Con đập khổng lồ của CHND Trung Hoa ở Himalaya làm gia tăng căng thẳng ở khu vực hạ lưu
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giữ kín thông tin chi tiết về kế hoạch xây dựng siêu đập thủy điện — có khả năng là đập thủy điện lớn nhất thế giới — trên sông Brahmaputra (Yarlung Tsangpo) ở Khu tự trị Tây Tạng. Động thái này đang gây lo lắng và mất lòng tin giữa các nước láng giềng.
Sông Brahmaputra cấp nước cho hoạt động nuôi trồng, đánh bắt cá và vận tải ở Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Dòng chảy của sông Brahmaputra có ảnh hưởng lớn đến tình trạng hạn hán, lũ lụt hay mực nước bình thường theo mùa tại các cộng đồng hạ lưu. Mặc dù hạ lưu sông cấu thành từ nhiều nguồn, nhưng khả năng ĐCSTQ chỉ kiểm soát dòng chảy nào đó của con đập khổng lồ ở khu vực Yarlung Tsangpo, thượng nguồn của sông Brahmaputra khiến các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Ấn Độ, lo lắng. Ngoài việc các cộng đồng có lịch sử xây dựng đập lại bị di dời, ảnh hưởng xấu đến sự đa dạng sinh học cũng như nguy cơ xảy ra hạn hán và lũ lụt thay đổi cấu trúc, thì việc Đảng Cộng sản Trung Quốc không minh bạch trong kế hoạch xây đập càng khiến mối quan ngại trở nên trầm trọng hơn.
Siêu đập, còn được gọi là Dự án Medog vì tọa lạc ở Quận Medog, sẽ tận dụng năng lượng thủy điện của dòng chảy khi chảy qua Đại vực Yarlung Tsangpo, một trong những hẻm núi dài nhất và dốc nhất thế giới, cách đoạn biên giới đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ vài km. Theo các cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc, siêu đập thủy điện này sẽ sản xuất tới 60 gigawatt thủy điện, hay gần gấp ba lần công suất điện do đập Tam Hiệp tạo ra. Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử của Trung Quốc hiện là đập lớn nhất thế giới, Voice of America đưa tin. Doanh nghiệp quốc doanh Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power Construction Corp. of China) là nhà thầu của dự án.
Hoạt động địa chấn khu vực khá phổ biến tại khu vực siêu đập Great Bend, nơi dòng sông uốn lượn quanh đỉnh núi Namcha Barwa. Trong trường hợp xảy ra động đất hoặc lở đất do kết cấu bị phá vỡ, thì có khả năng gây ra ngập lụt các bang Arunachal Pradesh và Assam của Ấn Độ, cũng như các cộng đồng hạ lưu khác ở Ấn Độ và Bangladesh, tạp chí Outlook của Ấn Độ đưa tin vào cuối tháng 3 năm 2023.
Trước đó, ĐCSTQ viện dẫn lý do xây dựng siêu đập là để giúp Trung Quốc không bị phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch — đặc biệt là than đá. Than đá hiện là nguồn chính sản xuất ra điện và gây ra khí nhà kính ở Trung Quốc. Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã cam kết quốc gia này sẽ đạt tình trạng trung hòa carbon vào năm 2060.
Những người phản đối dự án siêu đập cho rằng công trình này cũng sẽ giúp ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát các quốc gia láng giềng. Theo Outlook, chưa từng có thỏa thuận song phương hoặc đa phương trong công tác quản lý sông Brahmaputra.
Ấn Độ và Trung Quốc có mối quan hệ căng thẳng. Mặc dù là đối tác thương mại lớn của nhau nhưng hai quốc gia này đã đụng độ nhiều lần tại Đường Kiểm soát Thực tế, một đường ranh giới dài 3.440 km chia tách miền bắc Ấn Độ với Trung Quốc. Không ghi nhận trường hợp tử vong trong cuộc đối đầu mới nhất vào tháng 12 năm 2022, nhưng hai quốc gia vẫn bất đồng về vị trí của đường ranh giới, khiến tình trạng ngờ vực ngày càng trở nên trầm trọng.
Kế hoạch xây dựng siêu đập trên sông Brahmaputra và các con đập khác của Trung Quốc trong khu vực lâu nay càng làm dấy lên tình trạng ngờ vực này. Trung Quốc hứa hẹn rằng công trình cao 50 mét này sẽ không ảnh hưởng xấu đến dòng chảy hạ lưu của con sông. Một số người Ấn Độ không tin vào điều này.
Trung Quốc mong muốn trở thành “bá quyền về nguồn nước”, ông SD Pradhan, cựu chủ tịch Ủy ban Tình báo Chung của Ấn Độ, phát biểu trên tờ The Times of India vào giữa tháng 1 năm 2023. “Bức tranh lớn hiện ra là Trung Quốc coi nguồn nước là vũ khí chiến lược để thao túng hành vi của các quốc gia hạ lưu ven sông và là công cụ chính cho trò chơi bá quyền của mình”, ông viết.
Bangladesh cũng lo ngại về tác động có thể xảy ra của siêu đập. Một chuyên gia thủy văn của Bangladesh cho biết dự án siêu đập này có thể có ý nghĩa “sống chết” đối với nước này, Benar News đưa tin vào tháng 12 năm 2020, một tháng sau khi ĐCSTQ công bố dự án.
Theo Times of India đưa tin, Ấn Độ có kế hoạch trả đũa lại công trình siêu đập ở hạ lưu bằng một đập thủy điện 11.000 megawatt trên sông Siang, tên của sông Brahmaputra ở bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Ngoài việc phát điện, Ấn Độ kiên quyết cho rằng con đập của nước này sẽ giảm thiểu khả năng xảy ra hạn hán hoặc lũ lụt do dòng chảy bị chuyển hướng từ siêu đập của Trung Quốc, tờ báo cho biết. Một số cộng đồng ở bang Arunachal Pradesh phản đối Dự án Đa mục đích ở Thượng lưu sông Siang (Upper Siang Multipurpose Project). Đây sẽ là đập thủy điện lớn nhất Ấn Độ, tờ Nikkei đưa tin vào cuối tháng 1 năm 2023.
ĐCSTQ chưa công bố kế hoạch hay mốc thời gian thực hiện rõ ràng. Thực tế này bất chấp Công ước của Liên Hợp Quốc năm 1997 về Luật Sử dụng các Nguồn nước Liên quốc gia cho các Mục đích Phi giao thông thuỷ (United Nations Convention on the Law of the Non-Navigational Uses of International Watercourses). Công ước này kêu gọi các quốc gia sử dụng nguồn nước xuyên biên giới một cách công bằng và hợp lý.
Thay vì giải quyết những lo ngại của Ấn Độ, Bắc Kinh phủ nhận mọi ý định xấu, tạp chí The Diplomat đưa tin vào tháng 12 năm 2022. “Nếu không công khai phát hành dữ liệu thủy văn hoặc kế hoạch xây dựng đập, rất khó để dự đoán chính xác tác động đối với Ấn Độ của đại dự án mà Trung Quốc dự kiến xây dựng”, tạp chí cho hay. “Việc giữ kín thông tin chỉ làm tăng sự ngờ vực của Ấn Độ đối với Trung Quốc.”
NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY