Vũ khí với nhiệm vụ kép
Hỏa lực chính xác trên đất liền bảo vệ lãnh thổ, tăng khả năng răn đe
Hỏa lực Chính xác Tầm xa Chiến lược (Strategic Long-Range Precision Fires – SLRPF) được triển khai ở nước ngoài là những tài sản chính trong kho vũ khí của Hoa Kỳ để tận dụng nếu quốc gia này, cùng với các đồng minh và đối tác của mình, buộc phải đáp trả theo hình thức quân sự với các hành động gây hấn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm cả những hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Được bố trí chiến lược, các hệ thống chiến đấu di động này của Quân đội Hoa Kỳ cung cấp khả năng răn đe đáng kể kết hợp với các năng lực đa miền hiện có và không ngừng cải tiến — trên không, không gian mạng, đất liền, biển, vũ trụ và quang phổ điện từ.
Sự phân bổ của các hệ thống SLRPF cho phép các quốc gia có cùng chí hướng duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở bằng cách cung cấp sự vượt trội chiến lược so với các công nghệ tên lửa tiên tiến và các nền tảng thể hiện sức mạnh của đối thủ.
SLRPF là những vũ khí hạng nặng cỡ lớn — bao gồm tên lửa, đại bác và các loại pháo khác — được thiết kế để xuyên thủng các phòng tuyến của kẻ thù và tiêu diệt các mục tiêu quan trọng ở khoảng cách xa. Tuy nhiên, giống như các hệ thống nổi bật khác của Quân đội Hoa Kỳ, chúng phải biến đổi để theo kịp tính chất đang thay đổi nhanh chóng của chiến tranh thì mới duy trì được tính hiệu quả.
“Việc cải thiện sức mạnh và sự linh hoạt của các hệ thống pháo binh dã chiến và đạn dược của Quân đội sẽ cho phép các Binh sĩ của chúng tôi tạo ra những tác động chính xác hơn và gây tổn hại nặng nề hơn trên các chiến trường trong tương lai”, Thiếu tướng John Rafferty, người từng giữ cương vị chỉ huy của Nhóm Liên Chức năng Hỏa lực Chính xác Tầm Xa thuộc Bộ Tư lệnh Tương lai của Quân đội Hoa Kỳ từ tháng 5 năm 2018 đến tháng 6 năm 2022, cho biết. Nhóm này được đặt tại Fort Sill, Oklahoma, chịu trách nhiệm tìm cách nâng cao Hỏa lực Chính xác Tầm Xa cho một kỷ nguyên chiến tranh mới. Chương trình này là ưu tiên hiện đại hóa chiến thuật của Quân đội, và khám phá các khả năng cho các hệ thống tham gia vào việc khai thác chuyên môn của Bộ Tư lệnh Phát triển Năng lực Chiến đấu của Quân đội cùng với ý kiến đóng góp từ ngành công nghiệp và giới hàn lâm.
Việc lắp đặt các hệ thống này là một phần quan trọng trong kế hoạch của Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác để giải quyết các mối đe dọa từ ĐCSTQ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như các nơi khác. Thành công đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia, như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, cùng với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ấn Độ, New Zealand và các Quốc Đảo Thái Bình Dương. Bằng cách củng cố một mạng lưới vô song gồm các đồng minh và đối tác có chung tầm nhìn, bao gồm sự tôn trọng dành cho trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, các quốc gia có thể ngăn chặn sự gây hấn, đảm bảo an ninh và thịnh vượng tập thể.
Khu vực chịu trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (USINDOPACOM) là khu vực ưu tiên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Chuẩn đô đốc John C. Aquilino, Chỉ huy của USINDOPACOM, tuyên bố rằng tất cả các miền trong khu vực này đều bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) tranh chấp và Hoa Kỳ phải luôn đi trước các năng lực của Trung Quốc bằng những tiến bộ công nghệ về trí tuệ nhân tạo, hỏa lực tấn công, năng lượng định hướng, siêu thanh và điện toán lượng tử, với những tiến bộ được tích hợp vào lực lượng liên minh/đối tác chung càng nhanh càng tốt.
