Quan hệ Đối tác

Phụ nữ tiếp nối di sản trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đóng góp cho việc gìn giữ hòa bình

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Kỹ sư người Ấn Độ Rajeshwari Chatterjee đã giúp thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu vi sóng đầu tiên cho nước mình vào năm 1953. Những đóng góp của bà cho công nghệ radar và ăng-ten đã được ứng dụng trong quốc phòng hơn 50 năm sau đó.

Nhà hóa học Stephanie Kwolek trong thời gian làm việc cho tập đoàn hóa chất công nghiệp khổng lồ DuPont năm 1965 đã có một khám phá dẫn đến việc tìm ra vật liệu Kevlar, một loại sợi hiện vẫn dùng trong áo giáp cũng như để bảo vệ máy bay và tàu vũ trụ.

Nhà vật lý người Mỹ gốc Hoa Chien-Shiung Wu trong quá trình tham gia Dự án Manhattan trong Thế chiến II đã giúp khám phá ra một phương pháp tách uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Họ đại diện cho vô số những người phụ nữ đóng góp cho công cuộc đổi mới quốc phòng. Phụ nữ trên toàn cầu đang tiếp tục bồi đắp những di sản như vậy, nắm bắt cơ hội mới trong các lĩnh vực có ảnh hưởng đến an ninh và hòa bình. Trong số những đóng góp của phụ nữ trong kỷ nguyên hiện đại còn có sự tham gia ngày càng nhiều của phụ nữ vào lực lượng phòng thủ tiền tuyến, đặc biệt là trong quân đội, nơi phụ nữ nhận được mức tiền lương cũng như cơ hội ngang bằng với nam giới.

Các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong Lực lượng Vũ trang Ấn Độ đã đem lại kết quả là hơn 100 phụ nữ được thăng cấp bậc đại tá vào tháng 1 năm 2023, trong đó có 50 nữ sĩ quan sẽ bắt đầu đảm nhận vai trò chỉ huy trong các lĩnh vực bao gồm phòng không, kỹ thuật, tình báo và quân nhu. Theo tin tức của nhật báo The Financial Express năm 2022, số lượng phụ nữ trong quân đội Ấn Độ đã tăng gấp ba lần trong những năm gần đây. (Trong ảnh: Các nữ quân nhân trong lực lượng Quân cảnh thuộc Quân đội Ấn Độ ngắm bắn bằng súng trường trong một cuộc thao diễn hồi tháng 3 năm 2021.)

Để đối phó với tình trạng suy giảm dân số ở Nhật Bản, ngày càng có nhiều phụ nữ gia nhập đội ngũ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Hãng tin Nhật Bản Nippon.com đưa tin, tính đến tháng 3 năm 2022, số lượng phụ nữ chiếm khoảng 8% tổng quân số của các lực lượng này, tăng so với 7% của hai năm trước đó.

Trước sự khiêu khích của Bắc Triều Tiên, số lượng phụ nữ Hàn Quốc gia nhập quân đội đã tăng lên mức kỷ lục. Tính đến năm 2020, số lượng phụ nữ đã chiếm gần 7% tổng lực lượng, tăng vọt so với con số 5,5% của hai năm trước đó.

Đáp lại lời kêu gọi nhằm củng cố lực lượng quốc phòng chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phụ nữ ở Đài Loan sẽ bắt đầu tham gia khóa huấn luyện lực lượng dự bị quân sự của hòn đảo này vào năm 2023. Trong năm 2021, số lượng phụ nữ chiếm khoảng 15% lực lượng quân đội tại ngũ ở Đài Loan.

David Benton, một cố vấn Bộ Quốc phòng ở Ukraina, cho biết trong các tuyên bố của chính phủ: “Phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số thế giới… Điều này có nghĩa là họ có thể mang lại hơn một nửa lượng kiến thức, hơn một nửa lượng tài năng, hơn một nửa lượng năng lực, và đôi khi là một quan điểm hoàn toàn khác trong việc giải quyết các vấn đề quân sự.” Tại Ukraina, số lượng phụ nữ tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự đã tăng hơn gấp đôi sau khi Nga chiếm đóng các vùng lãnh thổ phía đông của nước này vào năm 2014, và lại tiếp tục gia tăng sau cuộc xâm lược toàn diện của Matxcơva vào năm 2022.

Trong nhiều thập kỷ, Liên Hợp Quốc (U.N.) đã kêu gọi tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực an ninh và gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới. Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua vào năm 2020 công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong công cuộc ngăn chặn và giải quyết xung đột, đàm phán hòa bình, gìn giữ hòa bình, ứng phó nhân đạo cũng như tái thiết sau xung đột.

Theo một nghiên cứu của Viện Hòa bình Quốc tế được công bố vào năm 2015, các hiệp định hòa bình với vai trò tham gia của phụ nữ có nhiều hơn 20% khả năng là kéo dài ít nhất hai năm và nhiều hơn 35% khả năng là kéo dài 15 năm. Những người ủng hộ nhận định này viện dẫn chiến dịch Hành động tập thể vì hòa bình của Phụ nữ Liberia, khi đó các thành viên chiến dịch đã thành công gây áp lực với các nhà đàm phán để chấm dứt một cuộc nội chiến đẫm máu năm 2003; các hiệp định hòa bình năm 1996 của Guatemala, khi đó các nhà đàm phán nữ đã giúp đạt được những cam kết thúc đẩy quyền của phụ nữ; và Hiệp ước Thứ Sáu Tuần thánh của Bắc Ai len, khi đó các nhà đàm phán nữ được công nhận là đã gây dựng được sự đồng thuận. Tính đến năm 2021, đã có sự tham gia của phụ nữ vào tất cả các quá trình hòa bình do Liên Hợp Quốc đồng lãnh đạo, mặc dù số lượng đại diện nữ giới trong số các nhà đàm phán và đại biểu mới chỉ ở mức 19%.

Hiện có hơn 85 quốc gia có các kế hoạch hành động dựa trên Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Liên Hợp Quốc (WPS), trong đó đưa ra hướng dẫn về việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và lồng ghép các quan điểm giới vào trong công tác hòa bình và an ninh.

Lực lượng Quốc phòng Úc với số lượng phụ nữ chiếm 20% tổng lực lượng vào năm 2022 đã kết hợp nội dung huấn luyện cốt lõi về hỗ trợ các quyền của phụ nữ và giảm bạo lực đối với phụ nữ vào trong tất cả các phạm vi hoạt động. Tại Hoa Kỳ, nơi mà hoạt động triển khai chiến lược WPS đã trở thành luật vào năm 2017, các cố vấn về giới đã qua đào tạo giúp thúc đẩy cơ hội cho phụ nữ ở các quốc gia đối tác, chẳng hạn như trong Chiến dịch Chào đón Đồng minh (“Operation Allies Welcome”) giúp tái định cư cho những người sơ tán từ Afghanistan.

Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Kathleen Hicks cho biết: “Công việc của chúng tôi về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh có vai trò quan trọng không chỉ với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ mà còn quan trọng không kém cho sự an toàn, bình đẳng và cơ hội của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới”.

 

HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button