Nhật Bản và Hoa Kỳ hợp tác để bảo vệ cơ sở hạ tầng vệ tinh quan trọng

Tom Abke
Một liên doanh Nhật Bản-Hoa Kỳ để bảo vệ cơ sở hạ tầng vệ tinh quan trọng chống lại hoạt động chống vệ tinh thù địch và chống lại các mảnh vỡ không gian gây hư hạo (ASAT) sẽ đạt đỉnh điểm phát triển vào năm 2023 và 2024 với việc Tokyo phóng các vệ tinh được trang bị cảm biến nhận thức tình huống không gian (SSA) do Hoa Kỳ sản xuất, cũng như tiếp tục hợp tác khu vực tư nhân để phát triển các vệ tinh SSA cụ thể.
Ông Bruce McClintock, người đứng đầu Sáng kiến Doanh nghiệp Vũ trụ tại Tập đoàn Rand, nói với DIỄN ĐÀN rằng: “Khả năng của vệ tinh cho phép các chức năng trong hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, từ cách chúng ta vận hành ngôi nhà mình cho đến lĩnh vực vận tải, cho đến lưới điện, hệ thống ngân hàng và thông tin liên lạc toàn cầu”.
Để minh họa cho mức độ dễ bị tấn công của các vệ tinh này, ông McClintock đã trích dẫn các thử nghiệm ASAT do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) thực hiện vào năm 2007 và do Nga thực hiện vào năm 2021, không chỉ phá hủy một cặp vệ tinh cũ của mỗi quốc gia mà còn tạo ra một lượng lớn các mảnh vỡ khiến các tài sản khác trên quỹ đạo gặp nguy hiểm, bao gồm cả Trạm Vũ trụ Quốc tế.
“Để bảo vệ các vệ tinh và phi hành gia khỏi các mảnh vỡ không gian, hiểu biết chi tiết về quỹ đạo của chúng là hết sức cần thiết. Nhận thức về tình huống không gian là chìa khóa cho sự hiểu biết như vậy” theo Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). “Hợp tác với các quốc gia trên thế giới là điều rất quan trọng để giải quyết vấn đề mảnh vỡ vũ trụ ”.
Theo tạp chí Space News, Nhật Bản sẽ phóng một vệ tinh của Hệ thống Vệ tinh Quasi-Zenith (QZSS) với cảm biến quang học SSA vào năm 2023. Các cảm biến quang học được phát triển bởi Phòng thí nghiệm Lincoln thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Một vệ tinh QZSS thứ hai dự kiến được phóng vào năm 2024, cũng được trang bị cảm biến Lincoln SSA. Cả hai vệ tinh này sẽ được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản (trong ảnh).
Lực lượng Không gian Hoa Kỳ tuyên bố vào tháng Một năm 2023 rằng họ đã giao các cảm biến quang học cho Nhật Bản theo bản ghi nhớ họ đã ký với Văn phòng Chính sách Vũ trụ Quốc gia Nhật Bản vào tháng Mười hai năm 2020.
Các vệ tinh sẽ tăng cường khả năng SSA của JAXA, hiện đang sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng quang học và radar và các trạm radar trên mặt đất để phân tích quỹ đạo của các mảnh vụn không gian, sự gần gũi của chúng với các vệ tinh và sự vào lại bầu khí quyển của chúng. Trên quỹ đạo 36.000 km, các vệ tinh QZSS với khả năng SSA sẽ giám sát vành đai địa tĩnh, nơi có các vệ tinh liên lạc và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Ông McClintock nói: “Có suy đoán rằng Trung Quốc có thể đang theo đuổi một ASAT địa đồng bộ”. “Bắc Kinh đã phóng một vật thể vào vũ trụ trên một quỹ đạo vượt quá 30.000 km, gần những độ cao địa tĩnh đó.”
Theo tạp chí tin tức Nikkei Asia của Nhật Bản, do được thiết kế và sản xuất bởi Tập đoàn IHI của Nhật Bản và công ty Northrop Grumman có trụ sở tại Hoa Kỳ, các vệ tinh SSA có lợi thế di động vì kích thước nhỏ gọn của chúng, cho phép chúng tiếp cận các vệ tinh đáng ngờ và chuyển tiếp hình ảnh để phân tích.
NGUỒN HÌNH ẢNH: CƠ QUAN THÁM HIỂM HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ NHẬT BẢN