Các bài nổi bậtChủ quyền Quốc giaĐông Bắc ÁNhững Khu vực Chung của Thế giới

Chủ quyền trong Không gian Vũ trụ

Không ai có thể sở hữu nó, điều này thôi thúc sự cạnh tranh, hợp tác

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đã đùng đùng tức giận gửi một lá thư đến Liên Hợp Quốc vào tháng 12 năm 2021, phàn nàn rằng họ đã bị buộc phải điều khiển trạm vũ trụ mới của mình hai lần trong bốn tháng để tránh va chạm với hai vệ tinh Starlink, thuộc chòm vệ tinh do SpaceX có trụ sở tại Hoa Kỳ phóng lên để đưa internet đến các khu vực còn thiếu kết nối trên toàn cầu.

Trong thư than phiền của mình, Trung Quốc đã diễn giải một cách có chọn lọc các quy định của Hiệp ước Không gian vũ trụ của Liên Hợp Quốc và không thừa nhận rằng nước này đã không chủ động tham vấn với các quốc gia khác như đã nêu trong hiệp ước này. Các quốc gia cần tham khảo ý kiến của nhau nếu họ thấy có thể xảy ra va chạm. Hiệp ước cũng quy định rằng bất kỳ người nào đặt một vật thể trong không gian vũ trụ đều phải chuẩn bị để điều chỉnh quỹ đạo của nó so với các vệ tinh đã ổn định khác. Vào thời điểm đó, hàng trăm vệ tinh Starlink đã được đặt vào vị trí và Trung Quốc thậm chí còn thừa nhận họ đã biết đường đi của hai vệ tinh được nhắc đến. Chúng đã bay trong quỹ đạo khi Trung Quốc phóng phi hành đoàn gồm ba thành viên đầu tiên của trạm không gian vũ trụ Thiên Cung (Tiangong) 3. 

Thêm vào đó, Trung Quốc đã không phàn nàn gì với Liên Hợp Quốc vài tuần trước đó khi Nga phá hủy một cách có chủ đích một vệ tinh không hoạt động trong một vụ thử tên lửa trên mặt đất. Vụ nổ phá vỡ vệ tinh này thành 1.500 “mảnh vụn tồn tại lâu dài” mà đã đe dọa đến tính mạng của những người trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (International Space Station – ISS). ISS lớn hơn nhiều có một phi hành đoàn gồm sáu người và 16 mô-đun so với ba mô-đun cấu thành Thiên Cung.

Trong bức thư của mình, Trung Quốc đã không chỉ phê phán SpaceX. Nước này nhắm đến “Space Exploration Technologies Corporation (SpaceX) của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ.” Theo Hiệp ước Không gian Vũ trụ, trách nhiệm đối với những vật thể và con người được phóng vào vũ trụ, và trách nhiệm pháp lý nếu có vấn đề với họ, hoàn toàn thuộc về một quốc gia có chủ quyền: “Các hoạt động của các thực thể phi chính phủ trong không gian vũ trụ, bao gồm mặt trăng và các thiên thể khác, sẽ cần có sự cho phép và giám sát liên tục của Quốc gia thành viên thích hợp của Hiệp ước.” Tên đầy đủ của Hiệp ước Không gian Vũ trụ, có hiệu lực vào năm 1967 và đã được 112 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc phê chuẩn, phản ánh quy định về chủ quyền này: “Hiệp ước về các Nguyên tắc Chi phối các Hoạt động của các Quốc gia trong việc Thăm dò và Sử dụng Không gian Vũ trụ, bao gồm Mặt trăng và các Thiên thể Khác”.

Một khoang tàu SpaceX Dragon được thả ra từ Trạm Vũ trụ Quốc tế. REUTERS

Nhưng sau khi đã vào không gian vũ trụ, không có biên giới chủ quyền, không có các quốc gia bảo hộ hoặc lãnh thổ hoặc địa lý được tạo ra như các vùng đặc quyền để bảo vệ bằng mọi giá trước sự xâm nhập của các quốc gia khác. Hiệp ước Không gian Vũ trụ cấm việc chiếm hữu và nhấn mạnh rằng các quốc gia cần chia sẻ với nhau. Điều 1 tuyên bố rằng không gian vũ trụ là “địa phận của toàn nhân loại”, nói rằng “cần có quyền tiếp cận tự do vào tất cả các khu vực của các thiên thể.” Điều 2 có đoạn: “Các quốc gia không được chiếm đoạt không gian vũ trụ, bao gồm mặt trăng và các thiên thể khác bằng tuyên bố chủ quyền, bằng cách sử dụng hoặc chiếm đóng, hoặc bằng bất kỳ phương thức nào khác.”

Nói một cách đơn giản, không gian vũ trụ thì phải khác.

Tuy vậy, một lịch sử gồm những trải nghiệm đau thương trên hành tinh này với những tư lợi đấu đá trong khu vực và về mặt tư tưởng đều chuẩn bị cho mọi quốc gia có chủ quyền về khả năng xảy ra xung đột trong không gian vũ trụ. Họ chuẩn bị cho một lĩnh vực chiến đấu mới, được thúc đẩy bởi một động cơ quen thuộc — để đối thủ không thể tiến vào thông qua hoạt động chỉ huy và kiểm soát các lực lượng trên trái đất được yểm trợ bởi vệ tinh — nhưng, đối với những quốc gia ký kết hiệp ước, còn bởi một ưu tiên bên ngoài ranh giới của trái đất: Đảm bảo không có ai thèm muốn con đường và điểm đến là không gian vũ trụ. 

Bảo vệ Hòa bình 

Trong một bài xã luận vào năm 2022 trên tạp chí Aether của Đại học Hàng không, Trung tướng John E. Shaw, Phó Tư lệnh Lực lượng Không gian Vũ trụ Hoa Kỳ, đã mô tả một trong những nhiệm vụ của nhánh mới nhất trong quân đội của quốc gia này và bộ tư lệnh tác chiến mới nhất của nó, Bộ Tư lệnh Không gian Vũ trụ Hoa Kỳ (USSPACECOM): “việc bảo vệ và phòng thủ không gian vũ trụ để đảm bảo quyền tiếp cận tự do và không bị giới hạn vào miền này và tiếp tục cung cấp các năng lực với sự hỗ trợ từ không gian vũ trụ cho các vùng trên mặt đất”. Cũng giống như cách mà họ làm việc để bảo vệ các quyền tự do trên Trái đất, quân đội Hoa Kỳ và các đối tác của mình đang phát triển các chiến lược và thiết bị để bảo vệ các hoạt động được thừa nhận trong không gian vũ trụ chung. Ngày nay, điều đó chủ yếu có nghĩa là bảo vệ các vệ tinh có quỹ đạo dọc theo các lộ trình và độ cao khác nhau để giúp cho sự sống trên Trái đất — theo dõi thời tiết, dẫn đường cho người và hàng hóa, và cung cấp kết nối internet, cùng với các chức năng quan trọng khác.

Trong một tương lai trong đó có một cổng không gian vũ trụ bay theo quỹ đạo, hoạt động khai thác trên mặt trăng và tiến trình thuộc địa hóa sao Hỏa được đặt ra, vai trò của quân đội có lẽ sẽ thay đổi. Một lý do: một yêu cầu ngày càng tha thiết là cần nhận ra sự cần thiết của quyền sở hữu tư nhân trong một số hình thức để khuyến khích các loại đầu tư kinh doanh mà sẽ giúp nhân loại tận dụng tối đa không gian vũ trụ. Theo các quy định của Hiệp ước Không gian Vũ trụ, các quốc gia có chủ quyền, mà các lực lượng quân đội gắn liền theo đó, là những chủ thể duy nhất trong không gian vũ trụ. Nhiều người trong cộng đồng không gian vũ trụ lập luận rằng, bây giờ là lúc để mời các thực thể tư nhân và thương mại cùng được dự phần.

Tiến sĩ Michelle L.D. Hanlon, đồng giám đốc Chương trình Luật Không gian và Vũ trụ tại Đại học Mississippi đồng thời là người sáng lập nhóm di sản không gian vũ trụ phi lợi nhuận For All Moonkind, đã nói với một tiểu ban của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Sử dụng Không gian Vũ trụ một cách Hòa bình vào năm 2019: “Họ đem đến chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm thực tế mà các luật sư và chính trị gia còn thiếu”. Các thực thể tư nhân đang đi tiên phong trong những tiến bộ trong công nghệ mà giúp dễ tiếp cận không gian vũ trụ hơn và cải thiện cuộc sống trên Trái đất. Hãy nghĩ đến các chòm vệ tinh Starlink, một mạng lưới bao gồm 42.000 vệ tinh nhỏ, và tên lửa tái sử dụng do SpaceX và Rocket Lab USA phát minh ra với gốc và điểm phóng ở New Zealand. Chưa kể, chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ đã có ba công ty đang xem xét việc xây dựng các trạm không gian riêng. 

Thương mại hóa Không gian Vũ trụ

Việc đẩy nhanh công cuộc thương mại hóa không gian vũ trụ là một chiến lược quan trọng đối với USSPACECOM, người đứng đầu của cơ quan cho biết tại Hội nghị chuyên đề Không gian Vũ trụ hàng năm ở Colorado vào tháng 4 năm 2022. “Điều này là do việc hợp tác với các thực thể thương mại cho phép chúng tôi thích nghi nhanh hơn, đổi mới dễ dàng hơn và tích hợp công nghệ vượt trội,” Tướng Quân đội Hoa Kỳ James Dickinson cho biết. “Chúng tôi cũng có thể tăng cường khả năng phục hồi của kiến trúc không gian vũ trụ, hiểu rõ hơn về miền không gian vũ trụ, đẩy nhanh quá trình ra quyết định và đưa ra những giải pháp tiết kiệm cho các vấn đề chiến lược.”

Để khuyến khích tinh thần kinh doanh, cùng với những lý do khác, Liên Hợp Quốc đối mặt với áp lực phải xem xét lại Hiệp ước Không gian Vũ trụ, vốn được coi là Magna Carta của luật không gian vũ trụ nhưng hiện đã hơn 50 năm tuổi. Khi đó, mong muốn dỡ bỏ vũ khí hạt nhân là một động lực thúc đẩy Hoa Kỳ cùng Liên Xô và Vương quốc Anh bảo trợ cho hiệp ước này. Một lý do khác cho một cái nhìn mới: để xóa bỏ sự mâu thuẫn rõ ràng giữa việc cấm chiếm hữu trong không gian vũ trụ và quyền sở hữu tài sản được nêu trong tuyên bố của Liên Hợp Quốc về nhân quyền. “Phải có khái niệm nào đó về quyền sở hữu”, bà Hanlon nói với DIỄN ĐÀN. “Chúng ta có gọi đó là quyền sở hữu hay không? Tôi không nghĩ là chúng ta có thể vì những hệ lụy đi kèm với nó”.

Khi các cường quốc truyền thống như Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ đi đầu trong hoạt động khám phá miền mới, các quốc gia đang phát triển cảnh báo về sự lặp lại của quá trình đô hộ áp bức con người đã là đặc trưng của lịch sử loài người trong nhiều thế kỷ qua. Bà Hanlon là một trong những người nhìn thấy một tương lai trong không gian vũ trụ mà vượt xa hơn nhu cầu lập quốc. “Tôi hy vọng chúng ta không bao giờ sử dụng thuật ngữ chủ quyền trong không gian vũ trụ,” bà nói. “Chúng ta cần loại bỏ khái niệm thuộc địa hóa mà mọi người đều quá mức sợ hãi. Về cơ bản, chúng ta rất khác so với chúng ta vào thế kỷ 15, 16 và 17.” Ai sẽ quản lý các hoạt động của con người trong không gian vũ trụ là một cuộc thảo luận vẫn còn sơ khai. Nói đến những mô hình khả thi, một số nhà chức trách nhắc đến Liên minh Viễn thông Quốc tế của Liên Hợp Quốc. Đây là cơ quan giám sát việc phân bổ quỹ đạo vệ tinh. Họ cũng nói đến Cơ quan Quản lý Đáy Biển Quốc tế, được sinh ra từ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển nhưng cho đến nay về cơ bản là không được công nhận như là một hướng dẫn để cập nhật Hiệp ước Không gian Vũ trụ.

Bà Hanlon đã nói về những người thực dân tương lai trên sao Hỏa, tin rằng họ sẽ được truyền cảm hứng từ các nguyên tắc như tự do và dân chủ. “Vào một thời điểm nào đó, họ sẽ chán phải báo cáo cho Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, và họ sẽ tạo ra nền văn minh của riêng mình với các tiêu chuẩn của riêng mình,” bà nói. “Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là đảm bảo rằng những người sau này sẽ lên sao Hỏa, với khả năng sẽ trở nên độc lập, là những người sẽ tôn trọng nhân quyền và quyền tự do của con người.”

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phàn nàn với Liên Hợp Quốc rằng vệ tinh Starlink của SpaceX có trụ sở tại Hoa Kỳ đã buộc họ phải điều chỉnh quỹ đạo của trạm vũ trụ Thiên cung 3, trong hình minh họa này cùng với tàu vũ trụ Thần Châu có người lái. AFP/GETTY IMAGES

Mở rộng Liên minh về Không gian Vũ trụ

Trong lúc này, các quốc gia tự mình hoặc làm việc trong các nhóm để theo đuổi các chương trình của họ trong không gian vũ trụ trong khi các lực lượng quân đội của họ chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột. Ví dụ, Ấn Độ có kế hoạch một lần nữa cố gắng đáp hạ một tàu vũ trụ trên mặt trăng vào năm 2023 sau một nỗ lực trước đó đã đạt được quỹ đạo mặt trăng nhưng khi đáp xuống bị va đập mạnh. Các liên minh mới về không gian vũ trụ đã xuất hiện với các mức độ năng lực khác nhau, bao gồm Cơ quan Vũ trụ châu Phi với 55 quốc gia thành viên, Cơ quan Vũ trụ Mỹ Latinh và Caribê với bảy quốc gia thành viên và Nhóm Điều phối Vũ trụ Ả Rập với 12 quốc gia thành viên Trung Đông. Trung Quốc lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Không gian Vũ trụ Châu Á-Thái Bình Dương, được thành lập vào năm 2005 và bao gồm Bangladesh, Indonesia, Iran, Mông Cổ, Pakistan, Peru, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Việc phát triển và phóng vệ tinh là mục tiêu chung, nhưng tổ chức này cũng làm việc để mở rộng và bình thường hóa việc sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) phiên bản Trung Quốc. 

ISS, một trong những sự hợp tác quốc tế tham vọng nhất từng được các phi hành gia từ 18 quốc gia thử làm và ghé thăm, tiếp tục mở rộng khi đến năm thứ 25 hoạt động. Nga công bố vào tháng 7 năm 2022 rằng họ sẽ rời ISS vào cuối năm 2024 và bắt đầu xây dựng bệ quỹ đạo của riêng mình. Điều này thể hiện một động thái nữa để tách rời phương Tây, được đẩy nhanh bởi thái độ phản kháng của quốc tế đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina. Mặc dù vậy, cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ NASA đã nhắc lại rằng họ vẫn tiếp tục làm việc với cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, đối tác lớn nhất của cơ quan này trong ISS. Ngoài ra, 10 thành viên của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã tham gia cùng NASA trong Hiệp định Artemis để theo đuổi công cuộc khám phá mặt trăng bền vững và chuẩn bị cho một sứ mệnh đưa con người đến sao Hỏa. Artemis mở cửa cho tất cả các quốc gia, nhưng Nga và Trung Quốc đã tránh xa hoạt động mà họ tuyên bố là một nỗ lực nhằm đạt được một trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo trong không gian vũ trụ. Hai chế độ này đang hợp tác để theo đuổi những nhiệm vụ lên mặt trăng có người lái của riêng họ, cũng mở cửa cho tất cả các quốc gia. Chưa có quốc gia Artemis nào gia nhập.

