng tin của người dân vào chính phủ của họ. Vì vậy, khi những vi-rút nhận thức này của Trung Quốc lây lan đến các mạng xã hội của Đài Loan vào tháng Năm năm 2021, điều này đã trở thành cuộc khủng hoảng khác ngoài COVID-19.
LAN TRUYỀN QUA MẠNG XÃ HỘI
Theo Báo cáo Internet Đài Loan năm 2020, Đài Loan có gần 19 triệu người dùng internet, trung bình họ có mặt trên mạng tám giờ mỗi ngày và có tám tài khoản truyền thông xã hội. Đó là một dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của mạng xã hội Đài Loan. Nhìn vào tháng 5 năm 2021 và đợt bùng phát vi-rút corona, số lượng các trang Facebook và kênh YouTube tăng lên và nhiều thông tin sai lệch xuất hiện trên ứng dụng nhắn tin được dùng chủ đạo của Đài Loan, Line.
Các vi-rút nhận thức của Trung Quốc được chia thành ba loại: tấn công chính phủ Đài Loan, phát biểu thay cho Trung Quốc và tạo ra sự hỗn loạn xã hội. Lúc đầu, các chủ đề thường được đề cập bao gồm đặt câu hỏi về sự an toàn của vắc-xin COVID-19 do Đài Loan tự sản xuất và chỉ trích các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở đây. Khi Chính phủ Đài Loan bày tỏ quan ngại về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của Hồng Kông và việc đóng cửa tờ báo Apple Daily ở Hồng Kông, các hoạt động mạng xã hội do Trung Quốc điều hành đã chỉ trích việc ngăn chặn dịch bệnh của Đài Loan là không đủ. Ở hạng mục thứ hai, Trung Quốc nêu bật việc các công dân Đài Loan được tiêm chủng ở Trung Quốc, ca ngợi chất lượng vắc-xin của Trung Quốc và cách họ đã giúp các quốc gia khác ứng phó với đại dịch. Trong cách tiếp cận thứ ba, Trung Quốc bịa đặt những tuyên bố vô lý liên quan đến việc các quốc gia khác trao tặng vắc-xin cho Đài Loan, bao gồm Nhật Bản, Litva, Ba Lan, Slovakia và Hoa Kỳ. Trong khi Đài Loan trân trọng những lô vắc-xin được tặng đó, thì Trung Quốc lại khó chịu. Ví dụ, khi vắc-xin AstraZeneca từ Nhật Bản đến Đài Loan, thông tin sai lệch về tác dụng phụ đã lan truyền trên mạng xã hội. Khi Hoa Kỳ công bố các lô vắc-xin tặng cho Đài Loan, một chiến dịch thông tin sai lệch khác của Trung Quốc đã tìm cách gắn việc quyên tặng với việc bán vũ khí. Tương tự như vậy, khi các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến thăm hòn đảo này, những kẻ tuyên truyền Trung Quốc rêu rao các quan chức đang đánh giá các tuyến đường di tản. Tóm lại, Trung Quốc tìm cách thôi thúc cảm giác tức giận và tạo ra sự sợ hãi và hoảng loạn trong người dân Đài Loan.
TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG KHÁNG CỰ CỦA XÃ HỘI
Trung Quốc sử dụng ba phương pháp để lây lan vi-rút nhận thức của mình: tạo ra xung đột nội bộ, nhen nhóm cảm giác ức chế trong dân chúng, và chia rẽ rồi cai trị. Bằng cách chiêu mộ những kẻ tiếp tay ở địa phương để khơi mào những cuộc tranh cãi và lan truyền thông tin sai lệch, Trung Quốc tìm cách điều khiển dư luận ở Đài Loan và khơi lên cảm giác bất mãn và tức giận nhằm vào chính phủ. Ngoài ra, Trung Quốc rất giỏi bắt tay với đối thủ phụ để chiến đấu với đối thủ chính. Do đó, khi kết giao với những người địa phương, Trung Quốc không hỗ trợ các nhóm lợi ích nhất định mà chỉ sử dụng họ để gây ảnh hưởng và chống lại chính phủ ở Đài Loan.
Trước mối đe dọa đến từ vi-rút nhận thức của Trung Quốc, Quân đội Đài Loan đang nỗ lực tăng cường khả năng kháng cự và niềm tin của người dân vào quốc phòng thông qua việc quảng bá văn hóa. Những nỗ lực này đã được thực hiện không chỉ trong bối cảnh những thách thức của đại dịch mà còn trong đợt hạn hán tồi tệ nhất của Đài Loan trong vòng 56 năm qua cũng như sự xâm nhập liên tục của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Các đơn vị chiến đấu và hỗ trợ của Quân đội Đài Loan chú tâm vào việc chống lại những khó khăn này và, trong khi chống lại vi-rút nhận thức của Trung Quốc, hy vọng rằng các biện pháp nhận thức văn hóa cũng có thể thúc đẩy tinh thần của Binh sĩ và thường dân. Ví dụ, để làm rõ thông tin sai lệch ngay lập tức, trang web của Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND) không chỉ có mục làm rõ thông tin sai lệch mà còn đăng cả thông tin làm rõ trên các trang mạng xã hội mỗi khi xác định được thông tin sai lệch.
