Các bài nổi bậtKhả năng Răn đe Tích hợpNhững Khu vực Chung của Thế giới

Cải thiện Khả năng Răn đe Chiến lược

Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ hiện đại hóa những năng lực của mình

Chuẩn tướng Glenn T. Harris/Không quân Hoa Kỳ và Thiếu tá John Yanikov/Quân đội Hoa Kỳ, Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ

Có lý do khiến năng lực răn đe hạt nhân vẫn là sứ mệnh quan trọng nhất trong quân đội Hoa Kỳ. Chuẩn đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Ông Charles Richard, cựu chỉ huy của Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM), chỉ huy chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn các cuộc tấn công chiến lược và tiến hành một phản ứng quyết liệt nếu việc ngăn chặn bị thất bại, giải thích: “Mọi kế hoạch hoạt động trong Bộ Quốc phòng (Department of Defense – DOD), và mọi năng lực khác mà chúng ta có, đều dựa trên một giả định rằng khả năng ngăn chặn chiến lược sẽ đứng vững. Và nếu khả năng ngăn chặn chiến lược, và đặc biệt là năng lực ngăn chặn hạt nhân, mà không đứng vững được, thì không kế hoạch nào khác của chúng ta và không năng lực nào khác mà chúng ta có, sẽ hoạt động như được thiết kế.”

Để đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân vẫn giữ vai trò đáng tin cậy là nền tảng của an ninh quốc gia Hoa Kỳ, năng lực này phải trải qua quá trình hiện đại hóa then chốt của các hệ thống vũ khí bộ ba truyền thống — các bệ phóng trên mặt đất, trên biển và trên không mà có thể phóng vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, việc chuyển từ cách tiếp cận theo kiểu hoạt động thông thường đối với năng lực răn đe sang khái niệm răn đe tích hợp mạnh mẽ hơn sẽ giúp Hoa Kỳ duy trì tốt hơn khả năng hạt nhân đáng tin cậy trong tương lai gần và đảm bảo sự ổn định trên toàn cầu. Theo khái niệm này, những năng lực của bộ ba hạt nhân được gắn liền và kết hợp với các năng lực chiến lược khác như không gian mạng, không gian vũ trụ và phòng thủ tên lửa, và thậm chí cả giới hàn lâm dân sự, các ngành nghề và đồng minh.

Khả năng răn đe hạt nhân là kết quả của sự hiểu biết chung giữa các đối thủ cạnh tranh rằng mỗi đối thủ đều có khả năng sẵn sàng và đáng tin cậy để ăn miếng trả miếng khi xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân. Yếu tố truyền thống quan trọng đối với việc duy trì khả năng răn đe hạt nhân là triển khai các hệ thống vũ khí có thể hoạt động. Bộ ba hạt nhân của Hoa Kỳ hiện bao gồm 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trên mặt đất và 60 máy bay ném bom hạng nặng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Cùng nhau, bộ ba của Hoa Kỳ nỗ lực để đảm bảo rằng không có đối thủ nào tin rằng họ có thể phát động một cuộc tấn công chiến lược, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mà làm tê liệt khả năng của Hoa Kỳ trong việc đáp trả và gây ra mức độ thiệt hại đối thủ đó không thể chịu nổi. Để đạt được mục tiêu này, mỗi chân kiềng trong bộ ba đều cần cung cấp các thuộc tính riêng biệt và kết hợp, làm cho các lực lượng chiến lược của Hoa Kỳ có khả năng ứng phó nhanh, chống chịu tốt và linh hoạt.

Bản vẽ của một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Columbia mà sẽ thay thế hạm đội lớp Ohio của Hải quân Hoa Kỳ. HẢI QUÂN HOA KỲ

Các ICBM Minuteman III tạo nên chân kiềng có phản ứng nhanh nhất trong bộ ba hạt nhân. Kể từ năm 1959, tên lửa Minuteman vẫn ở trong tình trạng báo động suốt ngày đêm, đem lại một hợp phần phản ứng nhanh chóng trong chương trình răn đe chiến lược của Hoa Kỳ. Các ICBM được bố trí rải rác trong 400 silo kiên cố, dưới lòng đất — với thêm 50 silo được giữ trong  trạng thái “ấm” — được giao cho nhiều căn cứ quân sự, khiến đối thủ gặp khó khăn khi muốn nhắm trúng mục tiêu. Bản chất kiên cố và phân tán của các ICBM của Hoa Kỳ đòi hỏi một đối thủ phải quyết tâm thực hiện một cuộc tấn công trên quy mô cực lớn vào Hoa Kỳ thì mới có cơ hội vô hiệu hóa tất cả các ICBM, qua đó tăng cường khả năng răn đe.

