Các bài nổi bậtKhả năng Răn đe Tích hợpNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Lên án Sự Đàn áp

Những lời Chỉ trích Chồng chất, các Biện pháp Trừng phạt Nhắm vào cách Đối xử Vô nhân đạo của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Theo một loạt các cuộc điều tra, bao gồm một báo cáo chỉ trích của Liên Hợp Quốc, người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Bản địa khác tiếp tục bị ép phải làm việc để duy trì hoạt động sản xuất ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Nghiên cứu cũng cho biết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phần lớn đang hành động thông qua Xinjiang Production and Construction Corps (XPCC) do nhà nước vận hành để đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số.

Các báo cáo chỉ ra, mặc dù ngày càng có nhiều quốc gia và các cơ quan quốc tế lên án ĐCSTQ và tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào chế độ bóc lột này, nhưng có thể cần những biện pháp quyết liệt hơn để giảm bớt các hành vi ngược đãi, bao gồm tra tấn và diệt chủng.

“Chính phủ Trung Quốc đang diễn giải bản sắc, tôn giáo và văn hóa khác biệt của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ khác ở Tân Cương, những người chủ yếu theo đạo Hồi, vừa là mối đe dọa an ninh quốc gia vừa là mối đe dọa văn hóa đối với sự thống nhất của Trung Quốc”, Irina Bukarin, nhà phân tích chính trong báo cáo vào tháng 5 năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (Center for Advanced Defense Studies – C4ADS), có trụ sở tại Washington, DC, nói với Đài phát thanh Công cộng Quốc gia. “Và với cách suy nghĩ như vậy, họ đã và đang bỏ tù người Duy Ngô Nhĩ và ép họ phải làm việc trong những điều kiện cưỡng bức, buộc họ phải rời khỏi cộng đồng, và đưa họ đi làm việc trong những cánh đồng và nhà máy cách gia đình họ hàng trăm dặm.”

Các nhóm nhân quyền cho biết, người dân tộc Duy Ngô Nhĩ làm việc cực nhọc tại một trang trại gần Lukqun ở Tân Cương, nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức trên diện rộng. REUTERS

XPCC hoạt động như thể một chính quyền cấp khu vực, tổ chức bán quân sự, đơn vị vận hành nhà tù, đế chế truyền thông và hệ thống giáo dục và là một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất thế giới, theo báo cáo vào tháng 7 năm 2022 của Trung tâm Tư pháp Quốc tế Helena Kennedy thuộc Đại học Sheffield Hallam ở Vương quốc Anh. “Chính phủ trung ương của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa coi XPCC là một ‘hệ thống tích hợp đặc biệt gồm chính phủ, quân đội và doanh nghiệp’.”

XPCC khuất phục người Duy Ngô Nhĩ và bóc lột sức lao động của họ cho các dự án cung cấp cho Trung Quốc — và nhiều nơi trên thế giới — các sản phẩm và dịch vụ. Những nỗ lực này đã được đẩy mạnh dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình, người tuyên bố rằng người Duy Ngô Nhĩ có khả năng gây rối hoặc thậm chí có thể trở thành phần tử khủng bố.

Vào cuối tháng 8 năm 2022, ba tháng sau khi đến thăm Tân Cương, bà Michelle Bachelet, lúc đó là giám đốc nhân quyền của Liên Hợp Quốc, đã công bố một báo cáo được chờ đợi từ lâu xác nhận rằng việc Trung Quốc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác có thể cấu thành tội ác chống lại loài người. Bản đánh giá dài 46 trang ghi nhận các hành vi vi phạm quyền, bao gồm tra tấn, và khiến cả thế giới phải chú ý.

Bắc Kinh đã yêu cầu bà Bachelet không được công bố bản báo cáo này và mô tả những phát hiện của bà là một phần của chiến dịch của phương Tây nhằm bôi nhọ danh tiếng của mình. Theo The Associated Press (AP) đưa tin, một nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ không còn hợp tác với văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc nữa.

“Những gì đang xảy ra ở Tân Cương là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong thời đại chúng ta”, học giả về pháp luật Trung Quốc kiêm nhà hoạt động nhân quyền Teng Biao nhận định. “Đối với hầu hết những người bị giam giữ trong các trại tập trung, tội duy nhất của họ là họ là một [người Duy Ngô Nhĩ], một người Hồi giáo hoặc không chịu từ bỏ bản sắc văn hóa hoặc tôn giáo của mình — như để râu dài, đeo mạng che mặt ở nơi công cộng và không chịu xem truyền hình nhà nước, không chịu uống rượu, sinh thêm con, đã ra nước ngoài, xin hộ chiếu, sở hữu kinh Cô-ran, nói chuyện với họ hàng hoặc thành viên trong gia đình sống ở nước ngoài, vân vân và vân vân”, ông Teng nói trong một cuộc thảo luận trực tuyến của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR) vào tháng 7 năm 2021. Ông Teng có bằng tiến sĩ về triết học pháp luật của Đại học Bắc Kinh và giảng dạy tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc trước khi rời quê hương.

Theo báo cáo của CFR, một cơ quan nghiên cứu độc lập, kể từ năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã bỏ tù hơn 1 triệu người ở Tân Cương và buộc những người khác phải chịu sự giám sát, những hạn chế về tôn giáo, lao động cưỡng bức và triệt sản bắt buộc. Những bức ảnh chụp từ trên không do Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute – ASPI) công bố cho thấy sự mở rộng đáng kể của một mạng lưới rộng lớn gồm các trại giam của chính phủ trong khu vực này từ tháng 4 năm 2017 đến tháng 8 năm 2018. Các quan chức ĐCSTQ phủ nhận rằng cái gọi là trung tâm dạy nghề đã xâm phạm quyền con người của người Duy Ngô Nhĩ.

Nhiều người bị giam giữ phải lao động trong những điều kiện “có thể coi là chế độ nô lệ như một tội ác chống lại loài người”, ông Tomoya Obokata, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về các hình thức nô lệ hiện đại, đã kết luận vào giữa tháng 8 năm 2022.

ĐCSTQ muốn người Duy Ngô Nhĩ tuân theo phiên bản đồng nhất của đảng về bản sắc Trung Quốc, từ bỏ văn hóa, niềm tin tôn giáo và mọi mong muốn được độc lập của họ. Theo tờ The Guardian, XPCC khuyến khích người Hán, nhóm dân tộc lớn nhất của quốc gia này, chuyển đến Tân Cương và cố gắng kiềm chế tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ.

Sau khi nghe tường trình từ những người đã từng sống trong trại tập trung và các chuyên gia trong khu vực, Tòa án Duy Ngô Nhĩ, một nhóm đặt tại Vương quốc Anh, đã xác định rằng các biện pháp kiểm soát sinh sản và triệt sản nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ cấu thành tội diệt chủng.

Khu vực Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc là nơi sinh sống của khoảng 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ, hầu hết là người theo đạo Hồi. REUTERS

Ông Geoffrey Nice, một luật sư người Anh, đã chủ trì các phiên điều trần diễn ra trước khi tòa án này đưa ra phán quyết không có tính ràng buộc vào tháng 12 năm 2021. Ông nói rằng hội đồng kết luận rằng Trung Quốc đã thực hiện “một chính sách có chủ ý, có hệ thống và sự phối hợp” để khiến “dân số người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác bị giảm đi về lâu dài”, theo BBC. Hội đồng cũng tìm thấy bằng chứng về những tội ác chống lại nhân loại, tra tấn và bạo lực tình dục.

Hội đồng kết luận rằng ông Tập và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc phải chịu “trách nhiệm chính” về những hành vi ngược đãi người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương, ông Nice nói.

Mặc dù các quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, đã cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất tại Tân Cương, nhưng các biện pháp trừng phạt như vậy có thể ít hiệu quả. “Khi thảo luận cụ thể về XPCC, mục tiêu của tập đoàn này không đơn thuần là thương mại, vì vậy hành vi đàn áp của tập đoàn đó khó có thể được thay đổi bởi các tác động chỉ ảnh hưởng đến những hoạt động kinh doanh”, bà Nicole Morgret, một nhà phân tích nhân quyền của C4ADS, nói với DIỄN ĐÀN.

