Phụ nữ giữ vai trò then chốt trong phong trào ủng hộ dân chủ của Miến Điện
Tiến sĩ Miemie Winn Byrd
Cuộc đảo chính của quân đội ở Miến Điện đã châm ngòi cho một phong trào ủng hộ dân chủ trên diện rộng, trong đó phụ nữ chiếm khoảng 60% số người tham gia. Những người phụ nữ này không chỉ đảm nhận vai trò chiến đấu mà còn giữ những vị trí rất quan trọng đối với các nỗ lực kháng chiến không gây thương vong.
Tiểu đoàn 5 của Lực lượng Phòng vệ Dân tộc Karenni là tổ chức vũ trang sắc tộc (ethnic armed organization – EAO) đầu tiên thành lập một đơn vị chiến đấu nữ giới sau cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2 năm 2021. Các EAO khác và những người kháng chiến thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (People’s Defense Force – PDF) cũng có các nữ chiến sĩ.
Phụ nữ cũng tham gia rất nhiều vào các hoạt động kháng chiến không gây thương vong, tập trung vào việc huy động sự hỗ trợ ở cấp địa phương để duy trì phong trào ủng hộ dân chủ. Họ tìm cách xoay chuyển lòng trung thành của các điệp viên và người cung cấp thông tin cho chính phủ quân đội hoặc cung cấp cho những người đó thông tin sai. (Ảnh: Một người phụ nữ cầm một bức chân dung của nhà lãnh đạo Miến Điện bị phế truất Aung San Suu Kyi trong một cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính ở Mandalay vào tháng 3 năm 2021.)
Phụ nữ cũng đã và đang là những người gây quỹ chính trong và ngoài nước, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và mạng lưới địa phương, và đã là nhóm hiệu quả nhất trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người di tản. Họ cũng giữ một vai trò nổi bật trên mạng xã hội. Nhóm Nghiên cứu các Vấn đề và Xung đột của Miến Điện (Myanmar) gồm tám thành viên, đứng đầu là một nữ kỹ sư, người đã đình công kể từ cuộc đảo chính, giám sát và theo dõi các hoạt động trực tuyến của chính phủ quân đội.
Nhóm này hợp tác với những người đào ngũ khỏi quân đội để hiểu được những chiến thuật của chính phủ quân đội và chia sẻ thông tin với Chính phủ Thống nhất Quốc gia (National Unity Government – NUG) và các lực lượng liên minh kháng chiến.
Mặc dù phụ nữ chiếm đa số người tham gia trong phong trào dân chủ, nhưng họ thiếu mức độ đại diện tương xứng trong các vị trí lãnh đạo trong NUG, Văn hóa và Cộng đồng Thống nhất Quốc gia (National Unity Culture and Community – NUCC) và PDF. Do đó, các nỗ lực không gây thương vong nhận được rất ít nguồn lực và các vật phẩm dự trữ từ các tổ chức đó. Ngoài ra, nhiều phụ nữ chiến đấu ở tuyến đầu phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và những cuộc xâm hại tình dục, theo thông tin từ Mạng lưới Giới tính Quốc tế Oxford Thanakha và Liên đoàn Phụ nữ Miến Điện.
Phụ nữ đang đóng một vai trò tối quan trọng trong phong trào dân chủ của Miến Điện, cả trong chiến đấu và kháng chiến không gây thương vong, chẳng hạn như gây quỹ và điều phối người dân. Điều cốt yếu đối với NUG và các lực lượng liên minh kháng chiến là họ cần khai thác sức mạnh của những người có tầm ảnh hưởng và các nhà lãnh đạo này bằng cách sử dụng một chiến lược chỉ huy chiến lược mạch lạc và bằng cách cung cấp các nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết.
Ngoài ra, NUG, NUCC và PDF phải giải quyết vấn đề phân biệt đối xử và xâm hại tình dục nhằm vào các chiến sĩ nữ, và đảm bảo phụ nữ được đại diện ở mức độ bình đẳng trong các vị trí lãnh đạo. Phụ nữ trong phong trào dân chủ có thể đóng góp rất lớn cho sự kiên cường của người dân Miến Điện và thái độ cự tuyệt chính phủ quân đội về lâu dài.
Tiến sĩ Miemie Winn Byrd là một trung tá quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu đồng thời là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii.
HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS