Các bài nổi bậtKhả năng Răn đe Tích hợpNhững Khu vực Chung của Thế giới

Tích hợp Sự Xuất sắc

Trung tâm ứng phó khủng hoảng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thích ứng với môi trường dân sự - quân sự đang biến chuyển

Aiyana Paschal/Trung tâm vì sự Xuất sắc trong Quản lý Thiên tai và Hỗ trợ Nhân đạo

Kể từ khi được thành lập vào năm 1994, Trung tâm vì sự Xuất sắc trong Quản lý Thiên tai và Hỗ trợ Nhân đạo (CFE-DM) đã bồi dưỡng năng lực ứng phó với khủng hoảng, tăng cường sự phối hợp và hợp tác, cũng như củng cố các mối quan hệ để cải thiện sự hiệu quả của các lực lượng quân đội Hoa Kỳ và quân đội đối tác trong các thảm họa. Ngoài các lĩnh vực cốt lõi này, CFE-DM đã thực hiện các sáng kiến để đáp ứng hướng dẫn mới từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD) và Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (USINDOPACOM). Các ví dụ bao gồm tạo điều kiện cho một chương trình hội thảo lớn về hoạt động gìn giữ hòa bình dành cho các nhà lãnh đạo cấp cao quốc tế; khởi xướng chương trình nâng cao hiểu biết về HIV/AIDS cho các lực lượng quốc tế và đào tạo về xây dựng năng lực cho đại dịch – bệnh cúm cho các lực lượng an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; hỗ trợ một chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tập trung vào USINDOPACOM và Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ ở Châu Phi; và hỗ trợ các chương trình học bổng chống khủng bố.

CFE-DM tiếp tục trau dồi trọng tâm của mình trong bối cảnh năng động về địa chính trị và môi trường, và một phần chính trong nhiệm vụ của nó là đào tạo và tương tác với các đối tác dân sự và quân sự. Điều này thường được thực hiện với trọng tâm là thiên tai thông qua việc hỗ trợ cho tổ chức trong khu vực và các cuộc tập trận của USINDOPACOM, và khóa Đào tạo về Ứng phó Hỗ trợ Nhân đạo (Humanitarian Assistance Response Training – HART) của trung tâm. Tuy nhiên, xung đột đang ngày càng xảy ra nhiều hơn ở các khu vực đô thị đông dân cư. Trong những trường hợp như cuộc xâm lược vô cớ của Nga vào Ukraina vào tháng 2 năm 2022, các chế độ độc tài đang nhắm mục tiêu vào thường dân để đạt được các mục tiêu chính trị hoặc dân tộc chủ nghĩa bằng bất cứ giá nào. Do đó, CFE-DM đang tập trung nhiều hơn vào các kịch bản xung đột trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và lập kế hoạch. 

Trong 25 năm qua, CFE-DM đã hợp tác với Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (International Committee of the Red Cross – ICRC) và Đại học Hawaii tại Manoa để xúc tiến khóa học thường niên Những Trường hợp Khẩn cấp về Y tế trong Cộng đồng Lớn (Health Emergencies in Large Populations – HELP). ICRC đã phát triển khung HELP cho những người ứng phó nhân đạo trong các cuộc xung đột và hỗ trợ việc thực hiện khung này cho các tổ chức đối tác trên toàn thế giới. Khóa học CFE-DM, được tổ chức trong hai tuần tại Hawaii có những người tham gia từ khối dân sự và quân sự. Sự cân bằng về kinh nghiệm đảm bảo một trải nghiệm giáo dục chất lượng và cơ hội kết nối có giá trị giữa các chuyên gia có thể sẽ gặp lại nhau trong một tình huống khẩn cấp nhân đạo. Khóa học HELP của trung tâm hiện có hơn 600 học viên tốt nghiệp.  

