Các bài nổi bậtĐông Bắc ÁNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Chiến tranh Chính trị Của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)

Cuộc chiến sinh tồn đối với các nước đồng minh, đối tác và các quốc gia có cùng chí hướng

Giáo sư Kerry K. Gershaneck

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiến hành cuộc chiến sinh tồn chống lại phần còn lại của thế giới. Đó là cuộc chiến giành quyền kiểm soát toàn cầu, trong đó ĐCSTQ mong muốn giành chiến thắng mà không cần phải chiến đấu — hoặc ít nhất là không phải tham gia vào cuộc tổng động viên.

Điểm quan trọng nhất trong chiến lược của ĐCSTQ là đảm bảo rằng các quốc gia mục tiêu không thể — hoặc sẽ không — chống lại.

Để đạt được mục tiêu này, ĐCSTQ tham gia vào cuộc chiến tranh chính trị trên toàn cầu để định hình cách tường thuật, nhận thức và chính sách để bảo vệ quyền lực của đảng và đạt được tham vọng địa chính trị và bá quyền. ĐCSTQ sử dụng chiến tranh chính trị để chống lại mọi quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương cũng như trên khắp châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. ĐCSTQ phát động cuộc chiến này cả công khai lẫn bí mật cũng như theo các cách cực kỳ gian trá, và khó phát hiện.

Để đạt được các mục tiêu trên, ĐCSTQ tập trung làm suy yếu chủ quyền và sự toàn vẹn chính trị của các quốc gia khác. ĐCSTQ tìm cách thực hiện tham vọng kiểm soát tư tưởng và hành vi như trong giấc mơ của những kẻ chuyên chế trong lịch sử cổ đại của Trung Quốc và những kẻ độc tài đàn áp nhất trong thế kỷ 20. Bạo lực và đe dọa là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến chính trị này, hệt như cách Trung Quốc đã đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình ôn hòa trên khắp đất nước trước chính sách “không COVID” (zero-COVID) của ĐCSTQ, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, cũng như trong các cuộc va chạm giữa lực lượng dân quân biển của ĐCSTQ với lực lượng vũ trang của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhằm khẳng định quyền kiểm soát vùng biển và vùng trời quốc tế.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào tháng 10 năm 2022, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã thành công củng cố quyền lực cho bản thân. Trong bài phát biểu bế mạc, ông Tập Cận Bình đã nói rõ rằng ĐCSTQ có ý định tăng tốc cuộc chiến vốn đã khốc liệt này để hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” (China dream) của mình nhằm chấn hưng đất nước theo cách chuyên quyền của ông.

Chưa từng có mối nguy hiểm nào giống như mối nguy mà ĐCSTQ đang gây ra. Các quốc gia bị ảnh hưởng, đặc biệt là Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác, phải hiểu bản chất và phạm vi của cuộc chiến chính trị mà ĐCSTQ phát động để phát hiện, ngăn chặn, chống lại và đánh bại kế hoạch này. Nếu không làm như vậy sẽ xảy ra thảm họa, dẫn đến mất chủ quyền, tài nguyên và tự do.

Nhà báo Trung Quốc làm việc tại một trung tâm truyền thông trong Đại hội toàn quốc lần thứ 20 bị ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ tại Bắc Kinh vào tháng 10 năm 2022. THE ASSOCIATED PRESS

Chiến tranh Chính trị dưới hình thức Đàn áp Trong nước

Đàn áp trong nước tàn bạo là một hình thức chiến tranh chính trị của ĐCSTQ, trong đó có cả đàn áp tôn giáo và diệt chủng. Tại khu vực Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc, ĐCSTQ đang cố gắng phá hủy văn hóa Duy Ngô Nhĩ, một phần bằng cách bỏ tù 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ thiểu số Hồi giáo ở nơi được gọi là trại cải tạo.

ĐCSTQ cũng bỏ tù hàng chục ngàn học viên tôn giáo trong quá trình thực hiện công tác Hán hóa xã hội. Nhiều người bị tra tấn và nhiều người thiệt mạng vì ngược đãi, mổ bụng lấy nội tạng hoặc các hành vi tàn ác khác. Hàng triệu người khác không bị bỏ tù nhưng vẫn phải đối mặt với cuộc đàn áp không ngừng như bị tra tấn bằng điện và đánh đập trong chính ngôi nhà của mình, mất tài sản và bị tuyên truyền cưỡng ép như là một hình phạt vì đức tin của họ. Mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tương lai tự do tôn giáo là cuộc chiến của ĐCSTQ chống lại mọi người thuộc mọi tín ngưỡng: Người Hồi giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo và các học viên Pháp Luân Công đều như nhau”, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một bài phát biểu vào tháng 10 năm 2021 tại Indonesia.

Việc phát hành “Cáp Trung Quốc” (China Cables) bí mật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) vào năm 2019 và “Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương” (Xinjiang Police Files) vào năm 2020 đã chứng minh hành vi tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ như hãm hiếp, cưỡng bức triệt sản, phá thai, tra tấn về thể xác, tâm lý và hành quyết. Các tài liệu bị rò rỉ mô tả hoạt động nội bộ tại các trại giam cũng nhấn mạnh vai trò của ông Tập Cận Bình và các quan chức hàng đầu khác của ĐCSTQ trong việc xây dựng chính sách diệt chủng.

Những điều này không có gì là mới cả. ĐCSTQ đã đàn áp tàn bạo người dân Trung Quốc trong cả thế kỷ qua. ĐCSTQ chịu trách nhiệm cho các cuộc khủng bố quy mô lớn bắt đầu từ cuộc Trường Chinh giành được Trung Quốc của ĐCSTQ vào năm 1949, thông qua Nạn đói trong Đại nhảy vọt (1958-1962), Cách mạng Văn hóa (1966-1976) và các hành vi tàn bạo khác như thảm kịch Thiên An Môn năm 1989 khi Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army – PLA) của ĐCSTQ tàn sát thường dân trong các cuộc biểu tình sinh viên kêu gọi tự do. Các nhà sử học ước tính có tới 100 triệu người Trung Quốc đã thiệt mạng bởi các hành động của ĐCSTQ.

ĐCSTQ cũng đã tiến hành nhiều nỗ lực đồng hóa ở Tây Tạng trong hơn một thế kỷ qua. Dưới thời Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã đổi mới chiến dịch bằng cách triển khai các bộ luật, quy tắc và quy định nhằm dần dần Hán hóa dân số Tây Tạng, làm suy yếu văn hóa và lịch sử Tây Tạng. Gần đây, ĐCSTQ cắt xén phương pháp giáo dục, văn hóa và ngôn ngữ truyền thống Mông Cổ ở Nội Mông, là ví dụ khác về nỗ lực đồng hóa cưỡng bức của ĐCSTQ. 

Tuy nhiên, bên trong Trung Quốc, gần như không thể tìm hiểu về lịch sử khủng bố của ĐCSTQ. Các tài liệu tham khảo bị kiểm duyệt gắt gao trong khi người dân có nguy cơ bị bỏ tù thậm chí chỉ vì thảo luận về chủ đề này.

Trong khi đó, bên ngoài Trung Quốc, chiến dịch tuyên truyền toàn cầu của ĐCSTQ tuyên bố rằng các cáo buộc diệt chủng và đàn áp là “những lời dối trá lớn nhất của thế kỷ”, phản ánh “chủ nghĩa ích kỷ và thành kiến ăn sâu của phương Tây đối với Trung Quốc”.

Hành vi kiểm duyệt internet của ĐCSTQ, bộ máy tuyên truyền khổng lồ và quá trình truyền bá không ngừng tạo ra chiếc hộp kín như căn phòng vang vọng ngấm ngầm cho người dân Trung Quốc, nhiều người dân đã tin theo các chương trình giáo dục yêu nước thấm nhuần chủ nghĩa hận thù và bài ngoại. Một kết quả là ĐCSTQ vũ khí hóa rất nhiều sinh viên siêu cuồng chủ nghĩa dân tộc bằng cách gửi họ đến du học tại các trường đại học nước ngoài, để các sinh viên này tuyên truyền câu chuyện của ĐCSTQ và cố gắng dập tắt những lời chỉ trích về Trung Quốc.

