Các bài nổi bậtKhả năng Răn đe Tích hợpNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Bóc tách Kỹ nghệ Quản lý Kinh tế của Trung Quốc

Điều gì đã Xảy ra Khi Vành đai và Con đường của Bắc Kinh Đến Papua New Guinea?

Peter Connolly

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã gặp tám nhà lãnh đạo Đảo Thái Bình Dương tại Port Moresby vào ngày 16 tháng 11 năm 2018 và nâng cao mối quan hệ của họ lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Sau đó, ông Tập đã khuyến khích những quốc gia chưa tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative – BRI) của ông hãy làm việc này. Papua New Guinea (PNG) đã đi đầu bằng cách ký một biên bản ghi nhớ (memorandum of understanding – MOU) về BRI với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) vào tháng 6 năm 2018 và tổ chức diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) trong năm đó. Tuy nhiên, vào năm 2017, hầu hết các quan chức và doanh nhân Papua New Guinea mà tôi phỏng vấn không tin rằng đất nước của họ sẽ tham gia BRI vì PNG không đem đến nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho Trung Quốc. Bài viết này trích lược một bài viết dài hơn được xuất bản trên tạp chí Security Challenges vào năm 2020, so sánh các cuộc phỏng vấn và quan sát từ dữ liệu nghiên cứu thực địa cho chương trình tiến sĩ của tôi trong năm 2017 với dữ liệu trong năm 2019 để đánh giá những gì đã thay đổi ở PNG khi nước này gia nhập BRI.

Những người Trung Quốc di cư vì lý do kinh tế đến các quốc đảo Thái Bình Dương đã đến theo nhiều đợt, bắt đầu từ đợt đầu tiên, được gọi là “người Trung Quốc cũ”. Họ đã khởi hành từ các tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông từ giữa thế kỷ 19. Đợt người di cư thứ hai đến qua Đông Nam Á vào thập niên 1950 và 1970. Đợt thứ ba, được gọi là “người Trung Quốc mới”, bắt đầu vào thập niên 1990 trong giai đoạn có chính sách “Đi ra ngoài” của Trung Quốc, được thiết kế để khuyến khích các doanh nghiệp của họ đầu tư ra nước ngoài. Tôi tin rằng bây giờ đợt thứ tư đang diễn ra, bao gồm các nhân viên trong doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (state-owned enterprise – SOE) và các quan chức đại diện cho lợi ích của nhà nước Trung Quốc. Nhóm người này tăng lên cùng với sự xuất hiện của BRI. 

Chiến lược Một vành đai, Một con đường (One Belt, One Road – OBOR) của Bắc Kinh bắt đầu từ tầm nhìn của ông Tập về hoạt động theo hướng kinh tế trên toàn cầu của Trung Quốc. Bốn năm sau, đối với người ngoài, Trung Quốc đã đổi tên từ OBOR sang BRI để tránh gây ấn tượng rằng đây là một chiến lược, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng các từ gốc của OBOR trong tiếng Quan Thoại. Trong suốt bài viết này, tôi sử dụng BRI khi nhắc đến OBOR cho phù hợp với cách sử dụng phổ biến trong phần thế giới nói tiếng Anh. Tuy nhiên, BRI và OBOR đơn giản chỉ là một. Bài viết này lập luận rằng BRI là một chiến lược địa kinh tế để tuyên truyền về tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của Trung Quốc và nâng cao vị thế của quốc gia này như một cường quốc đang trỗi dậy.

