Các bài nổi bậtKhả năng Răn đe Tích hợpNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Kỷ nguyên Kinh tế Mới của Trung Quốc

Phương thức Lãnh đạo Thái quá, Áp đặt của Tập Cận Bình Gây hại cho Triển vọng Tăng trưởng,Hạn chế Cơ hội của Công dân Như thế nào

Tiến sĩ Shale Horowitz/Đại học Wisconsin-Milwaukee

Ảnh của The Associated Press

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình, tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã đảo lộn hoàn toàn sự đồng thuận về thể chế và chính sách “Cải cách và Mở cửa”, được tạo ra bởi ông Đặng Tiểu Bình vào cuối thập niên 1970 và được duy trì bởi hai người tiền nhiệm ngay trước ông Tập là ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào. Kể từ năm 2020, một loạt các chính sách đã ngăn trở nền kinh tế vốn đã chậm lại của Trung Quốc. Những chính sách này bao gồm một cuộc tấn công nhiều mặt về mảng quy định vào các doanh nghiệp công nghệ cao tiên tiến nhất của Trung Quốc; những hạn chế nợ đột ngột khiến lĩnh vực bất động sản rơi vào khủng hoảng; và một chính sách “không COVID” ngoan cố đã dẫn đến nhiều cuộc phong tỏa liên tục, không thể đoán trước. Những chính sách này nên được hiểu như thế nào và chúng có ý nghĩa gì đối với tương lai của Trung Quốc?

Định nghĩa ‘Kỷ nguyên Mới’ của Tập Cận Bình

Triết lý chính thức của ông Tập Cận Bình, được ghi trong hiến pháp của ĐCSTQ năm 2017, được gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội với những Đặc tính Trung Quốc cho một Kỷ nguyên Mới.” Ông đã lấy nó từ “Chủ nghĩa xã hội với những Đặc tính Trung Quốc”, được ông Đặng Tiểu Bình đặt ra cho các chính sách mới, theo định hướng kinh tế thị trường của thời kỳ Cải cách và Mở cửa từ năm 1978 đến năm 2012. “Kỷ nguyên Mới” có nghĩa là Tập Cận Bình đang tách khỏi thời đại Đặng Tiểu Bình, và “tư tưởng Tập Cận Bình” có nghĩa là Tập Cận Bình sẽ quyết định lý do và cách thức sẽ thực hiện điều này. 

Các hạn chế do COVID-19 đã khiến các trung tâm mua sắm và hầu hết các doanh nghiệp khác ở Bắc Kinh phải đóng cửa vào giữa năm 2020.

Trong nhiều bài phát biểu được công chúng quan tâm tại các cuộc họp của đảng và nhà nước, ông Tập đã nêu ra những hướng đi mới trong chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại. Trong lĩnh vực chính trị, ông cho rằng ĐCSTQ phải khôi phục tình đoàn kết nội bộ, khả năng kiểm soát chính trị và sự thống trị về văn hóa từng có trước đây. Đằng sau vẻ ngoài theo định hướng của đảng này, ông Tập đã sử dụng một chiến dịch “chống tham nhũng” sâu rộng để thanh trừng các đối thủ chính trị thực tế và tiềm năng, kiểm soát trực tiếp việc hoạch định chính sách trong tất cả các lĩnh vực quan trọng, gạt bỏ giới hạn nhiệm kỳ 10 năm của Đặng Tiểu Bình dành cho các nhà lãnh đạo cấp cao nhất và khôi phục lối tôn sùng anh hùng theo phong cách Mao Trạch Đông cho chính mình. Về kinh tế, ông Tập khẳng định rằng sẽ không còn sự nhấn mạnh quá mức về tăng trưởng. Đi xa hơn những lời tẻ nhạt không có sức nặng của ông Hồ, ông Tập tuyên bố rằng quyền sở hữu nhà nước cũng như sự giám sát và quản lý lớn hơn của nhà nước sẽ được sử dụng để áp đặt khả năng kiểm soát ổn định hơn của đảng-nhà nước đối với nền kinh tế; và sự kiểm soát như vậy sẽ được sử dụng một cách kiên quyết hơn để phục vụ các mục tiêu tư tưởng của đảng, chẳng hạn như phục vụ sự thịnh vượng chung (bình đẳng hơn) và văn hóa xã hội chủ nghĩa (sự pha trộn giữa lòng trung thành với đảng, đạo đức truyền thống và chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa). Trong chính sách đối ngoại, cách tiếp cận nhẫn nhịn, hòa hảo của Đặng Tiểu Bình — thường được tóm tắt là “che giấu sức mạnh và không bao giờ là điểm sáng” — sẽ bị thay thế bởi “giấc mơ Trung Quốc về phục hưng dân tộc”, trong đó Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự, kinh tế và văn hóa đang lên của mình để “tiến gần hơn đến tâm điểm” thế giới.

Các chính sách kinh tế của ông Tập đã có một khởi đầu chậm chạp. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông, từ năm 2012-17, tập trung vào việc củng cố quyền lực cá nhân và sự kiểm soát chính trị của đảng-nhà nước. Các chính sách kinh tế bao gồm củng cố vị thế tài chính và thị trường của các doanh nghiệp nhà nước và ngăn chặn thử nghiệm có thể gây bất ổn, kiềm tỏa nhà nước trong những thị trường vốn đang mở rộng tự do. Bắt đầu từ năm 2017, và dồn dập hơn từ năm 2020, các chính sách kinh tế của ông Tập đã trở nên quyết liệt hơn, khó đoán hơn và gây gián đoạn nhiều hơn. Các chính sách này đều có chung một điểm, đó là sự kiểm soát và giám sát lớn hơn của đảng-nhà nước là mục tiêu, phương pháp chủ đạo được sử dụng để đạt được một mục tiêu khác, hoặc cả hai.

Cho Jack Ma Biết Ai Là Trùm

Cuộc triệt phá của ông Tập nhằm vào lĩnh vực dịch vụ trực tuyến công nghệ cao — bao gồm tìm kiếm, truyền thông xã hội, thanh toán và tài chính, chơi game, mua sắm và giao đồ ăn — đã khiến các công ty tư nhân nổi tiếng nhất, thành công nhất của Trung Quốc phải chịu sự chỉ trích của công chúng, bị đe dọa sẽ tiến hành những cuộc điều tra cũng như sự quản lý và kiểm soát nhiều hơn của đảng. Điều này đã được biện minh là để phục vụ lợi ích của nhân dân, bao gồm bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng, hạn chế quyền lực độc quyền của các công ty lớn, duy trì sự ổn định về tài chính và kinh tế, và bảo vệ đạo đức công cộng. Có lẽ quan trọng hơn, các công ty công nghệ đã bị buộc phải thể hiện lòng tôn kính với đảng-nhà nước và đặt những lợi ích và mục tiêu của họ dưới những lợi ích và mục tiêu của đảng-nhà nước.

Vụ việc nổi tiếng nhất là trường hợp của Ant Group, tập đoàn khổng lồ về dịch vụ tài chính trực tuyến. Đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên của công ty này đã bị chặn vào cuối năm 2020, được cho là theo lệnh trực tiếp của ông Tập, sau khi người sáng lập của công ty, tỷ phú Jack Ma, chỉ trích các cơ quan quản lý nhà nước là đã cản trở sáng tạo đổi mới. Mô hình kinh doanh của Ant mở các kênh vay tiền cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ, đe dọa vị thế thống trị thị trường của các ngân hàng nhà nước lớn. Những ngân hàng này chủ yếu cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp nhà nước (state-owned enterprise – SOE) và các công ty tư nhân lớn, có kết nối tốt. Ant và các công ty công nghệ tài chính khác phải đối mặt với những hạn chế mới áp đặt lên mô hình kinh doanh và phương thức vay tiền của họ khi họ bị đưa vào chế độ quản lý nghiêm ngặt hơn mà đã chi phối các ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống. 

Người đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba Jack Ma đã từ chức chủ tịch và không xuất hiện trước công chúng từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021 sau một cuộc đàn áp của chính phủ Trung Quốc nhằm vào các doanh nghiệp của ông. Kể từ đó ông hiếm khi ra mặt ở nơi công cộng.

Cùng lúc đó, Bắc Kinh đẩy mạnh những nỗ lực để đưa dữ liệu lớn và việc sử dụng nó vào dưới quyền kiểm soát của đảng và nhà nước. Các công ty công nghệ tổng hợp các bộ dữ liệu lớn về khách hàng — bao gồm cả những tập đoàn khổng lồ như Alibaba, Tencent và ByteDance — phải giữ dữ liệu ở Trung Quốc, tuân thủ các hạn chế mới về việc thu thập dữ liệu và cung cấp dữ liệu cho nhà nước, bên muốn giám sát cách dữ liệu đó được sử dụng. Nhà nước muốn không chỉ bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng mà còn sử dụng dữ liệu đó để phục vụ mục đích giám sát và tuyên truyền của chế độ giám sát công nghệ cao của ĐCSTQ. Đảng-nhà nước cũng được linh hoạt trong việc sử dụng dữ liệu của các công ty — bao gồm cả dữ liệu của các công ty nước ngoài — để thúc đẩy sự phát triển của các công ty Trung Quốc được ưu ái, theo cách khá tương đồng như khi nước này bắt buộc phải chuyển giao công nghệ hoặc đánh cắp công nghệ thông qua trộm cắp trên mạng. 

Các quy định mới khác nhắm vào những điều người ta cảm nhận là đe dọa đạo đức công cộng hoặc chất lượng cuộc sống. Tencent và các công ty trò chơi trực tuyến khác ít được phê duyệt trò chơi hơn và gặp phải nhiều giới hạn hơn về nội dung, bao gồm hạn chế trẻ vị thành niên chỉ được chơi game ba giờ trong một tuần. Những giới hạn được đặt ra đối với việc lan truyền thông tin về những người nổi tiếng và lối sống thường xa hoa, phóng đãng của họ trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Trong năm 2021, các cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ đạo các công ty “kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn các diễn viên và khách mời của chương trình, và giữ vững kiến thức chính trị, hành vi đạo đức, trình độ nghệ thuật và đánh giá xã hội làm các tiêu chuẩn lựa chọn.” Có lẽ đáng ngạc nhiên nhất, cũng vào năm 2021, Bắc Kinh đã phát động một cuộc tấn công trực diện vào văn hóa bệnh thành tích trong giáo dục của Trung Quốc. Bộ Giáo dục cảnh báo: doanh nghiệp giáo dục tư nhân lớn, phát triển nhanh, cung cấp dịch vụ học thêm cho hàng triệu trẻ em, đe dọa sẽ “thành lập một hệ thống giáo dục khác bên ngoài hệ thống giáo dục quốc gia”.

Các công ty giáo dục hoặc các bộ phận phục vụ học sinh đến lớp chín đã bị cấm hoạt động dưới dạng là các doanh nghiệp vì lợi nhuận. Giá cả và thời gian dạy kèm cũng bị đưa vào tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Giá trị thị trường sụp đổ, và những cuộc sa thải quy mô lớn theo sau. Đột nhiên lo sợ điều kinh khủng nhất, các doanh nhân công nghệ giàu có đã vội vã quyên tặng cho các mục đích từ thiện được đảng phê chuẩn.

Không tính đến các khoản tiền phạt bắt buộc vì vi phạm các quy định — như 12,5 nghìn tỷ đồng (530 triệu đô la Mỹ) cho Meituan, 28,4 nghìn tỷ đồng (1,2 tỷ đô la Mỹ) cho Didi và 66,2 nghìn tỷ đồng (2,8 tỷ đô la Mỹ) cho Alibaba (tất cả trong năm 2021-22) — “những khoản đóng góp” từ các ông chủ công ty bao gồm 35,5 nghìn tỷ đồng (1,5 tỷ đô la Mỹ) từ Pinduoduo, 52 nghìn tỷ đồng (2,2 tỷ đô la Mỹ) từ Xiaomi, 54,4 nghìn tỷ đồng (2,3 tỷ đô la Mỹ) từ Meituan, 355,1 nghìn tỷ đồng(15 tỷ đô la Mỹ) từ Tencent và 366,9 nghìn tỷ đồng (15,5 tỷ đô la Mỹ) từ Alibaba. Ở cấp quản lý công ty, những vai trò giám sát mạnh hơn cũng được cung cấp cho các đảng ủy và số lượng đáng kể cổ phần của cổ đông được bán cho các doanh nghiệp nhà nước.

Người lao động đi qua logo của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba Group trong một hội chợ triển lãm công nghệ ở Bắc Kinh. Vào cuối năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã tạm dừng đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên trị giá 816,7 nghìn tỷ đồng (34,5 tỷ đô la Mỹ) của Ant Group, một chi nhánh của Alibaba.

Tất cả những sự gia tăng trong quyền kiểm soát và giám sát của đảng-nhà nước có xu hướng làm giảm triển vọng tăng trưởng theo những cách củng cố lẫn nhau. Chúng bao gồm các hạn chế về phát triển sản phẩm và dịch vụ; hạn chế chống độc quyền đối với thị phần và tận dụng các doanh nghiệp để quảng bá các doanh nghiệp liên quan; hạn chế sở hữu và sử dụng dữ liệu khách hàng; hạn chế chặt hơn về nội dung liên quan đến đạo đức công cộng và lòng trung thành chính trị; giám sát lớn hơn và bàn tán về các quyết định quản lý, cả lớn và nhỏ; thực thi các quy định thất thường, chính trị hóa; và không chắc chắn về việc giữ lại các dòng lợi nhuận trong tương lai. Giá thị trường chứng khoán là một dấu hiệu thấy được ngay của thiệt hại. Từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2021, sáu công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã mất 40% giá trị. Hai công ty lớn nhất, Alibaba và Tencent, đã mất hơn một nửa giá trị kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2020 và 2021. Dễ thấy là, môi trường quản lý khắc nghiệt hơn thậm chí còn gây nhiều khó khăn hơn cho các công ty khởi nghiệp và các công ty nhỏ hơn, về lâu dài có xu hướng khiến sự tập trung của thị trường tăng lên và sự đổi mới bị giảm đi.

Cho Những Người Trung Quốc Tiết kiệm Biết Ai Là Trùm

Người Trung Quốc nổi tiếng tiết kiệm. Vì nhà nước quản lý thị trường chứng khoán nội địa và hạn chế dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, các hộ gia đình Trung Quốc ở thành thị giữ 78% tiền tiết kiệm trong cuộc đời của họ dưới dạng bất động sản nhà ở, so với 35% hộ gia đình Hoa Kỳ. Vì mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trùng khớp với quá trình đô thị hóa cấp tập, nên giá căn hộ đã bùng nổ — trong những năm gần đây, đạt đến mức mà các nhà kinh tế coi là mức “bong bóng” không bền vững, với mức nợ của người tiêu dùng và công ty phát triển có khả năng gây mất ổn định. Vào năm 2019, giá nhà ở Trung Quốc đắt khoảng gấp đôi so với ở Hoa Kỳ so với mức thu nhập. Tính đến tháng 6 năm 2021, giá nhà so với thu nhập khả dụng ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến cao hơn ở San Francisco và New York bốn đến năm lần. Đồng thời, tỷ lệ nhà trống ở mức cao trong những người sở hữu hai ngôi nhà trở lên, và lợi nhuận từ nhà cho thuê ở mức thấp. 