Thủy quân lục chiến Hàn Quốc và Hoa Kỳ dọn sạch bùn và mảnh vụn bên ngoài một khu chợ ở Pohang, Hàn Quốc, sau cơn bão Hinnamnor vào tháng 9 năm 2022. Trung úy DAKOTA A. FORTUNA-CHUN/THỦY QUÂN LỤC CHIẾN HOA KỲ

Trung tâm cũng có một khóa học mới tên là HART in Conflict (HART-C), giới thiệu cho các lực lượng liên quân và các đối tác của Hoa Kỳ về sự phức tạp của việc tiến hành hỗ trợ nhân đạo trong khu vực xung đột. Các chủ đề bao gồm hệ thống thông báo nhân đạo, cơ chế phối hợp dân sự-quân sự, chuẩn bị cho việc di dời dân thường quy mô lớn, phân tích xung đột nhân đạo, khả năng tiếp cận và an ninh, cùng với những hậu quả của xung đột vũ trang và chiến tranh.  

Các trách nhiệm khác của trung tâm bao gồm tích hợp việc lập kế hoạch quản lý thảm họa vào các chức năng của USINDOPACOM và đóng góp cho các chính sách và hướng dẫn của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng. CFE-DM cũng tiến hành nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm thông tin như sổ tay tham khảo về quản lý thiên tai, tờ thông tin và tờ rơi về phương pháp hay nhất, tất cả đều được cung cấp công khai trên mạng tại cfe-dmha.org/publications. Ngoài ra, CFE-DM thúc đẩy các sáng kiến để hỗ trợ dòng chảy của thông tin quan trọng giữa các đối tác dân sự-quân sự trong các nỗ lực cứu trợ. Các nhà nghiên cứu của trung tâm hợp tác với các tổ chức hàn lâm và các tổ chức đối tác về các dự án và đề xuất để đảm bảo rằng những phát hiện của họ được cung cấp cho các nhân viên và chuyên gia trong lĩnh vực này và đem đến phân tích toàn diện về sự phối hợp dân sự-quân sự trong những môi trường xảy ra thảm họa.

‘Một đòi hỏi về mặt đạo đức’

CFE-DM tiếp tục thích ứng với tình hình thay đổi của các thảm họa tự nhiên và nhân tạo, bao gồm cả xung đột. Các sáng kiến gần đây bao gồm các chương trình Bảo vệ Dân thường (Protection of Civilians – POC) và Tác động của Biến đổi Khí hậu (Climate Change Impacts – CCI). Chương trình POC tìm cách giảm nhẹ và ứng phó với những thiệt hại mà thường dân phải chịu trong các hoạt động quân sự. Có ba hướng đi chính cho nỗ lực này: hỗ trợ USINDOPACOM trong việc áp dụng và thực hiện các chính sách và phương pháp mới của DOD để bảo vệ dân thường; nhận biết và thúc đẩy các phương pháp tốt nhất; và khuyến khích đối thoại về những thách thức chính và những biện pháp hiệu quả giữa các đối tác trong khu vực. Để xác định các phương pháp tốt nhất, CFE-DM làm việc với các cơ quan nhân đạo và duy trì đối thoại chặt chẽ với ICRC, cơ quan mà, giống như CFE-DM, gần đây đã phát hành một cuốn cẩm nang về các phương pháp tốt nhất để giảm thiểu tác hại lên dân thường.  

Những nỗ lực này trùng với Kế hoạch Hành động về Giảm thiểu Tác hại lên Dân Thường và Ứng phó mới của DOD, được phát hành vào cuối tháng 8 năm 2022 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin. Trong số các biện pháp của kế hoạch:

Thành lập một trung tâm vì sự xuất sắc trong bảo vệ dân thường để xúc tiến hoạt động phân tích, học tập và đào tạo trong cả bộ.

Phát triển các quy trình được tiêu chuẩn hóa để báo cáo hoạt động và quản lý dữ liệu về tác hại lên dân thường.