PNG là quốc đảo Thái Bình Dương đầu tiên gia nhập BRI. Thủ tướng khi đó Peter O’Neill đã có chuyến thăm chính thức đến Bắc Kinh vào tháng 6 năm 2018 vì ông muốn tìm sự hỗ trợ để tổ chức APEC năm đó. Ông Tập trấn an ông O’Neill rằng Bắc Kinh sẽ hỗ trợ PNG chuẩn bị cho APEC, và rằng ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh này. Để hỗ trợ sự kiện này, China Harbour Engineering Co. (CHEC) xây dựng một con đường bốn làn xe dài 10 kilomet và APEC Haus, địa điểm tổ chức diễn đàn, trong 200 ngày. Năm tháng sau, ông Tập đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Port Moresby và mời các nhà lãnh đạo của tám quốc đảo Thái Bình Dương công nhận Trung Quốc đến gặp ông ở đó trước thềm hội nghị thượng đỉnh APEC. Tất cả đều đã ký Biên bản ghi nhớ BRI với Trung Quốc, và thêm hai quốc gia đã chuyển sự công nhận ngoại giao của họ từ Đài Loan sang Bắc Kinh vào năm tiếp theo. Trong thời gian đó, họ cũng gia nhập BRI. 

Những sự kiện này đã khiến nhiều người dự đoán về lợi thế mà BRI có thể mang lại cho sự phát triển của PNG, kèm theo sự e ngại về những phí tổn mà chương trình này có thể gây ra. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa hiểu rõ BRI là gì.

Quan điểm của một Quan chức Trung Quốc

Một quan chức Trung Quốc tại PNG đã giải thích với tôi vào năm 2019 rằng BRI là một “khái niệm bao quát… một hình ảnh, một nét vẽ — không phải là một điểm cực kỳ cụ thể.” BRI là “một nền tảng cho sự hợp tác … một công cụ để thúc đẩy thương mại và đầu tư đôi bên cùng có lợi”. Ông nhấn mạnh một quá trình tham vấn qua lại với chính quyền PNG để điều chỉnh cho phù hợp với chiến lược quốc gia của PNG, tương đồng với việc hiệu chỉnh BRI vào năm 2018 sau khi chương trình này bị chỉ trích là hành vi cho vay nhằm trục lợi. 

Khi được hỏi, “Vậy một dự án BRI là gì?”, quan chức này thừa nhận: “Không có định nghĩa chi tiết nào cả.” Nhưng ông nói tiếp, “bất kỳ dự án nào phù hợp với Năm Kết nối” về thương mại, cơ sở hạ tầng, chính sách, dân tộc với dân tộc và tài chính đều có thể “được nhìn nhận khái quát là một dự án BRI”. Ông nói thêm rằng “các công ty Trung Quốc có lợi thế tương đối” vì họ có giá cả phải chăng hơn các công ty phương Tây.

Mặc dù các hướng dẫn này có thể hợp lý cho việc lập kế hoạch chiến lược của Trung Quốc, nhưng chúng quá chung chung khiến các nước khác khó có thể phân biệt được những hoạt động nào là một phần trong BRI. Đó có thể là do cố tình, để cho phép Trung Quốc chọn đưa vào cái gì và loại bỏ cái gì sao cho nhất quán với mạch chuyện mà nước này kể với thế giới. Quan chức này giải thích rằng một dự án BRI không cần phải được thanh toán bằng tiền của Trung Quốc — các tổ chức đa phương như Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank – ADB), Ngân hàng Thế giới hoặc thậm chí một quốc gia khác, có thể cho vay. Ngoài ra, dự án có thể đã bắt đầu trước khi BRI tồn tại. “Nếu nó phù hợp với phương châm Năm Kết nối, thì đó là một dự án BRI,” ông nói.

Lời giải thích của quan chức này cho thấy một dự án BRI có thể là bất cứ hoạt động gì do một công ty Trung Quốc thực hiện miễn là nó khớp với mạch chuyện chiến lược của Trung Quốc. Điều này cho phép Trung Quốc đạt được các mục tiêu địa chính trị trong một chiến dịch nhằm giành được tầm ảnh hưởng trên toàn cầu bằng cách sử dụng các công cụ kinh tế. Ngày càng có nhiều những dự án được cấp kinh phí bởi những bên khác trong khuôn khổ BRI.

Quan điểm của một Người Trung Quốc Mới

Theo một thành viên có uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc Papua New Guinea ở Port Moresby, các công ty xây dựng Trung Quốc đã ồ ạt đến Papua New Guinea để chuẩn bị cho Thế vận hội Thái Bình Dương năm 2015. Hầu hết các công ty đó là các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã hoàn thành các dự án của họ nhưng vẫn tiếp tục ở lại quốc gia này, khiến giá cả giảm đi và tăng sự cạnh tranh. Họ có lợi thế cạnh tranh vì họ đã đưa công nhân từ Trung Quốc đến và trả cho những người này mức lương thấp hơn, cho phép họ chào thầu với giá thấp hơn các công ty địa phương tới 50%.

Doanh nhân này giải thích rằng ông O’Neill đã ưu ái các công ty Trung Quốc, nhưng khi ông này đột ngột bị thay thế bởi Thủ tướng James Marape vào năm 2019, những người Trung Quốc mới bắt đầu lo ngại. Ông Marape đã hứa hẹn sẽ “lấy lại PNG”, và điều này được nhiều người hiểu là ông không chấp nhận bị nước ngoài o ép trong một số lĩnh vực của nền kinh tế PNG, bao gồm cả sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Doanh nhân Trung Quốc nói thêm sự bối rối do chính sách mới này tạo ra có nghĩa là: “Khi chính phủ không biết thì ADB sẽ đưa ra quyết định.”

Người trả lời phỏng vấn xác nhận rằng BRI nhằm mục đích mở rộng tầm ảnh hưởng về mặt chính trị và kinh tế của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Từ góc nhìn của Trung Quốc, sau khi biên bản ghi nhớ được ký kết, PNG được coi là “trên bản đồ BRI” và “mở cửa để làm ăn”. Số lượng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong PNG đã tăng chậm kể từ khi China Overseas Engineering Co. đến vào năm 1995, nhưng gần như tăng gấp đôi vào năm sau khi PNG gia nhập BRI. Từ tháng 6 năm 2018 đến tháng 7 năm 2019, số lượng doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở PNG đã tăng từ 21 lên 39. Các công ty Papua New Guinea, công ty Trung Quốc cũ và công ty từ các quốc gia phương Tây không thể cạnh tranh với thị trường bị bão hòa này. Xin nhắc lại, hầu hết các công ty mới vào nước này để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, sau đó ở lại và giành được các hợp đồng bằng cách chào giá thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh. Vị thế thống trị thị trường này càng được củng cố khi hầu hết các công ty Trung Quốc nộp thêm hồ sơ dự thầu từ các công ty con để ngăn cản sự cạnh tranh.

Việc số lượng doanh nghiệp nhà nước tăng vọt được chứng thực bằng cách so sánh danh sách các công ty quy mô lớn của Trung Quốc trong năm 2018 và năm 2020 trong hướng dẫn về đầu tư nước ngoài cho PNG của Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM). Vào cuối năm 2019, trang web của Cơ quan Xúc tiến Đầu tư PNG cũng cho biết hơn 79 công ty và 12 hiệp hội Trung Quốc đã được đăng ký tại PNG kể từ năm 1995. Điều này chứng tỏ sự hiện diện của nhiều công ty con và các công ty nhỏ hơn ngoài những công ty lớn mà MOFCOM liệt kê.

Công nhân Trung Quốc từ nhà máy tinh luyện Ramu NiCo mua rau củ quả của phụ nữ Papua New Guinea gần Basamuk. Shaun Gessler

Quan điểm của Một Doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc

Một giám đốc điều hành thuộc một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc về xây dựng đã xem BRI chỉ là một cái mác cho những gì đã xảy ra trong hai thập kỷ qua do chính sách “Đi ra ngoài”. Ông than thở rằng BRI gây thiệt hại cho doanh nghiệp vì nó khiến các chính phủ phương Tây lo sợ, mô tả đây là một “lời thông cáo khoa trương về sự trỗi dậy của Trung Quốc [mà] đã không tạo ra sự khác biệt nào trong PNG” vì nó không mang đến thêm nguồn kinh phí nào từ Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi đến đây vì công việc kinh doanh và muốn tránh những rắc rối chính trị”, nhưng ông giải thích: “Chúng tôi là doanh nhân, nhưng chúng tôi là doanh nhân nhà nước — một doanh nghiệp nhà nước có thể được lệnh phải hỗ trợ những gì nhà nước yêu cầu.” 

