Các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tăng cường hợp tác để chống lại nạn buôn người
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Trong những năm gần đây, các quốc gia trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tăng cường nỗ lực hợp tác để chống lại nạn buôn người.
Ví dụ, vào tháng 7 năm 2023, chính quyền Indonesia đã buộc tội 12 người, trong đó có một cảnh sát và một cán bộ nhập cư, về việc buôn bán 122 người nhằm bán thận của những người này để ghép tạng, Reuters đưa tin. Theo ông Hengki Haryadi, giám đốc cơ quan cảnh sát điều tra hình sự thuộc Cục Cảnh sát Jakarta, các nghi phạm đã sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ những nạn nhân người Indonesia rồi đưa họ đến Campuchia để phẫu thuật. Các nghi phạm phải đối mặt với án tù 15 năm và phạt hành chính nặng nếu bị kết án.
Theo báo cáo năm 2023 của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (United Nations Office on Drugs and Crime – UNODC), các cuộc khủng hoảng toàn cầu, xung đột và các mối đe dọa về khí hậu khiến nguy cơ buôn người gia tăng trên toàn thế giới.
Ngày Thế giới Chống Buôn bán Người năm 2023 của Liên Hợp Quốc được tổ chức vào ngày 30 tháng 7 “nhằm nâng cao nhận thức về các diễn biến và xu hướng đáng lo ngại được chỉ ra trong Báo cáo Toàn cầu mới nhất của UNODC về Buôn bán Người và kêu gọi các chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật, dịch vụ công cộng và xã hội dân sự đánh giá cũng như tăng cường nỗ lực để đẩy mạnh khả năng phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ nạn nhân và chấm dứt tình trạng không bị trừng phạt”.
“Hoạt động buôn người và đưa người di cư trái phép là những ví dụ cho thấy các thách thức an ninh phức tạp, xuyên quốc gia mà chúng ta phải đối mặt ngày nay”, theo phát biểu của Đô đốc John Aquilino, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương (U.S. Indo-Pacific Command – USINDOPACOM) tại một hội thảo do Văn phòng Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (Office of Women, Peace and Security) của USINDOPACOM tài trợ tổ chức vào tháng 5 năm 2023. Sự kiện này đã hỗ trợ các nỗ lực của Malaysia nhằm tăng cường năng lực thể chế, luật pháp, chính sách và thủ tục để giải quyết nạn buôn người và đưa người di cư trái phép.
“Nhưng chúng ta không thể đối mặt với những thách thức này một mình. Việc thúc đẩy nhân quyền đòi hỏi sự đầu tư, cam kết và nguồn lực từ tất cả các lĩnh vực của xã hội”, ông Aquilino phát biểu. “Ngày nay, việc quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải cùng nhau nỗ lực thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ để đạt được hòa bình bền vững và sự ổn định lâu dài”.
Ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations – ASEAN) từ lâu là kẻ thù không đội trời chung của nạn buôn người. Ví dụ, trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 5 năm 2023, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã kêu gọi tăng cường cách tiếp cận trong khu vực để chống lại nạn buôn người và cam kết trấn áp các hành vi của những kẻ buôn người trên mạng khi dụ dỗ những người tìm việc dễ bị tổn thương, thường là ở các nước nghèo nhất trong khu vực.
Theo Reuters, Các nhà lãnh đạo ASEAN có kế hoạch mở rộng các nỗ lực chống lại nạn buôn người bằng cách nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc điều tra, thu thập dữ liệu, trao đổi thông tin và thực hiện các cuộc tập trận chung.
Vào đầu tháng Năm năm 2023, các nhà chức trách Đông Nam Á đã giải cứu hàng nghìn người bị buộc phải làm việc trong các vụ lừa đảo trên mạng và tiền điện tử ở các quốc gia bao gồm Campuchia, Lào, Miến Điện và Philippines, cũng theo Reuters.
Quy trình Bali về Tội phạm Vận chuyển, Buôn bán Người và Tội phạm Xuyên quốc gia Liên quan (Bali Process on People Smuggling, Trafficking in Persons and Related Translational Crime) được thiết lập vào năm 2002, là một diễn đàn khu vực hàng đầu khác nhằm giải quyết nạn buôn người và đưa người di cư trái phép. Năm 2017, tại cuộc họp khai mạc Diễn đàn Chính phủ và Doanh nghiệp Bali Process (Bali Process Government and Business Forum – GABF) ở Perth, Tây Úc, các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp cao cấp từ 45 quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương đã cam kết xóa bỏ chế độ nô lệ hiện đại. Các nhà lãnh đạo đã tiếp tục theo đuổi mục tiêu, làm việc với các chính phủ và khu vực tư nhân để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là lao động nhập cư.
Vào tháng 1 năm 2023, Tổ chức Di cư Quốc tế (International Organization for Migration – IOM) tại Thái Lan, Văn phòng Hỗ trợ Khu vực của Quy trình Bali và Chính phủ Úc đã công bố hướng dẫn bảo vệ người lao động di cư cho các doanh nghiệp và các quốc gia thành viên của Quy trình Bali.
Với tiêu đề “Bảo vệ Lao động Di cư trong Chuỗi Cung ứng ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương: Hướng dẫn các Phương pháp Hay cho Doanh nghiệp và các Quốc gia Thành viên Quy trình Bali”, tài liệu này đưa ra hướng dẫn về cách nhận biết hành vi bóc lột trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thực hiện hoặc củng cố các chính sách phòng ngừa và khung pháp lý cũng như thúc đẩy các nỗ lực thông qua hợp tác công tư.
Ông Lucienne Manton, đại sứ Úc về vận chuyển và buôn người, cho biết: “Không có quốc gia và khu vực nào miễn nhiễm với những vấn đề này, cũng như không có chính phủ hay doanh nghiệp nào có thể tự mình giải quyết những vấn đề này”. “Thông qua quá trình hợp tác công, tư và khu vực cũng như áp dụng các phương pháp hay này, chúng ta có thể cùng nhau tiến bộ thực sự để chấm dứt nạn buôn người, nô lệ và các hình thức bóc lột khác”.
Hướng dẫn này được xây dựng dựa trên các Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền và Đạo luật, Xác nhận, Khuyến nghị trước, được GABF của Quy trình Bali thông qua vào năm 2018.
“Người lao động di cư có nguy cơ bị lao động cưỡng bức cao gấp ba lần so với người lao động địa phương. Việc bảo vệ người lao động nhập cư là lợi ích của mọi người, một loại trách nhiệm đạo đức nhưng cũng thường là nghĩa vụ pháp lý đối với các chính phủ và doanh nghiệp”, bà Sarah Lou Arriola, giám đốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của IOM cho biết.
Theo Báo cáo về Buôn Người năm 2023 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào tháng 6 năm 2023, ít nhất 11 chính phủ trên toàn thế giới, bao gồm Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Nga, có “chính sách hoặc mô hình” vận chuyển và buôn bán người trong các chương trình do chính phủ tài trợ, lao động cưỡng bức trong các dịch vụ y tế có liên kết với chính phủ hoặc các lĩnh vực khác, nô lệ tình dục trong các trại của chính phủ hoặc sử dụng binh lính trẻ em.
Theo UNODC, các quốc gia phải cải thiện việc thực hiện Nghị định thư về Buôn bán Người (Trafficking in Persons Protocol) theo Công ước Liên hợp quốc về chống Tội phạm có tổ chức Xuyên quốc gia (U.N. Convention against Transnational Organized Crime) bằng cách tăng cường các khuôn khổ giúp xác định và bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng.
Theo báo cáo năm 2023 của UNODC, để chấm dứt nạn buôn người, “Chúng ta phải tăng cường khả năng chống lại nạn bóc lột và các vấn đề kinh tế xã hội và văn hóa tiềm ẩn có lợi cho nạn buôn người”. “Chúng ta phải giúp mọi người trở nên nhạy cảm với chủ đề nạn buôn người rồi từ đó đẩy sự chú ý đến những người có thể tạo ra sự khác biệt trong mặt thay đổi chính sách và quản lý tài nguyên quốc gia để tăng cường các biện pháp phòng ngừa, cải thiện quá trình phát hiện nạn nhân, tăng cường hỗ trợ cho những người sống sót và chấm dứt tình trạng không bị trừng phạt”.