Các bài nổi bậtChủ quyền Quốc giaĐông Nam ÁQuan hệ Đối tác

Garuda Shield

Một cuộc ‘Siêu’ Diễn tập Vượt lên trên những Lo ngại An ninh ngày càng Tăng ở cấp Khu vực và Thế giới

Gusty Da Costa

Các Binh sĩ đang bay trên không đã hạ xuống từ trên trời trong một đội hình nhịp nhàng trên đảo Sumatra ở quần đảo Indonesia vào đầu tháng 8 năm 2022. Họ đáp xuống những cánh đồng lúa và những khoảng đất trống trong các khu rừng nhiệt đới rậm rạp của Baturaja. Đây không phải là một cú nhảy bình thường. Những người lính nhảy dù từ Indonesia, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã cùng nhau hoàn thành cú nhảy đầu tiên của họ tại Super Garuda Shield, một cuộc tập trận quân sự liên quân có sự tham gia của nhiều quốc gia do Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia, còn được gọi là Tentara Nasional Indonesia (TNI) và quân đội Hoa Kỳ dẫn dắt. 

Cú nhảy này không phải là hoạt động đầu tiên duy nhất tại cuộc tập trận thường niên được tiến hành từ ngày 1 đến ngày 14 tháng 8. Garuda Shield 2022, sự kiện được đặt tên không chính thức là Super Garuda Shield vì có quy mô đặc biệt, đánh dấu lần đầu tiên Úc, Nhật Bản và Singapore tham gia cuộc tập trận này, được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu tăng vọt, phản ánh cam kết của những người tham gia trong việc chống lại các mối đe dọa đối với an ninh khu vực. 

Tướng Andika Perkasa, chỉ huy của TNI và Tướng Charles A. Flynn, chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (USARPAC), đã khai mạc cuộc tập trận tại Trung tâm Tập trận Chiến đấu Baturaja và thu hút hơn 4.300 người tham gia. Ngoài Indonesia và Hoa Kỳ, các binh sĩ thuộc 12 quốc gia đã tham gia. Các bên tham gia bao gồm Úc, Pháp, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Papua New Guinea, Singapore, Hàn Quốc và Timor-Leste. Các bên quan sát là Canada, Ấn Độ và Vương quốc Anh.

Garuda Shield cũng nhấn mạnh các hoạt động trên biển, với các tàu chiến từ Indonesia, Singapore và Hoa Kỳ lần đầu tiên tập trận cùng nhau.

Một trực thăng tấn công AH-64 Apache của quân đội Hoa Kỳ theo đuổi một mục tiêu trong Super Garuda Shield 2022. THE ASSOCIATED PRESS

“Khi chúng ta sát cánh bên nhau như thế này, chúng ta sẽ mạnh hơn”, ông Flynn phát biểu khi khai mạc các bài tập, gọi chúng là “một biểu tượng quan trọng của tinh thần đồng đội, khả năng tương tác và sự đoàn kết của chúng ta trong vai trò là một nhóm các quốc gia mong muốn đạt được một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở và duy trì một trật tự dựa trên các quy tắc”.

Như trong 15 lần trước, Garuda Shield xoay quanh một loạt các hoạt động và năng lực, bao gồm khả năng tương tác khi sử dụng vũ khí và điều phối chiến trường, hỗ trợ và nhận dạng vệ tinh, hệ thống đồng minh hay đối thủ, và huấn luyện sinh tồn trong rừng rậm và địa hình đô thị. Các hoạt động kết hợp thủy bộ và một cuộc diễn tập chiếm sân bay cũng được tiến hành.

Super Garuda Shield được xây dựng dựa trên các cuộc tập trận trước đây, cho phép binh sĩ thử nghiệm thiết bị và các quy trình, đồng thời giúp Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về nhu cầu cơ sở hạ tầng quốc phòng của TNI và các lực lượng quân đội đồng minh và đối tác khác, Tiến sĩ Teuku Rezasyah, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Padjadjaran của Indonesia, nói với DIỄN ĐÀN. 

Super Garuda Shield cũng cho phép TNI mở rộng sự hợp tác và thử nghiệm với các lực lượng kết hợp và liên quân như một phần trong Chiến dịch Pathways của USARPAC, một biểu tượng của tình hữu nghị và sự hợp tác trong khu vực. 

