Các bài nổi bậtĐông Nam ÁKhu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIPNhững Khu vực Chung của Thế giới

Phong trào hiện đại

Thứ Trưởng Quốc Phòng Indonesia Thảo Luận Về Chiến Lược Hiện Đại Hóa Quốc Phòng Của Nước Này

Gusty Da Costa

Trung tướng (đã về hưu) Muhammad Herindra là Thứ trưởng Quốc phòng Indonesia dưới thời Tổng thống Joko Widodo kể từ tháng 12 năm 2020. Là sĩ quan Quân đội cấp cao, ông Muhammad Herindra từng là Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia (General Staff of the Indonesian National Armed Forces), cũng như là chỉ huy Lực lượng Quân đội Đặc biệt Kopassus (Army Special Forces Kopassus) vào năm 2015 và là chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân sự Khu vực III/Siliwangi (Regional Military Command III/Siliwangi) vào năm 2016. Ông tốt nghiệp thủ khoa Học viện Quân sự Indonesia năm 1987. 

Mục tiêu chính của các kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng của Indonesia là gì?

Thứ trưởng Quốc phòng Indonesia Muhammad Herindra Bộ Quốc phòng Indonesia

Tổng thống Joko Widodo đã chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto dự thảo kế hoạch tổng thể dài hạn về quốc phòng, bao gồm cả kế hoạch hiện đại hóa các hệ thống vũ khí chính/thiết bị quốc phòng và an ninh. Việc dự thảo kế hoạch hiện đại hóa xem xét một số ưu tiên như sau. Thứ nhất, tình hình địa chính trị và địa chiến lược. Thứ hai, dự đoán các mối đe dọa. Thứ ba, phát triển năng lực phòng thủ sẵn sàng chiến đấu. Và thứ tư, cân nhắc phân bổ ngân sách. 

Chúng tôi nghiên cứu mối quan hệ giữa chính trị và an ninh toàn cầu hiện nay và nhận thấy chúng tôi cần phải củng cố lập trường bằng cách tăng cường phòng thủ nội bộ để ngăn chặn tác động của tình trạng bất ổn an ninh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Một nội dung trong chính sách phát triển vị thế quân sự của Indonesia là hiện đại hóa các hệ thống vũ khí chính, cũng như bộ máy quốc phòng và an ninh. Cấu trúc của quân đội Indonesia dựa trên quá trình phát triển của hoàn cảnh và môi trường xung quanh quốc phòng của đất nước chúng tôi. Các yếu tố động lực đe dọa có tác động đến quá trình phát triển, do đó, chúng tôi cần phối hợp nỗ lực cải thiện tính chuyên nghiệp, phúc lợi và công tác sẵn sàng chiến đấu của quân nhân Indonesia với quá trình hiện đại hóa công nghệ quốc phòng và an ninh. 

Trong quá trình phát triển cơ chế quân sự của Indonesia, chính sách này được thực hiện bằng cách mua sắm hệ thống vũ khí chính/thiết bị quốc phòng và an ninh để sẵn sàng chiến đấu, tính chính xác của khoảng cách dài và đạt được khả năng tương tác. Ngoài ra, chính sách này còn tìm cách tăng số lượng thành phần dự trữ cho Quân đội, Hải quân và Không quân được triển khai trên khắp Indonesia. 

Chính sách hiện đại hóa các hệ thống vũ khí chính cũng phù hợp với chương trình ưu tiên trong phát triển quốc phòng, chủ yếu nhằm tiếp nhận công nghệ quốc phòng, phát triển nguồn nhân lực và tăng trưởng các cơ sở quốc phòng. 

Để tiếp nhận công nghệ, các doanh nghiệp nhà nước chiến lược của Indonesia trong lĩnh vực quốc phòng đã phát triển một số biến thể hệ thống vũ khí mới. Một doanh nghiệp như vậy là Penataran Angkatan Laut (PT PAL), doanh nghiệp nhà nước của Indonesia sản xuất tàu cho mục đích quân sự và dân sự cũng như tiến hành sửa chữa, bảo trì tàu và kỹ thuật. PT PAL Indonesia đã phát triển thành công tàu ngầm U-209 cũng như các tàu khu trục tên lửa dẫn đường. Ngoài ra, PT Dirgantara Indonesia đã phát triển thành công tên lửa và phương tiện không người lái, chẳng hạn như UAV Male [phương tiện bay không người lái, tầm cao trung bình, độ bền cao]. Trong khi đó, PT Len Industri đã phát triển radar thám sát được điều khiển từ mặt đất. Tiếp theo là PT Dahana, công ty sản xuất vật liệu nổ, đang phát triển nguyên liệu phóng tổng hợp và nguyên liệu phóng dạng bột hạt tròn. 

Các lực lượng Indonesia tổ chức lễ kỷ niệm 77 năm thành lập quân đội tại Semarang vào tháng 10 năm 2022. REUTERS

Ông có thể cung cấp thông tin chi tiết về thời gian và ngân sách của chiến lược hiện đại hóa được không?

Việc phát triển năng lực chính của quân đội Indonesia phù hợp với kế hoạch phát triển dài hạn quốc gia … được thực hiện trong vòng 15 năm, từ năm 2010 đến năm 2024. Kế hoạch phát triển 5 năm hoặc giữa kỳ là đề cương của kế hoạch quốc gia. Kế hoạch nhấn mạnh bốn yếu tố chính: tái vật chất hóa, tái sinh, bố trí lại và mua sắm. Để thực hiện kế hoạch này, Chính phủ đã tăng dần ngân sách quốc phòng. Năm 2023, Chính phủ đã phân bổ 204 nghìn tỷ đồng (134,32 nghìn tỷ rupiah Indonesia).

Chúng tôi biết rằng tình hình địa chính trị và địa chiến lược hiện tại dẫn đến việc gia tăng hỏa lực quân sự trên toàn cầu. Điều này thể hiện rõ qua mức tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia chi tiêu quân sự lớn.

Hãy so sánh Indonesia với các quốc gia khác trong ASEAN (Association of Southeast Asian Nations – ASEAN) [Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á]. Ngân sách quốc phòng của Indonesia chỉ chiếm vỏn vẹn 0,64% tổng sản phẩm quốc nội (gross domestic product – GDP), so với ngân sách quốc phòng của Brunei, chiếm 4,12% GDP, hoặc Singapore ở mức 3,23%. Ngay cả một quốc gia mới độc lập như Timor Leste cũng phân bổ 1% GDP cho quốc phòng.  

Nhận thức được vấn đề này, chính phủ của chúng tôi đã khởi xướng chính sách chuyển đổi chi tiêu quốc phòng thành đầu tư quốc phòng. Cách tiếp cận này phù hợp với chỉ thị của Tổng thống Widodo. Chính sách này nhằm tối ưu hóa việc phân bổ ngân sách quốc phòng và thay đổi tư duy hoặc suy nghĩ trong việc mua sắm các hệ thống vũ khí chính nhập khẩu. Chính sách này sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Indonesia. 

Ngoài việc mua sắm tài sản quốc phòng từ các nhà cung cấp trong nước, Bộ Quốc phòng cũng đang tiến hành mua sắm từ thị trường nước ngoài. Gần đây, có một hợp đồng mua phi đội máy bay chiến đấu Rafale hai động cơ, trọng lượng nhẹ. Các máy bay chiến đấu này do công ty Dassault Aviation của Pháp sản xuất. Việc mua sắm máy bay chiến đấu sẽ giúp củng cố hệ thống vũ khí của Không quân Indonesia. 

Mua sắm máy bay Rafale là thương vụ lớn nhất do chính phủ Indonesia thực hiện. Chúng ta không thể phủ nhận rằng sức mạnh ngày càng tăng của hệ thống vũ khí có thể là phong vũ biểu cho sức mạnh phòng thủ của một quốc gia. Đối với Indonesia, vấn đề này có phạm vi chính sách cụ thể, đó là chính sách hiện đại hóa các hệ thống vũ khí chính. 

Chiếc đầu tiên trong số năm máy bay C-130J-30 Super Hercules được Không quân Indonesia mua, đến Indonesia vào tháng
3 năm 2023 REUTERS

Kế hoạch hiện đại hóa sẽ ảnh hưởng ra sao đến tính chất của quân đội và những thay đổi trong kế hoạch hiện đại hóa sẽ ảnh hưởng ra sao đến quân đội?

Nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của quân đội Indonesia có mục đích giúp cho quân đội chuyên nghiệp hơn và đáng tin cậy hơn để vận hành các hệ thống phòng thủ chính hiện đại và tiên tiến. Cơ chế cải thiện nguồn nhân lực được thực hiện bằng cách cử nhân viên của quân đội Indonesia sang nước ngoài học tập hoặc cử tới các nhà sản xuất hệ thống vũ khí chính. Còn ở trong nước, cơ chế nâng cao chất lượng được thực hiện bằng các chương trình giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các chương trình liên quan đến việc chuyển giao công nghệ và chuyển giao kiến thức. 

Liên quan đến nỗ lực gia tăng nguồn nhân lực, chúng tôi nhấn mạnh rằng quân đội Indonesia có học thuyết về “Sishankamrata” — tổng hệ thống quốc phòng và an ninh của người dân. Điều đó có nghĩa là chúng tôi cần phát triển sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ với các yếu tố khác của đất nước. Học thuyết này nên được hiểu là một là hệ thống phòng thủ tổng thể liên quan đến tất cả các công dân, khu vực của đất nước và các nguồn lực quốc gia khác.

Vị thế của Indonesia trong chuỗi cung ứng thiết bị quân sự toàn cầu bị ảnh hưởng ra sao bởi các cuộc xung đột và căng thẳng hiện tại trong khu vực và trên thế giới?

Động lực của quốc phòng và an ninh toàn cầu đang phát triển nhanh chóng. Không ai có thể đoán trước được khi nào cuộc chiến hiện đã kéo dài hơn một năm giữa Nga và Ukraine sẽ đi đến hồi kết. Cùng với vấn đề vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, người ta còn chứng kiến sựu gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và Đài Loan. Indonesia hiện chiếm vị trí quan trọng trên bản đồ cung cấp thiết bị quân sự trên toàn thế giới do tất cả các cuộc xung đột và căng thẳng này. 

Việc hiện đại hóa thiết bị quốc phòng và an ninh của Indonesia là cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia chứ không phải là để tấn công các quốc gia khác. Indonesia không có kế hoạch tăng cường sức mạnh khi mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự. Chúng tôi cần phải mạnh mẽ; do đó, sự thịnh vượng và an ninh phải đi đôi với nhau.

Nếu bên tiêu dùng trong nước — trong trường hợp này là quân đội và cảnh sát Indonesia — không trở thành bên mua hoặc bên sử dụng vũ khí do ngành công nghiệp trong nước sản xuất, thì việc hiện đại hóa hệ thống vũ khí lớn và nỗ lực thiết lập ngành công nghiệp quốc phòng sẽ không thành công. Bằng cách này, chúng tôi tạo ra cơ hội cho các sản phẩm nội địa trên thị trường quốc tế bằng cách đóng vai trò là bên mua hàng hóa cho lĩnh vực quốc phòng.

Hơn nữa, Cục Mua sắm quốc phòng của chúng tôi cũng mua thiết bị vũ khí chính từ các quốc gia khác. Nếu không có nguồn cung cấp thiết bị quốc phòng trong nước, chúng tôi sẽ phải mua sắm từ nước ngoài. Để đảm bảo sử dụng và bảo trì đúng cách, chúng tôi cần tiến hành chuyển giao công nghệ và chuyển giao kiến thức chuyên môn.

Chuẩn đô đốc Yudo Margono, bên phải, chỉ huy Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia (Indonesian National Armed Forces), chào đón tướng Andika Perkasa tại Dinh Tổng thống ở Jakarta vào tháng 12 năm 2022. REUTERS

Indonesia áp dụng biện pháp nào để đảm bảo quy trình mua sắm vũ khí minh bạch và công bằng?

Chúng tôi có cơ chế mua hàng và mua sắm hệ thống vũ khí chính mang tên E-Proc hay còn gọi là mua sắm điện tử. Cơ chế này phục vụ toàn bộ quá trình tiến hành trực tuyến từ trưng dụng, đặt hàng và mua hàng hóa và các dịch vụ liên quan khác. 

Indonesia đang thực hiện các bước nào để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và các hoạt động bất hợp pháp trên biển, trên không và trên bộ?

Đối với tất cả các vấn đề liên quan đến lãnh thổ, chúng tôi luôn thực hiện các biện pháp trên kênh ngoại giao và tiếp cận theo cách thuyết phục để không ảnh hưởng đến các giá trị chủ quyền của mình. Chúng tôi phải chú ý nhiều hơn đến lãnh hải vì liên tục phải đối mặt với các vấn đề vi phạm biên giới trong vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone – EEZ) của mình. Các hành vi vi phạm biên giới đầu tiên là các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và kiểm soát trên vùng lãnh hải của chúng tôi, nơi rất giàu tài nguyên thiên nhiên, ví dụ như dầu khí ở các khu vực đảo Natuna.

Liên quan đến hành vi vi phạm phổ biến trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, chúng tôi đã thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 [United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS] và phê chuẩn Công ước này thành luật vào tháng 12 năm 1985. UNCLOS được quốc tế chấp nhận chứ không phải là tuyên bố đơn phương của Indonesia.

Mối đe dọa khủng bố là một trong những tội ác xuyên quốc gia cần được đặc biệt chú ý, cùng với các mối đe dọa đối với EEZ của Indonesia. Do đó, chúng tôi tiến hành các cuộc tuần tra chung ở eo biển Malacca với Malaysia và Singapore để duy trì an ninh.

Về lãnh thổ trên bộ, chúng tôi đã tăng cường tuần tra chung với Malaysia, đặc biệt là ở biên giới trên bộ với Kalimantan (phần thuộc Indonesia của đảo Borneo). Chúng tôi có diễn đàn hợp tác như Ủy ban Biên giới chung (General Border Committee Malaysia-Indonesia – GBC) Malaysia-Indonesia, hay GBC Malindo, cơ chế giúp giải quyết các hoạt động bất hợp pháp khác nhau, bao gồm di cư bất hợp pháp, ma túy, phong trào nhóm khủng bố, các nhóm cực đoan, v.v. 

Thành viên đơn vị Hải quân ưu tú của Indonesia, được gọi là Kopaska, tham gia cuộc tập trận chống khủng bố tại sân bay ở Surabaya vào tháng 12 năm 2022. THE ASSOCIATED PRESS

Làm sao chính phủ có thể đảm bảo các kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng có lợi cho người dân Indonesia và đóng góp cho quá trình phát triển chung của đất nước?

Chính phủ liên tục nỗ lực để thúc đẩy nền kinh tế của người dân Indonesia. Chương trình Peningkatan Penggunaan Produksi Dalam Negeri (P3DN) của chính phủ chúng tôi là một trong những nỗ lực như vậy. P3DN sẽ giúp tăng sản lượng để tạo tăng trưởng và trao quyền cho các ngành công nghiệp ở Indonesia. Các bộ và tổ chức chính phủ ở Indonesia đã được Tổng thống Widodo chỉ thị dừng mua hàng nhập khẩu nếu nhu cầu thiết yếu có thể đáp ứng trong nước hoặc nếu hàng hóa có thể được sản xuất trong nước. Mục tiêu của chính phủ là chuyển đổi chi tiêu quốc phòng thành đầu tư quốc phòng. Như vậy, cách tiếp cận này phù hợp với mục tiêu đó.

Ví dụ, chúng tôi xây dựng kế hoạch đáp ứng nhu cầu hệ thống phòng thủ quốc gia năm 2023, trong đó thành phần và tỷ trọng ngành công nghiệp trong nước là 29,5%, còn thành phần nội địa là 33,5%. Do đó, chúng tôi ước tính rằng chi tiêu quốc phòng của Indonesia sẽ đóng góp hơn 30 nghìn tỷ đồng (20,914 nghìn tỷ rupiah) vào GDP. Chính sách này đã được đưa vào thực tế.  

Ví dụ, trong chính sách mới nhất, Bộ Quốc phòng đã ký nhiều hợp đồng mua sắm cho các phương tiện chiến thuật do PT Pindad sản xuất, bao gồm Jeep Maung và xe máy điện. Xe chiến thuật dành cho các đơn vị chiến đấu và các đơn vị lãnh thổ. Bộ Quốc phòng cũng vừa ký hợp đồng để mua hàng ngàn đơn vị đạn dược từ PT Pindad ở Đông Java.  

Gusty Da Costa là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Jakarta, Indonesia.  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button