Các lực lượng Nhật Bản và Hoa Kỳ tham gia vào một cuộc tập trận hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai trong khuôn khổ Rim of the Pacific (RIMPAC) 2022 với sự tham gia của nhiều quốc gia. AIYANA PASCHAL/BỘ QUỐC PHÒNG HOA KỲ

Cung cấp thêm thông tin để giúp các chỉ huy và người vận hành hiểu rõ hơn về môi trường dân sự, bao gồm cả việc kết hợp hướng dẫn cho việc giải quyết các tác hại lên dân thường vào học thuyết quân sự và các kế hoạch hoạt động.

“Bảo vệ thường dân để tránh cho họ bị tổn hại liên quan đến các hoạt động quân sự không chỉ là một đòi hỏi về mặt đạo đức, mà còn vô cùng quan trọng để đạt được thành công lâu dài trên chiến trường. Những thành công về chiến thuật và hoạt động phải vất vả mới đạt được, cuối cùng có thể đi đến thất bại về mặt chiến lược nếu không cẩn thận để bảo vệ môi trường dân sự hết mức có thể trong tình huống đó”, một thông cáo báo chí của DOD trình bày.

“Điều đã bị thiếu là một cách tiếp cận bao quát từ DOD”, bà Jenny McAvoy, cố vấn kiêm trưởng nhóm phụ trách chương trình POC cho biết. Bà McAvoy, người đã làm việc về các vấn đề bảo vệ dân thường trong nhiều thập kỷ, ghi nhận sự cần thiết phải “đầu tư vào các loại năng lực mà sẽ cho phép các chỉ huy thích ứng với những thách thức trong hoạt động cụ thể của họ”.

Một phần, sự cấp bách được thúc đẩy bởi số lượng các cuộc xung đột ngày càng tăng trong môi trường đô thị và tác động khủng khiếp của chúng lên thường dân. Các tổ chức nhân đạo và các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đang tìm cách giải quyết tác hại này. Ngoài thương vong và sự tàn phá, mức gia tăng xung đột ở các khu vực đông dân cư đã gây ra sự gia tăng đột biến về số người phải di dời. Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn, tính đến cuối năm 2021, 89,3 triệu người trên toàn thế giới đã bị buộc phải di dời vì bị đàn áp, xung đột, bạo lực, vi phạm nhân quyền hoặc sự xáo trộn lớn. Chỉ riêng ở Miến Điện, khoảng 1 triệu người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và cộng đồng của họ trong bối cảnh bạo lực vẫn tiếp diễn do cuộc đảo chính của quân đội vào tháng 2 năm 2021.

Khi những người tị nạn vượt biên giới để chạy trốn khỏi các khu vực xung đột, có cuộc tranh luận về chủ quyền — khả năng của một quốc gia trong việc kiểm soát những gì xảy ra trong biên giới của mình. Một số quốc gia đã từ chối người tị nạn, trong khi những quốc gia khác yêu cầu họ phải đáp ứng các tiêu chí nhập cảnh nhất định. Các chính sách như vậy đặt ra những câu hỏi quan trọng về đạo đức và tính thực tế về việc làm thế nào để tiếp nhận người tị nạn một cách an toàn dựa trên nguyên tắc quốc tế về việc không gửi trả, theo đó cấm một quốc gia bắt buộc người tị nạn trở về quốc gia xuất xứ của họ nếu họ có nỗi sợ có cơ sở là mình sẽ bị bức hại.

Bà McAvoy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc CFE-DM hợp tác với các đối tác trong khu vực trong việc giải quyết những vấn đề này, xét đến tính trung tâm của các mối quan hệ đối tác an ninh trong chiến lược quân sự tổng thể của Hoa Kỳ. Trung tâm cũng làm việc với Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (U.N. Office for the Coordination of Humanitarian Affairs – UNOCHA), tập trung vào việc đồng bộ hóa các nỗ lực ứng phó và cứu trợ nhân đạo toàn cầu, vận động, phát triển chính sách, cung cấp dịch vụ quản lý thông tin và huy động các nguồn lực tài chính. 

