Các Vấn đề ChínhĐông Bắc ÁKhu vựcKhu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIP

‘Hải quân thứ hai’ của ĐCSTQ ngày càng là mối đe dọa ở biển Hoa Đông, Biển Đông

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Lực lượng cảnh sát biển (CCG) đông đảo và quyết liệt của Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện và gây ra nhiều vấn đề hơn ở các vùng biển tranh chấp trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Từ Indonesia và Việt Nam đến Nhật Bản và Philippines, hạm đội gồm khoảng 150 tàu cảnh sát biển của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng hay rình rập ngoài khơi bờ biển của các quốc gia láng giềng, đôi khi đụng độ với các tàu đánh cá, tìm dầu khí và khoáng sản.

Các nhà quan sát cho rằng các tàu của CCG tìm cách khẳng định quyền lực trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác. Vùng này kéo dài tối đa 200 hải lý, tức là khoảng 370 kilomet, từ bờ biển. Bắc Kinh lập luận rằng hầu hết các vùng biển và bãi cạn ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc, bất chấp một tòa án quốc tế đã kết luận vào năm 2015 là những tuyên bố này không có giá trị pháp lý.

Luật cảnh sát biển của Bắc Kinh, có hiệu lực từ tháng 2 năm 2021, cho phép hạm đội thực thi luật hàng hải của nước này sử dụng vũ lực sát thương đối với các tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Theo tạp chí The Diplomat đưa tin vào tháng 4 năm 2021, luật này vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và đi ngược lại nguyên tắc về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở. Tờ The Diplomat đưa tin: “Mặc dù mang danh nghĩa là một cơ quan thực thi pháp luật, nhưng năng lực chiến đấu của CCG vượt xa hầu hết các lực lượng hải quân châu Á”.

Theo Kyodo News đưa tin vào đầu tháng 2 năm 2023, CCG giống như một lực lượng hải quân thứ hai, trong đó một số con tàu được trang bị pháo giống như tàu chiến. Từ tận tháng 4 năm 2015, Viện Hải quân Hoa Kỳ đã ghi nhận rằng ĐCSTQ “đang đều đặn tận dụng cơ quan thực thi luật hàng hải — và lực lượng cảnh sát biển của mình — như một công cụ để giải quyết các vấn đề quốc gia.” Kể từ đó, CCG đã phát triển mạnh mẽ, bổ sung thêm tàu thuyền và nhân sự và châm ngòi các cuộc đối đầu:

  • Theo tin từ The Associated Press, cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc và Philippines đã đụng độ ngoài khơi đảo Thị Tứ khi các thủy thủ của CCG cắt dây kéo của một tàu Philippines đang thu nhặt các mảnh vỡ tên lửa của Trung Quốc vào cuối tháng 11 năm 2022, khoảng một năm sau khi các tàu của CCG bắn vòi rồng để cản trở hoạt động vận chuyển lương thực cho Thủy quân lục chiến Philippines trên Bãi Cỏ Mây, còn được gọi là Bãi cạn Ayungin. Lực lượng Cảnh sát Biển Philippines đã tăng cường các chuyến tuần tra để ngăn chặn các mối đe dọa từ CCG đối với ngư dân và những người khác trong khu vực này, theo Reuters đưa tin vào đầu tháng 2 năm 2023.
  • Theo tờ The Japan Times đưa tin, bốn tàu CCG đã tiếp cận một tàu tư nhân trong lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông vào cuối tháng 1 năm 2023. Các tàu Cảnh sát biển Nhật Bản đã yêu cầu các tàu CCG phải rời đi. Cả hai quốc gia đều tuyên bố mình có toàn quyền đối với khu vực này, nơi thường xuyên xảy ra các cuộc đối đầu.
  • Theo Đài Á châu Tự do (Radio Free Asia – RFA) đưa tin vào tháng 1 năm 2023, tàu cảnh sát biển lớn nhất của Bắc Kinh đã nán lại nhiều tuần gần các mỏ dầu khí ở biển Natuna, nơi Indonesia và Việt Nam có chủ quyền lãnh thổ. Một tàu chiến Indonesia giám sát tàu CCG.

CCG đã tăng cường sự hiện diện tại năm địa điểm trên Biển Đông trong năm 2022, với các cuộc tuần tra diễn ra gần như mỗi ngày ở một số khu vực, theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Ví dụ, phân tích của AMTI chỉ ra rằng tại Bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm đoạt từ Philippines vào năm 2012, các tàu CCG đã tuần tra 344 ngày trong năm 2022, tăng từ 287 ngày trong năm 2020. (Ảnh: Tàu cảnh sát biển Trung Quốc tuần tra tại Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vào cuối tháng 12 năm 2022.) Tại Bãi cạn Tư Chính, một địa điểm phát triển dầu khí của Việt Nam, các tàu CCG đã tuần tra 310 ngày trong năm 2022 so với 142 trong năm 2020.

Báo cáo vào tháng 1 năm 2023 của AMTI kết luận, mức độ hoạt động như vậy cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc kiểm soát vùng biển rộng lớn mà nước này tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Trong khi đó, mới đây Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã tiếp thêm sinh lực nhằm xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, nhưng có rất ít hy vọng rằng nỗ lực này sẽ thành công vì bầu không khí khu vực không tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận, các nhà phân tích nói với Benar News vào đầu tháng 2 năm 2023.

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói với Benar News: “Những vụ việc gần đây có hành động cưỡng ép trên biển của Trung Quốc nhằm vào các đối thủ Đông Nam Á, chẳng hạn như Indonesia, Malaysia và Philippines, sẽ không góp phần xây dựng lòng tin”.

NGUỒN HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button