Một cuộc bay thử được tiến hành tại Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Vandenberg, California, vào tháng 10 năm 2021, đã xác nhận khả năng bắn tên lửa vượt quá 499 kilomet của SLRPF Quân đội. Con số này vượt quá phạm vi 300 kilomet của Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân đội hiện có. Quân đội dự định sẽ triển khai các Tên lửa Tấn công Chính xác (Precision Strike Missiles – PrSM) hoạt động đầu tiên trong năm 2023 và Vương quốc Anh đã tuyên bố sẽ đưa ra một PrSM vào năm 2024 như một phần trong hoạt động nâng cấp cho Hệ thống Tên lửa Phóng Nhiều lần M270. Hệ thống tên lửa mới bao gồm các bệ phóng hiện có được trang bị PrSM thế hệ tiếp theo của Quân đội và có thể phá hủy các mối đe dọa trên không, bệ phóng tên lửa, trung tâm chỉ huy và kiểm soát, khu vực lắp ráp/dàn dựng và các mục tiêu có nhiệm vụ quan trọng khác. Các tên lửa này có bộ tìm kiếm đa chế độ mà bám đuổi tín hiệu radar và radio của kẻ thù, mở ra cơ hội để tấn công nhằm vào các mục tiêu trên biển cũng như các mục tiêu trên mặt đất thông thường.
Một động lực cho ngoại giao
Có khả năng là khả năng răn đe quân sự ngày càng tăng của Hoa Kỳ và đồng minh/đối tác theo cách được mô tả bởi ông Aquilino và các nhà lãnh đạo quân sự khác của Hoa Kỳ sẽ khiến các xu hướng bành trướng của ĐCSTQ phải tạm dừng và tăng khả năng về những giải pháp ngoại giao cho các điểm nóng tiềm năng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Hoa Kỳ cần tránh xa các nền tảng lớn, đắt đỏ, “danh giá” như tàu và máy bay mà có thể bị nhắm mục tiêu bằng các hệ thống chống tiếp cận/khắc chế khu vực và đầu tư vào các vũ khí nhỏ hơn,có chi phí thấp hơn và dễ sản xuất hơn. Để tái cân bằng khả năng răn đe trong khu vực, Hoa Kỳ nên tập trung vào việc cải thiện các vũ khí khắc chế khu vực.
“Một khả năng răn đe thông thường, đáng tin cậy trong chiến đấu là điều cần thiết để ngăn chặn xung đột, bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ, và để trấn an các đồng minh và đối tác của chúng ta,” Đô đốc Philip S. Davidson, khi đó là chỉ huy của USINDOPACOM, đã trình bày trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 2021. “Nếu không có một khả năng răn đe thuyết phục, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ càng táo tợn trong việc thực hiện hành động để làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các giá trị được thể hiện trong tầm nhìn của chúng ta về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”.
Mục tiêu của khả năng răn đe do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là đặt các lực lượng thù địch vào tình thế rủi ro và để khiến bất kỳ hành động thù địch nào, chẳng hạn như ĐCSTQ có thể xâm lược Đài Loan tự quản, có phí tổn quá cao nên không thể thực hiện được.
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có đặc trưng là các đại dương mênh mông và những quần đảo gồm hàng ngàn hòn đảo có kích thước và địa hình khác nhau. Tính đến các đặc điểm địa lý này trong việc lập kế hoạch cho một khả năng răn đe thông thường trong một môi trường được định hình, một phần, bởi vị thế của Trung Quốc đòi hỏi những năng lực tấn công chính xác tầm xa được phân bố trong khu vực.
Hệ thống SLRPF sẽ mang đến những lợi thế chiến lược và lợi thế tài chính so với các vũ khí cũ. PrSM Quân đội là một ví dụ về khái niệm này. Sử dụng một bệ phóng cũ như Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (High Mobility Artillery Rocket System – HIMARS) hoặc Hệ thống Tên lửa Phóng Nhiều lần (Multiple Launch Rocket System – MLRS), PrSM có thể phóng một tên lửa chống hạm hơn 500 kilomet, đặt các tàu hải quân của đối phương vào tình thế rủi ro. Trong khi đó, máy bay có người lái có phạm vi và thời gian bay hạn chế, dễ bị tổn hại bởi các hệ thống phòng không đối kháng tinh vi và thiếu khả năng răn đe liên tục trong mọi thời tiết mà SLRPF cung cấp.
