Các bài nổi bậtĐông Bắc ÁNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Vững vàng Chống lại Chủ nghĩa Bành trướng mới của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc)

Các Quốc gia Phản ứng trước việc Bắc Kinh đặt Ưu tiên cho các Mối quan ngại về An ninh

Nhân viên DIỄN ĐÀN | Ảnh của Reuters

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các quốc gia — đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương — coi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) là mối đe dọa an ninh. Các dấu hiệu gồm có kế hoạch tăng mạnh chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản, ứng cử viên gay gắt chỉ trích chủ nghĩa ép buộc của Trung Quốc trúng cử tổng thống Hàn Quốc và việc lần đầu tiên, bốn đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tham gia hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Những động thái này và nhiều động thái khác diễn ra khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ ưu tiên các mối quan tâm về an ninh hơn tất cả các mối quan tâm khác. Năm 2014, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đưa ra khái niệm về an ninh riêng của Trung Quốc và nhắc lại các điều khoản của khái niệm này trong Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào tháng 10 năm 2022 khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử vị trí lãnh đạo đảng trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba. Chính sách an ninh quốc gia toàn diện này bao gồm 16 lĩnh vực quản trị, trong đó có an ninh văn hóa, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh quân sự. 

Helena Legarda, nhà phân tích chính của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator có trụ sở tại Berlin, chia sẻ với DIỄN ĐÀN. “Bắc Kinh có thể coi bất kỳ lĩnh vực chính sách nào là vấn đề an ninh quốc gia nếu vấn đề đó có thể gây ra thách thức cho chế độ và hệ thống chính trị”. 

Phần nào đó trong cách Trung Quốc nhận thức các mối đe dọa bên trong và bên ngoài, dường như đưa đến mục tiêu chính sách là tự lực. “Trên thực tế, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất trong trường hợp họ cần ngắt kết nối với phương Tây”, bà Legarda cho biết.

Hàng loạt phản ứng trước chính sách quyết đoán của Trung Quốc đã trỗi dậy trong số các quốc gia lo ngại về tình cảnh ép buộc. Trong số này, rất nhiều quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu hoặc tránh “nhất biên đảo” trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. “Các quốc gia đang tìm cách giải quyết tranh chấp tốt nhất có thể hoặc ít nhất là kiểm soát tình huống leo thang và cố gắng giữ mối quan hệ tốt với tất cả các cường quốc trong khu vực”, bà Legarda nói. 

Tuy nhiên, trong các lĩnh vực như đánh bắt cá thương mại, chủ quyền lãnh thổ và triển khai sức mạnh quân sự, nhiều quốc gia vẫn thể hiện mối quan ngại. “Khi xem xét phản ứng của các quốc gia, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, tôi nghĩ rằng chúng ta sắp thấy một mô hình”.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đi đầu, sau đó là các uỷ viên Bộ Chính trị mới trong Đại hội Đảng lần thứ 20 tại Bắc Kinh vào tháng 10 năm 2022.

Đặc biệt là Úc, Ấn Độ và Nhật Bản — tất cả các nền dân chủ và đối tác với Hoa Kỳ trong quan hệ đối tác Bộ Tứ — đang ngày càng có phản ứng táo bạo hơn trước việc ĐCSTQ tăng cường quân sự kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. “Trong bốn hoặc năm năm qua, chúng ta đã chứng kiến một nước Trung Quốc nơi mà chủ nghĩa thực dụng bị gạt ra ngoài lề, thay vào đó là sự ủng hộ ý thức hệ”, bà Legarda nói. “Đó là một nước Trung Quốc dường như sẵn sàng chấp nhận đánh đổi chi phí kinh tế hoặc danh tiếng để phục vụ các mục tiêu chiến lược và chính trị lớn lao của mình”.

Ông Phillip C. Saunders, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các Vấn đề Quân sự của Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ, thấy điều này thật trớ trêu. 

