Các Nhà phân tích Cho hay ĐCSTQ Chuyển sự Đàn áp người Duy Ngô Nhĩ từ ‘Trại Cải Tạo’ sang Nhà tù
Radio Free Asia
Hai báo cáo được công bố bởi các quan chức ở Tân Cương — một của tòa án cấp cao nhất của khu vực này, một của một nhóm công tố viên — cho thấy chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc kìm kẹp nhóm dân Duy Ngô Nhĩ đang chuyển từ cái gọi là trại cải tạo sang nhà tù.
Các báo cáo này, được công bố vào tháng 3 năm 2022 trên trang web chính thức của chính phủ Khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ (Xinjiang Uyghur Autonomous Region – XUAR), đa phần trích dẫn các số liệu thống kê tư pháp trong năm. Nhưng các học giả và nhà phân tích cho biết những con số này thể hiện sự thay đổi trong chiến lược sử dụng những phương thức chính thức hơn nhưng vẫn sai trái để truy tố người Duy Ngô Nhĩ và thành viên của các dân tộc thiểu số khác ở vùng Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc.
Ông Li Yongjun, người đứng đầu Viện Kiểm sát Nhân dân XUAR, phát biểu tại kỳ họp thứ năm của Đại hội Nhân dân XUAR khóa 13 vào tháng 1 năm 2022, rằng các công tố viên của nhà nước, được gọi chung là Viện Kiểm sát, đã bắt giữ hoặc kết án hơn 44.600 người trong 28.490 vụ án liên quan đến khoảng 12.900 tội phạm.
Ông Li trình bày rằng “việc xây dựng một Tân Cương an toàn đã được thúc đẩy một cách hiệu quả”.
Chánh án Bahargul Semet cho biết các tòa án của khu vực đã xử lý 668.900 vụ việc trong năm 2021. Trong số đó, 606.200 không cho công chúng tham dự. Trong khi đó, Tòa án Tối cao cấp cao nhất đã thụ lý 5.820 vụ, 5.271 trong số đó đã hoàn tất.
Nhà nghiên cứu người Đức Adrian Zenz, người đã ghi lại các hành vi ngược đãi của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ, cho biết số vụ án và các cuộc điều tra tại các tòa án Tân Cương đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2018.
Cùng với sự gia tăng các bản dịch tiếng Duy Ngô Nhĩ trong các phiên tòa, các số liệu thống kê cho thấy, “sự áp bức của Bắc Kinh trong khu vực đang chuyển từ chủ yếu là trại cải tạo sang kết án tù cho một số lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ,” ông Zenz cho biết. “Người Duy Ngô Nhĩ không được thả ra khỏi các trại, mà thay vào đó họ bị chuyển sang nhà tù.
Ông nói: “Tân Cương tiếp tục che giấu số lượng ‘tội phạm’ bị kết án mỗi năm”. “Khu vực đã ngừng báo cáo con số này vào năm 2018. Đáng buồn là điều này cho thấy nhà nước đang che giấu chiến lược của họ là chuyển người Duy Ngô Nhĩ từ các trại cải tạo sang nhà tù với thế giới
bên ngoài.”
Ông Teng Biao, một luật sư hàn lâm kiêm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Chicago, là một chuyên gia về các hệ thống tư pháp và pháp lý của Trung Quốc, cho biết rằng các tòa án đã trở thành một công cụ đàn áp ở Tân Cương.
Ông Bahargul, chánh án, cho biết các tòa án do Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, một tổ chức kinh tế và bán quân đội thuộc sở hữu nhà nước, đã xử lý 80.800 vụ, 71.000 trong số đó hiện đã khép lại. Tập đoàn này, còn được gọi là Bingtuan, đã bị Hoa Kỳ trừng phạt do có dính líu đến các vi phạm nhân quyền nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ.
ĐCSTQ được cho là đã giam giữ 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ khác trong một mạng lưới các trại giam ở Tân Cương kể từ năm 2017. Bắc Kinh tuyên bố rằng các trại này là các trung tâm dạy nghề và đã phủ nhận những cáo buộc do nhiều bên đưa ra với nhiều bằng chứng rằng họ đã ngược đãi người Hồi giáo trong khu vực này.
Báo cáo từ Tòa án Nhân dân cũng ghi nhận sự gia tăng trong các vụ án được xét xử trực tuyến.