Bất chấp những nghi ngờ quốc tế, việc xâm nhập vào các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác cho việc nghiên cứu của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) vẫn tiếp tục diễn ra

Nhân viên DIỄN ĐÀN
Ngày 20 tháng Sáu năm 2023, một tàu nghiên cứu do nhà nước Trung Quốc sở hữu đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia trên Biển Đông, ở cự ly khoảng 145 hải lý ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Sự xâm nhập này thể hiện sự vi phạm rõ ràng nhất các chuẩn mực quốc tế và có thể là vi phạm cả luật pháp đối với các tàu khảo sát Trung Quốc trong những năm gần đây.
Trang web tình báo quốc phòng Janes đưa tin rằng trong một phản ứng tương xứng đối với sự xâm phạm lặp đi lặp lại, Hải quân Hoàng gia Malaysia đã triển khai một tàu hỗ trợ, tên là Bunga Mas Lima, vào cuối tháng Sáu để ngăn chặn con tàu xâm nhập. Theo trang web Janes, dữ liệu hệ thống nhận dạng tự động (AIS) đã theo dõi sự xâm nhập của tàu Trung Quốc dài 88 mét được gọi là Haiyang Dizhi 8.
Theo trang web Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), các vụ xâm nhập tàu khảo sát như vậy là một phần trong nỗ lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) nhằm khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông.
Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei tuyên bố chủ quyền đối với các phần ngoài khơi của các nước họ trên Biển Đông, trong khi đó Trung Quốc tuyên bố nắm chủ quyền gần như toàn bộ khu vực, dù khẳng định như vậy đã bị tòa án quốc tế phán quyết vào năm 2016 là không có cơ sở.
Tàu Haiyan Dizhi 8 đã tiến hành các hoạt động khảo sát tại EEZ của Việt Nam vào tháng Mười năm 2019, ngoài khơi Malaysia vào tháng Tư và tháng Năm năm 2020 và tại EEZ của Indonesia từ tháng Tám đến tháng Mười một năm 2021. Trong giai đoạn đó, tàu Da Yang Hao của Trung Quốc cũng đã xâm nhập vào EEZ của Malaysia. Trong một phân tích năm 2022 về dữ liệu AIS, AMTI xác định rằng mỗi cuộc xâm nhập đã được đưa ra để thể hiện phản ứng rõ ràng đối với hoạt động dầu khí mới của các quốc gia Đông Nam Á trong vùng lãnh hải của họ.
Theo trang web AMTI, “Các cuộc khảo sát như vậy với mục đích nghiên cứu khoa học biển hoặc thăm dò dầu khí mà không được phép là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế; những cuộc khảo sát với mục đích nghiên cứu quân sự thuần túy là hợp pháp nhưng đi ngược lại với quan điểm phản đối của Trung Quốc đối với các cuộc khảo sát quân sự nước ngoài trong EEZ”.
Trang web Janes đưa tin rằng sau cuộc xâm nhập vào EEZ của Malaysia trong năm 2020, Hải quân Hoàng gia Malaysia, Hải quân Hoàng gia Úc và Hải quân Hoa Kỳ đã triển khai các tàu để đáp trả.
Theo AMTI, Bắc Kinh cũng đã tiến hành hàng chục cuộc khảo sát khác trên khắp Biển Đông trong những năm gần đây mà xâm nhập vào EEZ của các quốc gia Đông Nam Á. AMTI xác định trên thực tế hạm đội khảo sát của Trung Quốc là “lớn nhất và tích cực nhất ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. AMTI cho biết hầu hết các quốc gia Đông Nam Á chỉ tiến hành nghiên cứu trong vùng lãnh hải của mình.
Sau khi Trung Quốc gửi một tàu khảo sát qua vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhằm ngăn chặn Hà Nội bắt đầu các dự án thăm dò năng lượng mới cũng như ngăn chặn Hà Nội đệ trình kiến nghị lên tòa án quốc tế về yêu sách lãnh thổ chống lại Trung Quốc, ông Euan Graham, thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Singapore, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vào tháng Sáu năm 2020: “Tôi nghĩ rằng đó là một phần của chiến lược cơ bản, để đe dọa và quấy rối tất cả các hoạt động thăm dò của Đông Nam Á trong đường chín đoạn, qua đó khiến các công ty nước ngoài và thậm chí các công ty địa phương không thể khai thác một cách có hiệu quả kinh tế, vì họ nhận thức rằng Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho họ”.
Ngoài việc gửi thông điệp đến các quốc gia Đông Nam Á, các cuộc khảo sát còn cung cấp dữ liệu có giá trị cho các mục đích dân sự và quân sự, bao gồm đánh giá địa chất và phát hiện tàu ngầm. Các tàu cũng có thể sử dụng các công nghệ trên tàu để thu thập thông tin tình báo hải quân về các cơ sở và tàu quân sự nước ngoài.
Hơn nữa, Bắc Kinh dường như đang hoạt động theo tiêu chuẩn kép. AMTI đưa tin rằng Bắc Kinh yêu cầu các quốc gia khác xin phép tiến hành các cuộc khảo sát quân sự trong EEZ của mình nhưng không xin phép cho các tàu của mình tiến hành khảo sát ở nước ngoài.
Bắc Kinh tiếp tục làm mờ ranh giới bằng cách tiến hành nhiều cuộc khảo sát bằng các tàu dân sự. Mặc dù Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) của Trung Quốc điều hành các tàu nghiên cứu, nhưng nó cũng sử dụng các tàu từ các cơ quan chính phủ khác và khu vực thương mại. Trang web AMTI giải thích rằng cách vận dụng như vậy không rõ ràng do khi hoạt động trong EEZ của một quốc gia khác mà không được phép, tàu khảo sát của Trung Quốc đang: (i) tiến hành nghiên cứu biển hoặc khảo sát thương mại bất hợp pháp hay (ii) thực hiện giám sát quân sự hợp pháp.
Để tiến hành nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của một quốc gia khác, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) yêu cầu các chính phủ phải xin phép trước ít nhất sáu tháng.
Theo AMTI, căn cứ vào UNCLOS, các quốc gia dự kiến sẽ đồng ý – trừ khi quốc gia ven biển nghi ngờ nghiên cứu này có thực sự vì mục đích thương mại, liên quan đến việc khoan vào thềm lục địa, hoặc nếu quốc gia yêu cầu cung cấp thông tin không chính xác hoặc gây hiểu nhầm.
Tất cả các quốc gia có thể tiến hành nghiên cứu khoa học biển trong vùng biển quốc tế.
UNCLOS không đề cập đến nghiên cứu và giám sát hải quân. Hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, tranh luận rằng không có luật nào áp dụng cho việc tiến hành các cuộc khảo sát quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.
Tuy nhiên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và một số quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khác khẳng định rằng họ có quyền hạn chế các hoạt động quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Hầu hết các quốc gia đều có sự phân biệt rõ ràng giữa các tàu hải quân, khoa học và thương mại. Ví dụ, Nhật Bản phân định các tàu khoa học biển và các tàu quân sự. Ngoài Trung Quốc và Hoa Kỳ, Nhật Bản là quốc gia chính đã vận hành các tàu nghiên cứu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong những năm gần đây.