Hoa Kỳ cũng đã xây dựng các quan hệ đối tác quốc phòng quan trọng trong không gian vũ trụ, chủ yếu là với Úc, Canada, Pháp, Đức, New Zealand và Vương quốc Anh, tất cả đều hoạt động hoặc hợp tác với Trung tâm Hoạt động Không gian Vũ trụ Kết hợp tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vũ trụ Vandenberg ở Nam California. Tổng cộng, Hoa Kỳ có hơn 30 thỏa thuận về tình huống không gian vũ trụ với các quốc gia khác. Ngược lại, Trung Quốc đã tránh xa các liên minh quân sự chính thức nhưng trong những năm gần đây đã mở rộng các cuộc tập trận chung với các quốc gia bao gồm Iran, Pakistan và Nga. Một cái nhìn rộng hơn về các quốc gia chia sẻ các giá trị của Trung Quốc đã xuất hiện vào tháng 12 năm 2021 với một nghị quyết của Liên Hợp Quốc do Anh đưa ra để giảm nguy cơ tính toán sai nguy hiểm trong không gian vũ trụ. Những bên phản đối trong cuộc bỏ phiếu 164-12 phần lớn là các chế độ độc tài: Cuba, Iran, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Syria và Venezuela. Trong một bài phát biểu vào tháng 5 năm 2022, ông Dickinson của USSPACECOM cho biết Trung Quốc và Nga đang nhanh chóng phát triển các năng lực không gian vũ trụ mà “đe dọa sự ổn định và an ninh của miền này”. Nhưng ông nhấn mạnh rằng mục tiêu hàng đầu của bộ tự lệnh là “ngăn chặn xung đột để không cho xung đột bắt đầu hoặc mở rộng vào miền không gian vũ trụ” và xét cho cùng, không gian “không cần phải có sự thù địch”.

Nhận thức về Miền

Cho dù tương lai sẽ ra sao, bà Hanlon đều nhận thấy vai trò tối quan trọng của quân đội. “Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta sẽ có được hòa bình từ không gian vũ trụ, và tôi nghĩ rằng quân đội Hoa Kỳ có một vai trò to lớn trong việc thúc đẩy hòa bình đó. … Không chỉ bằng cách nêu gương sáng và tự mình cư xử hòa bình, mà còn để đảm bảo rằng chúng ta đang mang theo các quốc gia đang hình thành và để đảm bảo rằng không ai cảm thấy họ đang bị bỏ lại phía sau”. Những bước đầu tiên vào không gian vũ trụ được thực hiện để phục vụ mục đích quốc phòng. Chi tiêu quân sự đã mang lại những tiến bộ lớn trong công nghệ vũ trụ, bao gồm cả lời hứa về năng lượng mặt trời trong không gian vũ trụ — một yếu tố có thể thay đổi vận mệnh của nhân loại. Trong khi đó, nhận thức về miền đóng vai trò rất quan trọng trong không gian vũ trụ và một hợp phần mà USSPACECOM theo dõi và truyền đạt đến công chúng bất kỳ vụ va chạm nào có thể xảy ra thông qua trang web Space-Track.org.

Bà Hanlon nói: “Chúng ta cần có cơ quan quản lý giao thông trong không gian vũ trụ, và thực tế là các hệ thống phòng thủ trên toàn thế giới có những năng lực tốt nhất và có nhiều con mắt nhất”. Bà cho biết, một “người bảo vệ” không gian vũ trụ có thể là cần thiết — một khái niệm đang được Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Vũ trụ Hoa Kỳ khám phá.

Quân đội sẽ cần phải phát triển để xử lý những thách thức mà không gian vũ trụ mang lại, không giống như bất kỳ thách thức nào họ phải đối mặt trước đây và được phân biệt bởi các lớp dường như vô hạn trong không gian vũ trụ, bà Hanlon nói. Ví dụ, mật độ dày đặc của quỹ đạo tiếp giáp với bầu khí quyển của Trái Đất sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận khác thay vì thăm dò trong vành đai tiểu hành tinh ở xa hoặc xa hơn.

