Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN tăng cường hợp tác chống lại các mối đe dọa trên biển

Gusty Da Costa
Lực lượng bảo vệ bờ biển từ các quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực tăng cường hợp tác và trao đổi để chống lại các mối đe dọa hàng hải như đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (illegal, unreported and unregulated – IUU) cũng như buôn bán người.
Tuần tra khu vực Biển Đông và bảo vệ người tị nạn Rohingya cũng là ưu tiên hàng đầu của lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations – ASEAN), theo các nhà lãnh đạo khu vực tại Diễn đàn Bảo vệ Bờ biển ASEAN (ASEAN Coast Guard Forum – ACF) thường niên lần thứ hai tại Jakarta, Indonesia, từ ngày 6 đến 9 tháng 6 năm 2023.
“Nỗ lực thành lập ACF nhằm tạo ra một cơ chế đối thoại độc quyền để thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN đối với an ninh hàng hải trong khu vực. Nỗ lực này được các nhà lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh và ủng hộ”, Chuẩn Đô đốc Aan Kurnia, người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Maritime Security Agency), được gọi là Bakamla, nói trong bài phát biểu khai mạc.
Đại diện lực lượng bảo vệ bờ biển của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã tham dự cuộc họp.
“Thông qua việc chia sẻ thông tin, chúng tôi xây dựng nhận thức tình hình hàng hải theo thời gian thực để có thể có được bức tranh rõ ràng, hiểu biết về các mối đe dọa tiềm ẩn và thực tế cũng như rút ngắn thời gian chuyển tiếp và phản ứng khi đối phó với các mối đe dọa đó”, phát ngôn viên Bakamla, Đại tá Wisnu Pramandita nói với DIỄN ĐÀN.
Việc tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp có ý nghĩa rất quan trọng để giải quyết vấn đề đánh bắt cá IUU, một mối đe dọa hàng hải lớn đối với các quốc gia ASEAN, ông Marcellus Hakeng Jayawibawa, chuyên gia hàng hải làm việc tại Jakarta, chia sẻ với DIỄN ĐÀN.
Hoạt động đánh bắt cá IUU ngày càng trở nên tinh vi, ông nói thêm. Nhiều ngư dân bất hợp pháp có thể theo dõi các cuộc tuần tra bảo vệ bờ biển rồi chuyển tàu cá đến các khu vực không được tuần tra, thậm chí vào vùng biển thuộc các nước Đông Nam Á láng giềng, để tránh bị phát hiện.
“Bởi mỗi quốc gia đều đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực giám sát các vùng lãnh thổ trên biển của mình, nên hoạt động hợp tác với các quốc gia khác sẽ tạo ra một khu vực tuần tra rộng lớn”, ông nói. “Thông qua hoạt động hợp tác, Indonesia có được các báo cáo toàn diện và các quốc gia ASEAN khác cũng có thể làm như vậy để cùng nhau ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp”.
ACF đã tổ chức một cuộc tập trận, ký kết thỏa thuận hợp tác và thông báo hợp tác giữa Indonesia và Malaysia trong việc hỗ trợ người tị nạn Rohingya chạy trốn khỏi các điều kiện nguy hiểm ở Miến Điện.
Người tị nạn Rohingya là mối quan tâm chung của Indonesia và Malaysia, ông Kurnia nói. Bakamla theo dõi vấn đề này và phối hợp với cơ quan đồng cấp phía Malaysia là Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (Malaysian Maritime Enforcement Agency – APMM), ông nói thêm.
Từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 2 năm 2023, sáu tàu chở 644 người tị nạn Rohingya đã đi lạc vào vùng biển Indonesia, theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn.
“Tôi chắc chắn rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa Bakamla của Indonesia và APMM của Malaysia sẽ giúp đảm bảo cùng nhau giải quyết vấn đề này, theo ý muốn của Chúa”, theo Phó Đô đốc Datuk Saiful Lizan bin Ibrahim, quyền tổng giám đốc của APMM.
ACF đầu tiên được tổ chức tại Bali, Indonesia, vào tháng 11 năm 2022. ACF tiếp theo sẽ được tổ chức tại Philippines vào năm 2024, còn Thái Lan sẽ làm chủ nhà vào năm 2025.
Diễn đàn năm 2023 đã xây dựng ACF là sự kiện thường niên, xác định các nhiệm vụ của nhóm làm việc ACF bao gồm chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm; xác định hợp tác khu vực; thảo luận về các mối đe dọa và giải pháp; tham gia các hoạt động/hội thảo liên quan đến việc phát triển chương trình làm việc ACF; và xác định các lĩnh vực xây dựng năng lực.
Gusty Da Costa là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Indonesia.