‘Hình sự hóa hành vi bình thường’

ĐCSTQ, thông qua XPCC, kiểm soát gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống ở Tân Cương. Camera an ninh có ở khắp mọi nơi, và người dân được khuyến khích theo dõi hàng xóm của họ. Ông James Leibold, một nghiên cứu viên cấp cao tại ASPI, cho biết trong sự kiện trực tuyến của CFR: “Hoạt động giám sát tràn lan và vô cùng soi mói, có nghĩa là các quan chức đảng giờ đây có thể ngó vào bên trong những ngôi nhà và thậm chí cả giường ngủ của người Duy Ngô Nhĩ”.

Theo nhiều báo cáo, XPCC đã lấy đi tài sản của nhiều người và buộc họ phải làm việc trong nhà máy hoặc trang trại đồng thời cấm các ngôn ngữ bản địa, những thực hành tôn giáo và trang phục dân tộc. Những người kháng cự bị giam giữ trong các trại lao động nơi họ bị nhồi sọ văn hóa của người Hán. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ đơn giản đã biến mất. Những vết tích về cuộc đời của họ đã bị phá hủy. Những tài sản được coi là có giá trị, chẳng hạn như đất canh tác, bị tịch thu.

Trung tâm Helena Kennedy báo cáo: “Khu vực, người dân và bản sắc của họ được coi là mối đe dọa an ninh có tính sống còn đối với sự toàn vẹn văn hóa của Trung Quốc, sự ổn định của đường biên giới nước này và quyền lực tuyệt đối của ĐCSTQ”. “Đặc biệt trong 5 năm qua, XPCC đã đóng một vai trò then chốt trong việc đàn áp đời sống, văn hóa và bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ”. Báo cáo cho thấy các chiến thuật của XPCC “nhìn chung chưa từng xuất hiện trong các cấu trúc chính trị hoặc doanh nghiệp trên toàn cầu; tất cả các phép so sánh đều không nắm bắt được chức năng, phạm vi và quyền hạn sâu rộng của tập đoàn này”.

Ông Chen Quanguo, khi đó là người đứng đầu ĐCSTQ ở Tân Cương, đã ra nhiều lệnh vào năm 2017 và 2018 về việc “bắt giữ tất cả những người nên bị bắt”, dẫn đến việc xây dựng trại giam và mở rộng nhà tù. Chính quyền Trung Quốc đã cấm các nhà báo và các điều tra viên nước ngoài đến những cơ sở này. Các chuyên gia về Tân Cương nói với CFR, giữa những lời chỉ trích trên khắp thế giới, ĐCSTQ tiếp tục bắt người vào các nhà tù và các cơ sở giam giữ mà không qua xét xử.

Những người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở London bày tỏ sự ủng hộ dành cho người Duy Ngô Nhĩ bị ĐCSTQ đàn áp. REUTERS

Ông Darren Byler, một nhà nhân chủng học đã nghiên cứu về người Duy Ngô Nhĩ, nói với AP vào tháng 7 năm 2021 rằng nhiều người bị giam giữ đã không phạm “tội ác thực sự theo bất kỳ tiêu chuẩn nào” và đã bị giam giữ mà không trải qua thủ tục tố tụng. Ông nói: “Người ta biến hành vi bình thường thành tội phạm”.

Việc tuyên truyền nhồi sọ cũng diễn ra bên ngoài những bức tường của các cơ sở chính phủ. “Chúng ta nên nhớ rằng việc vi phạm nhân quyền… cũng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của tất cả người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương”, ông Teng nói trong cuộc thảo luận CFR. Bên ngoài các trại, người Duy Ngô Nhĩ “tiếp tục phải chịu sự đàn áp ngày càng hà khắc và sự giám sát toàn trị của chính quyền Trung Quốc.”

Các nhóm vận động Amnesty International và Human Rights Watch cáo buộc Bắc Kinh đã phạm những tội ác chống lại loài người ở Tân Cương. Trong số các hành vi ngược đãi có lao động cưỡng bức, triệt sản và bắt buộc phải tuân theo sự đồng hóa của ĐCSTQ, bao gồm cả những hạn chế đối với các hoạt động tôn giáo. Cuộc đàn áp nhằm mục đích khiến người Duy Ngô Nhĩ phải khuất phục và phụ thuộc vào nhà nước, Trung tâm Helena Kennedy báo cáo, không khác gì “một triều đại khủng bố”.