Các doanh nghiệp nhà nước lớn làm việc chặt chẽ với cố vấn kinh tế và thương mại của MOFCOM, người có vẻ chịu trách nhiệm điều phối các dự án BRI ở PNG. Giám đốc Trung Quốc này cho biết các doanh nghiệp nhà nước chấp nhận rằng sự chỉ đạo như vậy có thể phục vụ mục đích chiến lược hoặc chính trị, dù thiếu logic về mặt kinh tế hoặc lợi ích thiết thực.

Các doanh nghiệp nhà nước là phương thức chính trong kỹ nghệ quản lý kinh tế của Trung Quốc và dường như là công cụ địa kinh tế lý tưởng. Vào năm 1985, David Baldwin đã nêu ra những kỹ thuật quản lý quốc gia về mặt kinh tế mà đã được sử dụng trong lịch sử để thực thi quyền lực phi kinh tế trong những nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến chính sách của các quốc gia khác. Vào năm 1990, Edward Luttwak đã đề xuất “địa kinh tế” như sự cạnh tranh về địa chính trị chỉ kém chiến tranh, còn Robert Blackwill và Jennifer Harris vào năm 2016 đã mô tả phương thức này là sự theo đuổi các mục tiêu địa chính trị bằng các công cụ kinh tế. Ý định như thế có thể khiến các công cụ kinh tế hoạt động theo cách gây xung đột với các giả định kinh tế. Ví dụ, vào năm 2017 Ching Kwan Lee đã chứng minh rằng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở Zambia có động lực khác với các công ty phương Tây vì họ muốn có “nguồn vốn nhà nước” thay vì lợi nhuận kinh tế thuần túy. Một ví dụ về triết lý này ở PNG là mỏ và nhà máy tinh luyện ni-ken và cô-ban Ramu NiCo ở tỉnh Madang, được điều hành bởi doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc Metallurgical Group Corp. (MCC). Từ năm 2007, mỏ Ramu NiCo đã hoạt động thua lỗ trong hơn một thập kỷ để tích lũy lâu dài các nguồn lực chiến lược này.

Tuy nhiên, việc Quần đảo Solomon chuyển đổi đường hướng ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 2019 đã cho một ví dụ rõ ràng hơn về một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang được sử dụng trong kỹ nghệ quản lý kinh tế để đạt được những kết quả địa chính trị. Tổng giám đốc phụ trách khu vực Nam Thái Bình Dương của China Civil Engineering Construction Corp. (CCECC), có trụ sở tại Vanuatu, đã chào mời các khoản tài trợ và cho vay trị giá 11,8 nghìn tỷ đồng (500 triệu đô la Mỹ) cho Quần đảo Solomon để khuyến khích Thủ tướng Manasseh Sogavare thực hiện sự chuyển đổi này. Kể từ đó, CCECC đã cam kết sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng ở Honiara cho Thế vận hội Thái Bình Dương 2023, làm thỏa mãn sự quan tâm đáng kể từ phía chính phủ của ông Sogavare.

Giám đốc điều hành của doanh nghiệp nhà nước giải thích rằng ông sẽ vui lòng sử dụng các quỹ nước ngoài và tuyên bố sẽ tuyệt đối ưu tiên nguồn tiền của ADB hơn các ngân hàng chính sách hoặc ngân hàng thương mại của Trung Quốc. Ông nói rằng các doanh nghiệp nhà nước đặc biệt thích vay từ ADB vì ngân hàng này tiến hành những cuộc điều tra và nghiên cứu về cơ sở vật chất một cách chuyên nghiệp, trong khi các ngân hàng Trung Quốc yêu cầu nước chủ quản tiến hành các quy trình này, điều này có thể gây ra tình trạng thiếu nhất quán và chậm trễ, đặc biệt là trong khâu thanh toán. Ông nói thêm, nhà nước Trung Quốc không hề gây áp lực buộc doanh nghiệp phải sử dụng khoản vay của Trung Quốc trong khuôn khổ BRI. Có lẽ Trung Quốc thoải mái với việc tiêu tiền của các nước khác và nhận công trạng cho việc này.

