Các Đối tác Tinh nhuệ, Thích ứng
DIỄN ĐÀN phỏng vấn hai nhà lãnh đạo quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (Rim of the Pacific)

Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Hai mươi sáu quốc gia được đại diện bởi 25.000 binh sĩ đã tụ họp từ ngày 29 tháng 6 đến ngày 4 tháng 8 năm 2022, để tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (Rim of the Pacific (RIMPAC)) hai năm một lần — cuộc tập trận hàng hải quốc tế lớn nhất. Được tổ chức trong và xung quanh quần đảo Hawaii và Nam California, nhiệm vụ huấn luyện kéo dài năm tuần đã tăng cường khả năng tập thể của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở, đồng thời vun đắp một môi trường để các lực lượng xây dựng các mối quan hệ và kỹ năng mà thúc đẩy khả năng tiếp cận, an toàn và an ninh ở vùng biển ngoài khơi.
Trong bối cảnh này, Chuẩn đô đốc Toshiyuki Hirata, Chỉ huy Đội tàu Hộ tống Bốn, Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản (Japan Maritime Self-Defense Force – JMSDF) và Phó Đề đốc Paul O’Grady, Phó Đề đốc Đội tàu Hải quân Hoàng gia Úc, đã nói chuyện với FORUM về RIMPAC và những ý tưởng cũng như tinh thần của chủ đề trong cuộc diễn tập này: “Tinh nhuệ, Thích ứng, Đối tác” (“Capable, Adaptive, Partners”).
Chuyên môn của ông Hirata là sĩ quan về chiến tranh trên mặt nước. Trong thời gian RIMPAC diễn ra, ông giữ cương vị phó chỉ huy của lực lượng đặc nhiệm kết hợp và chỉ huy lực lượng hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (humanitarian assistance and disaster relief – HADR). Ông O’Grady cũng đã phục vụ nhiều năm trong vai trò là một sĩ quan về chiến tranh trên mặt nước. Trong thời gian RIMPAC diễn ra, ông là chỉ huy hợp phần hàng hải của các lực lượng kết hợp.
DIỄN ĐÀN: RIMPAC 2022 có những điều gì đáng chú ý nhất?
Ông Hirata: Tôi là chỉ huy của lực lượng HADR trong cuộc diễn tập HADR của RIMPAC ngày 11-18 tháng 7. Chúng tôi thấy sự kiện này tràn đầy hứng khởi, vì không chỉ có JMSDF và Hoa Kỳ, mà các quốc gia khác cũng đến đại bản doanh và các tổ chức trực thuộc của chúng tôi — không chỉ quân đội, mà một số cơ quan dân sự cũng tham gia cùng chúng tôi, và chúng tôi điều phối tất cả mọi việc. Và chúng tôi cũng tiến hành sự kiện này như là một cuộc diễn tập kết hợp với tiểu bang Hawaii. Vì vậy nhìn chung đây là một trải nghiệm rất tích cực cho chúng tôi.
Ông O’Grady: Việc được chỉ huy hợp phần hàng hải đã là một điểm sáng về mặt cá nhân cũng như công việc. Hợp phần này bao gồm 38 tàu, ba tàu ngầm, nhiều máy bay và tất cả các thủy thủ đoàn và phi hành đoàn tuyệt vời. Không kém phần quan trọng là 250 nhân viên của đại bản doanh thuộc nhiều quốc gia mà đã điều hành và điều phối tất cả các lực lượng đặc nhiệm khác nhau. Đội ngũ nhân viên đó bao gồm các nhà hoạch định nhân sự cốt lõi từ Úc và Canada, quốc gia cũng cung cấp phó chỉ huy của hợp phần hàng hải. Chúng tôi kết hợp nhân viên ở tất cả các cấp chỉ huy từ tổng cộng 19 quốc gia và phải sắp xếp để họ làm việc cùng nhau để không chỉ hỗ trợ các con tàu mà còn xây dựng những năng lực chiến đấu chiến thuật của họ. Điều này đảm bảo rằng ở giai đoạn chiến thuật, họ có thể hoạt động trơn tru, bao gồm hỗ trợ y tế, hỏa lực động không chỉ trên hợp phần hàng hải mà còn vào hợp phần hàng không, cũng như các yếu tố hỗ trợ khác. Đó đã là một hành trình nhiều niềm vui với tư cách là một chỉ huy của lực lượng đa quốc gia, và với cá nhân tôi đây cũng là một điểm nhấn trong sự nghiệp — đối với cá nhân tôi, tôi chưa từng có cơ hội được điều phối một đội nhóm và một lực lượng như vậy.

DIỄN ĐÀN: Chỉ huy của RIMPAC, Chuẩn đô đốc Michael Boyle đã đề cập trong cuộc tập trận rằng không chỉ khả năng tương tác mà cả khả năng trao đổi, là yếu tố then chốt khi làm việc với các đối tác quốc tế. Điều đó có ý nghĩa thế nào đối với các lực lượng của các ngài?