Các nhân viên của Apple Daily khi đó chụp ảnh tại trụ sở của tờ báo ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông vào ngày 23 tháng 6 năm 2021, một ngày trước khi in ấn bản cuối cùng của tờ báo. Sáu cựu lãnh đạo điều hành của tờ báo hiện đã bị đóng cửa này nhận tội thông đồng theo Luật An ninh Quốc gia (National Security Law) của ĐCSTQ – luật khiến những tiếng nói đối lập tại Hồng Kông bị bịt miệng và bỏ tù. THE ASSOCIATED PRESS

Luật như một vũ khí

Chiến tranh pháp lý, hay luật pháp cũng là một vũ khí quan trọng khác trong kho vũ khí của ĐCSTQ. Năm 2015, ĐCSTQ đã bắt giữ và bỏ tù luật sư, trợ lý pháp lý và những người bảo vệ nhân quyền, những người đang cố gắng sử dụng hệ thống pháp luật để bảo vệ các quyền được bảo đảm trên danh nghĩa. Họ bị cáo buộc các hành vi phạm tội mơ hồ như “kích động cãi vã”. Nhiều người đến giờ vẫn bị cầm tù.

Bắt đầu từ năm 2020, ĐCSTQ đã sử dụng một đạo luật an ninh quốc gia mới để đè bẹp các quyền tự do của Hồng Kông và mọi phe đối lập tiềm tàng với ĐCSTQ. Các nhà báo, nhà lập pháp cũ và các nhà hoạt động dân chủ nằm trong số những người bị bắt và bỏ tù. ĐCSTQ cũng đã cố gắng sử dụng luật pháp để làm suy yếu hệ thống bầu cử của Hồng Kông. ĐCSTQ đã triển khai chiến lược đàn áp bằng pháp lý trong nước và trên toàn cầu, gây ra tác động tâm lý mạnh mẽ đối với người dân ở Trung Quốc, cộng đồng người Hoa và người dân Đài Loan v.v.

ĐCSTQ cũng đã thành lập hơn 100 cái gọi là đồn cảnh sát ở các quốc gia khác, mặc dù không được các quốc gia sở tại cho phép. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an Trung Quốc, tại các đồn công an này, quan chức ĐCSTQ theo dõi, quấy rối, trong một số trường hợp còn cưỡng bức hồi hương những người bất đồng chính kiến với Trung Quốc và những người lưu vong khác. Những hành động như vậy bao gồm Chiến dịch Fox Hunt (Săn cáo) và Chiến dịch Skynet (Lưới trời), trong đó các nhân viên an ninh Trung Quốc đã thâm nhập vào các quốc gia khác để bắt giữ các quan chức Trung Quốc bị buộc tội tham nhũng. Tuy nhiên, những chiến dịch này ít liên quan đến chống tham nhũng mà nhiều hơn là hành đàn áp đối thủ và những người bất đồng chính kiến của ĐCSTQ. Đáng chú ý, một số mục tiêu của Chiến dịch Fox Hunt sống ở Canada có mối liên hệ chặt chẽ với bộ chính trị, cơ quan ra quyết định chính của ĐCSTQ và biết những bí mật mà đảng muốn che giấu.

Bằng giọng điệu tuyên truyền, ĐCSTQ tuyên bố các đồn công an này là trung tâm hành chính để giúp công dân Trung Quốc thực hiện các tác vụ như gia hạn giấy phép lái xe. Hơn nữa, ĐCSTQ bác bỏ những lo ngại khi lực lượng cảnh sát ngoài lãnh thổ của Trung Quốc hoạt động trên lãnh thổ có chủ quyền. Một phát ngôn viên của Trung Quốc yêu cầu “phía Hoa Kỳ nên chấm dứt luận điệu thổi phồng vô căn cứ về vấn đề này”.

Chiến tranh Chính trị Phục vụ Bá quyền Toàn cầu

Khi tiến hành chiến tranh chính trị toàn cầu, ĐCSTQ sử dụng nhiều loại vũ khí để dụ dỗ, khuất phục, xâm nhập và ép buộc. ĐCSTQ che giấu bản chất xảo quyệt đằng sau những cái tên vô hại. Ví dụ, ĐCSTQ đã đổi tên kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng Một vành đai, Một con đường (One Belt, One Road – OBOR) của mình thành Sáng kiến Vành đai và Con đường. Các biến thể của OBOR nghe có vẻ hấp dẫn nhưng thực tế lại quảng bá cho chính sách cưỡng ép gồm có Con đường Tơ lụa Số (Digital Silk Road) và Con đường Tơ lụa Hai cực (Polar Silk Road).

Ngoài ra, ĐCSTQ còn có loại vũ khí chính trị khác là cố gắng hối lộ quan chức ở các quốc đảo Thái Bình Dương, Châu Phi và khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương; cố gắng bịt miệng các nhà phê bình ở Úc, Canada và New Zealand; và tìm cách can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Maldives, Hàn Quốc và Đài Loan.

ĐCSTQ đã cố gắng làm mất tinh thần và gây bất ổn cho nhiều quốc đảo Thái Bình Dương thông qua kế hoạch làm suy đồi quan chức và chia rẽ xã hội. Palau và Samoa đã đẩy lùi những nỗ lực thực dân kiểu mới của ĐCSTQ ở Nam Thái Bình Dương. Thông qua Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (United Front Work Department – UFWD) và các nhân viên tình báo, ĐCSTQ sử dụng các khoản hối lộ và các khuyến dụ tài chính khác nhằm chống lại các quốc gia này — cũng như nhiều quốc gia khác — để nhắm vào các quan chức trúng cử, với hy vọng làm suy yếu nền dân chủ và chủ quyền của các quốc gia này. Một số trong những quốc gia này đã bị mắc bẫy và ký các hiệp ước an ninh và thỏa thuận khác mở cửa cho phép ĐCSTQ khai thác thủy sản và các tài nguyên thiên nhiên khác của quốc gia mình, cũng như để PLA tiếp cận các cơ sở cảng và hàng không.

Tại Canada, theo Cơ quan Tình báo An ninh Quốc gia (Security Intelligence Service), cuộc chiến chính trị của ĐCSTQ bao gồm các khoản thanh toán thông qua trung gian cho các ứng cử viên trực thuộc đảng, có khả năng đặt các đặc vụ vào những vị trí ảnh hưởng đến chính sách quốc gia, cũng như tìm cách kết nạp và làm suy đồi, hối lộ các cựu quan chức Canada, cũng như tích cực tiến hành các chiến dịch trừng phạt những chính trị gia Canada được coi là mối đe dọa đối với ĐCSTQ. ĐCSTQ đã sử dụng các chiến thuật tương tự ở Úc, Ấn Độ, New Zealand, Philippines và Hàn Quốc, cũng như ở các quốc gia tham gia OBOR.

Tại Nhật Bản cũng như ở Canada và nhiều quốc gia khác, UFWD chịu trách nhiệm cho hầu hết các chiến dịch bắt giữ giới tinh hoa. UFWD điều hành các tổ chức như chi nhánh Nhật Bản của Hội đồng Thúc đẩy Hòa bình Thống nhất Quốc gia Trung Quốc (China Council for the Promotion of Peaceful National Reunification) để tiến hành các chiến dịch gây ảnh hưởng. Một tổ chức tương tự mang tên Hiệp hội Liên lạc Thân thiện Quốc tế Trung Quốc (Chinese Association of International Friendly Contact – CAIFC), nhắm vào các quan chức của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản như ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, CAIFC cũng tham gia vào nhiều lĩnh vực trong xã hội, như các tổ chức Phật giáo, kiến trúc sư, hiệp hội thư pháp và thậm chí cả những người Nhật Bản chơi trò cờ vây. Ngoài ra, UFWD điều hành ít nhất là 15 Viện Khổng Tử, hoặc được cho là “trung tâm văn hóa” của Trung Quốc, cũng như các hội hữu nghị ở Nhật Bản để gây ảnh hưởng đến giới tinh hoa và bầu cử Nhật Bản. May mắn thay, Nhật Bản đang ngày càng thực hiện nhiều bước để bảo vệ tốt hơn an ninh và chủ quyền của mình.

Theo Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray, các hình thức chiến tranh chính trị khác của ĐCSTQ ở Hoa Kỳ bao gồm tống tiền, đe dọa bạo lực, rình rập và bắt cóc những người gốc Trung Quốc. Tại Anh, video quay được quan chức đại sứ quán Trung Quốc đánh đập những người biểu tình ôn hòa trên đường phố công cộng. Còn ở Đài Loan, các băng đảng liên kết với ĐCSTQ đã công khai đánh đập sinh viên phản đối việc lập pháp ủng hộ Trung Quốc. Để thúc đẩy chiến tranh chính trị, ĐCSTQ ủng hộ các cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Ví dụ, quan chức Ấn Độ đã cáo buộc ĐCSTQ ủng hộ những kẻ ly khai khủng bố trong khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước. Người ta cũng ghi nhận rõ ràng việc ĐCSTQ hỗ trợ và huấn luyện quân đội quân phiệt để ép buộc chính phủ Miến Điện.