Những cuộc thử nghiệm được mở rộng vào miền này đang đặt ra những câu hỏi về chủ quyền và quốc phòng. Hơn 70 quốc gia có các cơ quan vũ trụ, với 14 quốc gia có khả năng phóng lên quỹ đạo. Chỉ hai năm sau khi Hiệp ước Không gian Vũ trụ có hiệu lực, giáo sư tiên phong về luật không gian vũ trụ Stephen Gorove đã đề xuất rằng quyền sở hữu tư nhân trong không gian vũ trụ có thể được cho phép theo hiệp ước vì nó không bị cấm rõ ràng. Vào năm 1976, bảy quốc gia ở khu vực xích đạo đã tuyên bố chủ quyền đối với quỹ đạo địa tĩnh — phần cách đường xích đạo 35.400 kilomet, nơi đặt các vệ tinh nhất định về liên lạc, tình báo và cảnh báo tên lửa vì chúng có thể ở cố định trên một vị trí Trái đất. Vấp phải sự phản đối rộng rãi, các bên bảo trợ đã rút lại Tuyên ngôn Bogota và khẳng định “quyền ưu tiên” ít hơn đối với không gian vũ trụ. Mặc dù vậy, sau này Ecuador vẫn tuyên bố chủ quyền với quỹ đạo địa tĩnh thông qua một điều khoản của hiến pháp được viết lại vào năm 2008 của nước này.

Những Khả năng Sở hữu

Các câu hỏi khác nổi lên: Hiệp ước Không gian Vũ trụ yêu cầu các quốc gia không can thiệp vào các vật thể do quốc gia khác phóng ra, vậy điều này có tương đương với quyền sở hữu chủ quyền của một vị trí quỹ đạo cụ thể không? Nếu các lực lượng quân sự hành động để bảo vệ một vật thể trong không gian vũ trụ trước các mối đe dọa thì có cấu thành quyền sở hữu hay không? Các điều khoản chính của hiệp ước đề cập đến “không gian vũ trụ, bao gồm mặt trăng và các thiên thể khác”. Thiếu định nghĩa sâu hơn, điều này có nghĩa là tất cả hạt bụi vũ trụ phải được coi một thiên thể hay không?

Trung Quốc đã lợi dụng những kẽ hở này trong hiệp ước khi họ gửi thư than phiền về Starlink đến Liên Hợp Quốc. Ủy ban về Sử dụng Không gian Vũ trụ một cách Hòa bình đang phải xoay xở với những phức tạp của Thời đại Không gian, loay hoay với cách ghi lại các vụ phóng vệ tinh mà trước đây phóng lên một vật thể duy nhất nhưng bây giờ triển khai hàng chục, đồng thời cũng phải xử lý các vấn đề sâu rộng hơn như sử dụng tài nguyên trong không gian vũ trụ. Nhưng mỗi vòng quay của Trái Đất nêu bật thực tế rằng Hiệp ước Không gian Vũ trụ đề cập rất ít đến hoạt động của con người trong không gian vũ trụ ngày nay. Ai sẽ có chỗ đứng? Điều này sẽ được quản lý như thế nào?

Hiện tại, thế giới sử dụng các công cụ có sẵn. Hoa Kỳ đã trả lời thư phàn nàn của Trung Quốc bằng thư riêng của mình gửi đến Liên Hợp Quốc, nêu ra các biện pháp đã được áp dụng để giải quyết các mối quan ngại đôi khi xung đột của các quốc gia có chủ quyền trong không gian vũ trụ chung. Thư phản hồi chung quy nêu những ý như sau: Cập nhật thông tin liên lạc, chú ý đến dữ liệu sẵn có và trao đổi với nhau. Những bước này rất quan trọng khi không gian vũ trụ trở nên đông đúc hơn với hoạt động của khu vực tư nhân. Kể từ tháng 11 năm 2014, thư trả lời trình bày, Hoa Kỳ đã cung cấp thông báo khẩn cấp về các mối nguy hiểm va chạm có nguy cơ cao giữa tàu vũ trụ Trung Quốc có phi hành đoàn và do robot lái với các vật thể khác trong không gian vũ trụ. Trong trường hợp của các vệ tinh Starlink, USSPACECOM không thấy có xác suất đáng kể của khả năng xảy ra va chạm. Nhưng để làm Trung Quốc yên lòng, thư trả lời đề xuất, Trung Quốc nên liên lạc trực tiếp thay vì nói rằng có một sự cố quốc tế — và tự Trung Quốc nên tham khảo trang web Space-Track.org miễn phí.  

Xin bình luận ở đây

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Những bài viết liên quan

Back to top button