“Bảo vệ thường dân là cốt lõi của tất cả mọi việc chúng tôi làm với tư cách là những người hoạt động nhân đạo để giảm bớt đau khổ, giảm thiểu rủi ro và ngăn chặn bạo lực nhằm vào những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Điều này có thể dưới nhiều hình thức khác nhau trong các thảm họa và xung đột và đòi hỏi một phản ứng đa ngành và toàn diện”, bà Helene Skaardal, một nhân viên phụ trách các vấn đề nhân đạo của Văn phòng khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của UNOCHA cho biết.  

Nhân viên dân sự và quân sự từ 15 quốc gia tham gia khóa học Những Trường hợp Khẩn cấp về Y tế trong Cộng đồng Lớn do CFE-DM tổ chức, với sự hợp tác của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và Đại học Hawaii vào tháng 8 năm 2022. AIYANA PASCHAL/BỘ QUỐC PHÒNG HOA KỲ

Vai trò quân sự được ủy nhiệm

Sự phối hợp giữa các tổ chức nhân đạo và quân sự có thể thay đổi đáng kể dựa trên việc liệu phản ứng liên quan đến thiên tai, xung đột vũ trang hay một trường hợp khẩn cấp phức tạp khác. Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhiều lực lượng quân đội đóng vai trò được ủy nhiệm trong việc ứng phó với thiên tai, cung cấp các năng lực thường vượt quá các nguồn lực mà các cơ quan dân sự và các tổ chức phi chính phủ (NGO) có được. Do đó, để ứng phó với thiên tai, “điều quan trọng là chúng tôi phải thiết lập rõ ràng các cơ chế phối hợp dân sự – quân sự để chúng tôi có thể phân chia nhiệm vụ, chia sẻ thông tin và cùng lên kế hoạch cho các hoạt động”, bà Skaardal nói.

“Tuy nhiên, trong các tình huống khẩn cấp phức tạp và xung đột vũ trang, quân đội thường là một bên trong cuộc xung đột”, bà giải thích. “Vì vậy, như một điểm khởi đầu, sự phối hợp về công tác nhân đạo với các bên quân sự không dựa trên một mô hình hợp tác mà thay vào đó là cùng tồn tại và ngoại giao nhân đạo.” Đó là bởi vì những nỗ lực nhân đạo phải luôn luôn tách biệt với các mục tiêu chính trị hoặc quân sự, khiến việc các tổ chức nhân đạo duy trì sự trung lập và vô tư là yếu tố vô cùng quan trọng, đồng thời, họ thúc đẩy và vận động cho kết quả của hoạt động bảo vệ. “Những gì chúng tôi cố gắng thực hiện về cơ bản là thương lượng để các nhân viên nhân đạo được tiếp cận với những người bị ảnh hưởng bởi xung đột để cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo giúp cứu mạng người và vận động cho việc bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế”, bà Skaardal nói.

Tình hình chiến tranh đang biến chuyển, bao gồm sự gia tăng của xung đột trong đô thị và cố ý nhắm mục tiêu vào dân thường, đặt ra những thách thức đáng kể cho các nỗ lực nhân đạo để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ. “Những gì chúng tôi thường gặp phải trong các cuộc xung đột vũ trang ngày nay là những bên có vũ trang trực tiếp áp đặt hạn chế đối với việc di chuyển của nhân viên cứu trợ nhân đạo để giảm khả năng tiếp cận của chúng tôi với những người dân bị ảnh hưởng,” bà Skaardal, người đã tới Ukraina để giúp cải thiện khả năng tiếp cận nhân đạo trong các khu vực xung đột sau cuộc xâm lược của Nga, cho biết. “Một mặt, chúng tôi không thể tiếp cận những người bị ảnh hưởng bởi xung đột để cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo mà họ rất cần và mặt khác, vi phạm nhân quyền và bạo lực có thể xảy ra nhưng lại không bị phát hiện”. 

Việc thương lượng về khả năng tiếp cận nhân đạo thường chậm chạp vì bản chất thứ bậc của các bên có vũ trang. Điều này có thể gây chậm trễ trong việc cung cấp sự hỗ trợ giúp cứu người và cản trở các giải pháp cục bộ. Tuy nhiên, việc cung cấp sự hỗ trợ mà không có sự tham gia của các bên trong cuộc xung đột có thể đặt các nhân viên cứu trợ vào tình thế rủi ro cao. Những trở ngại này đã được thể hiện rõ ở Miến Điện, nơi vào tháng 9 năm 2022 chính phủ quân đội đã ra lệnh cho các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ ngừng cung cấp hỗ trợ nhân đạo ở bang Rakhine, nơi việc tiếp cận các cộng đồng bị cản trở bởi các cuộc đụng độ giữa các lực lượng quân sự và các nhóm vũ trang sắc tộc, theo tin từ trang web tin tức Irrawaddy.

Bất chấp những thách thức như vậy, UNOCHA và các tổ chức khác đang làm việc để bảo vệ thường dân, cùng với những nỗ lực để soạn thành luật lệ việc bảo vệ thường dân và đưa quy định đó vào các thực hành quân sự, như Kế hoạch Hành động về Giảm thiểu Tác hại lên Dân Thường và Ứng phó mới của DOD. Tuy nhiên, bà Skaardal cho biết, các cơ chế về trách nhiệm giải trình phải được củng cố đối với các hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế. “Làm việc trong hệ thống Liên Hợp Quốc và làm việc trong lĩnh vực nhân đạo, sự bảo vệ đã giữ vai trò trung tâm từ lâu,” bà nói. “Các tổ chức nhân đạo đã thực hiện một quá trình trong nhiều năm để tăng cường tính trung tâm của việc bảo vệ, nhưng có lẽ giờ đây nó đang tăng tốc vì cuộc chiến ở Ukraina, nhưng cũng có sự công nhận rằng Ukraina chỉ là một trong những trường hợp được chú ý nhiều trong số rất nhiều, rất nhiều ví dụ là những nơi mà dân thường đang phải chịu khổ nhiều nhất.”

Bầu không khí của sự thay đổi 

Các tác động gây bất ổn của biến đổi khí hậu đe dọa an ninh của con người. Những đợt nắng nóng và hạn hán làm giảm sản lượng lương thực. Lũ lụt, bão và cháy rừng gây thiệt hại và làm chết người, phá hủy sinh kế và cơ sở hạ tầng. Biến đổi khí hậu có thể khiến những vùng đất trong tình trạng nguy hiểm trở thành không thể ở được do quá trình ngập nước hoặc sa mạc hóa, khiến người ta phải di cư để trốn khỏi những mối đe dọa này.

“Chúng ta đã chứng kiến những tác động này, và chúng sẽ tiếp tục xảy ra”, ông Steve Frano, giám đốc chương trình của chương trình Tác động Biến đổi Khí hậu mới của CFE-DM, cho biết. “Một ví dụ rõ ràng ở các Đảo Thái Bình Dương là mực nước biển dâng. Đây sẽ không đơn giản là chuyện nước dâng lên và buộc một cộng đồng phải di dời. Nó sẽ là một ví dụ diễn ra từ từ. Ở đó hiện mực nước biển dâng đã đủ và nước dâng do bão đã đủ đến mức mà sự xâm nhập của nước mặn đã ảnh hưởng đến khả năng sinh sống và sản xuất lương thực của họ. Nếu họ không thể thích nghi để tồn tại trên đất đai của họ nữa, họ phải di dời … vậy họ có thể đi đâu? Đối với nhiều quốc gia trong số này, cộng đồng của họ, gia đình họ, lịch sử của họ, mọi thứ đều gắn liền với đất đai, vì vậy ý tưởng rời khỏi vùng đất này, trong một số trường hợp, là một giải pháp không thể chấp nhận được”. 