Kho vũ khí Minuteman III tận dụng cách tiếp cận cập nhật “loại bỏ và thay thế” thông thường mà đã cho phép nó đạt được tỷ lệ báo động 100% kể từ khi được triển khai lần đầu tiên. Các hệ thống liên lạc an toàn cung cấp cho tổng thống và bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ khả năng liên lạc trực tiếp có độ tin cậy cao, gần như tức thời với phi hành đoàn của mỗi vụ phóng. Các phi hành đoàn của vụ phóng trong các trung tâm điều khiển thực hiện các cảnh báo liên tục với tất cả các địa điểm phóng tên lửa từ xa. Nếu mất khả năng chỉ huy giữa trung tâm điều khiển vụ phóng và cơ sở phóng tên lửa từ xa, thì máy bay trung tâm điều khiển vụ phóng hoạt động trên không E-6B được lắp đặt đặc biệt sẽ tự động giành quyền chỉ huy và kiểm soát (các) tên lửa bị cô lập. Các nhóm chiến đấu tên lửa trên không sẽ thực hiện mệnh lệnh của tổng thống, làm cho chân kiềng ICBM trên đất liền của bộ ba cũng chống chịu được.

Kín đáo và chính xác

Chân kiềng trên biển của bộ ba hạt nhân, trong đó các tàu SSBN lớp Ohio đóng vai trò là bệ phóng không thể phát hiện, là hợp phần có khả năng chống chịu cao nhất. Các tàu SSBN được thiết kế để hoạt động một cách kín đáo, những cuộc tuần tra dài và bắn chính xác các đầu đạn hạt nhân. Trung bình, các tàu ngầm này hoạt động trên biển 80 ngày, sau đó cập cảng 35 ngày để bảo trì. Mỗi tàu ngầm có hai thủy thủ đoàn, Blue và Gold, thay phiên nhau làm nhiệm vụ tuần tra. Điều này tối đa hóa khả năng chiến lược của tàu ngầm, giảm số lượng tàu ngầm cần thiết để đáp ứng các yêu cầu chiến lược và cho phép tối ưu hóa công tác huấn luyện thủy thủ đoàn, sự sẵn sàng và nhuệ khí. Mỗi tàu SSBN chở tối đa 24 SLBM với nhiều đầu đạn nhắm mục tiêu độc lập. Tên lửa Trident II D5, có tầm bắn 7.000 kilomet, cho phép Hoa Kỳ đặt bất kỳ tài sản kiên cố và có giá trị nào của đối thủ vào tình thế nguy hiểm. SSBN có tính cơ động cao và có thể được chuyển đến nhiều điểm phóng khác nhau để tránh những lo ngại về đường di chuyển trên không, giúp các đồng minh yên tâm hơn và tăng mức độ linh hoạt trong hoạt động.

Máy bay ném bom là chân kiềng linh hoạt nhất trong bộ ba hạt nhân của Hoa Kỳ. Bao gồm máy bay B-52H Stratofortress và B-2A Spirit, bệ phóng trên không cung cấp khả năng tấn công hạt nhân nhanh chóng ở bất cứ đâu trên khắp thế giới trong khi tránh được hầu hết các hệ thống phòng thủ tiên tiến của đối thủ. Các máy bay ném bom của Hoa Kỳ có tầm bắn gần như không giới hạn, với khả năng tiếp nhiên liệu trên không và khi kết hợp với tầm bắn của tên lửa hành trình được phóng từ trên không (air-launched cruise missiles – ALCM), có thể đe dọa các mục tiêu ở mức tỷ lệ phần trăm cao trong lãnh thổ của đối thủ. Chúng có thể tiếp cận bất kỳ mục tiêu tiềm năng nào trên khắp thế giới từ các căn cứ của Hoa Kỳ, hoặc được triển khai ở nước ngoài trong thời bình, trong giai đoạn khủng hoảng hoặc xung đột — một lời nhắc nhở hữu hình gửi đến các đối thủ tiềm năng về các cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ an ninh của các đồng minh và đối tác.

Bản vẽ của một chiếc máy bay ném bom B-21 Raider tại Căn cứ Không quân Ellsworth, South Dakota, một trong những căn cứ chứa máy bay tàng hình mới của Không quân Hoa Kỳ. NORTHROP GRUMMAN

Cả hai loại máy bay ném bom đều có thể mang vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường phù hợp với nhiệm vụ. Máy bay B-52 có thể thả hoặc phóng nhiều loại vũ khí đa dạng nhất trong kho vũ khí của Hoa Kỳ, bao gồm bom trọng lực và bom chùm, tên lửa dẫn đường chính xác và đạn dược tấn công trực tiếp chung. Máy bay B-2 đem đến mức độ linh hoạt vô song về khả năng thâm nhập. Những đặc tính tàng hình của máy bay này mang lại cho nó khả năng độc nhất vô nhị là xâm nhập vào hệ thống phòng thủ tinh vi nhất của đối phương và đe dọa các mục tiêu được phòng thủ nghiêm ngặt nhất. Các máy bay ném bom cũng có thể được nạp và dỡ vũ khí theo các mốc thời gian gấp rút, giúp những người lãnh đạo quốc gia có khả năng hủy bỏ một cuộc tấn công sau khi máy bay cất cánh.

Nền tảng cơ bản nhất

Kết hợp lại, các lực lượng hạt nhân này là nền tảng cơ bản nhất của an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Cam kết của chính phủ Hoa Kỳ trong việc hiện đại hóa bộ ba hạt nhân càng thể hiện rõ điều này. Mặc dù mỗi hệ thống vũ khí đều được cập nhật thường xuyên và định kỳ để theo kịp các công nghệ thay đổi và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ luôn biến chuyển, nhưng cả ba chân kiềng phải được hiện đại hóa để đảm bảo chúng giữ được khả năng răn đe. Điều này có nghĩa là các bệ phóng hiện có sẽ được thay thế bằng các hệ thống vũ khí mới hoặc được đại tu hoàn toàn và được trang bị công nghệ tối tân nhất. Việc điều chỉnh cơ cấu vốn của lực lượng hạt nhân đang được tiến hành và trong 20 năm tới sẽ chiếm, ở điểm cao nhất, tới 3,7% ngân sách của DOD.

Những lần cập nhật trước và hiện đang được thực hiện của Minuteman III đã mở rộng các phương thức nhắm mục tiêu của tên lửa này, đồng thời cải thiện độ chính xác và khả năng chống chịu. Tuy nhiên, Không quân Hoa Kỳ đã xác định rằng việc tiếp tục kéo dài vòng đời của Minuteman III sẽ có chi phí tương đương với một ICBM thay thế. Ngoài ra, một ICBM mới sẽ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu trong tương lai đồng thời giảm chi phí duy trì trong suốt vòng đời của nó. Do đó, DOD đã tuyên bố tương lai của ICBM sẽ là chương trình Sentinel.

Chương trình Sentinel sẽ có kiến trúc mô-đun mà có thể kết hợp các công nghệ đang hình thành để thích ứng với môi trường đe dọa đang biến đổi nhanh chóng. Điều này sẽ giảm chi phí và giúp chương trình hoạt động đến tận thập niên 2070. Chương trình cũng sẽ hiện đại hóa các cơ sở phóng, cải thiện công tác chỉ huy và kiểm soát, tăng cường an toàn và an ninh, với những nâng cấp bắt đầu từ năm 2029.