Ông Flynn nói: “Tôi tự hào khi thấy Garuda Shield đã phát triển như thế nào kể từ năm ngoái — mùa hè này mở rộng thành một cuộc tập trận liên quân, với sự tham gia của nhiều quốc gia bao gồm tất cả các hợp phần quân chủng của chúng tôi”. “Đây là một biểu tượng của mối liên kết Hoa Kỳ-Indonesia và mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa các lực lượng trên bộ trong khu vực trọng yếu này… bởi vì các lực lượng trên bộ chính là chất keo gắn kết kiến trúc an ninh của khu vực với nhau. Chúng ta cùng nhau làm điều đó bằng cách xây dựng khả năng sẵn sàng, xây dựng các mối quan hệ và bằng cách xây dựng lòng tin. Khi quy tụ các lực lượng của chúng ta như thế này, chúng ta gắn kết cơ cấu của an ninh khu vực thành một cấu trúc vững bền.”

Những Căng thẳng Dâng cao

Tên gọi siêu lớn của cuộc tập trận, những gương mặt mới và mục tiêu địa chính trị phản ánh những tình thế xung quanh cuộc tập trận khi nó diễn ra.

Chỉ huy quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương Tướng Charles A. Flynn, bên trái, và Tổng tham mưu trưởng Nhật Bản Trung tướng Kizuki Ushijima ghim huy hiệu lính nhảy dù cho một người lính Indonesia sau khi người này hoàn thành đợt huấn luyện nhảy dù ba bên với lính nhảy dù của quân đội Nhật Bản và Hoa Kỳ trong Super Garuda Shield. QUÂN ĐỘI HOA KỲ Ở THÁI BÌNH DƯƠNG

Kể từ Garuda Shield lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009, căng thẳng đã từ từ tăng lên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng chéo ở Biển Đông, cũng như những gì nhiều người coi là sự hiện diện quân sự và những tham vọng chiến lược ngày càng lớn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) trong và ngoài khu vực. 

Đáp lại, các đối tác trong khu vực đã đứng bên nhau để chứng minh rằng các hành động gây mất ổn định của Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army – PLA) sẽ phải đối mặt với một liên minh mạnh mẽ, mà Garuda Shield lấy làm ví dụ tiêu biểu. Ông Nikolaus Loy, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Pembangunan Nasional Veteran ở Yogyakarta, Indonesia, nói với DIỄN ĐÀN: “Cuộc tập trận này là một phần trong sự hợp tác quốc phòng giữa Indonesia và Hoa Kỳ, nhưng nó cũng gửi đi một thông điệp đến các cường quốc tiềm năng trong khu vực rằng có sự phối hợp quốc phòng chặt chẽ khi những thay đổi xảy ra”.

“Tôi tin rằng cuộc tập trận này đại diện cho một nỗ lực để phản ứng với những thay đổi chiến lược ở phạm vi toàn cầu và trong khu vực,” ông Loy cho biết. Ông đã liệt kê số lượng các thách thức an ninh ngày càng tăng ngoài những căng thẳng về Đài Loan vốn thu hút nhiều sự chú ý của dư luận: các tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan đến quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý và giữa Ấn Độ và Trung Quốc về khu vực biên giới trên núi Ladakh; các hành vi khó lường của Bắc Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân, bao gồm các cuộc thử nghiệm tên lửa gây mất ổn định; cũng như hành động xâm lược vô cớ của Nga vào Ukraina và cuộc chiến tranh nối tiếp.

Mặc dù không phải là một bên trong bất kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông giữa Bắc Kinh và các quốc gia ven biển khác, Indonesia có những lo ngại liên quan. Các tuyên bố chủ quyền trên vùng biển rộng lớn của Trung Quốc, vốn đã bị một tòa án quốc tế bác bỏ vào năm 2016, chồng chéo với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở phần phía nam của Biển Đông, được người Indonesia gọi là Biển Natuna. Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đã dẫn đến các cuộc đối đầu, làm xói mòn thêm nữa hình ảnh của Trung Quốc trong mắt người dân, chẳng hạn như hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của các tàu Trung Quốc và hành vi ngược đãi các thành viên thủy thủ đoàn người Indonesia trên các tàu Trung Quốc. 

Theo các nhà phân tích, quyết định của TNI về việc tổ chức một số phần của Super Garuda Shield ở Quần đảo Riau dọc theo Eo biển Malacca ở Biển Đông là một quyết định đáng chú ý, khi xét đến những cuộc xâm nhập gần đó của các tàu đánh cá Trung Quốc và vị thế của quần đảo này là thủ đô hành chính của khu vực biển.

Trong khi đó, ngoài vị thế ngày càng tham vọng của Trung Quốc trong khu vực, sự tăng trưởng của những năng lực quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang khiến người ta lo ngại. Vào năm 2021, các đánh giá tình báo của Hoa Kỳ đã mô tả rằng PLA đang chậm rãi nhưng nhất quán chuyển đổi thành một nhánh cực kỳ linh hoạt và thể hiện sức mạnh của bộ máy chính sách đối ngoại của ĐCSTQ, tham gia vào các hoạt động ngoại giao và chiến dịch quân sự trên toàn cầu, theo Carnegie Endowment for International Peace.

Sắp xếp lại Truyền thống Không Liên kết

Về mặt chính thức, truyền thống lâu đời của Indonesia là không liên kết vẫn được giữ vững, và các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự của nước này cho biết vị thế phòng thủ và chính sách đối ngoại của họ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. “Chúng tôi đều là bạn với các nước láng giềng. Đây là điều khiến chúng tôi mạnh hơn, sự đoàn kết của chúng tôi,” ông Perkasa nói với các phóng viên, nhấn mạnh rằng “ không có thông điệp nào cho bất kỳ ai” trong các cuộc tập trận. 

Tướng Andika Perkasa, Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia, bên trái, và Chuẩn Đô đốc John C. Aquilino, Chỉ huy Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, quan sát Super Garuda Shield 2022. THE ASSOCIATED PRESS

Ông Perkasa ghi nhận rằng sự tham gia của Trung Quốc trong Garuda Shield đầu tiên và trong hai cuộc tập trận quân sự Indonesia-Trung Quốc vào năm 2012 và 2013 đã không được tiếp nối bằng sự quan tâm của Bắc Kinh đối với cuộc tập trận năm 2022. Ông Perkasa nói: “Nếu họ không coi cuộc tập trận này là một ưu tiên thì cũng không sao”, và cho biết thêm rằng Indonesia vẫn sẵn sàng tổ chức các cuộc tập trận với Trung Quốc.

Ông Teuku thuộc Đại học Padjadjaran cho biết những lo ngại về ĐCSTQ đã khiến PLA không thể tham gia vào Super Garuda Shield. Các vấn đề như những cuộc tranh chấp lãnh hải vẫn tiếp diễn giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á cũng như tầm quan trọng của việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở đã gây ra các rào cản đối với sự hợp tác. 

Mặc dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, những mô hình kinh tế đang thay đổi được nhìn nhận là làm giảm sự phụ thuộc của Indonesia vào cường quốc kinh tế này trong khu vực. Vị thế của Indonesia là quốc gia lớn nhất ở Đông Nam Á và đông dân thứ tư trên thế giới có nghĩa là nước này hoàn toàn có thể tự mình trở thành một đối trọng, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ví dụ, đường lối cứng rắn của Úc đối với Trung Quốc và mối quan hệ gắn bó hơn của Jakarta với Canberra được coi là những diễn biến quan trọng trong khu vực.

Có những dấu hiệu khác cho thấy Indonesia, giống như những bên tham gia khác trong Super Garuda Shield, đang làm việc chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác để thúc đẩy an ninh trong và ngoài khu vực. Tổng thống Indonesia Joko Widodo được cho là đã biến sự tham gia của Nhật Bản trong cuộc tập trận thành một điểm chính trong chuyến thăm chính thức Tokyo vào tháng 7 năm 2022, và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thuộc Quốc hội Nhật Bản Tsuyohito Iwamoto đã có mặt tại Jakarta để tham dự các cuộc họp ngay trước khi Baturaja bắt đầu.

Tăng cường Quan hệ Đối tác

Như trong những thập kỷ qua, Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong an ninh và sự ổn định của khu vực. Vì hầu hết những bên tham gia Super Garuda Shield là đồng minh hoặc đối tác của Hoa Kỳ, quân đội Indonesia vẫn được coi là một đối tác thân cận của Hoa Kỳ, ông Soleman Pontoh, trước đây là người đứng đầu Cơ quan Tình báo Chiến lược của TNI, nói với DIỄN ĐÀN. 

Tuy nhiên, Super Garuda Shield không chỉ là một phương thức để giải quyết mối đe dọa trong khu vực đối với chủ quyền của Indonesia. Mặc dù cuộc tập trận đã xác định bản chất của các mối quan hệ đối tác an ninh trong khu vực, Super Garuda Shield cũng đã vượt xa hơn các yếu tố địa chính trị về nhiều mặt. Ở cấp độ cơ sở, nó cung cấp một nền tảng cho các mối quan hệ cá nhân và văn hóa giữa Indonesia, Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.  

Những người tham gia đã đạt được một sự tin cậy sâu sắc hơn giữa các đồng minh và đối tác cùng chí hướng và sự hiểu biết chung giữa các nền văn hóa khác nhau mà sẽ đem đến một nền tảng vững chắc cho các mối quan hệ chân thành trong tương lai giữa các quân đội.  

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button