Những sức mạnh của hệ thống SLRPF mang lại lợi ích vô cùng to lớn. “Tôi nghĩ rằng việc có một danh mục sâu về những năng lực tầm xa ở Thái Bình Dương mang đến cho bạn rất nhiều lựa chọn vì có rất nhiều địa điểm khác nhau mà bạn có thể hình dung bắn từ đó”, ông Rafferty nói với trang web Defense News vào tháng 9 năm 2020. “Và việc trộn lẫn và kết hợp các năng lực tầm xa từ tất cả các loại địa điểm khác nhau tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cực khó cho kẻ thù.”
Lực lượng Đặc nhiệm Đa Miền (Multi-Domain Task Force – MDTF) là câu trả lời của Quân đội cho các yêu cầu về hỏa lực chính xác trong hoạt động và chiến lược với các yếu tố khác nhau về tên lửa, phòng không, tình báo và không gian mạng, cùng nhau tạo điều kiện cho các năng lực để bảo vệ một khu vực nhất định — nền tảng của khả năng răn đe đáng tin cậy trong chiến đấu.
Các vũ khí SLRPF của Quân đội và phạm vi của chúng mà MDTF có thể sử dụng bao gồm:
- Vũ khí siêu thanh tầm xa (2.775 kilomet)
- PrSM, tương thích với các bệ phóng HIMARS/MLRS (500 kilomet)
- Khả năng tầm trung (tên lửa SM-6, Tên lửa Tấn công Mặt đất Tomahawk phóng từ mặt đất và PrSM Spiral 3) (1.800 kilomet)
- Hệ thống Tên lửa Phóng Nhiều lần có Điều khiển Tầm xa Mở rộng, tương thích với các bệ phóng HIMARS/MLRS (150 kilomet)
- Bom Đường kính Nhỏ Phóng từ Mặt đất, tương thích với các bệ phóng HIMARS/MLRS (150 kilomet)
Những vũ khí này sẽ chống lại những vũ khí được lắp đặt bởi Lực lượng Tên lửa của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (People’s Liberation Army – PLA), hầu hết trong số đó được bố trí ở miền đông Trung Quốc trong phạm vi mà PLA dự đoán có nhiều khả năng sẽ xảy ra các cuộc đối đầu nhất: Biển Đông và Biển Hoa Đông, Bán đảo Triều Tiên và Đài Loan. Việc triển khai các hệ thống SLRPF di động, phóng từ mặt đất trong khu vực sẽ làm phức tạp tính toán của các nhà hoạch định PLA và tăng các nguồn lực cần thiết để nhắm mục tiêu vào các hệ thống.
“Mặc dù Bắc Kinh có lẽ chọn nhắm mục tiêu vào một số căn cứ gần đó có khả năng chứa máy bay ném bom hạng nặng của Hoa Kỳ, và buộc các tàu chiến nổi của Hoa Kỳ phải tránh xa bờ biển của Trung Quốc, việc tìm kiếm hàng trăm bệ phóng mặt đất của Quân đội mà liên tục di chuyển sẽ là một nhiệm vụ nặng nề vượt quá khả năng của các lực lượng Trung Quốc”, tạp chí Forbes đưa tin vào tháng 10 năm 2021.
Một yếu tố khác cần xem xét là loại hệ thống SLRPF được triển khai. Tên lửa siêu thanh có thể di chuyển nhanh gấp năm lần tốc độ âm thanh, dễ dàng phân biệt được với các hệ thống SLRPF khác của Quân đội. Sẽ rất khó khăn để đặt một hệ thống siêu thanh sao cho nó không nhanh chóng bị phát hiện. Ngược lại, các vỏ đạn tên lửa PrSM gần như không thể phân biệt được với các vỏ HIMARS và MLRS cũ, và các đối thủ sẽ rất khó xác định tên lửa nào đang được phóng. Điều này có thể cung cấp thêm sự linh hoạt trong việc triển khai các năng lực tên lửa tiên tiến và có thể làm giảm cường độ của phản ứng từ phía ĐCSTQ.
Các câu hỏi còn bỏ ngỏ
Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này sẽ đặt các hệ thống SLRPF ở đâu? Lý tưởng nhất, các tài sản quân sự nên được đặt một cách chiến lược ở nước ngoài để răn đe, và nếu sự răn đe thất bại, sẽ ăn miếng trả miếng một cách hiệu quả với sự gây hấn của đối phương để lập lại sự ổn định và an ninh trong khu vực.
Hoa Kỳ phải trấn an các đồng minh và đối tác về cam kết mạnh mẽ và lâu dài của mình đối với khu vực, và rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng lại với sự ép buộc của ĐCSTQ. Đổi lại, các quốc gia đồng ý đón nhận một hệ thống SLRPF của Quân đội có lẽ sẽ nhìn nhận quyết định của họ là củng cố khả năng răn đe chống lại chế độ Trung Quốc đang ngày càng hung hăng, bắt ép và phớt lờ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.
Hỏa lực được đặt ở Hàn Quốc để răn đe sự khiêu khích của Bắc Triều Tiên và bình ổn khu vực. Chúng không được bố trí ở đó để đe dọa Trung Quốc.
“Cùng với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, lực lượng quân sự chung được đào tạo chuyên nghiệp và có khả năng sát thương của chúng tôi, được sắp xếp ở nước ngoài sẽ cung cấp khả năng răn đe cần thiết đồng thời hỗ trợ hoạt động ngoại giao từ một vị thế có sức mạnh để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho tất cả mọi người trong khu vực”, ông Aquilino nói trong phiên điều trần phê chuẩn trước Quốc hội vào tháng 3 năm 2021.
ĐCSTQ có thể phản ứng như thế nào với các hệ thống SLRPF? Các chuyên gia đã xác định được ba yếu tố chính có lẽ sẽ quyết định câu trả lời:
Răn đe — khả năng của Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác của mình trong việc cân bằng sự hiện diện của PLA ở Biển Đông và Biển Hoa Đông và các nơi khác bằng cách tung ra lực lượng đáng gờm của chính họ.
Sức mạnh kinh tế — khả năng tập thể của chúng ta để chống lại việc ĐCSTQ sử dụng thương mại, cho vay và các đòn bẩy kinh tế khác mà không bị ràng buộc bởi việc tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế.
Sự gắn kết của đồng minh — mức độ mà các đồng minh và đối tác, bao gồm các thành viên Bộ tứ là Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, và các quốc gia có cùng chí hướng như Philippines và Hàn Quốc, có thể xây dựng và duy trì sự đồng thuận và khả năng tương tác.
Để ngăn chặn việc triển khai các hệ thống SLRPF, ĐCSTQ có nhiều khả năng sẽ chuyển sang hối lộ, lớn tiếng và đưa ra những lời đe dọa ẩn ý, bao gồm các chiến dịch tuyên truyền để thuyết phục các quốc gia chủ chốt không cho Hoa Kỳ vào để đặt các hệ thống. Nếu điều đó thất bại, Bắc Kinh có lẽ sẽ dùng đến chiêu bài ép buộc kinh tế và các cuộc tấn công mạng trong một nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của mình mà không có xung đột vũ trang.
Với một ĐCSTQ ngày càng hung hăng, một khả năng răn đe đáng tin cậy là yêu cầu cấp bách, và các hệ thống SLRPF trên đất liền của Quân đội Hoa Kỳ phải là nền tảng của khả năng răn đe đó. Với những năng lực đa miền và tính linh hoạt, MDTF của Quân đội Hoa Kỳ là đơn vị lý tưởng để đưa công nghệ mới này đến khu vực. Chắc chắn ĐCSTQ sẽ phản bác bằng luận điệu và hành động ép buộc để ngăn cản Quân đội Hoa Kỳ giành được các vị trí trong Chuỗi Đảo Đầu tiên. Nhưng bằng cách chuẩn bị cho một phản ứng như vậy, Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của mình có thể giành được và duy trì quyền kiểm soát khu vực.
Nhiều đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ mong được mua HIMARS và MLRS dựa trên giá trị của chúng đối với các lực lượng Ukraina khi họ phòng thủ trước những kẻ xâm lược người Nga. Đây là một cơ hội tuyệt vời để đưa các hệ thống này đến quốc gia có cùng chí hướng.
“Trong môi trường hoạt động phức tạp với công nghệ cao, việc tiếp cận và vô hiệu hóa các mối đe dọa một cách nhanh chóng và chính xác sẽ là điều quan trọng nhất”, ông Rafferty nói. “Rất may, các năng lực mà chúng ta thấy đã hình thành như là kết quả của các khoản đầu tư chiến lược trong công tác hiện đại hóa sẽ mở rộng phạm vi, tính sát thương và tác động của các hỏa lực đất-đối-đất của chúng ta, giúp Quân đội, lực lượng chung và các đồng minh của chúng ta luôn đi trước một bước quan trọng so với bất kỳ đối thủ gần ngang hàng nào.”