Ngoài ra, MND tiếp tục thích ứng để tạo ra các chiến dịch quảng bá văn hóa sáng tạo và đổi mới, đăng tải chúng trên các trang mạng xã hội và các nền tảng internet khác. Họ cũng đã hợp tác với một trong những công ty truyền hình lớn nhất Đài Loan để sản xuất một chương trình có tên là “ĐẤU TRANH” (“FIGHTING”) kể từ năm 2018. Những người nổi tiếng được mời tham gia chương trình để trải nghiệm cuộc sống quân đội và nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề quân sự. Để kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang Đài Loan, MND đã hợp tác với một công ty tư nhân để thiết kế một con tàu đầy màu sắc, mang chủ đề quân đội theo phong cách đô thị cho hệ thống đường sắt tàu điện ngầm. Con tàu này cũng giới thiệu một linh vật chó — chó Shiba Inu — làm đại sứ thiện chí để thu hút các nhóm trẻ hơn và để giới thiệu Lực lượng Vũ trang Đài Loan với hình ảnh dễ tiếp cận, thân thiện và sống động. Không giống như các chiến dịch trước có xu hướng thực tế hoặc trầm buồn, loạt thiết kế mới nhất mang phong cách ngọt ngào và lạc quan, phản ánh mong muốn mô tả quân đội như những người gần gũi và dung dị.
DỰNG LÊN BỨC TƯỜNG LỬA NHẬN THỨC
Để chống lại vi-rút nhận thức của Trung Quốc một cách hiệu quả, quân đội Đài Loan phải nâng cao khả năng công khai văn hóa và xây dựng sức đề kháng của quân đội. Bằng cách hợp tác với các bộ khác và phổ biến kiến thức quân sự trên phạm vi rộng rãi nhất có thể, MND hy vọng sẽ củng cố niềm tin của người dân vào Lực lượng Vũ trang và nâng cao nhận thức về các chiến dịch thông tin sai lệch của Trung Quốc. Cũng giống như nhà phân tích quân sự đã về hưu của Hoa Kỳ Timothy L. Thomas đã viết trong bài viết “Tâm trí Không có Bức tường Lửa” (“The Mind Has No Firewall”), được xuất bản trong tạp chí học thuật hàng quý của Trường Cao đẳng Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ, không thể bỏ qua tầm quan trọng của tâm trí, ý thức và tinh thần của một người khi tập trung vào các hệ thống phần cứng. Với việc Trung Quốc vẫn kiên trì tung ra nội dung tuyên truyền về việc hợp nhất đến người dân Đài Loan, điều tối quan trọng là MND phải hợp tác nhiều hơn với các bộ khác và xây dựng một bức tường lửa vững chắc trong tâm trí người dân để chống lại thông tin sai lệch và giảm mức độ hiệu quả của các chiến dịch đánh vào nhận thức của Trung Quốc.
Khi vi-rút corona đã biến thể, các loại vi-rút nhận thức của Trung Quốc cũng đã thay đổi. Đài Loan là mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc đối với các hoạt động về nhận thức và thông tin. Mục tiêu của Bắc Kinh là lan truyền thông tin sai lệch của mình trên toàn thế giới, đó chính là việc họ đang làm lúc này. Do đó, cũng giống như các quốc gia phát triển thêm vắc-xin để bảo vệ người dân chống lại vi-rút corona, họ phải phát triển vắc-xin để chống lại vi-rút nhận thức. Những gì xảy ra ở Đài Loan có thể là một bài học cho tất cả các quốc gia có nền dân chủ và tự do cũng như coi trọng tiếng nói của người dân — giống như Đài Loan.
Bài viết này đã được xuất bản trong ấn phẩm tháng Bảy – tháng Tám năm 2023 của tạp chí The Officer Review, tạp chí The Military Order of the World War, Tập 62 Số 4. Bài viết đã được biên tập để phù hợp với hình thức của DIỄN ĐÀN. https://moww.org/wp-content/uploads/2023/06/Officer-Review_July-August-2023-New-web-edition.pdf
Thiếu tá Ya-Chi Huang là Thiếu tá trong Quân đội Đài Loan và là nhà lãnh đạo của bộ phận trong đơn vị chương trình phát thanh Trung Quốc, Đài tiếng nói Hán của Đài Loan và nhóm Chiến tranh Tâm lý. Năm 2013 bà tốt nghiệp Trường Cao đẳng Fu Hsin Kang của Đại học Quốc phòng Đài Loan và đỗ bằng Cử nhân Phát triển Báo chí. Bà cũng là Cố vấn trưởng trong các đơn vị của Kho Bảo trì Kết hợp Longtan Loại A thuộc Bộ Tư lệnh Hỗ trợ Khu vực 3, Nhóm Hóa chất số 33 của Bộ Tư lệnh Quân khu 6, và Tiểu đoàn Phục vụ của Trụ sở Bộ Tư lệnh Quân đội. Một phần trong các nhiệm vụ của Thiếu tá Huang là nghiên cứu các vấn đề xã hội và văn hóa xuyên eo biển. Trong sự nghiệp của bà trong Đài tiếng nói Hán của Đài Loan, bà đã giành được Giải thưởng Bánh xe vàng năm 2019 của Đài Loan đối với hạng mục Tin tức về dịch vụ công cộng (Tin tức truyền thông của Đài phát thanh).