Quan hệ Đối tác

LANPAC tăng cường kết nối giữa các lực lượng vũ trang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Nhân viên DIỄN ĐÀN

Hội nghị chuyên đề và Triển lãm Lục quân Thái Bình Dương (Land Forces Pacific – LANPAC) đã thu hút hơn 1.700 nhân viên quân sự, học giả cũng như chuyên gia an ninh và quốc phòng đến Honolulu, Hawaii, vào giữa tháng 5 năm 2023. Sự kiện này đã diễn ra năm thứ 10, nhấn mạnh vai trò của các lực lượng lục quân trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Thành phần tham gia sự kiện bao gồm các phái đoàn đến từ hơn 25 quốc gia và các chỉ huy quân đội từ Úc, Bangladesh, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, Tonga, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Vanuatu.

Trong bài phát biểu khai mạc, Đại tướng Charles Flynn – tư lệnh Thái Bình Dương của Lục quân Hoa Kỳ, đã gọi hội nghị chuyên đề này là nơi diễn ra các cam kết song phương và đa phương, xây dựng mối quan hệ và chia sẻ ý tưởng.

Đại tướng Flynn cho biết: “Sự bất ổn ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đòi hỏi và bắt buộc các lãnh đạo quân đội — và các quân đội — phải kết hợp cùng nhau và xích lại gần nhau hơn với tư cách các đối tác trong khu vực này”. Chủ đề của LANPAC lần này là “Những thay đổi mới phát sinh đối với chiến tranh”. Đại tướng Flynn nói thêm rằng sự kiện này đã thúc đẩy một cơ hội để hiểu rõ hơn những thay đổi về công nghệ, xã hội và tổ chức, đồng thời là cơ hội để các đồng minh và đối tác hiểu rõ hơn về nhau.

Theo lời Tướng Flynn: “Tôi từ lâu đã khẳng định rằng sức mạnh lục quân đại diện cho chính cấu trúc an ninh giúp gắn kết khu vực này lại với nhau, và cùng nhau chúng ta có thể — và chúng ta sẽ — duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an toàn, ổn định và bền chắc”.

Trung tướng Romeo Brawner Jr., Tổng tư lệnh Quân đội Philippines, nói với DIỄN ĐÀN rằng đây là sự kiện rất có ý nghĩa vì đem lại được những tiếng nói chung. “Khi chúng ta quay trở lại với những gì thực sự quan trọng, đó là đối mặt trực diện như thế này, nói chuyện và thực sự gạt sang một bên những khác biệt — đảm bảo rằng chúng ta hiểu nhau và có chung một mục tiêu: ngăn chặn chiến tranh và đem lại hòa bình lâu dài ở khắp mọi nơi. (Trong ảnh: Trung tướng Quân đội Philippines Romeo Brawner Jr. thảo luận về công tác huấn luyện cho chiến tranh trong tương lai tại Hội nghị chuyên đề LANPAC ở Hawaii vào tháng 5 năm 2023.)

Hội nghị chuyên đề kéo dài ba ngày bao gồm các cuộc thuyết trình và thảo luận nhóm về nhiều chủ đề, từ bộ mặt thay đổi của chiến tranh, sự sẵn sàng và răn đe về quân sự, cho đến những quan sát từ cuộc chiến ở Ukraine và tình trạng huấn luyện đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong bài phát biểu chủ đạo “Những thách thức đương đại của việc duy trì trạng thái sẵn sàng về quân đội”, Trung tướng Simon Stuart, Tham mưu trưởng Lục quân Úc, cho biết: “Dựa trên các cuộc thảo luận giữa tôi với nhiều người trong số các bạn và các đối tác của chúng tôi trong năm qua, tôi muốn lưu ý rằng mặc dù đặc điểm các thách thức có khác nhau giữa quốc gia này với quốc gia khác, nhưng bản chất của những thách thức đó là rất nhất quán”.

Thiếu tướng David Neo, Tư lệnh Lục quân Singapore, nêu bật lộ trình răn đe của nước mình, trong đó có việc “đưa mọi người vào cuộc chiến” với chiến lược nghĩa vụ quân sự bắt buộc đã đưa hơn 1 triệu người Singapore vào lực lượng vũ trang trong 56 năm qua. Việc sử dụng công nghệ làm công cụ nhân lực lượng giúp thành phố – quốc gia Singapore vượt qua những hạn chế do ít dân số và đất đai. Thiếu tướng cho biết, nếu biện pháp răn đe có thể hiệu quả ở một quốc gia nhỏ như Singapore, thì nó có thể hiệu quả ở bất kỳ quốc gia nào.

Trung tướng Brawner bảo vệ chủ trương huấn luyện đa phương, cho rằng việc chuẩn bị cho chiến tranh là một phương cách để ngăn chặn chiến tranh. Theo Trung tướng, khu vực này là một đấu trường cạnh tranh về tài nguyên, đòi hỏi quân đội các nước phải chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ khác nhau. Đây cũng là một môi trường an ninh làm phát sinh các tranh chấp lãnh thổ và các chiến thuật ngăn cản tiếp cận, phủ nhận chủ quyền lãnh thổ trái với trật tự quốc tế và quy tắc của luật pháp.

Trung tướng Brawner nói với DIỄN ĐÀN: “Khi huấn luyện cùng nhau, chúng tôi tạo nên được tiếng nói tập thể cho phép chúng tôi gửi một thông điệp đến thế giới rằng chúng tôi đang xây dựng cho mình từng năng lực và thực sự phát huy thêm khả năng tương tác đó, để khi cần thì chúng tôi có thể phối hợp cùng nhau”. “Mục tiêu là ngăn chặn chiến tranh bằng cách đảm bảo rằng thế giới biết chúng tôi đang hợp tác cùng nhau và chúng tôi có thể đưa ra đòn đánh chí mạng nếu cần”.

Trong một cuộc thảo luận về cuộc chiến của Nga ở Ukraine, các tham luận viên đã xem xét vai trò của dữ liệu và công nghệ trong việc tăng khả năng phục hồi của các lực lượng Ukraine, đồng thời chỉ ra rằng quan hệ đối tác là rất quan trọng cho cuộc chiến.

Theo lời Jack Watling, một nhà nghiên cứu cấp cao về chiến tranh trên bộ tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Vương quốc Anh: “Cuộc chiến này cho thấy giá trị … của không phải các mối quan hệ thể chế mà là các mối quan hệ cá nhân”. “Nếu bạn muốn có các mối quan hệ thể chế, bạn phải tập hợp được mọi người. Các diễn đàn như thế này vô cùng quan trọng vì lý do đó. Đó là việc các cá nhân hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.”

Thiếu tướng Chris Barry, Giám đốc Trung tâm Chiến tranh trên bộ của Quân đội Anh bổ sung: “Trong tiếng Gaelic có một câu nói”. “Trong chiến trận sẽ biết bạn bè tốt.” Đó là những gì mà cơ hội này mang lại cho chúng tôi ”.

 

NGUỒN HÌNH ẢNH: NHÂN VIÊN DIỄN ĐÀN

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button