Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ giải quyết vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, tăng cường quan hệ đối tác ở Châu Đại Dương
Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Tàu tuần duyên Hoa Kỳ Oliver Henry vừa triển khai thành công nhiệm vụ hợp tác để tăng cường công tác thực thi pháp luật và cam kết trong cuộc tuần tra trên hải trình 9.700 km kéo dài cả tháng ở khu vực Thái Bình Dương
Tàu tuần duyên phản ứng nhanh này đã đi qua vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia đối tác là Palau và Liên bang Micronesia, cũng như vùng biển quốc tế giữa các quốc gia tại khu vực Quần đảo Thái Bình Dương để xử lý tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (illegal, unreported and unregulated – IUU). Lực lượng tuần duyên đã đổ bộ lên hơn mười tàu đánh cá gắn cờ nước ngoài, bao gồm năm lần đổ bộ với sĩ quan thực thi pháp luật hàng hải Palau. Chiến dịch này đã phát hiện nhiều vi phạm quy định tiềm ẩn liên quan đến nhật ký khai thác, giấy phép vận chuyển, các vạch đánh dấu trên tàu và hệ thống giám sát, theo thông cáo báo chí được công bố vào giữa tháng 4 năm 2023. (Ảnh: Thủy thủ đoàn Tàu tuần duyên Oliver Henry của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ tiếp cận một tàu đánh cá ở khu vực Thái Bình Dương vào cuối tháng 3 năm 2023.)
Riêng tại khu vực Trung và Tây Thái Bình Dương, sản lượng khai thác cá ngừ trong năm 2021 được định giá hơn 4,8 tỷ đô la Mỹ (111,4 nghìn tỷ đồng), theo Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương. Trong năm 2019, sản lượng cá ngừ bị đánh bắt bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý của ngành thủy sản tại khu vực này ước tính đạt 333 triệu đô la Mỹ (7,7 nghìn tỷ đồng). Đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý là mối đe dọa lớn đối với khu vực này, nơi người dân phụ thuộc nhiều vào ngành thuỷ sản làm nguồn cung cấp thực phẩm và sinh kế.
“Đội ngũ sĩ quan đổ bộ cảm thấy hãnh diện vì sự đóng góp tích cực mà họ mang lại, như ghi lại các hành vi vi phạm tiềm ẩn và cung cấp thông tin giáo dục cho thủy thủ đoàn về yêu cầu đánh bắt cá”, Trung uý Freddy Hofschneider, sĩ quan chỉ huy của tàu tuần duyên, cho biết trong một thông cáo báo chí. “Trên mỗi con tàu chúng tôi đổ bộ, thủy thủ đoàn đều chào đón chúng tôi với sự tôn trọng, quan tâm tích cực và mong muốn khắc phục các thiếu sót”.
Nhiệm vụ này hỗ trợ cho Chiến dịch 365 của Diễn đàn Nghề cá các Quốc đảo Thái Bình Dương (Pacific Islands Forum Fisheries Agency) và Chiến dịch Rematau của Lực lượng Cảnh sát Biển Hoa Kỳ tại Micronesia/Khu vực Guam. Hai chiến dịch này đều thúc đẩy chủ quyền, an ninh và thịnh vượng kinh tế ở Châu Đại Dương. Tàu tuần duyên Oliver Henry và tàu hỗ trợ chất rắn của hạm đội (Fleet Solid Support Ship – FSS) Micronesia mang tên Tosiwo Nakayama đã thực hiện cuộc tuần tra chung trong Chiến dịch 365.
Theo Hiệp ước Liên kết Tự do (Compacts of Free Association), Micronesia, Palau và Quần đảo Marshall được Hoa Kỳ hỗ trợ kinh tế và bảo đảm an ninh.
“Không thể phủ nhận lợi tức của việc đầu tư cho các đối tác của chúng tôi… thông qua việc sử dụng tàu tuần duyên phản ứng nhanh và Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ trong khu vực này. Chúng tôi nhận thấy tín hiệu rõ ràng về nhu cầu đó”, Đại úy Nick Simmons, chỉ huy của Lực lương Tuần duyên Hoa Kỳ tại Micronesia/Khu vực Guam, cho biết trong thông cáo báo chí.
Trên đảo Satawal của Micronesia, thuỷ thủ đoàn tàu tuần duyên Oliver Henry đã tham dự buổi lễ hoa tiêu tài ba và gặp gỡ các nhà lãnh đạo địa phương để thảo luận về những thách thức mà 500 cư dân đang phải đối mặt. Tại Palau, hơn 80 học sinh trung học và đại học đã tham quan tàu tuần duyên. Lực lượng tuần duyên đã tiến hành huấn luyện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và lập kế hoạch kiểm soát thiệt hại với các nhân viên thực thi pháp luật hàng hải địa phương.
“Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ tại Micronesia và thuỷ thủ đoàn trên tàu tuần duyên có sứ mệnh tiến hành huấn luyện, cung cấp nguồn lực quý giá theo yêu cầu để đáp ứng nhu cầu của các đối tác của chúng tôi”, Đại tá Simmons phát biểu.
Nhiệm vụ của tàu tuần duyên Oliver Henry diễn ra cùng thời điểm với đợt triển khai trong ba tuần của con tàu cùng loại mang tên Myrtle Hazard đến Quần đảo Bắc Mariana, cũng thuộc Chiến dịch Rematau.
Tàu tuần duyên Myrtle Hazard đã hỗ trợ các nhiệm vụ bao gồm thực thi pháp luật hàng hải, bảo vệ tài nguyên biển, tìm kiếm và cứu hộ, an ninh ven biển, cảng và đường thủy, theo thông cáo báo chí công bố vào cuối tháng 3 năm 2023. Tàu tuần duyên cũng chuyển nhân sự và thiết bị cho các chiến dịch đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải gần Saipan, hòn đảo lớn nhất của lãnh thổ Hoa Kỳ.
“Thật tuyệt vời khi được đến [Quần đảo Bắc Mariana] và cung cấp các dịch vụ này để tăng cường an toàn hàng hải cũng như hỗ trợ các đối tác của chúng tôi tại khu vực”, thông cáo báo chí dẫn lời Trung úy Jalle Merritt, sĩ quan chỉ huy của tàu tuần duyên Myrtle Hazard, cho hay. “Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới người dân Saipan vì lòng hiếu khách của họ trong thời gian chúng tôi lưu trú”.
HÌNH ẢNH: CHUẨN UÝ SARA MUIR/TUẦN DUYÊN HOA KỲ