Các nhà kinh tế lập luận rằng không có cách nào để châm nổ bong bóng một cách an toàn. Tuy nhiên, ông Tập, người đã cảnh báo vào năm 2017 rằng nhà ở “là để ở, không phải để đầu cơ”, thể hiện rất ít sự thận trọng. Vào tháng 8 năm 2020, ông đã thực hiện ba “lằn ranh đỏ”, các biện pháp đột ngột hạn chế mức nợ của các công ty phát triển bất động sản. Vì các công ty phát triển lớn từ lâu đã chú trọng đến sự tăng trưởng nhanh chóng, khoản nợ đã đạt đến mức cao, trong khi tận dụng các nguồn không chính thống như bán trước cho người mua và chứng từ vay của nhà cung cấp. Khi nhiều công ty phát triển lớn như Evergrande đột nhiên không vay được tiền, giá bất động sản giảm và hoạt động thi công bị đình trệ, sau đó là một loạt vụ vỡ nợ quốc tế. Nhiều người mua đã chứng kiến việc xây dựng dừng lại đối với các căn hộ đã được cho vay hoặc đã được trả tiền. Một số người phản ứng bằng cách ngừng trả những khoản vay thế chấp. 

Cần cẩu nằm im tại một dự án phát triển nhà ở Evergrande ở Bắc Kinh vào tháng 9 năm 2021. Mặc dù đã cam kết sẽ cung cấp nhiều nhà ở hơn, nhưng các chính sách của Tập Cận Bình đã thắt chặt tín dụng đối với một số công ty phát triển, gây ra một loạt các vụ vỡ nợ quốc tế dẫn đến một cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Ông Tập đã trút vấn đề này lên các chính quyền cấp tỉnh và địa phương. Đây là những cấp chính quyền có nhiệm vụ đảm bảo rằng những người mua trả tiền trước nhận được căn hộ của họ và hạn chế thiệt hại cho lĩnh vực bất động sản. Chính phủ tiến hành các gói cứu trợ có chọn lọc và tiếp quản các dự án gặp khó khăn, cùng với những nỗ lực tạm thời ở cấp địa phương để kích thích hoạt động xây dựng nhà ở. Các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng đang hỗ trợ thị trường bán đất để giúp các chính quyền địa phương tiếp tục thu được tiền. Nhưng có rất ít dấu hiệu thể hiện sự xem xét lại chính sách ban đầu bị thất bại và thay thế chung bằng các quy định có chừng mực hơn về vay nợ. Tình trạng xây dựng tràn lan và quá trình đô thị hóa chậm lại có nghĩa là thị trường bất động sản của Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm tốc độ. Tuy nhiên, phương thức đột ngột, cứng nhắc đã làm tổn hại nghiêm trọng đến tình hình tài chính của công ty phát triển và chính quyền địa phương và làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng. Lĩnh vực bất động sản được ước tính chiếm hơn 20% nền kinh tế Trung Quốc và có nhiều khả năng vẫn tiếp tục bị đình trệ.

Cho Vi-rút Biết Ai Là Trùm

Khi COVID-19 lần đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, ĐCSTQ đã phớt lờ và lúng túng trong công tác xử lý, dẫn đến những hệ quả thảm khốc. Sau đó, đảng này thực hiện chế độ kiểm tra, theo dõi và phong tỏa quyết liệt. Ban đầu, cách tiếp cận này có hiệu quả. 

Tuy nhiên, sự thành công đó ấp trong nó những mầm mống của những vấn đề sau này. Ông Tập theo đuổi chủ nghĩa dân tộc vắc-xin — dựa vào các loại vắc-xin ít hiệu quả hơn, tự sản xuất để thể hiện rằng Trung Quốc có thể tự giải quyết các vấn đề của mình. Trong khi đó, hàng triệu người cao tuổi Trung Quốc lo ngại về sự an toàn của những loại vắc-xin đó và quyết định rằng các lệnh phong tỏa khiến việc tiêm chủng trở nên không cần thiết. Sau đó, nhiều biến thể dễ lây lan hơn xuất hiện, dẫn đến những lệnh phong tỏa trở đi trở lại, thường kéo dài trong các thành phố và quận lớn của Trung Quốc — bao gồm cả đợt phong tỏa dài hai tháng ở Thượng Hải, thành phố lớn nhất kiêm thủ đô kinh tế của Trung Quốc. 