Người Duy Ngô Nhĩ là ai?

Mặc dù Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương chiếm gần một phần sáu diện tích đất của Trung Quốc, nhưng dân số 26 triệu người nơi đây chiếm dưới 2% dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc. Theo BBC, đây là nơi sinh sống của khoảng 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ, hầu hết là người theo đạo Hồi, cùng với các nhóm dân tộc thiểu số khác và người Hán chuyển đến đây. Chịu sự cai trị của các lãnh chúa và nhiều chế độ khác nhau trong nhiều thế kỷ, các dân tộc Bản địa ở Tân Cương tập trung chủ yếu trong những ốc đảo nhỏ rải rác trên vùng đất gồm những ngọn núi gồ ghề và sa mạc rộng lớn.

Người Duy Ngô Nhĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm khác đã sống ở khu vực này từ xa xưa có sự kết nối về văn hóa và lịch sử mạnh hơn nhiều với người dân ở Trung Á về phía tây so với người Trung Quốc về phía đông. Trong lịch sử, một số quốc gia Trung Quốc có quan hệ với khu vực này thông qua ngoại giao và thương mại; những quốc gia khác tìm cách chinh phục và áp đặt các hệ thống chính trị và xã hội của Trung Quốc, như ở Tân Cương ngày nay.

Bị Đế chế nhà Thanh chiếm đoạt trong thế kỷ 18, Tân Cương đã là một “khu tự trị” của Trung Quốc kể từ khi cuộc nội chiến Trung Quốc kết thúc vào năm 1949. Vào năm 1954, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thành lập XPCC. Ban đầu tổ chức này chủ yếu gồm các cựu chiến binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Theo Trung tâm Helena Kennedy, nhiệm vụ của tổ chức: kiểm soát người dân Bản địa, khai thác lao động và các nguồn tài nguyên của khu vực theo kiểu “tay súng, tay cày”. Bị giải thể vào năm 1975 sau Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, XPCC được tái lập vào năm 1981 và đảm nhận vai trò lớn hơn là một tập đoàn dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ trung ương.

Việc đàn áp những người Duy Ngô Nhĩ đòi được độc lập vào năm 2009 đã diễn ra trước những hành động áp bức của chính phủ ngày nay. Theo The Strategy Bridge, một tờ tạp chí trực tuyến kiêm chương trình podcast phi lợi nhuận, ĐCSTQ đã mô tả những người ủng hộ cuộc nổi dậy như những kẻ khủng bố và, bằng cách đánh vào những nỗi sợ hãi về chủ nghĩa khủng bố trên khắp thế giới, đã đẩy lùi những lời chỉ trích về cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ báo cáo, kể từ khi bắt đầu cuộc đàn áp, chính phủ Trung Quốc đã viện dẫn “ba điều xấu” là chủ nghĩa ly khai sắc tộc, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và khủng bố bạo lực để biện minh.

Các cơ sở giam giữ như trại giam này ở Hotan nằm về phía tây nam Tân Cương đã tăng lên nhiều lần kể từ năm 2017. GETTY IMAGES

Trong khi đó, XPCC đã phát triển thành một doanh nghiệp toàn cầu kết nối với hàng ngàn công ty. Ban đầu là một công ty nông nghiệp sản xuất cây trồng bao gồm bông, cà chua và hạt tiêu, những lĩnh vực hoạt động của công ty này giờ đây mở rộng ra năng lượng, khai khoáng, hóa chất, khai thác dầu khí, hậu cần, may mặc, điện tử, rượu vang, chế biến thực phẩm, bảo hiểm và du lịch. Một tuyến đường lớn trong chương trình cơ sở hạ tầng Một Vành đai, Một Con đường của Trung Quốc đi qua khu vực này, đem đến khả năng tiếp cận các thị trường ở Trung Á và Đông Âu.