Những người biểu tình ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, giơ cao áp phích và hình ảnh các nạn nhân của cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác. THE ASSOCIATED PRESS

Tận dụng Điểm Đa áp lực

Indonesia là một trong những mục tiêu chiến tranh truyền thông của ĐCSTQ. Quá trình diễn ra ở Indonesia rất giống với các hành vi diễn ra tại Philippines và Thái Lan. ĐCSTQ đã mở rộng đáng kể ảnh hưởng truyền thông ở Indonesia thông qua chia sẻ nội dung, quan hệ đối tác truyền thông và đào tạo nhà báo. Ngoài ra, trong những năm gần đây, các cơ quan truyền thông nhà nước của ĐCSTQ như Tân Hoa Xã và kênh Hi Indo! của Tổng Công ty Truyền hình Quốc tế Trung Quốc (China International Television Corp.) dành cho thanh niên đã thành lập văn phòng chi nhánh, tuyển dụng nhà báo và nhân viên khác tại Indonesia. Điều ĐCSTQ được lợi là khuếch đại nội dung tuyên truyền và khả năng kiểm duyệt các nhà phê bình và kiểm duyệt nội dung. Trong trường hợp sau, công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance đã thao túng ứng dụng tổng hợp tin tức nổi tiếng của Indonesia là Baca Berita để kiểm duyệt các bài báo chỉ trích chế độ ĐCSTQ và tất cả các tài liệu tham khảo về tình hình căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc trên Biển Đông.

Cái gọi là ngoại giao chiến binh sói là chiến lược chiến tranh chính trị cưỡng chế khác của ĐCSTQ. Không ngừng chiến đấu, chiến lược này đòi hỏi các nhà ngoại giao ĐCSTQ tham gia vào các cuộc tấn công bằng lời nói và đôi khi là tấn công thể chất. Ví dụ, vào tháng 10 năm 2022, các nhà ngoại giao Trung Quốc bị buộc tội kéo và đánh đập một người biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester, Anh, theo báo chí. Năm 2018, trong cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Economic Cooperation – APEC) tại Papua New Guinea (PNG), các nhà ngoại giao Trung Quốc đã xông vào văn phòng của bộ trưởng ngoại giao PNG để yêu cầu viết lại thông cáo cuối cùng của APEC. Năm 2020, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đánh một thủ thư của văn phòng thương mại Đài Loan ở Fiji, khiến nạn nhân phải nhập viện, theo báo chí.

ĐCSTQ cũng đã thành công trong việc vũ khí hóa nhiều hoạt động ôn hòa để phục vụ mục đích chiến tranh chính trị. Các hoạt động được vũ khí hóa bao gồm các hoạt động tôn giáo; du lịch, dòng du học sinh tới các quốc gia mục tiêu; thành lập các hội hữu nghị và các tổ chức thành phố kết nghĩa; mua đất đai, cơ sở hạ tầng và các công ty chiến lược quan trọng. 

Ví dụ về việc tôn giáo bị vũ khí hóa: ĐCSTQ coi Phật giáo như một kênh tạo ảnh hưởng đặc biệt. Kết nạp và quản lý tôn giáo là chức năng cốt lõi của UFWD. Dưới sự chỉ đạo của mình, Cơ quan Quản lý Tôn giáo Nhà nước (State Administration for Religious Affairs – SARA) và Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc (Buddhist Association of China – BAC) tìm cách hợp tác với các Phật tử trên toàn cầu để hỗ trợ các mục tiêu của ĐCSTQ. Các đặc vụ từ SARA, BAC và PLA tiến hành hàng loạt các hoạt động để gây ảnh hưởng đến Phật tử. Ví dụ, ở Mông Cổ, họ cố gắng đào tạo các nhà lãnh đạo Phật giáo để gây ảnh hưởng đến giới tinh hoa chính trị của Mông Cổ, nhằm khiến những người này tuân theo ĐCSTQ và làm suy yếu những ai mà ĐCSTQ coi là kẻ thù. Tại Nhật Bản, những đặc vụ này tìm cách gây ảnh hưởng đến các nhóm Phật giáo để định hình chính sách đối ngoại và kế hoạch quốc phòng của Tokyo theo hướng có lợi cho ĐCSTQ. Ở Úc, các đặc vụ của ĐCSTQ tìm cách hợp tác với hội đồng Phật giáo để gây ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo chính trị. Trong khi đó ở Thái Lan, các đặc vụ của ĐCSTQ cố gắng gây ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo Phật giáo để hỗ trợ dự án OBOR và các mục tiêu khác của ĐCSTQ tại Vương quốc này. Tại Đài Loan, ĐCSTQ đổ tiền vào các quỹ can thiệp chính trị thông qua các tổ chức Phật giáo có trụ sở tại Đài Loan.

