Hải quân Singapore bổ sung năng lực AI cho tàu chiến đa năng
Tom Abke
Hải quân Singapore đang khai thác công nghệ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI), phân tích dữ liệu và các công nghệ khác để chống lại các mối đe dọa trên biển trong kế hoạch thay thế tàu hộ tống tên lửa lớp Victory bằng sáu tàu chiến đa năng (multirole combat vessels – MRCV) từ năm 2028.
Các tàu MRCV mới sẽ đóng vai trò là tàu mẹ cho các hệ thống không người lái trong kế hoạch. Phần lớn công nghệ tiên tiến trong dự án này sẽ được cung cấp thông qua mối quan hệ đối tác Singapore-Thụy Điển. (Ảnh: Một tàu chiến đa năng và các hệ thống không người lái của tàu trong báo cáo.)
Các vụ không tặc, nổ mìn và cướp trên biển là một trong những mối đe dọa hàng hải lớn mà quốc đảo này phải đối mặt, theo Bộ Quốc phòng Singapore (Ministry of Defence – MINDEF). Trong bài viết được đăng tải vào tháng 3 năm 2023 có tiêu đề “Tuần tra, phát hiện, cam kết: Những câu chuyện về an ninh hàng hải”, MINDEF cho biết tàu MRCV là một trong nhiều cải tiến về mặt tài sản và năng lực hải quân của Singapore theo kế hoạch.
“Những con tàu mới này sẽ tăng cường năng lực của Hải quân Singapore trong việc bảo vệ Singapore và các tuyến thông tin liên lạc trên biển của mình (sea lines of communication – SLOC)”, MINDEF cho biết. Được mô tả là “hệ số nhân thêm sức mạnh cho lực lượng”, tàu MRCV sẽ là nền tảng cho một loạt các hệ thống không người lái giúp mở rộng phạm vi giám sát và hoạt động của các hệ thống đó.
“Các phương tiện bay không người lái (UAV) sẽ sải cánh trên bầu trời như thêm nhiều “cặp nhãn quang”, tàu mặt nước không người lái sẽ tuần tra trên biển, còn tàu ngầm không người lái sẽ quét từng mét độ sâu đáy biển — tất cả từ một tàu MRCV duy nhất”, MINDEF tuyên bố.
Theo các kế hoạch này, các con tàu sẽ được trang bị thiết bị cảm biến và vũ khí tiên tiến, như radar Sea Fire, bệ phóng tên lửa chống tàu, bệ phóng ngư lôi, súng 76 mm, 30 mm và 12,7 mm cũng như tên lửa đất đối không Aster và VL Mica. Theo dự kiến, các con tàu sẽ tiến hành các nhiệm vụ khác nhau, từ việc đảm bảo SLOCS đến hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, cũng như có thể được điều chỉnh theo các năng lực mới nổi, theo MINDEF.
Công ty ST Engineering của Singapore tuyên bố sẽ chế tạo các con tàu này theo hợp đồng ký vào tháng 3 năm 2023 với MINDEF và sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ và bảo trì trong suốt vòng đời hoạt động của tàu. Cũng trong tháng 3, công ty Saab của Thụy Điển và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (Defence Science and Technology Agency – DSTA) của Singapore đã đồng ý hợp tác về công nghệ AI, phân tích dữ liệu cũng như nhiều công nghệ khác để hiện thực hóa khái niệm MRCV là “con tàu kỹ thuật số mức độ cao”.
“Bên cạnh việc đặt giai đoạn để cùng nhau cung cấp con tàu chiến đa năng tiên tiến, số hóa và theo hướng dữ liệu, mối quan hệ đối tác này sẽ giúp thúc đẩy phát triển kiến thức không chỉ trong thiết kế tàu mà còn trong các công nghệ có ý nghĩa chiến lược, như AI và phân tích dữ liệu”, ông Mervyn Tan, giám đốc điều hành của DSTA, cho biết trong một tuyên bố.
Việc phát triển các hệ thống không người lái là ưu tiên của Lực lượng Vũ trang Singapore với tầm nhìn đến năm 2040. Theo tạp chí trực tuyến Defense News, Hải quân Singapore dự kiến sẽ đưa vào hoạt động bốn tàu mặt nước không người lái (unmanned surface vessel – USV) nhằm do thám và phản ứng trong các chiến dịch. Singapore cũng đã phát triển hệ thống xử lý mìn tiêu hao nhẹ mang tên K-STER. Hệ thống K-STER này có thể được triển khai từ một USV.
Năm 2022, MINDEF đã mua một số phương tiện bay không người lái (unmanned aerial vehicle – UAV) do thám Orbiter 4 từ công ty Aeronautics của Israel. Các UAV này là những phương tiện thay thế tiềm năng cho phi đội UAV do thám ScanEagle của Hải quân Singapore, vốn được trang bị cho các tàu hộ tống tên lửa trong khoảng một thập kỷ qua.
Tom Abke, phóng viên của DIỄN ĐÀN, đưa tin từ Singapore.
NGUỒN HÌNH ẢNH: BỘ QUỐC PHÒNG SINGAPORE