“Trung Quốc lo ngại về khả năng các quốc gia Bộ Tứ bắt tay với nhau theo hình thức thể chế hóa hơn để tạo ra ảnh hưởng nhiều hơn đối với an ninh khu vực”, ông Saunders chia sẻ với FORUM. “Nhưng chính những hành động của Trung Quốc lại đang kích thích nhận thức về mối đe dọa ở tất cả các thành viên Bộ Tứ theo cách khiến các quốc gia này muốn tăng cường hợp tác an ninh… và có khả năng khiến các quốc gia khác quan tâm đến việc gia nhập Bộ Tứ, hoặc theo một hình thức nào đó như mô hình Bộ Tứ Mở rộng”.

Có hai diễn biến khiến người ta nhận thức rõ hơn về mối đe dọa mới của Trung Quốc, ông Saunders nói. Đầu tiên, Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army – PLA) đã tăng cường khả năng lớn hơn và sẵn sàng hơn trong việc triển khai sức mạnh, như chúng ta đã thấy trong việc triển khai hai tàu sân bay quanh Đài Loan, hòn đảo tự quản mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình và tại Biển Đông, cũng như trong các nhiệm vụ ném bom mô phỏng tầm xa và phát triển máy bay chiến đấu tiên tiến hơn. Thứ hai là phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8 năm 2022 của phái đoàn Hoa Kỳ do Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi dẫn đầu. “Trung Quốc không hài lòng về chuyến thăm này và chọn cách thể hiện sự bất mãn đó bằng các biện pháp quân sự”, ông Saunders nói. “Các biện pháp này chắc chắn đã thu hút sự chú ý ở Đài Loan, cũng như thu hút sự chú ý ở những nơi khác trong khu vực”. Trong vòng vài ngày sau chuyến thăm, PLA đã tổ chức các cuộc tập trận lớn xung quanh Đài Loan và bắn tên lửa đạn đạo rơi xuống gần các cảng của đảo Đài Loan và trong vùng biển bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, khiến Bắc Kinh phải đối mặt với một cuộc biểu tình ngoại giao.

Việc Hàn Quốc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD để phòng vệ trước các cuộc tấn công tên lửa của Bắc Triều Tiên đã dẫn đến các biện pháp hạn chế thương mại trả đũa tốn kém từ phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ông Raymond Kuo, nhà khoa học chính trị của Rand Corp., một nhóm nghiên cứu và phân tích an ninh có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết các quốc gia lo ngại về các hành vi gây bất ổn của Trung Quốc đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ khi các hành vi khiến các quốc gia phải phản ứng. “Hành vi hiếu chiến của Trung Quốc đang khiến các quốc gia muốn hướng về phía Hoa Kỳ”, ông Kuo nói với FORUM. “Hoa Kỳ bắt đầu đảm nhận vai trò lãnh đạo để đưa ra một phản ứng khu vực và thống nhất hơn trước thách thức của Trung Quốc”.

Ông Kuo cho biết, Nhật Bản đã thể hiện nhiều hành động phản kháng mạnh mẽ nhất trước chủ nghĩa gây hấn của Trung Quốc, bao gồm tuyên bố với Hoa Kỳ vào năm 2021 xác định Eo biển Đài Loan giữa Trung Quốc và Đài Loan — tuyến đường vận chuyển quan trọng đối với Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các quốc gia khác — là mối quan tâm an ninh hàng đầu. Đây là tuyên bố chung đầu tiên về nội dung này của hai quốc gia đồng minh trong hơn năm thập kỷ qua. Ngoài ra, Nhật Bản đã thành lập một bộ an ninh kinh tế vào tháng 5 năm 2022 để bảo vệ chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và công nghệ hàng đầu. Động thái này phản ánh những lo ngại ngày càng tăng về chủ nghĩa cản trở thương mại và gián điệp kinh tế của Trung Quốc, theo bài tiểu luận cho Diễn đàn Đông Á của ông Toshiya Takahashi thuộc Đại học Shoin, Nhật Bản. “Luật này giúp Nhật Bản hợp tác an ninh với Hoa Kỳ và Úc — cả hai đều dễ tiếp nhận các biện pháp đối phó kinh tế chống lại Trung Quốc”, ông Takahashi viết.

Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản khi Tokyo xuất bản sách trắng quốc phòng hàng năm vào tháng 7 năm 2022, trong đó nêu bật những hậu quả từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, sự đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan cũng như các chuỗi cung ứng công nghệ dễ bị tổn thương trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh quốc gia ngày càng nghiêm trọng hơn. Sách trắng ghi nhận kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng và phát triển khả năng phản công của Nhật Bản. Trung Quốc cho biết sách trắng chứa đựng “những nội dung cáo buộc và bôi nhọ” chống lại chính sách quốc phòng của Trung Quốc và là một nỗ lực của Nhật Bản nhằm “tìm lý do bào chữa cho kho vũ khí quân sự mạnh mẽ của chính nước này”.

Theo tạp chí tin tức trực tuyến The Diplomat, Tokyo và Bắc Kinh đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1972. Cảm giác thiện cảm chung của Nhật Bản đối với Trung Quốc đạt mức cao nhất vào năm 1980, khi một cuộc thăm dò của chính phủ Nhật Bản cho thấy 79% dân số có hình ảnh tích cực về Trung Quốc. Bốn thập kỷ sau, vào năm 2021, các cuộc thăm dò bí mật chỉ ra rằng hơn 90% dân số Nhật Bản có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc, The Diplomat đưa tin.

Các biện pháp hạn chế do Hoa Kỳ dẫn đầu đối với việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhắm vào các công ty Trung Quốc như tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba.

Các ví dụ khác về phản ứng trước chủ nghĩa quyết đoán của Trung Quốc:

Hàn Quốc đã tìm cách tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và Nhật Bản kể từ khi Tổng thống Yoon Suk Yeol thắng cử trong cuộc bầu cử tháng 3 năm 2022, theo ông Saunders. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Yoon Suk Yeol lưu ý rằng Trung Quốc đã áp đặt các lệnh hạn chế kinh tế khiến Hàn Quốc thiệt hại khoảng 174 nghìn tỷ đồng (7,5 tỷ đô la Mỹ) để đáp trả việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ năm 2017. Đây là Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (Terminal High Altitude Area Defense – THAAD) nhằm bảo vệ Hàn Quốc trước các cuộc tấn công tên lửa của Bắc Triều Tiên. Trong bài tiểu luận viết vào tháng 2 năm 2022 cho tạp chí Foreign Affairs, ứng cử viên Yoon Suk Yeol lúc đó kêu gọi “đối thoại chiến lược cấp cao” với Trung Quốc nhưng cho rằng ông sẽ không để tình trạng phụ thuộc của Hàn Quốc vào quan hệ thương mại với Trung Quốc quyết định các điều khoản trong mối quan hệ của hai quốc gia hoặc chính sách đối ngoại nói chung của Hàn Quốc. Việc Trung Quốc trả đũa THAAD, vốn được coi là mối đe dọa đối với lợi ích của chính Trung Quốc, “có tác động lâu dài đến quan điểm của người dân Hàn Quốc về Trung Quốc, cũng như đến quan điểm của chính phủ và quân đội Hàn Quốc”, ông Saunders nói. “Các tuyên bố của Hàn Quốc thẳng thắn hơn về ý định và khả năng quân sự của Trung Quốc.”

Việt Nam có thể đã thể hiện hành vi kháng cự quyết liệt nhất trước chính sách ép buộc hàng hải của Trung Quốc, khi có tới 30 tàu hải quân của Hà Nội thách thức tới 160 tàu Trung Quốc trong cuộc đối đầu vào tháng 5 năm 2014 khi Trung Quốc khoan thăm dò dầu khí trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông ông Kuo cho biết. Hàng trăm tàu được cho là đã bị đâm đụng trong tháng cuối cùng của vụ việc căng thẳng. Sự cố này cũng như các sự cố khác liên quan đến việc kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, việc nạo vét và quân sự hóa các rạn san hô nhân tạo của PLA và các thực thể hàng hải khác đã khiến Việt Nam “tìm cách lôi kéo các cường quốc bên ngoài để cân bằng tình hình”, ông Saunders nói. Trong sách trắng quốc phòng năm 2019, Việt Nam đã nêu chi tiết quá trình xâm lược của Trung Quốc mà Việt Nam phải đối mặt, bao gồm “cưỡng chế đơn phương và dựa trên sức mạnh, vi phạm luật pháp quốc tế, quân sự hóa, thay đổi hiện trạng và vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán”. Việt Nam đang hợp tác với Không quân Hoa Kỳ để phát triển khả năng quân sự và dần bớt phụ thuộc vào vũ khí của Nga và ảnh hưởng của Trung Quốc, Tạp chí Các vấn đề Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Đại học Hàng không (Air University’s Journal of Indo-Pacific Affairs) đưa tin vào tháng 12 năm 2021. Ông Saunders cho biết, mặc dù có quan hệ kinh tế bền chặt và hệ tư tưởng chung, người Việt Nam đã cho thấy “chủ nghĩa dân tộc là một lực lượng mạnh mẽ, và điều này gây ra sự nghi ngờ của Trung Quốc. Việt Nam đang chơi một trò chơi tinh tế với các yếu tố ngoại giao, quân sự và kinh tế”.

Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra chiến tranh biên giới vào năm 1962. Căng thẳng tiếp tục bùng phát sau đó. Tháng 6 năm 2020, một cuộc đụng độ nổ ra khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và theo một số nguồn tin, có tới 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng, tờ The Times of India đưa tin. Tháng 11 năm 2021, các quan chức quân sự Ấn Độ đã gọi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh số 1 của quốc gia này và tuyên bố sẽ đối phó với các cuộc xâm phạm biên giới. Là một quốc gia không liên kết, Ấn Độ không tham gia vào các liên minh quân sự chính thức, nhưng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận với Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác. Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đều là thành viên của nhóm kinh tế BRICS cùng với Brazil, Nga và Nam Phi nhưng với tư cách là thành viên Bộ Tứ, Ấn Độ đã ban hành một tuyên bố chung chê trách Trung Quốc, trong đó lên án các hành động ở Biển Hoa Đông và Biển Đông như quân sự hóa các thực thể tranh chấp, sử dụng các tàu tuần duyên và dân quân biển một cách nguy hiểm cũng như nỗ lực ngăn cản các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác”. Ông Saunders mô tả chính sách của Ấn Độ là “một cách phòng vệ trước Trung Quốc, nhưng khi các quan ngại về an ninh gia tăng, Ấn Độ sẵn sàng hợp tác hơn nữa với Hoa Kỳ để phòng vệ”.

Úc cùng Vương quốc Anh và Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2021, đã công bố một hiệp ước an ninh mà sẽ giúp mang đến cho Úc khả năng quân sự tiên tiến, bao gồm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị vũ khí thông thường. Sau cuộc họp vào tháng 5 năm 2023 với người đồng cấp Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã bày tỏ sự ủng hộ đối với hiệp ước an ninh này, cho biết ông tin tưởng Úc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực. Theo báo The Guardian, ông Balakrishnan cho biết “AUKUS đóng góp tích cực cho an ninh khu vực nên chúng tôi ủng hộ hiệp ước này”. “Chúng tôi cảm thấy thoải mái với cả ba đối tác trong AUKUS, bởi vì với mỗi quốc gia trong số này, chúng tôi đều có mối quan hệ lâu dài. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng chúng tôi có thể hợp tác với nhau.  

Năm 2022, các nhà lãnh đạo quốc phòng cũng nhắc lại kế hoạch luân chuyển thêm lực lượng lục quân, hải quân và không quân Hoa Kỳ đến Úc trong bối cảnh các quốc gia đều quan ngại khi Trung Quốc gia tăng triển khai sức mạnh. Trên các mặt trận khác, Úc kêu gọi thực hiện điều tra về nguồn gốc của COVID-19 ở Trung Quốc, áp dụng lệnh cấm mạng 5G đối với công ty truyền thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc và điều tra các công dân Trung Quốc theo luật can thiệp nước ngoài mới của Canberra. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm của Úc như than, hải sản và rượu vang. Ngoài ra, vào tháng 6 năm 2022, Úc tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với tư cách là một trong những đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của liên minh an ninh này, cùng với Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Khái niệm Chiến lược 2022 của NATO lần đầu tiên chỉ ra Trung Quốc là mối đe dọa đối với các giá trị và nguyên tắc của liên minh, lên án “các chính sách ép buộc” của quốc gia cộng sản này và kết luận rằng Trung Quốc đang “cố gắng phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm cả trong các lĩnh vực không gian, không gian mạng và hàng hải”. Trong khi đó vào tháng 11 năm 2022, hai nhà lãnh đạo Úc và Trung Quốc đã phát biểu lần đầu tiên kể từ năm 2016.

New Zealand đặt câu hỏi về chính sách quyết đoán của Trung Quốc. Theo tờ South China Morning Post, cũng trong hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2022, Thủ tướng New Zealand lúc đó, bà Jacinda Ardern kêu gọi chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc đã “trở nên quyết đoán hơn và sẵn sàng thách thức các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”. Trong những năm gần đây, New Zealand đã tham gia vào hơn 20 tuyên bố quốc tế chỉ trích các hành động của ĐCSTQ, bao gồm cả việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở phía tây bắc Trung Quốc và làm xói mòn các quyền dân sự ở Hồng Kông, tờ The Economist đưa tin vào tháng 10 năm 2022. Tháng 10 năm 2022, New Zealand cũng nằm trong số 50 quốc gia, bao gồm cả Úc và các Quốc đảo Thái Bình Dương bao gồm Marshall, Nauru và Palau, ban hành một tuyên bố chung tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, lên án rằng cách đối xử của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ “có thể cấu thành tội ác quốc tế, đặc biệt là tội ác chống lại loài người”. 

Các quốc gia Baltic bao gồm Estonia, Latvia và Lithuania gần đây đã rút khỏi sáng kiến do Bắc Kinh dẫn đầu là Hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung và Đông Âu (Cooperation between China and Central and Eastern European Countries). Các quyết định được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc bị chỉ trích vì gây sức ép quân sự leo thang đối với Đài Loan và Bắc Kinh tăng cường quan hệ với Matxcơva bất chấp cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Việc Lithuania rút khỏi sáng kiến trên diễn ra cùng lúc với sự kiện khai trương văn phòng thương mại Đài Loan tại thủ đô Vilnius. Quốc gia vùng Baltic này theo đuổi chính sách đối ngoại “ưu tiên các giá trị”, cam kết “sẽ tích cực phản đối bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền và tự do dân chủ nào, đồng thời bảo vệ những người đang đấu tranh cho tự do trên toàn thế giới, từ Belarus đến Đài Loan”. Trung Quốc phản ứng bằng cách cấm hàng hóa xuất khẩu từ Lithuania.

Liên minh châu Âu đưa tin, tháng 2 năm 2022, 30 quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tham dự Diễn đàn Bộ trưởng Hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương (Ministerial Forum for Cooperation in the Indo-Pacific) tại Paris. Trong số các “tham vọng chung” được thảo luận trong diễn đàn, bộ trưởng các quốc gia tham dự có nói đến an ninh hàng hải và an ninh mạng — hai lĩnh vực mà Trung Quốc đang xảy ra mâu thuẫn với các quốc gia khác. Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với hơn mười quốc gia, bao gồm cả bất đồng về chủ quyền đối với các đảo và quyền hàng hải ở Biển Đông. Ngoài ra, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) vào tháng 10 năm 2022, các tin tặc có quan hệ với Trung Quốc cũng bị cáo buộc về các cuộc tấn công mạng trên toàn thế giới, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào “nhiều chính phủ Đông Nam Á… sử dụng phần mềm độc hại tùy chỉnh có liên quan đến các nhóm do nhà nước Trung Quốc tài trợ”.

Hoa Kỳ đang chống lại hành vi quyết đoán của Trung Quốc theo những cách mới. Sáng kiến An ninh Hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương (Indo-Pacific Maritime Security Initiative) sẽ tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải giữa các quốc gia dọc Biển Đông và ở khu vực Nam Á. Chỉ riêng Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (Pacific Deterrence Initiative) của Hoa Kỳ đã có trị giá 141,5 nghìn tỷ đồng (6,1 tỷ đô la Mỹ), nhắm đến Trung Quốc và lưu ý rằng “rất nhiều khoản đầu tư và nỗ lực của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tập trung vào mối đe dọa này và tăng cường răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương”. Chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (U.S. Indo-Pacific Strategy) được công bố vào tháng 2 năm 2022 ghi nhận tình trạng cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc và cam kết thực hiện các sáng kiến bao gồm năm liên minh hiệp ước của Hoa Kỳ trong khu vực, cũng như tăng cường Bộ Tứ, hỗ trợ Ấn Độ tiếp tục lãnh đạo khu vực và mở rộng sự hiện diện ngoại giao của Hoa Kỳ. Ông Saunders cũng chỉ ra những hạn chế mới mà Hoa Kỳ áp đặt đối với việc bán vi mạch cho Trung Quốc và nói rộng ra là những hạn chế đối với các sản phẩm sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ. Những hạn chế trước đây tập trung vào công nghệ có thể hỗ trợ khả năng hạt nhân của Trung Quốc. “Bây giờ, theo nghĩa chung hơn, chúng tôi không muốn Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh hiện đại với các mạch tích hợp. Chúng tôi không muốn Trung Quốc sở hữu ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo đẳng cấp thế giới”, ông Saunders nói. Hoa Kỳ kêu gọi các quốc gia có cùng chí hướng tuân thủ các hạn chế mới và bắt đầu tách một phần nền kinh tế và chuỗi cung ứng của các quốc gia này khỏi Trung Quốc. “Chúng tôi sẽ dựa vào Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á cân nhắc kỹ càng những giao dịch của họ với Trung Quốc”, ông Saunders phát biểu. “Chúng tôi cũng đang làm điều tương tự với châu Âu”.

Trong số nhiều quốc gia lo ngại về mối đe dọa ngày càng gia tăng của Trung Quốc có các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations – ASEAN). Các quốc gia ASEAN hiện đang đàm phán với Bắc Kinh bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông về hàng hải, yêu sách lãnh thổ và các vấn đề khác. Các cuộc đàm phán diễn ra trong một thập kỷ nhưng dường như có rất ít hy vọng tiến triển, ông Kuo, nhà phân tích của Rand Corp cho biết. Trong số các điểm gây tranh cãi trong quá trình đàm phán ở Biển Đông: Trung Quốc khăng khăng tiến hành thỏa thuận song phương với từng quốc gia thành viên riêng lẻ như Philippines và Việt Nam chứ không phải với toàn bộ khối ASEAN. “Nếu ASEAN có thể cùng nhau hành động với vai trò là một khối thì hiệp hội sẽ có nhiều quyền lực hơn và nhiều khả năng định hình khu vực hơn”, ông Kuo nói. 

Tuy nhiên, ông Saunders cho biết, các cuộc đàm phán kéo dài đã vạch trần ý định thực sự của Trung Quốc: hạn chế tự do và chủ quyền của các quốc gia ASEAN. Ví dụ, Trung Quốc muốn hạn chế khả năng các thành viên ASEAN tiến hành tập trận quân sự với các quốc gia bên ngoài hay khai thác tài nguyên dầu mỏ với sự hỗ trợ của các công ty nước ngoài. “Trung Quốc muốn chỉ có các công ty ASEAN hoặc các công ty Trung Quốc”, ông Saunders nói. “Tiến trình thực hiện các cuộc đàm phán đã làm rõ điều nhiều quốc gia lo ngại, đó là một nước Trung Quốc đang cố gắng thống trị khu vực và quyết định điều xảy ra ở đó hoặc ít nhất là có quyền phủ quyết đối với những điều xảy ra ở khu vực này”. Cách tiếp cận cứng rắn này dẫn đến cảm giác ngờ vực về Trung Quốc trong khu vực. Khảo sát về Tình trạng Đông Nam Á năm 2022 (2022 State of Southeast Asia Survey) do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak (ISEAS-Yusof Ishak Institute of Southeast Asian Studies) của Singapore thực hiện cho thấy 64% số người được hỏi ở các quốc gia ASEAN hoan nghênh ảnh hưởng về mặt khu vực, chính trị và chiến lược của Hoa Kỳ và 53% tin tưởng Hoa Kỳ sẽ làm điều đúng đắn liên quan đến hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị toàn cầu. So sánh với các con số tương ứng cho trường hợp của Trung Quốc: 24% và 27%.  

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button