Các Vấn đề ChínhĐông Nam ÁKhu vựcQuan hệ Đối tác

Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản và Malaysia tổ chức diễn tập an ninh ở Biển Đông

Benar News

Vào giữa tháng 1 năm 2023, Lực lượng Cảnh sát Biển Nhật Bản đã kết thúc các cuộc tập trận an ninh để đào tạo lực lượng của Malaysia về cách đẩy lùi những kẻ xâm nhập ở Biển Đông đang tranh chấp, nơi Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng hơn đối với các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền.

Cuộc tập trận kéo dài bốn ngày đánh dấu lần đầu tiên Malaysia được đào tạo về việc sử dụng các thiết bị âm thanh tầm xa, được gọi là pháo âm thanh, ông Saiful Lizan Ibrahim, phó giám đốc phụ trách hậu cần của Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (Malaysian Maritime Enforcement Agency – MMEA) cho biết.

“Cuộc diễn tập được tiến hành để đào tạo các sĩ quan và binh lính về cách sử dụng thiết bị này và cũng để kiểm tra mức độ hiệu quả của nó đối với các tàu nước ngoài, đặc biệt là những tàu xâm nhập vào vùng biển của đất nước”, ông Saiful phát biểu trong một thông cáo. “Nó sẽ được sử dụng để xua đuổi các tàu xâm nhập mà từ chối hợp tác hoặc những tàu đang hành động theo lối gây hấn với chúng tôi.”

Pháo âm thanh có thể được sử dụng để giao tiếp xuyên qua những khoảng cách lớn. Chúng là một bản nâng cấp từ các thiết bị Malaysia hiện có.

Chính phủ Nhật Bản đã đóng góp bốn khẩu pháo âm thanh cho Malaysia. Các thiết bị sẽ được gắn trên các tàu tuần tra ngoài khơi của cơ quan hàng hải, ông Saiful nói.

“Đông Nam Á có các tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia trong khu vực để họ có thể đảm bảo an toàn hàng hải tốt hơn”, quan chức của Lực lượng Cảnh sát Biển Nhật Bản Tamura Makoto nói với đài truyền hình nhà nước NHK của Tokyo.

Không giống như Malaysia, Nhật Bản không phải là một bên trực tiếp trong tranh chấp ở Biển Đông với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), nhưng là một bên liên quan có quan tâm vì tầm quan trọng của tuyến đường thủy này đối với nhập khẩu năng lượng và hoạt động thương mại khác của nước này.

Nhật Bản đang vướng vào một cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là xoay quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các vùng biển nằm trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam, cũng như các phần của vùng biển chồng lấn với vùng EEZ của Indonesia.

Trung Quốc tiếp tục phớt lờ một phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế vào năm 2016 mà Manila đã thắng, trong đó bác bỏ các tuyên bố chủ quyền trên vùng rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo một báo cáo năm 2020 của Kuala Lumpur, lực lượng cảnh sát biển và các tàu hải quân Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển của Malaysia ở Biển Đông 89 lần từ năm 2016 đến năm 2019. Các con tàu loanh quanh ở đó cho đến khi bị Hải quân Hoàng gia Malaysia xua đuổi.

Indonesia, Malaysia và Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc về việc làm gián đoạn hoạt động thăm dò dầu khí của họ bằng các cuộc xâm nhập thường xuyên của các tàu thuộc lực lượng cảnh sát biển và các tàu dân quân hàng hải Trung Quốc, dẫn đến các cuộc va chạm.

Theo một tài liệu nghiên cứu vào tháng 10 năm 2022 của Tiến sĩ David Envall, một nghiên cứu viên về các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Úc, thì tất cả các hoạt động như vậy của Bắc Kinh “được xem xét từ quan điểm của Nhật Bản như là một phần trong một chiến lược duy nhất của Trung Quốc nhằm làm suy yếu các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ và mức độ kiểm soát của các quốc gia khác trong khu vực đồng thời thiết lập quyền kiểm soát của riêng mình”.

Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với những chiến thuật vùng xám tương tự — “những nỗ lực ép buộc nằm ngay bên dưới ngưỡng được coi là một cuộc ‘tấn công vũ trang’” — ở Biển Hoa Đông, ông Envall viết.

Cũng như Malaysia, Nhật Bản đang thắt chặt mối quan hệ với Indonesia và Philippines.

MMEA đã bổ sung các nguồn lực cho các cuộc tuần tra trên biển, hoạt động ứng phó khẩn cấp và thực thi pháp luật với sự hỗ trợ của các đối tác bao gồm Úc và Nhật Bản, bà Hoo Chiew Ping, một giảng viên cấp cao về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Malaysia cho biết. (Ảnh: Một tàu của Lực lượng Cảnh sát Biển Nhật Bản và các máy bay trực thăng của Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia tiến hành một cuộc tập trận chung ngoài khơi Kuantan, Malaysia, vào năm 2018.)

“Do đó, các thiết bị âm thanh do Nhật Bản cung cấp sẽ tăng khả năng phát hiện của MMEA và cung cấp một hệ thống cảnh báo cho ngư dân của chúng tôi nhằm giảm nguy cơ đụng độ trên biển hoặc đối đầu với các tàu nước ngoài trong vùng biển của chúng tôi,” bà nói.

Các cuộc tập trận chung với Nhật Bản có lẽ sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu, ông Shahriman Lockman, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia cho biết. “Đồng thời, Trung Quốc chắc chắn phải hiểu ở một mức độ nào đó rằng Malaysia cần phải xây dựng năng lực tự vệ”.

Ông Lockman ghi nhận sự hiện diện dai dẳng của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở Biển Đông.

Ông nói: “Sự hiện diện của Trung Quốc đã trở thành điều bình thường mới và thường bị các tàu của chính phủ Malaysia bám theo”. “Thỉnh thoảng có những căng thẳng, nhưng những căng thẳng này dường như được kiềm chế và giữ trong tầm kiểm soát.”

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button