Bất chấp những sự gián đoạn dai dẳng, khó đoán định mà chuỗi cung ứng, tiền đầu tư và niềm tin của người tiêu dùng phải gánh chịu, ông Tập vẫn kiên quyết giữ chính sách không COVID cho đến cuối năm 2022 – khi ông đột ngột từ bỏ mọi nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của vi-rút. Tại sao ĐCSTQ đã không chuyển sang mở cửa và sống chung với vi-rút sớm hơn? Thứ nhất, ông Tập không dễ dàng lùi bước và miễn cưỡng khi phải thừa nhận vấn đề về một trong những thành công làm nên tên tuổi của mình. Thứ hai, hàng triệu người cao tuổi Trung Quốc vẫn chưa được tiêm chủng và các loại vắc-xin Trung Quốc có mức hiệu quả không đáng tin. Thứ ba, các chính sách không COVID đã cài cắm thêm một lớp giám sát và kiểm soát hữu ích. Ví dụ, công nghệ để hạn chế việc đi lại trong COVID đã được sử dụng để kiềm chế các cuộc biểu tình ở Trịnh Châu nhằm phản đối các ngân hàng không cung cấp tiền mặt cho người gửi tiền.

Công nhân dựng các rào chắn kim loại xung quanh một khu phố Bắc Kinh trong thời gian chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa COVID-19 vào tháng 6 năm 2022.

Nếu ông Tập đã quyết tâm cao độ về chính sách không COVID, tại sao việc chuyển sang mở cửa lại đột ngột và vô điều kiện như vậy? Có vẻ như ông Tập đã quyết tâm theo đuổi cho đến khi con vi-rút này chỉ đơn giản là đã đánh bại những nỗ lực tối đa của ĐCSTQ. Những đợt phong tỏa liên tục và các thủ tục xét nghiệm bắt buộc phiền toái trở thành yêu cầu bắt buộc ngày càng thường xuyên hơn, trên các phân khúc ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế Trung Quốc. Điều này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh của Trung Quốc một cách nghiêm trọng, cắt giảm việc làm và làm suy yếu nền tài chính. Các cuộc biểu tình nổ ra ở các thành phố của Trung Quốc trên quy mô và độ rộng chưa từng thấy kể từ năm 1989. Tình hình tài chính của các chính quyền địa phương rơi vào khủng hoảng. 

Ông Tập không thấy có lựa chọn nào khác ngoài nhượng bộ, nhưng hậu quả thật thê thảm vì sự tự tin thái quá đã dẫn đến sự chuẩn bị sơ sài. Không hề có nỗ lực nào để mang về những loại vắc-xin nước ngoài và phương pháp điều trị chống vi-rút có vẻ hiệu quả hơn trên quy mô lớn. Có rất ít nỗ lực để chuẩn bị cho hệ thống y tế của Trung Quốc bằng cách dự trữ các loại thuốc cơ bản và xây dựng cơ sở hạ tầng của bệnh viện và phòng khám. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế lên đến đỉnh điểm, quyết định đã được đưa ra là mau chóng đạt được miễn dịch cộng đồng để hồi sinh nền kinh tế. Đương nhiên là, hàng trăm triệu ca nhiễm bùng lên ở các thành phố. Đảng-nhà nước đã không cố gắng chút nào để ngăn dòng người về quê trong dịp tết nguyên đán — tất yếu sẽ mang cuộc tàn sát đến vùng nông thôn, với dân số già và hệ thống chăm sóc y tế thô sơ hơn. Khó mà biết được liệu có bao giờ người ta sẽ minh bạch về số người đã chết, bao gồm bao nhiêu người đã chết một cách không cần thiết vì thái độ tự tin thái quá của đảng-nhà nước, công tác chuẩn bị sơ sài và việc vội vàng mở cửa vì động cơ kinh tế.