Ông Hirata: Tôi nghĩ rằng trong các hoạt động hàng hải khả năng trao đổi này là một khái niệm rất rộng. Ví dụ, tôi đã tiến hành các hoạt động HADR với các hoạt động hàng hải khác. Mặt khác, phó đề đốc đã tiến hành các hoạt động hàng hải như an ninh hàng hải và các hoạt động đa phương khác, vì vậy chúng tôi có nhiều loại hoạt động. Đôi khi, một số quốc gia, do các mục tiêu quốc gia của họ, không có nhiều kinh nghiệm trong một số lĩnh vực do sự khác biệt của chúng, và đôi khi những kinh nghiệm này cho phép chúng tôi thích nghi với nhiều tình huống.
Ông O’Grady: Có một số ví dụ tuyệt vời trong tất cả các lực lượng. Một ví dụ mà tôi biết rất rõ là tàu HMAS Canberra, con tàu tấn công kết hợp thủy bộ của Hải quân Hoàng gia Úc, mà quân đội Úc đã lên tàu nhưng cũng trong quãng đường đi từ Úc đã có thủy quân lục chiến Sri Lanka và thủy quân lục chiến Tongan lên tàu, và họ đã cùng nhau huấn luyện cho đến Hawaii. … Vì vậy, trước khi RIMPAC bắt đầu, họ đã bắt đầu cuộc diễn tập. Khi họ đến đây, những chiếc MV-22 Osprey của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nhập cuộc và tiếp tục trong ba tuần. Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm điều đó, hoạt động cũng như thực hiện tất cả công việc bảo trì với các đội và nhóm sống trên con tàu đó. Vậy là, từ một con tàu của Úc, máy bay của Thủy quân lục chiến đã triển khai Thủy quân lục chiến Tongan, Thủy quân lục chiến Sri Lanka và Quân đội Úc. Chúng ta nói về khả năng trao đổi; tôi nghĩ đây là ví dụ tiêu biểu. Có rất nhiều ví dụ khác trong suốt RIMPAC; đó là một ví dụ mà tôi biết được trong vai trò là chỉ huy của đội quân Úc và tôi nghĩ đó là một điểm nhấn thực sự: Các đối tác hỗ trợ cho nhau theo cách mà [khi] họ có thể mang đến các khả năng mà người khác không có, cùng nhau họ làm được nhiều hơn rất nhiều.
DIỄN ĐÀN: Đối với cuộc tập trận này, các ngài đã làm việc chặt chẽ với các quốc gia nào?
Ông Hirata: Hoa Kỳ là một phần trong liên minh của chúng tôi, vì vậy Hải quân của họ, đó là mối quan hệ gần gũi nhất của chúng tôi. Nhật Bản và Úc, tương tự như vậy, chúng tôi có một mối quan hệ rất thân thiết.
Ông O’Grady: Mối quan hệ thân thiết này cho phép chúng tôi xem xét những cách khác mà chúng tôi thực hiện các bài tập và phối hợp các hoạt động, như thông qua Bộ tứ [Đối thoại An ninh Bộ tứ]. Một số mối quan hệ đa quốc gia và song phương được tăng cường thông qua khuôn khổ rộng lớn hơn của RIMPAC, có nghĩa là chúng tôi không bắt đầu từ số không; chúng tôi có sự liên tục phần nào khi chúng tôi chuyển sang các bài tập và hoạt động khác cùng nhau — điều này rất thú vị.
DIỄN ĐÀN: Đây có phải là lần đầu tiên hai ngài gặp
nhau không?
Ông O’Grady: Chuẩn đô đốc Hirata và tôi là những người bạn lâu năm. Chúng tôi, và Chuẩn Đô đốc [Hải quân Hoàng gia Canada] Chris Robertson, phó tư lệnh của Lực lượng Đặc nhiệm Kết hợp, tất cả cùng học tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ ở Rhode Island trong niên khóa 2015. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời và là niềm vinh dự cho cá nhân cho tôi khi được làm việc chặt chẽ với một số người bạn rất tốt. Trước đây, chúng tôi đã đến thăm nhau và học cách làm việc cùng nhau cũng như trở thành chỉ huy trong đội ngũ lãnh đạo của RIMPAC, và điều này thật tuyệt vời.

DIỄN ĐÀN: Khi nào hai ngài sẽ có cơ hội tiếp theo để hợp sức với nhau?
Ông O’Grady: Chúng tôi vẫn đang thảo luận về vấn đề đó!
Ông Hirata: Tôi mong là như vậy! Từ góc độ chuyên môn, khía cạnh khiến tôi hài lòng nhất trong RIMPAC là được phục vụ trong tư cách chỉ huy cho các hoạt động HADR. Nhưng, theo quan điểm cá nhân của tôi, khía cạnh tích cực nhất của RIMPAC là được làm việc với bạn bè của tôi.
Ông O’Grady: Chắc chắn là như vậy, điều này đã đưa RIMPAC đến một cấp độ hoàn toàn khác về mặt cá nhân. Được chia sẻ những điều này và các mối quan hệ với các chỉ huy khác — những mối quan hệ này không chỉ được định hình trong vài tháng qua, mà chúng đã được xây dựng qua nhiều năm. Điều này cho phép chúng tôi có một chiều sâu trong các cuộc trò chuyện và hành động của chúng tôi mà thường sẽ không xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn.
DIỄN ĐÀN: Khi Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (Japan Self-Defense Forces – Japan Self-Defense Forces – JSDF) trở thành giống như một lực lượng liên quân nhiều hơn, điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến JMSDF?
Ông Hirata: Các hoạt động chung rất quan trọng vì nhiều lý do, bao gồm cả nguồn lực. Tình hình an ninh hiện nay rất phức tạp. Đối với JSDF, các hoạt động được tiến hành trên nhiều miền. Mọi miền đều tham gia vào các hoạt động này. Vì vậy, miền hàng không, hàng hải, miền mặt đất, miền mạng và đôi khi cả không gian vũ trụ đều tham gia vào các hoạt động — rất phức tạp. Các cuộc tập trận chung giúp chúng tôi đạt được mục tiêu hợp tác và cho phép các lực lượng của chúng tôi tiến hành các hoạt động kết hợp. Khi tiến hành HADR [trong RIMPAC], chúng tôi đã tiến hành các hoạt động với các lực lượng liên quân và kết hợp trong các đại bản doanh của chúng tôi.
Ông O’Grady: Một trong những điều tuyệt vời nữa về RIMPAC là tôi đã gặp những người trên tàu và phi hành đoàn, những người mà sau đó tôi sẽ sớm gặp lại cho cuộc tập trận Kakadu 2022, sẽ được tổ chức vào [tháng 9 năm 2022 tại Úc]. Đây cũng là một cuộc tập trận đa quốc gia quy mô lớn — không có quy mô như RIMPAC, nhưng nó bao gồm một số đối tác khác của chúng tôi từ các quốc gia Tây Nam Thái Bình Dương, cho phép chúng tôi tiếp tục xây dựng mối quan hệ mà chúng tôi đã bồi đắp hoặc bắt đầu tại RIMPAC vào một môi trường khác. Điều đó rất thú vị.
DIỄN ĐÀN: Các sự kiện này giúp ngăn chặn các mối đe dọa đang phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như thế nào?
Ông O’Grady: Nó tiếp tục vun đắp sự tin cậy chân thành cũng như khả năng tương tác/khả năng trao đổi. Nó đem đến các mối quan hệ của con người mà từ đó niềm tin được gây dựng. Bạn không thể mua nó. Bạn phải đầu tư vào nó, và bạn phải tiếp tục đầu tư vào nó. Chúng tôi đã gặp một chút khó khăn do COVID, khi chúng tôi đã thực hiện rất nhiều cuộc họp từ xa qua video. Nhưng thật tuyệt vời khi được quay trở lại RIMPAC và Kakadu và trở lại làm mọi việc trực tiếp, đó thực sự là cách bạn xây dựng các mối quan hệ.
DIỄN ĐÀN: Các ngài có muốn chia sẻ lời cuối cùng nào về an ninh hàng hải không?
Ông Hirata: Chúng tôi luôn cố gắng hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở. Các cơ hội như cuộc tập trận này để làm việc cùng nhau và chia sẻ hiểu biết chung về an ninh hàng hải là điều quan trọng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một khu vực tự do và rộng mở. Điều này cũng rất quan trọng để đạt được khả năng trao đổi và khả năng tương tác.
DIỄN ĐÀN: Các ngài có muốn thấy bất kỳ thay đổi nào ở RIMPAC không?
Ông O’Grady: RIMPAC cung cấp một môi trường đào tạo đẳng cấp thế giới tuyệt vời do Hải quân Hoa Kỳ
tổ chức, và chúng tôi thật may mắn khi được có mặt tại đây. Nhưng chúng tôi mất rất nhiều thời gian để đến được đây và về nhà. Đôi khi để duy trì các lực lượng như ý rất khó, và cũng khó cho tất cả các quốc gia đối tác để đưa được các lực lượng mà họ mong muốn đến đây. Đó đơn giản là vấn đề của khoảng cách, và đôi khi đối phó với vấn đề của khoảng cách là đối phó với kích thước và quy mô của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vì vậy, ngay cả việc đến và đi từ Hawaii cũng là một phần của cuộc phiêu lưu.