Cấp kinh phí cho BRI

Việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở PNG thích vay tiền ADB là điều thường thấy từ năm 2014 đến năm 2019. CHEC và CCECC, dường như đã trở thành hai doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đi đầu trong việc thúc đẩy BRI ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, đặc biệt tập trung vào khoản vay từ các tổ chức đa phương. Theo các giám đốc điều hành cấp cao vào năm 2019, khoảng 90% các dự án CHEC ở PNG được ADB tài trợ và 75% các dự án CCECC ở Vanuatu được Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tại văn phòng của ADB ở Port Moresby, một chuyên gia về cơ sở hạ tầng ước tính các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc nắm giữ hợp đồng cho hơn 80% các dự án cơ sở hạ tầng của ADB ở PNG vào năm 2019. Ông giải thích về các quy trình nghiêm ngặt của ADB và cung cấp dữ liệu cho ba chương trình cơ sở hạ tầng đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ để mở rộng và cải thiện mạng lưới đường bộ ở vùng cao và nâng cấp các sân bay cấp tỉnh. Những dự án này rõ ràng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và người dân của PNG.

Chuyên gia tin rằng các công ty Trung Quốc thích ADB hơn vì ADB trả tiền trực tiếp và đúng hạn cho các nhà thầu. Ông cho biết các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc luôn đưa ra giá thầu thấp nhất, đồng thời ADB được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này và đảm bảo chất lượng trong các quy trình của mình.

Bốn trong số các quốc gia đóng góp lớn nhất của ADB, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc, không ủng hộ hoặc tham gia vào BRI. Các quốc gia này cam kết hỗ trợ sự phát triển của PNG nhưng sẽ không xếp những khoản đóng góp của họ thông qua ADB là một phần của BRI. Cùng lúc đó, các dự án được cấp vốn bằng tiền của họ nhưng được các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thực hiện cho ADB thường được Trung Quốc tuyên bố là các dự án BRI. Mặc dù Trung Quốc đóng góp đáng kể vào nguồn vốn của ADB, nhưng trong năm 2018 nước này cũng là khách hàng vay lớn nhất của ADB. Điều này đã thu hút ít sự chú ý đến mức đáng ngạc nhiên, mặc dù nó có ý nghĩa quan trọng cho các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc.

Dinny McMahon, một tác giả kiêm cựu phóng viên tài chính của tờ Wall Street Journal ở Trung Quốc, đã phân tích lượng ngoại tệ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank – CDB) nắm giữ. Trong hai ngân hàng chính sách của Trung Quốc, đây là ngân hàng lớn hơn. Ông phát hiện ra rằng CDB đã tăng đều đặn lượng ngoại tệ của mình cho đến năm 2014 nhưng đã giảm mức tăng từ năm 2014 đến năm 2016, đúng khoảng thời gian ông Tập bắt đầu tung hô OBOR. Vào năm 2017, khi BRI bình mới rượu cũ bắt đầu có đà với Diễn đàn Vành đai và Con đường đầu tiên, lượng ngoại tệ CDB nắm giữ bắt đầu sụt giảm. “Điều đó khiến tôi cảm thấy thực sự kỳ lạ bởi vì CDB, đáng lẽ phải đứng ở đầu sóng ngọn gió khi nói đến BRI của Trung Quốc, thế mà lượng ngoại tệ của ngân hàng này lại đang giảm,” ông McMahon nói. Ông cho rằng điều này là do dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm gần 25% trong năm 2016, từ 99,4 triệu tỷ đồng (4,2 nghìn tỷ đô la Mỹ) xuống còn 75,7 triệu tỷ đồng (3,2 nghìn tỷ đô la Mỹ). Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương của nước này, đã cố gắng bảo vệ đồng nhân dân tệ bằng cách sử dụng hai ngân hàng chính sách làm bình phong để vực dậy đồng tiền của Trung Quốc.

