Sri Lanka hy vọng sẽ có các thỏa thuận để vượt qua khủng hoảng tài chính
Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Sri Lanka tiếp tục nỗ lực để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ thông qua các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund – IMF) về một thỏa thuận cứu trợ. Nước này cũng kỳ vọng sẽ có một thỏa thuận giảm nợ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), chủ nợ lớn nhất của nước này.
Đến cuối năm 2021, Sri Lanka nợ Trung Quốc 175 nghìn tỷ đồng (7,4 tỷ đô la) chưa thanh toán, chiếm gần 20% số tiền quốc gia này nợ nước ngoài, theo một báo cáo vào tháng 11 năm 2022 của Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc Châu Phi (China Africa Research Initiative – CARI), có trụ sở tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao thuộc Đại học Johns Hopkins ở Washington, D.C. Phần lớn khoản tiền Sri Lanka nợ Trung Quốc gồm các khoản vay để hỗ trợ chương trình cơ sở hạ tầng Một vành đai, Một con đường của Bắc Kinh.
“Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất của Sri Lanka và có vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nợ chủ quyền mà quốc đảo bị khủng hoảng nặng nề này hiện đang trải qua”, theo nội dung trong báo cáo của CARI có tiêu đề “Quá trình Phát triển của Hoạt động Cho vay của Trung Quốc đối với Sri Lanka kể từ giữa những năm 2000 — Tách bạch Lầm tưởng với Thực tế”.
Sri Lanka có tổng số tiền nợ nước ngoài hơn 1,2 triệu tỷ đồng (47,6 tỷ đô la Mỹ), theo báo cáo quý vào tháng 9 năm 2022 từ Ngân hàng Trung ương Sri Lanka. Con số đó chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này.
Theo Reuters đưa tin vào đầu tháng 3 năm 2023, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói với các nhà lập pháp rằng mặc dù có dấu hiệu nền kinh tế đang vực dậy, nhưng quốc gia này vẫn thiếu lượng dự trữ ngoại hối cần thiết cho các mặt hàng nhập khẩu. Ông cho biết ông hy vọng các đảm bảo tài chính của Trung Quốc sẽ có tính chất quyết định cho việc phê duyệt khoản vay 68,4 nghìn tỷ đồng (2,9 tỷ đô la Mỹ) từ IMF để Sri Lanka có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình. Chính phủ Sri Lanka coi việc có được sự hỗ trợ của Trung Quốc là một bước then chốt để một thỏa thuận với IMF được tiến hành.
“Giờ đây chúng tôi đã hoàn thành phần việc của mình và tôi hy vọng đến cuối tháng này IMF sẽ thực hiện phần việc của họ, vào tuần thứ ba hoặc thứ tư”, ông Wickremesinghe cho biết vào đầu tháng 3, trình bày rằng Sri Lanka đã nhận được một lá thư với những sự đảm bảo cần thiết từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu (EXIM) của Trung Quốc. (Ảnh: Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, bên trái, đến Quốc hội ở Colombo vào tháng 2 năm 2023.)
Bức thư cho biết EXIM sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán về nợ trong những tháng tới, ngoài việc gia hạn cho khoản nợ thêm hai năm mà ngân hàng này duyệt vào tháng 1 năm 2023. Ấn Độ, một bên cho vay lớn khác của Sri Lanka, đã nói với IMF rằng họ sẽ hỗ trợ Sri Lanka bằng các khoản giảm nợ và cho vay, theo Reuters đưa tin.
“Sri Lanka đã rất nỗ lực và dành nhiều tháng ròng để đáp ứng các yêu cầu cho chương trình của IMF, vào những thời điểm nhất định, tổng thống đã tận dụng mối quan hệ cá nhân để tìm kiếm sự hậu thuẫn”, phát ngôn viên Nội các Sri Lanka Bandula Gunawardena phát biểu trong một cuộc họp báo. “Nếu không có chương trình của IMF, Sri Lanka không thể xoay chuyển nền kinh tế của mình.”
Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm đảo lộn vô số khía cạnh của chính phủ và cuộc sống hàng ngày, trì hoãn các cuộc bầu cử và gây ra những đợt tăng thuế. Theo Bloomberg, ủy ban bầu cử của Sri Lanka cho biết họ không có tiền để trang trải chi phí máy in, cảnh sát hoặc phiếu bầu mà cần phải có vào ngày 9 tháng 3 năm 2023. Những người phản đối đã cáo buộc ông Wickremesinghe tìm cách ngăn chặn các cuộc bầu cử, và đã có những cuộc biểu tình phản đối sự chậm trễ trong việc tiến hành cuộc bầu cử. “Một chính phủ có thể tiếp tục sử dụng cái cớ phá sản để hoãn cuộc bầu cử mãi mãi, sau đó kìm hãm đất nước trong tình trạng phá sản mãi mãi để duy trì quyền lực”, Charith Janappriya, một cư dân 32 tuổi ở Colombo, nói với tờ South China Morning Post có trụ sở tại Hồng Kông vào tháng 3 năm 2023.
Theo The Associated Press (AP) đưa tin, chi phí năng lượng cũng đã tăng lên khi cuộc khủng hoảng đã dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu, khí đốt, thực phẩm và thuốc men.
Ông Wickremesinghe nói rằng cần đưa ra các quyết định không được lòng dân để cứu vãn nền kinh tế Sri Lanka. “Lạm phát tăng lên trong một cuộc khủng hoảng kinh tế. Giá cả hàng hóa tăng lên. Công ăn việc làm cũng nguy khốn. Các doanh nghiệp sụp đổ. Thuế má lại tăng. Thật khó để tất cả các thành phần trong xã hội đều có thể chống chọi được”, ông nói, theo AP. “Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu đựng khó khăn này thêm năm đến sáu tháng nữa, chúng ta có thể đạt được một giải pháp.”
HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS