Những Khu vực Chung của Thế giới

Các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dẫn đầu các nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Nhân viên DIỄN ĐÀN

Các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã trở thành những quốc gia đóng góp hàng đầu cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (U.N) trên toàn thế giới. Những thành tựu và hy sinh của họ sẽ được tôn vinh cùng với những quốc gia khác vào Ngày Quốc tế các Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Vào ngày 29 tháng 5, Liên Hợp Quốc công nhận các nhân viên quân sự, cảnh sát và thường dân đã giúp các quốc gia bị tàn phá bởi xung đột, bao gồm cả hàng ngàn người đã chết khi thực hiện việc đó. Mặc dù châu Phi và Trung Đông là trọng tâm chính của các nỗ lực gìn giữ hòa bình hiện tại, nhưng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng đã nhận được sự hỗ trợ về kinh tế, nhân đạo, xã hội và nhân quyền.

Theo các nhà quan sát, kinh nghiệm trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc ngay trong biên giới nước nhà đã truyền cảm hứng cho các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tham gia các cuộc thám hiểm gìn giữ hòa bình ở nơi khác. Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc vào tháng 12 năm 2020, mặc dù có nhiều tài liệu về công tác gìn giữ hòa bình ở các địa phương Thái Bình Dương như Đông Timor và Tây New Guinea nhưng lại có rất ít nghiên cứu về sự đóng góp của các quốc đảo Thái Bình Dương (PIC) cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Điều đó hạn chế sự hiểu biết về lý do tham gia, rào cản cũng như hậu quả mà các nước này gặp phải khi tham gia các hoạt động đó. (Trong ảnh: Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đánh giá lực lượng gìn giữ hòa bình của Cộng hòa Fiji đang phục vụ tại Baghdad, Iraq vào tháng 3 năm 2023.)

Hơn nửa tá các quốc gia Thái Bình Dương đã giúp Liên Hiệp Quốc thiết lập hòa bình ở Đông Timor vào đầu những năm 2000, rồi sau đó áp dụng chuyên môn của họ cho các nhiệm vụ trên toàn thế giới. Ví dụ, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, tính đến cuối tháng 2 năm 2023, Fiji đã có 326 nhân viên quân sự và thực thi pháp luật được điều động làm lực lượng gìn giữ hòa bình.

Đồng thời, Bangladesh là nước đóng góp lớn nhất thế giới về nhân viên đồng phục cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc với 7.269 người, tiếp theo là Nepal với 6.264 người và Ấn Độ với 6.090 người được điều động.

Trong cuộc chiến tranh giải phóng Bangladesh năm 1971, Liên Hợp Quốc đã cung cấp cứu trợ và giúp tái định cư hàng triệu người tị nạn ở quê hương của họ.

Quốc gia Nam Á này lần đầu tiên cử nhân viên đồng phục tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc để giám sát một thỏa thuận đình chiến giữa Iran và Iraq vào năm 1988. Kể từ đó, Bangladesh đã có những đóng góp vô cùng lớn cho các nhiệm vụ trên toàn thế giới. Theo Liên Hợp Quốc, tính đến cuối tháng 2 năm 2023, các nhân viên gìn giữ hòa bình của Bangladesh đã và đang phục vụ tại Cộng hòa Trung Phi, Síp, Cộng hòa Dân chủ Công-gô, Li-băng, Libya, Mali, Nam Xu-đăng, Tây Sahara và Yemen.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, kể từ ngày 29 tháng 5 năm 1948, khi những người gìn giữ hòa bình đầu tiên của Liên Hợp Quốc bắt đầu hoạt động tại Palestine, đã có hơn 2 triệu người từ hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trợ giúp các quốc gia chuyển từ trạng thái chiến tranh sang hòa bình. Thông qua việc cộng tác với các cộng đồng địa phương, lực lượng gìn giữ hòa bình giúp kiến tạo các giải pháp chính trị, ngăn chặn xung đột, bảo vệ thường dân, thúc đẩy các quyền con người và thượng tôn pháp luật, cũng như xây dựng hòa bình bền vững.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết: “Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là thành phần quan trọng nhất trong cam kết của chúng tôi về một thế giới hòa bình hơn”.

 

NGUỒN HÌNH ẢNH: SARMAD AL-SAFY/LIÊN HỢP QUỐC (U.N)

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button