Chương trình CCI hỗ trợ việc nâng cao nhận thức và trao đổi kiến thức để nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu đối với các sáng kiến về an ninh trong khu vực nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở. Một trọng tâm quan trọng là tạo điều kiện cho một mạng lưới bao trùm gồm các chuyên gia về an ninh khí hậu trong khu vực và cung cấp một diễn đàn để trao đổi thông tin và thảo luận về các kế hoạch và chương trình hợp tác để ứng phó với các tác động an ninh của biến đổi khí hậu. Bằng cách hợp tác với các đối tác trong khu vực, các chuyên gia có thể chia sẻ cách tiếp cận của đất nước họ đối với biến đổi khí hậu và an ninh và nêu bật các ưu tiên. “Chúng tôi thảo luận với các đồng minh và đối tác của mình, chúng tôi phát triển các chương trình và sáng kiến, và chúng tôi kết hợp nó trong kế hoạch của riêng mình”, ông Frano nói. 

Hiểu được tiềm năng cho những thay đổi đối với môi trường tự nhiên — cũng như ảnh hưởng của chúng lên con người, cộng đồng và quốc gia — cũng là nhiệm vụ sống còn của các tổ chức quân sự trong khu vực như USINDOPACOM vì các vấn đề này ảnh hưởng đến khả năng của quân đội trong việc duy trì an ninh và sự ổn định. Khi các quốc gia trông cậy vào nhau để cứu trợ trước các thảm họa tự nhiên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, có thể có những lo ngại về việc chủ quyền bị thu hẹp. Ví dụ, đối với một số quốc đảo Thái Bình Dương, mực nước biển dâng đang cuốn trôi chính những đường biên giới mà xác định chủ quyền của họ — một sự xói mòn mà sau này có thể khiến số lượng lớn người dân phải di chuyển và, thông qua đó, làm suy yếu nền tảng của an ninh khu vực. “Khi chúng ta nhìn vào chủ quyền và HADR [hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa], không phải lúc nào cũng là kịch bản động đất: một biến cố xảy ra; chúng ta lên đường và ứng phó với nó,” ông Frano nói. “Nhưng còn có những thay đổi khác mà sẽ đẩy chúng ta theo hướng mà sẽ gây áp lực lên khả năng của các quốc gia trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân của họ.”

Do đó, các chương trình và chi nhánh của CFE-DM sẽ vẫn hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực để đảm bảo rằng các mối lo ngại về biến đổi khí hậu và bảo vệ dân thường được tích hợp vào công tác lập kế hoạch và thực hiện HADR. Khi gần kỷ niệm 30 năm thành lập, CFE-DM vẫn là một nguồn lực dồi dào cho quân đội Hoa Kỳ và quân đội đối tác, các cơ quan dân sự và các tổ chức nhân đạo tìm cách cải thiện phản ứng dân sự – quân sự đối với các thảm họa tự nhiên và nhân tạo — các lĩnh vực chức năng cốt lõi của nó về đào tạo và hợp tác, nghiên cứu, chia sẻ thông tin và lập kế hoạch hoạt động ngày nay vẫn giữ vai trò quan trọng như khi trung tâm được thành lập. Cùng lúc đó, CFE-DM tiếp tục biến đổi và phát triển để đáp ứng các yêu cầu mới của DOD và USINDOPACOM. Các chương trình Bảo vệ Thường dân và Tác động của Biến đổi Khí hậu chỉ là hai trong số các sáng kiến mới để đáp ứng với bối cảnh chiến lược đang thay đổi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên khắp thế giới.  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button