Ông Leibold thuộc ASPI nói với CFRĐ, CSTQ muốn làm suy yếu dân số Duy Ngô Nhĩ, đặc biệt là ở miền nam Tân Cương, và sau cùng là xóa bỏ nền văn hóa và tôn giáo của họ. Đảng này đã phá hủy các thánh đường và nghĩa trang, còn ông Tập đã nói rằng Hồi giáo ở Trung Quốc phải “đặt trong bối cảnh của Trung Quốc”, theo Tân Hoa Xã, cơ quan do nhà nước quản lý, đưa tin vào tháng 7 năm 2022. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ báo cáo vào tháng 6 năm 2022, những người Duy Ngô Nhĩ vốn có ngôn ngữ gần với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, bị buộc phải học tiếng Quan Thoại, bao gồm cả trẻ em bị tách khỏi gia đình và gửi đến các trường nội trú hoặc trại trẻ mồ côi, nơi trẻ cũng phải tiếp nhận những nội dung tuyên truyền của ĐCSTQ.

“Từ lúc mới sinh ra đến khi nằm xuống, người Duy Ngô Nhĩ phải chịu những thông tin tuyên truyền do trung ương chỉ đạo cho XPCC thực hiện”, theo Trung tâm Helena Kennedy. “Chương trình biến đổi cấu trúc xã hội có chủ ý của XPCC yêu cầu mọi công dân thiểu số phải từ bỏ di sản văn hóa, ngôn ngữ và niềm tin tôn giáo của họ để ưu tiên cho lối sống của người Hán và ý thức hệ Tập Cận Bình.”

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới góp phần duy trì nạn lao động cưỡng bức ở Tân Cương, mặc dù nhiều người không biết điều đó. Theo đơn vị cung cấp dữ liệu Sayari, XPCC có cổ phần trực tiếp hoặc gián tiếp trong hàng ngàn công ty trên toàn thế giới, khiến cho việc xác định liệu một sản phẩm có liên quan tới XPCC hay không trở nên khó khăn, mặc dù không phải là không thể. “Tình trạng cưỡng ép lao động và ngược đãi mà người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Tân Cương phải đối mặt không ở nguyên trong biên giới của khu vực, mà tràn ra thế giới thông qua các hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu. Những sự kết nối toàn cầu này có thể làm lợi nhuận tăng lên trong khi nhân quyền bị xâm phạm, và trừ khi bị phản đối, có nghĩa là các bên liên quan quốc tế ngầm tạo điều kiện cho những tội ác như vậy”, C4ADS báo cáo vào tháng 5 năm 2022.

Một báo cáo khác của C4ADS, được công bố vào cuối tháng 6 năm 2022, kết luận rằng Tân Cương đang nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất của Trung Quốc. Báo cáo cho biết 4.480 công ty sản xuất đã được thành lập ở đó trong năm 2021, tăng từ 1.604 công ty trong năm 2009.

Phần lớn sự phát triển của XPCC là nhờ vào khả năng của ĐCSTQ trong việc kiểm soát mạch chuyện. Thông qua công tác tuyên truyền và đánh vào nỗi sợ, hành động đe dọa và phân biệt chủng tộc, tập đoàn do chính phủ chỉ đạo này đã phát triển mạnh mẽ trên xương máu của những người lao động Duy Ngô Nhĩ, ông Teng phát biểu trong cuộc thảo luận CFR. Ông Omir Bekali trước đây từng bị giam trong trại, một người Duy Ngô Nhĩ hiện đang sống ở Hà Lan, cho biết người dân Trung Quốc “không biết điều gì đang thực sự xảy ra” vì bộ máy kiểm duyệt của ĐCSTQ. “Nếu bạn muốn biết sự thật, hãy nói chuyện với các nạn nhân”, ông Bekali nói với AP vào tháng 9 năm 2022. “Chính phủ kiểm soát các phương tiện truyền thông, họ tiếp tục nói dối.”

Theo tạp chí Foreign Affairs đưa tin vào tháng 7 năm 2021, thông tin đáng tin cậy và các biện pháp trừng phạt phối hợp trên toàn thế giới là những yếu tố then chốt để vạch trần chiến thuật của XPCC. “Không ai nên ảo tưởng rằng sẽ dễ dàng thay đổi hành vi của chính phủ Trung Quốc ở Tân Cương. Bắc Kinh có lẽ sẽ không bao giờ thừa nhận rằng họ đang cảm thấy sức nóng của áp lực quốc tế hay thay đổi chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ.”

Mặc dù một số nhóm nhân quyền và những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đã chỉ trích bà Bachelet vì không tuyên bố những tội ác của ĐCSTQ ở Tân Cương là tội diệt chủng, nhưng sự chú ý từ quốc tế mà những phát hiện của bà thu hút được vẫn có thể có tác động. “Báo cáo của Liên Hợp Quốc không nói thêm gì nhiều ngoài những điều người ta đã biết, nhưng thực tế là báo cáo này được công bố bởi cơ quan nhân quyền hàng đầu thế giới, không phải được tạo nên từ một chính phủ mà là hàng trăm chính phủ, đã mang đến sự an ủi và niềm hi vọng cho nhiều nạn nhân”, theo tờ The Guardian.

Theo tin tức trên Đài Á Châu Tự do (Radio Free Asia) vào tháng 9 năm 2022, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Trung Quốc thực hiện các khuyến nghị của bà Bachelet, bao gồm cả việc thả những người bị giam giữ tùy tiện và công bố vị trí của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, những người mà người thân ở nước ngoài đã không có tin tức gì của họ. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi Trung Quốc điều tra các vụ vi phạm nhân quyền bị cáo buộc trong các trại giam.

Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, các cuộc tẩy chay quốc tế đối với các sản phẩm từ Tân Cương, mặc dù thành công ở mức vừa phải, phải được tăng cường. Theo báo cáo của C4ADS vào tháng 6 năm 2022, “các dữ liệu và phương pháp cần thiết để chống lại sự hỗ trợ tài chính cho đàn áp ở Tân Cương đã có sẵn rồi, và đã đến lúc các bên liên quan sử dụng chúng”. Các sản phẩm của XPCC tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế theo nhiều cách khác nhau. Các công ty con của tập đoàn này giao dịch công khai trên các thị trường tài chính Trung Quốc. XPCC cũng có các công ty con ở nước ngoài, và họ bán hàng trực tiếp cho các công ty trong nước và trong khu vực, đưa sản phẩm vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Khi người ta nhận thức được và chú ý đến những phương thức để di chuyển các sản phẩm, họ có thể giảm sự phụ thuộc vào chúng,” báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, việc cấm các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan nếu điều này mâu thuẫn với những nhu cầu trong nước thôi thúc một quốc gia. Hãy lấy tấm pin mặt trời làm ví dụ. Trung Quốc thống trị nguồn cung pin mặt trời của thế giới, nhưng các cơ quan Hải quan Hoa Kỳ đã thu giữ các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất kể từ khi Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Forced Labor Prevention Act) của liên bang có hiệu lực vào tháng 6 năm 2022. Mặc dù điều này ảnh hưởng đến khả năng của Hoa Kỳ trong việc thực hiện cam kết vào tháng 8 năm 2022 về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhưng từ tháng 6 năm 2022 đến tháng 1 năm 2023 Cơ quan Hải quan và Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ đã phát hiện hơn 2.692 lô hàng có khả năng vi phạm các điều khoản trong Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ. Gần một nửa trong số các lô hàng bị thu giữ là các tấm pin mặt trời hoặc các linh kiện liên quan.

Đó là một tình thế khó xử tương tự như vấn đề mà các quốc gia phải đối mặt khi họ lên án cuộc xâm lược vô cớ của Nga vào Ukraina nhưng lại ngần ngại không dám tẩy chay dầu mỏ và khoáng sản của Nga mà họ rất cần. Theo Foreign Affairs đưa tin vào tháng 7 năm 2021, tuy có những rào cản như vậy, nhưng hành động được phối hợp từ quốc tế thể hiện rằng thế giới sẽ không bỏ qua việc ĐCSTQ đã dàn xếp việc xóa sổ toàn bộ một nhóm dân tộc tôn giáo. “Người Duy Ngô Nhĩ hoàn toàn xứng đáng được hưởng điều đó.”  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button