Điều này ảnh hưởng đến việc áp dụng BRI cho PNG. Ông Tập đã hứa sẽ cho ông O’Neill vay 7,1 nghìn tỷ đồng (300 triệu đô la Mỹ) từ CDB tại diễn đàn APEC 2018, nhưng có vẻ như CDB không muốn thực hiện lời hứa đó. Sau một năm đàm phán không có kết quả, Úc đã cung cấp khoản vay này dưới dạng hỗ trợ ngân sách trực tiếp để trang trải khoản nợ của PNG. Có thể nào các bộ của Trung Quốc như MOFCOM, và các ngân hàng chính sách như CDB, coi BRI là một rủi ro hơn là một cơ hội, đặc biệt là ở những nơi được coi là xa xôi và kém an toàn hơn? Từ trước đến nay, ngân hàng ExIm nhỏ hơn có sự hiện diện lớn hơn trong lĩnh vực cho vay ở các đảo Thái Bình Dương, nhưng dường như đã gặp phải áp lực tương tự.

Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng quốc tế có thể sẽ phải chi trả cho một phần đáng kể các dự án mà Trung Quốc hứa hẹn trong BRI. Mặc dù điều đó có thể không phù hợp với thông điệp chiến lược của Trung Quốc, nhưng nó nhất quán với mọi quan điểm Trung Quốc được xem xét trong trường hợp nghiên cứu này. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở PNG rõ ràng thích vay ADB hơn và đã tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt về vay tiền các tổ chức đa phương. Trong môi trường đó, hầu hết các doanh nghiệp khác không thể cạnh tranh với chi phí thấp của họ. Khoản viện trợ, các ngân hàng chính sách và các cơ quan trung ương của Trung Quốc có thể đã đạt được sứ mệnh của họ thông qua việc thiết lập vị thế thống trị trên thị trường PNG, khiến Trung Quốc hài lòng với việc gây dựng danh tiếng của mình thông qua một BRI ngày càng được các nước khác cấp kinh phí nhiều hơn. Môi trường này cho phép kỹ nghệ quản lý kinh tế Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu địa chính trị và địa chiến lược.

Một tàu du lịch cập cảng ở Rabaul ở tỉnh East New Britain của Papua New Guinea vào tháng 8 năm 2017. PETER CONNOLLY

Quan điểm của Papua New Guinea

Sau khi quan sát sự xuất hiện của BRI trong PNG từ những quan điểm Trung Quốc, câu hỏi quan trọng nhất là: Điều này có ý nghĩa gì với người dân Papua New Guinea? Phần lớn người dân ở PNG đều nhận thấy nhu cầu cần có cơ sở hạ tầng và tài chính để phát triển nền kinh tế, ở cấp độ quốc gia và địa phương. Điều này dẫn đến những kỳ vọng cao cho BRI. Tuy nhiên, những hy vọng này đã trộn lẫn với các quan điểm cân bằng và thực tế về ý định đằng sau BRI, cách thức chương trình này được thực hiện và những hậu quả tiềm tàng của nó. Cách tư duy như vậy là cơ sở cho sự tự chủ của PNG trong việc theo đuổi lợi ích quốc gia của mình.

Vào năm 2017, trước khi quốc gia này gia nhập BRI, một doanh nhân PNG đã mô tả những gì ông hy vọng được thấy từ quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc. Ông ghi nhận “Trung Quốc đang thay đổi cảnh quan của đất nước này bằng đường bộ, cảng và sợi quang” và “chủ nghĩa cơ hội có nguồn gốc Phúc Kiến” nhưng tin rằng PNG chỉ “nhận được đầu thừa đuôi thẹo từ Trung Quốc”. Ông tin rằng “thời kỳ ‘chủ nghĩa trọng thương miền tây hoang dã’ đã đến hồi kết thúc”, vì thị trường PNG đã học được cách đòi hỏi quy trình thẩm định và các tiêu chuẩn cao hơn, trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc hiện yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước gỡ bỏ những tiêu chuẩn về tuân thủ của họ trên toàn cầu. “Trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ khiến khu vực này phồn vinh hoặc lụn bại”, ông nói. Liên quan đến tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, ông kết luận rằng sự lựa chọn “cùng tồn tại thay vì cùng chung sống phụ thuộc vào tính kỷ luật của nhà nước”. Tính kỷ luật này đã được thử thách kể từ năm 2018.

Hai năm sau, một nhà phân tích Papua New Guinea đã mô tả cách ông O’Neill bị người ta cho là chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc khi ông còn đương chức, và việc ông bị cách chức có liên quan đến cảm nhận này. Khi ông O’Neill bấn loạn cần vay tiền để chuẩn bị cho APEC, “Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội để mạnh tay hơn với PNG”, nhà phân tích cho biết. Phó Thủ tướng Papua New Guinea khi đó là Charles Abel lo ngại về nợ nần và muốn sử dụng khoản vay của ADB hoặc Ngân hàng Thế giới thay vì Ngân hàng ExIm. Theo một số quan chức, nhận thức về tình trạng lãnh đạo cấp cao lạm dụng chức quyền trong mối quan hệ của Trung Quốc với PNG đã tăng lên trong khoảng thời gian từ khi ký kết biên bản ghi nhớ BRI vào tháng 6 năm 2018 và APEC năm tháng sau đó.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao PNG nhận định rằng Trung Quốc là một đối tác phát triển quan trọng, cung cấp cơ sở hạ tầng giá rẻ mà PNG rất cần. Nhưng ông nói thêm, “Tuy rằng chúng tôi cần phát triển, chúng tôi cũng cần phải chú ý đến các quy định của chính mình… Đó là một điều tốt, nhưng chúng tôi cần giữ được sự liêm chính ở cả hai bên.” Ông quan sát thấy PNG đang ở bước ngoặt và cần phát triển một “cơ chế thanh lọc” để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Một quan chức an ninh cấp cao của Papua New Guinea đã nhận xét rằng mối quan hệ chính trị Trung Quốc-PNG năm 2018 là chưa từng có và đã lớn mạnh ở APEC thông qua các cuộc trò chuyện giữa ông O’Neill và ông Tập Cận Bình. Những chính trị gia khác lo ngại rằng họ đã bị loại khỏi các cuộc thảo luận này. Vị quan chức an ninh này tin rằng điều này đã góp phần vào sự ra đi của ông O’Neill, đề cập rằng “những lời mời gọi chính trị khiến người ta thấy ghê tởm”. Ông thừa nhận sự hiện diện của Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng đến an ninh và ổn định ở Papua New Guinea. Một quan chức cấp cao khác của PNG nhận xét rằng “người Trung Quốc đang góp phần gây chia rẽ vì họ không muốn hòa nhập vào cộng đồng”. Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc có nguy cơ dẫn đến những hậu quả không mong muốn mà có thể đưa đến sự bất an hoặc tạo cầu nối giữa những bất bình hiện có. Tôi đã gọi đây là “sự xung đột ngẫu nhiên”.  

Các cuộc phỏng vấn với những quan chức cấp cao của chính phủ Papua New Guinea trong năm 2017 và 2019 cho thấy sự hiểu biết chung về lợi ích quốc gia của họ. Điều này bao gồm nhận thức về sự cần thiết phải cân bằng giữa rủi ro và cơ hội khi mối quan hệ giữa quốc gia của họ với Trung Quốc phát triển. Sau APEC 2018, hầu hết đều lo ngại về khoản nợ Trung Quốc ngày càng tăng của Papua New Guinea. Nỗi lo này có vẻ hoàn toàn có cơ sở theo một báo cáo năm 2021 của AidData, một phòng nghiên cứu tại The College of William & Mary của Hoa Kỳ. Mức PNG nợ Trung Quốc theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội là 17,2%, bao gồm 11% nợ ẩn (giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp nhà nước) và 5,2% nợ quốc gia (giữa chính phủ với chính phủ). Báo cáo cũng phát hiện ra rằng các cam kết tài chính của Trung Quốc đối với PNG đã giảm sau khi nước này tham gia BRI, tương đồng với phân tích của ông McMahon.

