Các Vấn đề ChínhCâu chuyện Nổi bậtĐông Bắc ÁNhững Mâu thuẫn / Căng thẳngCâu chuyện Nổi bật

Trung Quốc lại một lần nữa thể hiện rằng ‘tình hữu nghị‘ của mình có giới hạn

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Nhiều năm trước, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đã hứa hẹn Ukraina và Liên Hợp Quốc rằng nước này sẽ hành động chống lại bất kỳ quốc gia nào sử dụng hoặc đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Ukraine. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga đi ngược lại hoàn toàn với cam kết đó và đặt ra những câu hỏi về các cam kết quốc tế khác mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra.

Lời nói của các nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải lúc nào cũng phản ánh hành động của họ. Cuộc chiến ở Ukraina, xuất phát từ cuộc xâm lược vô cớ của Nga vào tháng 2 năm 2022, “đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho nhân loại”, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình phát biểu vào tháng 6 năm 2022. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong một cuộc họp vào giữa tháng 11 năm 2022 với người đồng cấp Nga, ông Sergey Lavrov, đã ca ngợi cam kết của Matxcơva về việc không sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, bất chấp việc Nga đã nhiều lần đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến này, Trung Quốc đã củng cố quan hệ với Nga ở mọi cấp độ, phá vỡ lời thề đứng về phía Ukraina.

Ukraina, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, không có vũ khí hạt nhân. Vào năm 1994, nước này đã đồng ý giao nộp kho vũ khí hạt nhân của mình cho Nga sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Không lâu sau khi Ukraina giải trừ vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã đảm bảo rằng Ukraine sẽ được an toàn trong một tuyên bố trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuyên bố này nêu rõ rằng “các tranh chấp và sự khác biệt cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua các cuộc tham vấn trên cơ sở bình đẳng”, và công nhận chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết của mình vào năm 2001 và 2013.

Lập trường lấp lửng của Trung Quốc về cuộc chiến Nga – Ukraina, cuộc chiến đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, và việc nước này tăng cường các cuộc tập trận quân sự với Nga đã khiến một số người đặt câu hỏi về ý nghĩa của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Trung Quốc – Ukraina vào năm 2013, được ký kết bởi ông Tập Cận Bình và tổng thống khi đó của Ukraina, ông Viktor Yanukovych. Ông Gregory Kulacki, một nhà phân tích ở Nhật Bản chuyên về các vấn đề hạt nhân và Trung Quốc làm việc cho Liên minh các Nhà khoa học Quan tâm, nói với tờ The Wall Street Journal vào tháng 3 năm 2022 rằng: “Đó là một lời hứa của một quốc gia có vũ khí hạt nhân là sẽ đứng về phía một quốc gia không có vũ khí hạt nhân bị đe dọa bởi một quốc gia có vũ khí hạt nhân”. “Lời hứa đó có ý nghĩa, và điều đó nên được đề cập với Trung Quốc.”

Các bản dịch của hiệp ước này có sự khác biệt. Theo tạp chí The Diplomat, hiệp ước nêu rõ, “Trung Quốc cam kết vô điều kiện sẽ không sử dụng hoặc không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Ukraina không có vũ khí hạt nhân và Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraina sự bảo đảm về an ninh hạt nhân khi Ukraina phải đối mặt một cuộc xâm lược liên quan đến vũ khí hạt nhân hoặc Ukraina đang bị đe dọa của một cuộc xâm lược hạt nhân”.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã báo cáo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần khiến người ta phải lo ngại về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ cuộc xâm lược, bao gồm cả vào đầu tháng 10 năm 2022.

Bắc Kinh và Matxcơva, mặc dù không có một liên minh quân sự chính thức, đã ngày càng hợp tác nhiều hơn trong các hoạt động quân sự kể từ cuộc xâm lược này. Các cuộc tập trận chung cố gắng thể hiện sự hợp tác khi hai quốc gia đối mặt với căng thẳng từ phương Tây.

Theo thông tin từ Viện Hải quân Hoa Kỳ, vào tháng 9, Bắc Kinh đã cử hơn 2.000 quân lính, 300 xe, 21 máy bay chiến đấu và ba tàu chiến tham gia cuộc tập trận Vostok 2022 kéo dài một tuần ở Nga. Theo The Associated Press (AP), các cuộc diễn tập mô phỏng chiến tranh này nhằm chứng minh rằng Nga có thể tổ chức một cuộc tập trận như vậy trong khi đang gây chiến với Ukraina.

Vào cuối tháng 11 năm 2022, một nhóm bốn máy bay ném bom Tu-95 có khả năng hạt nhân của Nga và máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc đã bay qua Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông trong một nhiệm vụ kéo dài tám giờ, theo AP đưa tin. Các máy bay ném bom chiến lược tầm xa đã dừng tại các căn cứ không quân ở cả hai quốc gia. (Ảnh: Một máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga di chuyển trên đường băng tại một căn cứ không quân không được tiết lộ ở Nga trước khi tuần tra với các máy bay ném bom của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.)

Nhật Bản và Hàn Quốc đã điều động các máy bay phản lực để theo dõi các máy bay ném bom này. Theo tờ The Japan Times, Nhật Bản nói với Trung Quốc và Nga rằng họ có “những mối quan ngại sắc” về các chuyến bay chung quanh lãnh thổ của mình. “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ sự hợp tác ngày càng tăng giữa hai nước với một thái độ quan ngại”, Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết.

Mặc dù không cung cấp sự hỗ trợ về vật chất cho cuộc chiến của Nga ở Ukraina, nhưng Bắc Kinh đã từ chối mô tả nó như một cuộc xâm lược và đã tăng các giao dịch mua dầu, khí đốt tự nhiên, than và điện từ nước láng giềng, theo Reuters đưa tin vào giữa tháng 9 năm 2022. Nhiều trong số những giao dịch mua này né tránh những hạn mức về giá được áp đặt bởi Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu bằng cách sử dụng tiền tệ của Nga và Trung Quốc, qua đó tạo điều kiện cho Nga tiếp tục cuộc chiến với Ukraina.

Trung Quốc cũng thận trọng tương tự trong phản ứng với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina vào năm 2014.

Theo Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, bất chấp các cam kết pháp lý của Trung Quốc đối với Ukraina, nước này đã cản trở các phản ứng của Liên Hợp Quốc và thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế của mình với Nga, bên cạnh các cuộc tập trận quân sự kết hợp. Những hành động và việc khoanh tay đứng ngoài như thế này vi phạm các cam kết pháp lý của Trung Quốc đối với Ukraine và LHQ, coi thường luật pháp quốc tế, làm suy yếu thẩm quyền của LHQ, làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc và càng khích lệ hành động gây hấn của Nga.

Các nhà quan sát đã ghi nhận sự tương đồng giữa hành động xâm lược của Nga ở Ukraina và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan. Ngoài ra, các hành động và đường lối ngoại giao không nhất quán của Trung Quốc đang khiến khu vực này thay đổi theo những cách mà không hẳn sẽ có lợi cho Bắc Kinh.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button