Cho Nền Kinh tế Biết Ai Là Trùm

Ông Tập thừa hưởng hai nguồn chính của việc tăng trưởng kinh tế chậm lại. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng giảm tự nhiên khi các nước nghèo trở nên giàu có hơn. Thứ hai, các hệ quả từ chính sách của ĐCSTQ càng hạn chế tăng trưởng. Chính sách một con trước đây đã khiến lực lượng lao động bị sụt giảm nhanh chóng. Một tập hợp các chính sách điều tiết khác — hệ thống giấy phép cư trú đô thị, những hạn chế về việc sử dụng đất ở nông thôn và con đường tương đối hẹp dẫn đến thành công kinh tế tập trung ở một vài thành phố lớn — hạn chế khả năng tiếp cận với các cơ hội kinh tế và làm chậm tốc độ tăng năng suất. 

Trong khi đó, các mục tiêu và phương pháp của ông Tập đã tạo ra một loạt các chính sách làm chậm tăng trưởng. Những điều này một phần được thúc đẩy bởi mong muốn của ông Tập trong việc giảm bớt tầm quan trọng của tăng trưởng so với “thịnh vượng chung” hoặc bởi những nỗ lực rời rạc nhằm nâng cao mức sống của tầng lớp trung lưu và tầng lớp thấp hơn của Trung Quốc. Tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu của Tập Cận Bình — vượt trên tất cả các mục tiêu kinh tế — là củng cố quyền lực và sự kiểm soát của đảng-nhà nước. Phương pháp ông ưu tiên để đạt được điều đó là áp đặt các chính sách từ trên xuống, thiếu thực tế, phần lớn không liên quan và thường mâu thuẫn để đạt được những kết quả cụ thể. Khi các chính sách của ông Tập càng làm chậm tốc độ tăng trưởng, nhiều khả năng ông sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề phát sinh bằng cách sử dụng thêm những chính sách tương tự.

Trung Quốc Tăng trưởng Chậm hơn của ông Tập Nguy hiểm hơn

Tăng trưởng chậm làm suy yếu những gì, trong thời kỳ Cải cách và Mở cửa, từng là nguồn chính đem đến sự chính danh và quyền lực chính trị của ĐCSTQ. Để thay thế, ông Tập dựa vào sự đàn áp, tuyên truyền và chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Nhưng ông đang làm việc đó vì niềm tin ý thức hệ, không phải vì nó là chiến lược chính trị hợp lý. Trong kỷ nguyên mới, ông Tập quyết tâm đạt được kết quả, vì vinh quang của Trung Quốc và vì vinh quang của chính ông với tư cách là nhà lãnh đạo làm nên lịch sử của Trung Quốc. 

Nếu những kết quả đó không trở thành hiện thực trong lĩnh vực kinh tế, ông Tập sẽ tìm ở nơi khác. Điều đó bao gồm chính sách đối ngoại, trong đó rủi ro lớn nhất là một cuộc chiến tranh về Đài Loan tự trị, mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình. Tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng khó có khả năng hạn chế công cuộc xây dựng quân đội của Trung Quốc. Chính phủ trung ương Trung Quốc có quyền hạn rất lớn trong những quyết định về tài chính, nhưng không có ưu tiên nào khác ngoài an ninh nội bộ mà có khả năng sẽ được coi trọng hơn chi tiêu quân sự. 

Vấn đề không phải là cửa sổ về cơ hội kinh tế đang thu hẹp khiến Trung Quốc trở nên nguy hiểm hơn ở nước ngoài. Ông Tập chủ yếu là người gây ra sự thu hẹp đó. Chính những mục tiêu và phương pháp mà đã thôi thúc ông Tập làm suy yếu sự tăng trưởng của Trung Quốc cũng khiến ông trở nên nguy hiểm hơn nhiều trên mặt trận chính sách đối ngoại.  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button