Tập trận trong Thế mạnh
Các Đối tác Quân sự trong Khu vực Thắt chặt các Mối Quan hệ, Củng cố Khả năng Sẵn sàng

Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và Nga tán tụng các cuộc tập trận quân sự song phương của họ vào giữa năm 2022 là bằng chứng của một tình hữu nghị “không giới hạn”, họ có thể đã vô tình thu hút sự chú ý đến số lượng bằng hữu ít ỏi của họ, khiến những tuyên bố hùng hồn về quan hệ đối tác của hai chế độ nghe như không có gì ngoài những lời khua môi múa mép của những kẻ thùng rỗng kêu to. Hãy đối chiếu những cuộc thao diễn trên không và trên biển đầy khiêu khích đó của Trung Quốc và Nga — vốn bị Nhật Bản và Hàn Quốc lên án — với cuộc tập trận gìn giữ hòa bình có sự tham gia của nhiều quốc gia được tổ chức cùng thời điểm bên cạnh Trung Quốc và Nga.
Khaan Quest 2022, được tổ chức bởi Lực lượng Vũ trang Mông Cổ kết hợp với Quân đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã thu hút các binh sĩ từ 15 quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu trong hai tuần huấn luyện kết hợp về nhận thức về thiết bị nổ, sơ cứu trong chiến đấu và kiểm soát bạo loạn, được thực hiện với sự phối hợp của các tổ chức nhân đạo. Thiếu tướng Quân đội Úc Chris Smith, người cũng được chỉ định làm phó tổng chỉ huy phụ trách chiến lược và kế hoạch cho Quân đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã phát biểu trong một thông cáo báo chí rằng: “Đây không chỉ là một cơ hội tuyệt vời để trao đổi các bài học và kỹ thuật; mà còn thể hiện sự cam kết của các quốc gia tham gia đối với hiến chương của Liên Hợp Quốc và tất cả những gì mà hiến chương đó ủng hộ hay phản đối”. “Để đạt được mục đích đó, cuộc tập trận thu hút sự tham gia của những người tham gia đa dạng mà ít cuộc tập trận quân sự nào khác trên thế giới
bì kịp.”
Từ những thảo nguyên trên núi của Đông Bắc Á đến các hòn đảo núi lửa của Thái Bình Dương, việc nới lỏng các lệnh phong tỏa và cách ly do đại dịch được chờ đợi từ lâu đã tạo điều kiện cho hàng loạt các cuộc tập trận quân sự đa phương trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với nhiều cuộc tập trận mở rộng hơn so với những năm trước khi các quốc gia cùng chí hướng khôi phục các mối quan hệ và củng cố khả năng sẵn sàng trong thời điểm đầy những biến động về địa chính trị. “Các quan hệ đối tác không phải tự nhiên mà có”, Trung tướng Quân đội Úc Rick Burr cho biết trong bài phát biểu chủ đạo của mình tại hội nghị chuyên đề các Lực lượng Trên bộ Thái Bình Dương (Land Forces Pacific – LANPAC) ở Hawaii vào tháng 5 năm 2022. Trong hội nghị đó, vai trò của công tác huấn luyện đa quốc gia và khả năng sẵn sàng của liên quân và liên minh trong việc nâng cao sức mạnh cho các liên minh và quan hệ đối tác là một chủ đề trọng điểm. Ông nói: Sự hợp tác “giúp chúng ta suy nghĩ rộng hơn bản thân mình … và nâng cao tính kiên cường của chúng ta”.
Cuộc xâm lược vô cớ của Nga vào Ukraina vào đầu năm 2022 đã nêu bật “giá trị của quan hệ đối tác và những lợi ích chung xung quanh việc bảo vệ chủ quyền”, ông Burr phát biểu với những người tham dự tại hội nghị lớn nhất Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dành cho các lực lượng quân đội. “Chính phủ với chính phủ, quân đội với quân đội, nhân dân với nhân dân — củng cố các liên minh và quan hệ đối tác trong khu vực của chúng ta là một yếu tố then chốt trong chiến lược phòng thủ để định hình, ngăn chặn và phản ứng. Việc tập luyện với các lực lượng vũ trang khác đem đến sự hiện diện đồng thời xây dựng năng lực và sự kết nối trong khu vực của chúng ta và tích cực giúp định hình sự ổn định và chủ quyền của khu vực.”

XÂY DỰNG NIỀM TIN, KHẢ NĂNG TƯƠNG TÁC
Một tuần sau khi Khaan Quest lần thứ 18 kết thúc tại Khu vực Huấn luyện Five Hills gần thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ, Úc là một trong 10 bên tham gia cũng đã cử binh sĩ và thiết bị quân sự đến các vùng biển xung quanh Quần đảo Hawaii và Nam California để tham gia Rim of the Pacific (RIMPAC). Theo Hải quân Hoa Kỳ, với chủ đề “Tinh nhuệ, Thích ứng, Đối tác”, cuộc tập trận hai năm một lần do Hoa Kỳ dẫn dắt từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8 năm 2022 đã thu hút 25.000 binh sĩ từ hơn hai chục quốc gia ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1971, cuộc tập trận hàng hải lớn nhất thế giới có các hoạt động kết hợp thủy bộ; diễn tập chống tàu ngầm, phòng không, pháo và tên lửa; hoạt động chống cướp biển; hoạt động rà phá bom mìn; xử lý vật liệu nổ; và các hoạt động lặn và cứu hộ.
Đối với Lực lượng Vũ trang Singapore, bên tham gia Khaan Quest và RIMPAC, những cuộc tập trận như vậy vô cùng giá trị, cung cấp cho binh sĩ của lực lượng này cơ hội tiếp cận những khu vực huấn luyện lớn hơn nhiều lần so với quốc gia có diện tích vẻn vẹn 719 kilomet vuông này. “Đào tạo đơn phương chỉ là một thành phần trong các phương thức tổng thể của chúng tôi”, Chuẩn tướng Frederick Choo, tổng tham mưu trưởng của Quân đội Singapore, cho biết trong bài thuyết trình của mình có tiêu đề “Kết hợp Huấn luyện Chung — Kinh nghiệm của Singapore và các Cơ hội trong Tương lai” tại LANPAC. “Những cơ hội được tập luyện với các lực lượng quân đội khác cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói là quan trọng hơn. Việc đó cho phép các lực lượng quân đội học hỏi lẫn nhau, vun đắp tình đồng chí, xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và tăng cường khả năng tương tác của chúng tôi. Chính những bài tập như vậy trong những năm đầu của Quân đội Singapore đã cho phép chúng tôi học hỏi, định chuẩn và chuyên nghiệp hóa sớm và nhanh chóng.”
Khi các quốc gia đánh giá lại các vị thế quốc phòng của họ trong bối cảnh cuộc chiến ở châu Âu và các căng thẳng khác trên toàn cầu, họ “nên cố gắng hướng tới việc xây dựng an ninh tập thể ngay cả trong khi họ tăng cường những hàng phòng thủ của riêng mình”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu trong chuyến đi đến Tokyo để tham gia một hội nghị quốc tế vào cuối tháng 5 năm 2022. “An ninh không chỉ là vấn đề của một quốc gia riêng lẻ… vì vậy chúng ta cũng phải hợp tác với những quốc gia khác để đảm bảo an ninh tập thể,” ông Lee nói, theo tờ The Straits Times của Singapore.
Những lo lắng chung xung quanh tính toàn vẹn của chủ quyền quốc gia bao gồm những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được tầm ảnh hưởng trong khu vực các đảo Thái Bình Dương, bao gồm hiệp ước an ninh mà nước này đã ký với Quần đảo Solomon vào tháng 5 năm 2022, mà nhiều người lo ngại sau cùng có thể dẫn đến việc một căn cứ quân sự của Trung Quốc được xây dựng ở Solomon, một quốc gia có 700.000 người dân mà không có lực lượng quân sự của riêng mình. Mặc dù cả hai quốc gia đều nói rằng không có kế hoạch về việc Trung Quốc đóng quân thường trực — một viễn cảnh mà thủ tướng của quốc đảo một lần nữa gạt bỏ vào tháng 10 năm 2022 — một bản thảo bị rò rỉ của thỏa thuận cho biết rằng các tàu chiến Trung Quốc có thể dừng lại ở Quần đảo Solomon để tiếp thêm vật dụng hậu cần và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể cử cảnh sát và lực lượng vũ trang đến đó “để hỗ trợ duy trì trật tự xã hội”, theo The Associated Press đưa tin. Các nhà phân tích cũng nhắc đến những lần ĐCSTQ không giữ đúng lời hứa về việc không quân sự hóa các công trình mà họ đã xây dựng ở những nơi khác, bao gồm ở Campuchia, Djibouti, Pakistan và Biển Đông.
‘GIẢI PHÁP CHUNG CHO KHU VỰC’
Các hậu quả tiềm ẩn của những thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon là vấn đề trọng tâm trong cuộc thảo luận hội đồng “Đào tạo Liên quân Kết hợp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tại LANPAC cùng tháng đó. “Papua New Guinea và tất cả các Quốc Đảo Thái Bình Dương có lợi ích chung trong một khu vực an toàn và thịnh vượng”, Thiếu tướng Mark Goina của Lực lượng Quốc phòng Papua New Guinea nói với những người tham dự. “Nhận thấy Papua New Guinea nằm ở vị trí địa lý cửa ngõ của khu vực Tây Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á, khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức đặc biệt. … Chúng ta không thể một mình đối phó với những thách thức này mà đòi hỏi những giải pháp chung cho khu vực thông qua quan hệ đối tác. Để có được một khu vực Thái Bình Dương an ninh và thịnh vượng, quan hệ đối tác của chúng ta phải dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng, cam kết làm việc cùng nhau và, nếu lợi ích của chúng ta tương đồng, chúng ta có thể kết hợp các nỗ lực để tối đa hóa hiệu quả của mình.”
Đối với một lực lượng nhỏ có những năng lực hạn chế như lực lượng của Papua New Guinea, sự hỗ trợ của các đối tác truyền thống như Úc, Pháp, New Zealand và Hoa Kỳ thông qua các cuộc tập trận chung đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tăng cường “tính hiệu quả của những lực lượng quốc phòng của chúng tôi và năng lực của họ để làm việc thành công cùng nhau”, ông Goina cho biết. Ông nhấn mạnh sự tham gia của quốc gia của mình với các đối tác trong khu vực bao gồm Úc, Fiji, New Zealand và Tonga trong việc đáp ứng yêu cầu của Quần đảo Solomon về sự giúp đỡ để dập tắt tình trạng bất ổn dân sự và khôi phục các dịch vụ an ninh và công cộng bắt đầu từ năm 2003. Sau một thập kỷ, nhiệm vụ có sự tham gia của nhiều quốc gia được gọi là Chiến dịch Helpem Fren đã chuyển thành hợp tác với Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Quần đảo Solomon để hiện đại hóa những năng lực thực thi pháp luật của quốc gia này. “Tôi đoán chắc rằng mọi người đều đồng ý rằng đây là chiến dịch hợp tác Thái Bình Dương tốt nhất và thành công [nhất] mà chúng ta đã tiến hành trong khu vực của mình”, ông Goina nói, đề cập đến hoạt động huấn luyện liên quân kết hợp của binh sĩ từ các quốc gia tham gia được tiến hành tại Darwin, Úc.
Những đợt huấn luyện như vậy phải được xem xét trong bối cảnh của “việc nhìn nhận tình trạng thiếu thời gian cảnh báo về mặt chiến lược và hoạt động hiện đang tồn tại trong môi trường địa chiến lược,” một tham luận viên khác trong cùng buổi thảo luận với ông Goina, Chuẩn Đô đốc Hải quân Hoàng gia Úc Brett Sonter, người được bổ nhiệm vào đội ngũ nhân viên Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ với tư cách là phó chỉ huy, hoạt động hàng hải, vào tháng 1 năm 2022. “Do đó, hãy rèn luyện cách bạn chiến đấu vì chúng ta không còn nhiều thời gian nữa. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách xử lý những hành vi đó, những phương pháp đó ngay bây giờ, trước khi trong một tình thế không may, chúng ta phải thực sự dùng đến chúng. … Và nếu chúng ta muốn có được giá trị ngăn chặn tối đa và giá trị đảm bảo từ các bài tập, thì những điều đó cần phải linh hoạt. Chúng cần có thể thay đổi khi chúng ta quan sát môi trường địa chiến lược thay đổi trong khi tiến lên phía trước.”

MỘT LÁ CHẮN SIÊU LỚN
Các cuộc tập trận quân sự đang phát triển và mở rộng trên khắp khu vực. Vào tháng 4 năm 2022, Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia công bố rằng Garuda Shield, cuộc tập trận song phương đã được tổ chức với Hoa Kỳ qua nhiều năm vào tháng 8 năm 2022, sẽ có thêm một tá quốc gia tham gia, bao gồm Úc, Nhật Bản, Papua New Guinea và Singapore.
Tin này được đưa ra sau khi Bắc Kinh triển khai các tàu cảnh sát biển để ngăn không cho Indonesia thăm dò dầu khí gần Quần đảo Natuna bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Điều đó làm cho sự mở rộng của Garuda Shield “đặc biệt đáng chú ý”, ông Collin Koh, một nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói với CNN. “Rõ ràng, Indonesia mong muốn thực hiện hành động để tạo thế cân bằng với các bên khác ở Biển Đông, đồng thời sử dụng việc này làm nền tảng để thể hiện tầm vóc và ảnh hưởng của mình về ngoại giao quốc phòng đa phương.”
Super Garuda Shield 2022 trở thành cuộc tập trận mới nhất trong số hơn 60 cuộc tập trận song phương và đa phương, với sự tham gia của hàng chục quốc gia. Lực lượng Quốc phòng Úc năm nào cũng tham gia. “Trong những năm gần đây, chiều sâu, quy mô và mức độ phức tạp của các hoạt động với các đối tác của chúng tôi đã phát triển đáng kể,” ông Burr nói trong bài phát biểu chủ chốt của mình trong LANPAC. Những sự kiện này bao gồm Talisman Sabre, sự kiện huấn luyện song phương lớn nhất có sự tham gia của các lực lượng Úc và Hoa Kỳ, và cuộc tập trận chiến đấu ba bên ở Southern Jackaroo với Nhật Bản và Hoa Kỳ tại Khu vực Huấn luyện Vịnh Shoalwater rộng lớn của Úc.
“Những ví dụ này cho thấy những gì tất cả chúng ta dường như đang ngày càng khát khao: các hoạt động tham vọng hơn, tinh vi hơn với sự phức tạp gia tăng, mang lại lợi ích cho nhiều người hơn và đặc biệt là các nhà lãnh đạo tương lai của chúng ta,” ông Burr nói. “Tất cả chúng ta đều hiểu giá trị của tình thân bền chặt giữa các quốc gia chúng ta trong việc đảm bảo an ninh và tăng cường sự thịnh vượng.”