Thỏa thuận quốc phòng với Papua New Guinea cho phép Hoa Kỳ tiếp cận căn cứ quân sự
Benar News
Papua New Guinea (PNG) sẽ cấp cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận không hạn chế để triển khai lực lượng và phát triển các căn cứ quân sự quan trọng ở Quốc đảo Thái Bình Dương này theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương mới.
Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng được ký vào tháng 5 năm 2023 cho phép Hoa Kỳ đóng quân và tàu tại sáu cảng và sân bay, bao gồm cả Căn cứ Hải quân Lombrum và Sân bay Quốc tế Jacksons ở Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea
Hoa Kỳ sẽ có “quyền tiếp cận không bị cản trở” vào các căn cứ này để thực hiện các hoạt động hai bên thỏa thuận như huấn luyện, quá cảnh, bảo trì và tiếp nhiên liệu cho máy bay, bao gồm cả máy bay tiến hành “các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát”.
Các căn cứ cũng có thể được sử dụng để “dàn dựng và triển khai lực lượng và vật liệu”, tiếp nhiên liệu cho các tàu, hỗ trợ an ninh, cứu trợ nhân đạo và thiên tai.
Thỏa thuận là một phần trong nỗ lực hợp tác giữa Hoa Kỳ và các đối tác Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương khác như Úc để chống lại nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các chuyên gia cho biết thỏa thuận này sẽ mở rộng đáng kể khả năng chiến lược của Mỹ trong khu vực.
“Theo như tôi biết, Hoa Kỳ không có thỏa thuận nào như vậy với các quốc gia Nam Thái Bình Dương khác — đây sẽ là thỏa thuận ở cấp độ sâu sắc nhất”, theo ông Mihai Sora, giám đốc Mạng lưới Australia-PNG (Australia-PNG Network) tại Viện Lowy có trụ sở tại Úc.
Ông đã so sánh thỏa thuận này với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (Enhanced Defense Cooperation Agreement) của Hoa Kỳ với Philippines, gần đây đã được mở rộng để cho phép các lực lượng Hoa Kỳ tiếp cận thêm bốn địa điểm quân sự ở quốc gia Đông Nam Á này.
Trong tuyên bố trước Quốc hội vào đầu tháng 6 năm 2023, Thủ tướng PNG James Marape cho biết thỏa thuận với Hoa Kỳ sẽ “không làm tổn hại mối quan hệ song phương của PNG với bất kỳ quốc gia nào khác”.
Chính sách đối ngoại của quốc gia này vẫn luôn là bạn bè của tất cả và không phải kẻ thù của bất cứ ai, theo Thủ tướng PNG. Tuy nhiên, ông này cũng nói thêm rằng nhưng các liên minh an ninh truyền thống không đủ để đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.
Ông Marape cho biết thỏa thuận “xác nhận sự hiện diện của các lực lượng Hoa Kỳ” để tiến hành các hoạt động liên quan đến quốc phòng nhưng không bao gồm hoặc không thúc đẩy các cam kết quốc phòng hoặc can thiệp quân sự.
Năm 2022, Bắc Kinh đã ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, gây báo động cho Úc, Hoa Kỳ và các đối tác khác về khả năng Trung Quốc hiện diện quân sự lâu dài trong khu vực.
Ông Sora cho biết môi trường an ninh khu vực đang thay đổi nhanh chóng và các đối tác truyền thống tin rằng thỏa thuận an ninh phải thích nghi cho phù hợp.
“Những điều chúng ta đang thấy là nỗ lực từ các bên đảm bảo an ninh truyền thống ở khu vực Thái Bình Dương, như Hoa Kỳ, Úc và New Zealand, nhằm nâng cao và chính thức hóa vai trò của các nước này với tư cách là đối tác an ninh được lựa chọn cho các quốc gia Thái Bình Dương thông qua các thỏa thuận song phương”, theo vị chuyên gia của Viện Lowy.