Các chiến dịch chiến tranh pháp lý bên ngoài của ĐCSTQ thường đòi hỏi phải có luật kết hợp để hỗ trợ các yêu sách bất hợp pháp đối với lãnh thổ và tài nguyên. Các chiến dịch này cũng sử dụng bản đồ không có thật, đáng chú ý nhất là đường chín đoạn bao phủ khoảng 2,5 triệu km2 Biển Đông, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Về cơ bản, ĐCSTQ bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016, trong đó vô hiệu hóa phần lớn yêu sách của Trung Quốc. ĐCSTQ cũng bóp méo luật pháp để mở rộng lệnh hành chính của Bắc Kinh vào Biển Đông, bao gồm cả việc chỉ định Tam Sa, ngôi làng ở quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp, là một quận của Trung Quốc.

Luật pháp hầu như luôn luôn được sử dụng với chiến tranh truyền thông. Ví dụ, Bắc Kinh hoặc tìm thấy hoặc giả mạo cái gọi là tài liệu lịch sử để thiết lập cơ sở pháp lý cho các yêu sách lãnh thổ của mình, chẳng hạn như trong trường hợp quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông. Sau đó, ĐCSTQ công khai quảng bá các tài liệu thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước làm bằng chứng cho tuyên bố của mình.

Chống lại “Giấc mơ Trung Hoa” của ĐCSTQ

ĐCSTQ đang tích cực tiến hành chiến tranh chính trị trên toàn cầu để đạt được mục tiêu bành trướng và toàn trị. Theo đó, các đồng minh và đối tác phải xây dựng năng lực chung để phát hiện, ngăn chặn, chống lại và đánh bại mối đe dọa. Ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, một bước quan trọng sẽ là thiết lập một trung tâm xuất sắc để cung cấp một nền tảng trí tuệ nhằm chống lại cuộc chiến chính trị của ĐCSTQ. Một trung tâm như vậy sẽ giúp các quốc gia có cùng chí hướng phát triển sự hiểu biết về mối đe dọa và đưa ra các phản ứng hiệu quả.

Các bước chính mà các quốc gia có thể thực hiện riêng lẻ để xây dựng năng lực đó bao gồm:

Nhanh chóng tạo ra các chiến lược quốc gia để đánh giá và chống lại cuộc chiến chính trị của ĐCSTQ, bao gồm cả việc thiết lập các chính sách và hoạt động để đánh bại nó.

Xây dựng chương trình giáo dục về chiến tranh chính trị cho quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, nhân viên thực thi pháp luật, học giả và nhà báo.

Tăng cường khả năng cho cộng đồng pháp lý, thực thi pháp luật và quan chức phản gián để điều tra, phá vỡ và truy tố các hoạt động chiến tranh chính trị của ĐCSTQ. Xem xét các luật và chính sách để đảm bảo các tuyên bố, yêu cầu, nguồn lực, tập huấn và đánh giá nhiệm vụ đầy đủ và hiệu quả.

Thường xuyên vạch trần các chiến dịch chiến tranh chính trị của ĐCSTQ. Bắt buộc có báo cáo công khai thường niên mà đưa ra lời khuyên thiết thực cho các nhà lãnh đạo và công dân về những mối đe dọa đó.

Tăng phí tổn cho ĐCSTQ cho cuộc chiến tranh chính trị của họ. Mặc dù có nhiều quốc gia đang ngày càng tập trung vào hoạt động gián điệp của ĐCSTQ, nhưng lại có rất ít quốc gia chú ý đến các hoạt động chiến tranh chính trị, khiến các hoạt động này của ĐCSTQ ít phải đối mặt với các hệ quả. Ví dụ, để chống lại chiến lược can thiệp và đe dọa của ĐCSTQ, những nhà ngoại giao Trung Quốc có hành vi đe dọa các tổ chức truyền thông nên bị thu hồi tư cách ngoại giao và trục xuất khỏi nước sở tại. 

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button