Những phát hiện này gây khó hiểu nhưng cũng chỉ ra những lựa chọn cho PNG. Bất chấp vấn đề nợ nần, nếu BRI trong PNG phần lớn được chi trả bởi các nguồn tài chính không phải của Trung Quốc như ADB, điều này về mặt lý thuyết mang đến cho PNG sự tự do lớn hơn để lấy được những dự án phát triển cần thiết với chi phí thấp hơn mà không phải chịu ơn Trung Quốc. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy điều này là đúng, như một phần trong xu hướng rộng hơn được George Carter và Stewart Firth gọi là một “sự quyết đoán mới của Melanesian”, còn Greg Fry và Sandra Tarte gọi là “Đường lối Ngoại giao Thái Bình Dương Mới”.

Những Phí tổn Phi Kinh tế

Trong ba năm qua, chính phủ PNG đã ngày càng theo đuổi những lợi ích quốc gia của mình trong phạm vi mối quan hệ với Trung Quốc . Vào năm 2020, ông Marape đã từ chối gia hạn hợp đồng thuê mỏ vàng Porgera ở tỉnh Enga. Tập đoàn Khai thác Zijin của Trung Quốc sở hữu 47.5% mỏ này. Cuối năm đó, Trưởng ban Đại dịch PNG David Manning đã yêu cầu 180 công nhân Trung Quốc thuộc các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu của Trung Quốc ở PNG trở lại Trung Quốc sau khi xác định họ tham gia vào một thử nghiệm vắc-xin bí mật của Trung Quốc. Vào năm 2022, một lực lượng đặc nhiệm PNG liên ngành đã lục soát cơ sở khai khoáng của MCC Ramu Nico thuộc sở hữu Trung Quốc, phát hiện ra giấy phép lao động và thị thực của 260 nhân viên không tuân thủ quy định. Quan trọng nhất, 10 đối tác Đảo Thái Bình Dương của Trung Quốc đã bác bỏ “Tầm nhìn Phát triển Chung” của Trung Quốc tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ hai vào tháng 5 năm 2022. Các cấu trúc quyền lực bộ lạc và chính quyền địa phương cũng đưa ra những phản ứng về sự hiện diện của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của họ.

Từ quan điểm của Papua New Guinea, BRI đã mang đến những kết quả tốt xấu lẫn lộn. Chương trình này đã tạo ra cơ hội cho cơ sở hạ tầng giá rẻ, sản xuất nhanh chóng, cùng với các cơ hội giao thương và kinh doanh. Tuy nhiên, các quan chức PNG lo ngại rằng những cơ hội này đi kèm với rủi ro, bức xúc và những phí tổn phi kinh tế, khi ý định của Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn. Khi PNG dàn xếp mối quan hệ với Trung Quốc, chính phủ của nước này ngày càng nhìn nhận rõ bản chất của BRI: một chiến lược địa kinh tế sử dụng nghệ thuật quản lý kinh tế để thực hiện chiến lược lớn của Trung Quốc. Do đó, lợi thế kinh tế của BRI tạo ra những phí tổn phi kinh tế. Đây không phải là tình thế có lợi cho cả đôi bên, mặc dù được quảng bá như vậy. Đây là kiến thức nền tảng để đánh giá các lựa chọn trong việc theo đuổi những lợi ích quốc gia của PNG.  

Bài viết này được chuyển thể từ “The Belt and Road comes to Papua New Guinea: “Chinese Geoeconomics with Melanesian characteristics?” (“Vành đai và Con đường đến Papua New Guinea: Địa kinh tế Trung Quốc với đặc điểm Melanesian?”) xuất bản trong “Security Challenges,” Ấn phẩm 16, Số 4, Geo-Economics in the Indo-Pacific (2020), trang 41-64. Bài viết đã được biên tập để phù hợp với hình thức của DIỄN ĐÀN. Để xem toàn bộ bài viết, hãy truy cập https://www.jstor.org/stable/10.2307/26976257.

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button