Chân kiềng trên biển của bộ ba hạt nhân Hoa Kỳ cũng được sắp xếp để hưởng lợi từ các hệ thống vũ khí mới và được cập nhật. Sau khi phục vụ lâu hơn bất kỳ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nào khác của Hoa Kỳ, 14 tàu SSBN lớp Ohio sẽ được thay thế bằng ít nhất 12 tàu SSBN lớp Columbia. Dự án sẽ mang đến những tiến bộ trong khả năng điều hướng, chỉnh lái, chỉ huy và kiểm soát, và các công nghệ giảm tiếng ồn. Tàu ngầm lớp Columbia, dự kiến sẽ là tàu ngầm khó phát hiện nhất cho đến nay, sẽ có một lò phản ứng hạt nhân mà không cần tiếp nhiên liệu giữa chừng, giảm chi phí hoạt động trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ.

Các tàu ngầm lớp Columbia của Hoa Kỳ và lớp Dreadnought của Anh sẽ chở theo SLBM Trident II D5 hiện tại, cung cấp cho các đồng minh khả năng tương tác cao hơn và tiết kiệm chi phí đáng kể bằng cách loại bỏ sự cần thiết của các thiết kế khoang tên lửa khác nhau. Các tàu SSBN lớp Columbia, ban đầu sẽ chở theo 16 SLBM Trident II D5, được thiết kế để hoạt động đến thập niên 2080. Các SLBM Trident II D5 sẽ hoạt động đến thập niên 2040.

Một tên lửa đạn đạo liên lục địa không vũ trang Minuteman III phóng từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Vandenberg ở California trong cuộc thử nghiệm vào năm 2020. LỰC LƯỢNG KHÔNG QUÂN HOA KỲ

Trong khi đó, chân kiềng trên không của bộ ba hạt nhân Hoa Kỳ đang thay thế một loại máy bay ném bom và cập nhật loại kia. Máy bay B-52, được triển khai lần đầu vào năm 1961, đã trải qua quá trình kéo dài thời gian sử dụng và những lần nâng cấp và dự kiến sẽ vẫn tiếp tục hoạt động sau năm 2040. Máy bay B-2 sẽ được bổ sung vào giữa thập niên 2020 và sau cùng sẽ được thay thế bằng máy bay B-21 Raider, vốn đã được Không quân Hoa Kỳ ra mắt vào cuối năm 2022. B-21 là máy bay ném bom tàng hình thế hệ tiếp theo được thiết kế để có tầm xa, có khả năng chống chịu cao và có thể chở theo vũ khí thông thường và hạt nhân. Với số lượng tối thiểu đã lên kế hoạch là 100 máy bay, B-21 sẽ gia nhập bộ ba hạt nhân của quốc gia này như một phương án ngăn chặn linh hoạt.

Ngoài ra, để hỗ trợ chân kiềng trên không của bộ ba, AGM-86B ALCM, vốn được triển khai lần đầu tiên vào năm 1982 và được thiết kế để phòng thủ trước các mối đe dọa từ Liên Xô, sẽ được thay thế bằng tên lửa tầm xa phóng từ xa. Tên lửa hành trình tàng hình sẽ có độ chính xác, tầm bắn và độ tin cậy được nâng cao so với các thế hệ ALCM trước đó, tăng khả năng thành công của nhiệm vụ đồng thời giảm rủi ro cho phi hành đoàn.

Mức độ hiệu quả của bộ ba hạt nhân Hoa Kỳ sẽ không chỉ được xác định thông qua công cuộc hiện đại hóa các hệ thống vũ khí, mà còn thông qua quá trình hiện đại hóa một hệ thống chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc hạt nhân (NC3) bảo mật. NC3 giữ vai trò không thể thiếu trong việc đảm bảo rằng vũ khí hạt nhân sẵn sàng để sử dụng ngay lập tức, có chủ ý, nhưng không bao giờ được sử dụng sai. Hệ thống NC3 thực hiện năm chức năng chủ chốt: phát hiện, cảnh báo và rút ra đặc tính của cuộc tấn công; lập kế hoạch hạt nhân có khả năng thích ứng; họp để ra quyết định; nhận lệnh của tổng thống; và tạo điều kiện cho việc quản lý lực lượng. Hệ thống này bao gồm các cảm biến trên mặt đất và trên vũ trụ để giám sát thế giới nhằm phát hiện các mối đe dọa, và một kiến trúc cho hoạt động liên lạc để kết nối những người ra quyết định của quốc gia với các lực lượng hạt nhân trong mọi điều kiện.

Để bổ sung cho những năng lực mới của bộ ba hạt nhân, hệ thống NC3 đang được nâng cấp lên NC3 Next, mà ông Richard, cựu chỉ huy của USSTRATCOM, mô tả là một loạt những sáng kiến cải tiến cho tất cả các khía cạnh của mạng phức tạp. Một số nền tảng NC3 đã được phát triển vào những năm 1980 và kể từ đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và Nga đã phát triển những năng lực mà có thể đe dọa hệ thống lâu đời này. NC3 Next sẽ có hơn 200 nền tảng, từ radio và thiết bị đầu cuối được đặt trong khoảng 60 hệ thống đến các vệ tinh được sử dụng để gửi thông tin liên lạc chiến lược được mã hóa cho các tàu ngầm hạt nhân, cũng như máy bay Vị trí Chỉ huy Trên không E-6B hoặc máy bay Trung tâm Điều hành Trên không Quốc gia E-4B, được gọi là “máy bay Doomsday”, mà sẽ giành quyền chỉ huy nếu các hệ thống trên mặt đất bị vô hiệu hóa.

Các nhà lãnh đạo cấp cao từ hơn một chục quốc gia và ba tổ chức quốc tế đã quy tụ trong một hội thảo Nimble Titan tại Marine Establishment Amsterdam ở Hà Lan để thảo luận về hệ thống phòng thủ tên lửa đa quốc gia. DOTTIE WHITE/QUÂN ĐỘI HOA KỲ

Một nút quan trọng của hệ thống đã được hiện đại hóa rồi. Vào năm 2019, USSTRATCOM đã mở Cơ sở Chỉ huy và Kiểm soát (C2F) tại Căn cứ Không quân Offutt ở Nebraska. Là trung tâm của bộ chỉ huy hạt nhân của quốc gia, cơ sở này là bước đầu tiên trong quy trình hiện đại hóa toàn bộ cấu trúc hạt nhân và sẽ hỗ trợ hoạt động hiện đại hóa của tất cả các tài sản chiến lược khác, như bộ ba hạt nhân và NC3.

Cơ sở trị giá 33 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ đô la Mỹ), có diện tích 85.100 mét vuông được vận hành bởi hơn 3.000 nhân viên và có đường cáp công nghệ thông tin dài hơn 1.000 kilomet để hỗ trợ khả năng sống còn và độ tin cậy về lâu dài của lực lượng răn đe chiến lược của quốc gia này. C2F được thiết kế để phát triển cùng với các mối đe dọa và những năng lực đang hình thành, cho phép Hoa Kỳ thích nghi và duy trì sự linh hoạt trong tương lai rất xa.

Khả năng răn đe tích hợp

Khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào hoạt động hiện đại hóa các hệ thống vũ khí chiến lược của nước này nhằm duy trì sự cân bằng, xét đến mức chi tiêu quốc phòng cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và của Nga cho việc hiện đại hóa các lực lượng thông thường và lực lượng hạt nhân của họ. Vũ khí hạt nhân đang trở thành một khía cạnh quan trọng hơn trong chiến lược quân sự của Trung Quốc và vẫn tiếp tục là một khía cạnh nền tảng của Nga. Theo ông Richard, ĐCSTQ đang tiến hành một “bước đột phá về hạt nhân” — trên tiến trình để đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi, nếu không nói là gấp ba, số lượng đầu đạn hạt nhân của nước này, đồng thời cải thiện khả năng và năng lực của hệ thống phòng thủ tên lửa. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 90% lực lượng hạt nhân chiến lược của nước này đã được hiện đại hóa trong những năm gần đây.

Mặc dù Nga và ĐCSTQ đều có bộ ba hạt nhân, nhưng “kho dự trữ hạt nhân của một quốc gia là thước đo không chính xác về khả năng tổng thể của quốc gia đó”, ông Richard cảnh báo. “Chúng ta phải xem xét hệ thống phóng, độ chính xác, tầm bắn, sự sẵn sàng, hoạt động đào tạo, khái niệm hoạt động và nhiều thứ khác để hiểu được đầy đủ một quốc gia có khả năng làm những điều gì. Đúng vậy … ngay lúc này, chúng ta có một kho dự trữ lớn hơn Trung Quốc. Nhưng tôi không dùng được hai phần ba số lượng chúng ta có do những hạn chế theo hiệp ước. Và tôi phải ngăn chặn Nga và những nước khác, bao gồm cả những nước không tham gia thỏa thuận nào như Bắc Triều Tiên, với những gì chúng ta có, tất cả cùng một lúc”. Vì lý do đó, bất kỳ sự so sánh nào với Chiến tranh Lạnh lưỡng cực, khi Hoa Kỳ ngang bằng về sức mạnh hạt nhân với chỉ một quốc gia ngang hàng, đều không trọn vẹn. Môi trường chiến lược ngày nay có điểm nổi bật là hai quốc gia có sức mạnh và muốn thay đổi trật tự thế giới, còn Hoa Kỳ cùng các đồng minh của mình đang tìm cách bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ đó. Theo ông Richard, Trung Quốc và Nga có thể đơn phương leo thang một cuộc xung đột đến bất kỳ mức độ thù địch nào, trong bất kỳ miền nào, ở bất kỳ vị trí địa lý nào, vào bất kỳ lúc nào.

Do đó, điều cấp bách là phải nhìn nhận khả năng răn đe rộng hơn việc hiện đại hóa các hệ thống bộ ba hạt nhân và NC3. Hơn nữa, các quốc gia ganh đua tiếp tục phát triển các khả năng mà thách thức các miền và ranh giới truyền thống. Một góc nhìn nâng cao và mở rộng về khả năng răn đe trên tất cả các miền, bao gồm phòng thủ tên lửa tích hợp (integrated missile defense – IMD), vũ trụ và không gian mạng, cũng như hiểu được cách thức mà các mối quan hệ đối tác, chẳng hạn như với các đồng minh hoặc với cơ sở trí tuệ và công nghiệp của một quốc gia, là những yếu tố cần thiết để hỗ trợ các năng lực trong tương lai. Cách tiếp cận răn đe tích hợp này cung cấp sự linh hoạt tự nhiên, vốn là điều cần thiết để lập kế hoạch và thực hiện các chiến lược được điều chỉnh cho phù hợp với tất cả các đối thủ.

Một tên lửa đánh chặn thuộc Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) được phóng lên trong một thử nghiệm.
CƠ QUAN PHÒNG THỦ TÊN LỬA HOA KỲ

Tích hợp phòng thủ tên lửa vào bộ ba hạt nhân, NC3 Next và chính sách hạt nhân quốc gia làm tăng các năng lực và phương án, và hy vọng sẽ ngăn chặn tất cả các xung đột diễn biến thành hạt nhân. IMD là một nhiệm vụ thiết yếu, liên tục, cho dù trong thời bình, trong khủng hoảng hay xung đột, giúp bảo vệ lãnh thổ, dân số và lực lượng trước các cuộc tấn công bằng không quân và tên lửa. Hoa Kỳ hiện đang triển khai ba hệ thống phòng thủ tên lửa cấp khu vực để nhắm mục tiêu vào các tên lửa đạn đạo bay đến có tầm ngắn và tầm trung để bảo vệ quốc gia này và khu vực. Đây là các hệ thống Patriot Advanced Capability (PAC-3) và THAAD trên đất liền, cũng như hệ thống Aegis trên biển, mặc dù Aegis Ashore cũng có thể được triển khai trên đất liền. Mỗi hệ thống nhắm mục tiêu vào một rốc-két hoặc tên lửa trong giai đoạn cuối của nó — sau khi đầu đạn quay trở lại bầu khí quyển — sử dụng các hệ thống radar và vệ tinh để phát hiện, phân loại và theo dõi mối đe dọa.

Khi được triển khai đúng cách, các hệ thống IMD cung cấp một loạt các lựa chọn trong khi buộc đối phương không thể sử dụng một cuộc tấn công tên lửa để đạt được những mục tiêu của mình. Để đạt được mục đích đó, hàng phòng thủ tên lửa thiết lập một khả năng răn đe đáng tin hơn bằng cách khuyến khích việc kiềm chế đối thủ. Ngoài ra, một chương trình phòng thủ tên lửa mạnh mẽ và đáng tin áp đặt phí tổn lên các đối thủ cạnh tranh bằng cách buộc họ phải chi nhiều nguồn lực hơn cho kho vũ khí tên lửa của họ.

Trung Quốc và Nga đang phát triển các bệ phóng tiên tiến để thách thức kiến trúc radar trên mặt đất hiện có, chẳng hạn như Zircon sử dụng kép của Nga và vũ khí đẩy lướt siêu thanh của Trung Quốc. Để giải quyết nguy cơ xảy ra mất cân bằng về năng lực, Hoa Kỳ đang phát triển Hệ thống Đánh chặn Thế hệ Tiếp theo, vũ khí đánh chặn đẩy lướt siêu thanh, laser năng lượng cao và công nghệ năng lượng trực tiếp khác để bổ sung cho các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và chống lại các mối đe dọa tên lửa trong tương lai.

Cảnh báo sớm về tất cả các loại tên lửa tiên tiến cũng phải được bổ sung bằng kế hoạch toàn cầu để đạt được khả năng răn đe chiến lược, tích hợp. Các hệ thống của đối thủ cạnh tranh không được thiết kế với sự cân nhắc về ranh giới, dù là về mặt địa lý hay mặt hoạt động. Ngoài một hệ thống cảnh báo, theo dõi và vô hiệu hóa, Hoa Kỳ sẽ cần một vị thế khác để xử lý trong các trường hợp thiếu cảnh báo. Khả năng chỉ huy và kiểm soát các lực lượng phòng thủ tên lửa củng cố tính hữu dụng của chúng trong hoạt động răn đe. Các hệ thống NC3 Next và Chỉ huy và Kiểm soát Toàn Miền Liên hợp (JADC2) là những phần quan trọng trong việc tích hợp phòng thủ tên lửa và làm cho nó hiệu quả hơn trong năng lực răn đe. JADC2 sẽ cung cấp phương thức để chia sẻ thông tin nhanh chóng hơn trong lực lượng liên quân, đảm bảo có sẵn các cảm biến và súng tốt nhất để chống lại các mối đe dọa đối với các lực lượng hạt nhân và thông thường. Việc tích hợp chỉ huy và kiểm soát các hệ thống phòng thủ tên lửa có thể giúp Hoa Kỳ ngăn chặn vũ khí của đối thủ, chẳng hạn như vũ khí hạt nhân năng lượng thấp, mà không cần phải có hệ thống đối xứng với hệ thống của đối thủ cạnh tranh.

Xem xét lại khả năng răn đe trong hoạt động

Bộ ba hạt nhân, NC3 và IMD được liên kết như các yếu tố chính của khả năng răn đe. Trong môi trường đa miền ngày nay, việc tích hợp cũng xảy ra trên vũ trụ, không gian mạng và vùng xám, được định nghĩa là các tương tác cạnh tranh giữa các tác nhân nhà nước và phi nhà nước mà rơi vào khoảng giữa của chiến tranh truyền thống và hòa bình. Sự phức tạp này có nghĩa là quân đội Hoa Kỳ sẽ cần phải tích hợp ngày càng nhiều hơn các cộng đồng học thuật và ngành nghề để đáp ứng những thách thức về khả năng răn đe ở hiện tại và trong tương lai. Mặc dù các mối đe dọa hạt nhân khác với các mối đe dọa trong quá khứ, nhưng việc đầu tư vào năng lực trí tuệ vẫn đem đến lợi ích. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, tổ chức nghiên cứu Rand Corp. được thành lập để nghiên cứu về Chiến tranh Lạnh và đào sâu lý thuyết về khả năng răn đe. Một số nhà lý luận vĩ đại nhất của thời đại đó, chẳng hạn như Thomas Schelling và Herman Kahn, đã “vượt rào” ra ngoài những cách tiếp cận truyền thống của quân đội và chính phủ để phát triển các lý thuyết về khả năng răn đe hạt nhân ban đầu mà đã đem đến lợi ích cho thế giới trong nhiều thập kỷ qua.

Tàu ngầm USS Nebaraska lớp Ohio đã bắn thử một tên lửa Trident II D5 không vũ trang ngoài khơi bờ biển California vào năm 2018. HẢI QUÂN HOA KỲ

USSTRATCOM đang xem xét lại lý thuyết về khả năng răn đe trong hoạt động để bao gồm một triết lý về khả năng răn đe tích hợp toàn diện hơn. Thông qua việc thay đổi cách nhìn nhận cơ bản về khả năng răn đe, người ta có thể hiểu rõ hơn về cách khái niệm này vẫn được áp dụng trong môi trường ngày nay, và cách nó sẽ giúp cung cấp thông tin cho các chiến lược khi thực hiện các kế hoạch nhằm hỗ trợ công tác phòng thủ thông thường, toàn diện. Triết lý về khả năng răn đe tích hợp ưu tiên việc đưa các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ vào tất cả các khía cạnh của khả năng răn đe tập thể.

Khả năng tương tác của đồng minh và đối tác bảo vệ quyền tự do hành động, tăng kiến thức và các lựa chọn, và cho phép khả năng phòng thủ hiệu quả có sự hợp tác. Những nỗ lực để tăng cường mối quan hệ chiến lược với các đối tác tiếp tục thông qua các hoạt động mô phỏng chiến tranh như Nimble Titan. Hai mươi tư quốc gia và ba tổ chức quốc tế tham gia vào cuộc tập trận này, một sự kiện tập trung vào sự tích hợp đa quốc gia nhằm tăng cường khả năng tương tác và các khái niệm quốc phòng. Sự hợp tác này nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của mình đã được chuẩn bị sẵn sàng để chống lại các cuộc tấn công chiến lược thông qua các hệ thống ngăn chặn tích hợp này. Một chương trình răn đe hạt nhân tích hợp, mạnh mẽ cũng góp phần vào các mục tiêu về hạn chế vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ thông qua việc hạn chế khuyến khích các đồng minh và đối tác phát triển vũ khí hạt nhân.

Các cuộc tập trận đa phương cũng giúp ngăn chặn Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và các nước khác tin rằng họ có thể hưởng lợi từ việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc đe dọa sẽ sử dụng chúng. Bằng cách này, ngay cả với quy mô và cường độ của những thay đổi đối với môi trường chiến lược, khả năng răn đe tích hợp vẫn có thể giúp giữ cho thế giới ổn định và hòa bình. Với mỗi sự hiện đại hóa và tiến bộ trong các hệ thống mà bao gồm khả năng răn đe tích hợp của Hoa Kỳ và đồng minh, các đối thủ cạnh tranh về hạt nhân và các đối thủ tiềm năng sẽ ngày càng thấy mức độ đầu tư nhiều đến mức không thể chịu được và thay vào đó chọn cách chung tay cùng Hoa Kỳ trong việc giảm nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân hoặc tính toán sai lầm.

Khi các mối đe dọa từ các đối thủ tiếp tục gia tăng, tầm quan trọng của khả năng răn đe vẫn đứng vững. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các đồng minh hiện đang điều chỉnh và phát triển khả năng răn đe hạt nhân cho môi trường linh động mà họ phải đối mặt. Khả năng răn đe chiến lược đòi hỏi phải tích hợp các năng lực trên tất cả các miền trong toàn bộ quân đội Hoa Kỳ và hơn thế nữa. Ngoài bộ ba hạt nhân, công cuộc hiện đại hóa các hệ thống NC3 và đầu tư vào những năng lực khác, chẳng hạn như IMD, sẽ tăng các phương án và nâng cao khả năng răn đe.

Trong 70 năm qua, khả năng răn đe đã giúp thế giới tránh được một cuộc xung đột hạt nhân thảm khốc. Nó tiếp tục đóng vai trò là nền tảng cho tất cả các hoạt động quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Khả năng răn đe tích hợp sẽ vẫn là xương sống và nền tảng của an ninh quốc gia Hoa Kỳ trong tương lai gần.  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button