Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Miến Điện thông qua đàm phán toàn diện
Reuters
Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á họp tại Indonesia kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực ở Miến Điện, trong nỗ lực tạo ra cửa sổ cho các cuộc đàm phán và cung cấp viện trợ nhân đạo khi giao tranh gia tăng.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực đang diễn ra ở Miến Điện và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tất cả các hình thức bạo lực và sử dụng vũ lực”, các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations – ASEAN) cho biết trong một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 năm 2023.
Các nhà lãnh đạo kêu gọi “một môi trường thuận lợi để cung cấp hỗ trợ nhân đạo an toàn, kịp thời và các cuộc đối thoại quốc gia toàn diện”.
Hội nghị thượng đỉnh của 10 quốc gia thành viên trong khối diễn ra khi quân đội Miến Điện tăng cường tấn công và không kích vào lực lượng kháng chiến và các nhóm dân tộc thiểu số trong nỗ lực củng cố quyền lực trước cuộc bầu cử theo kế hoạch. Vài ngày trước đó, những kẻ tấn công không rõ danh tính đã bắn vào một đoàn xe của các nhà ngoại giao khu vực ở Miến Điện khi đang cung cấp vật tư cho hơn 1,3 triệu người phải di dời do xung đột.
Chính quyền quân sự, nắm quyền lực trong cuộc đảo chính tháng 2 năm 2021, đã thể hiện không có ý định theo đuổi kế hoạch hòa bình theo thỏa thuận vào tháng 4 năm 2021 với ASEAN.
Vị lãnh đạo có mặt trong ảnh là Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN. Ông kêu gọi hiệp hội lên tiếng về những thách thức mà họ phải đối mặt trong khu vực.
Ông Widodo đặt câu hỏi: “ASEAN sẽ chỉ im lặng, hay ASEAN sẽ có thể trở thành động lực của hòa bình hay tăng trưởng?”
ASEAN, vốn có chính sách không can thiệp vào vấn đề của các thành viên, đã ngày càng trở nên quyết đoán hơn khi chính quyền quân sự Miến Điện không thực hiện “đồng thuận” hòa bình năm điểm mà Thống tướng Miến Điện đã đồng ý sau cuộc đảo chính dẫn đến tình trạng hỗn loạn và đổ máu tại quốc gia này. Tính đến tháng 3 năm 2023, hơn 3.000 thường dân đã mất mạng và ít nhất 16.000 đối thủ chính trị đã bị bắt giam, Liên Hợp Quốc báo cáo.
“Malaysia thất vọng vì không có tiến triển thực sự và có ý nghĩa trong việc thực hiện kế hoạch”, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói.
Các nhà lãnh đạo chính quyền quân phiệt Miến Điện bị cấm tham dự các cuộc họp cấp cao của ASEAN cho đến khi họ tôn trọng thỏa thuận hòa bình, trong đó bao gồm việc chấm dứt các hành động thù địch.
Jakarta đã trao đổi với quân đội và chính phủ nhiếp chính của Miến Điện, cũng như các nhóm sắc tộc vũ trang để cố gắng bắt đầu đàm phán hòa bình, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi gần đây cho biết.
“ASEAN đang làm hết sức có thể bởi vì không dễ dàng khi bạn đứng ở giữa chiến trường”, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo nói.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã ban hành một loạt các tuyên bố chung, bao gồm các cam kết chống buôn người, bảo vệ người lao động di cư và hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện trong khu vực.
HÌNH ẢNH: REUTERS