Nam ÁNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Bangladesh thay đổi lập trường, gọi chiến tranh Ukraina là “vi phạm luật pháp quốc tế”

Benar News

Quốc gia lâu nay vẫn duy trì trạng thái “trung lập” Bangladesh gần đây tuyên bố cuộc chiến ở Ukraina là vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Quốc gia Nam Á này vừa thay đổi quan điểm của mình trong tuyên bố chung với Nhật Bản được đưa ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tới Tokyo vào cuối tháng 4 năm 2023. (Ảnh: Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt tay sau khi ký tuyên bố chung).

“Hai Thủ tướng khẳng định rằng cuộc chiến ở Ukraina cấu thành hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế dựa trên các quy định pháp luật. Hậu quả của hành vi vi phạm đó vượt ra ngoài châu Âu, gây ảnh hưởng đến cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, tuyên bố cho biết.

“Hai vị nguyên thủ nhắc lại lời kêu gọi tiến trình hòa bình thông qua đối thoại và ngoại giao, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina trong biên giới được quốc tế công nhận và phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc ”.

Gần đây vào tháng 2, Bangladesh đã bỏ phiếu trắng về một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga rút quân ra khỏi Ukraina.

Bangladesh đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu về một nghị quyết tương tự vào tháng 3 năm 2022.

Trong chuyến thăm Tokyo, bà Hasina hy vọng sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Nhật Bản, quốc gia đang mở rộng quan hệ đối tác khu vực để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Tuyên bố chung cho thấy “chúng ta đang bước vào lãnh địa mới của mối quan hệ đối ngoại”, ông Humayun Kabir, cựu đặc phái viên Bangladesh tại Hoa Kỳ cho biết.

“Hiện tại, tuyên bố chung cho chúng ta chứng kiến sự thay đổi cẩn trọng trong lập trường của Bangladesh về cuộc chiến Ukraina. Vì Bangladesh muốn thu hút đầu tư của Nhật Bản và cải thiện quan hệ song phương, nên quốc gia này cần phải thay đổi quan điểm để phù hợp với lập trường của Nhật Bản ở mức tối đa”.

Ông Imtiaz Ahmed, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Dhaka, cho biết Bangladesh lần đầu tiên đã thay đổi quan điểm về cuộc chiến ở Ukraina.

Vào tháng 12 năm 2022, Bangladesh ngăn tàu của Nga vào cảng địa phương do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với con tàu liên quan đến cuộc chiến của Matxcơva ở Ukraina. Một tháng sau, Bangladesh đã cấm nhập cảnh gần 70 tàu của Nga bị Mỹ trừng phạt, dẫn đến nhiều khiếu nại từ Matxcơva.

“Có lẽ Bangladesh không còn có thể bỏ qua vấn đề chiến tranh Ukraina nữa”, ông Ahmed nói. “Đó là bởi cuộc chiến đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Về mặt kinh tế, Bangladesh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Ông Ahmed và Kabir lưu ý rằng tuyên bố chung đề cập đến Biển Hoa Đông và Biển Đông cũng thể hiện sự thay đổi của Dhaka. Tokyo có nhiều tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh về quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông, trong khi đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn với Bắc Kinh ở Biển Đông.

“Đây là lần đầu tiên Bangladesh đưa ra lập trường về vấn đề này”, ông Kabir nói. “Lập trường này thực ra là lập trường của Nhật Bản”.

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button