Các Đe dọa Bất đối xứngCác Vấn đề ChínhChuyên mụcĐông Nam ÁKhu vựcNhững Mâu thuẫn / Căng thẳngTiếng nói

Triển vọng và những Khả năng

Mở rộng hợp tác an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Tiến sĩ Ng Eng Hen/Bộ Quốc phòng Singapore

Lần gần đây nhất tôi được phát biểu tại Diễn đàn Putrajaya là bốn năm trước. Sẽ không phóng đại khi nói rằng kể từ khi chúng ta gặp nhau bốn năm trước, thế giới đã thay đổi, bị thôi thúc không chỉ bởi một, mà là hai sự kiện mang tính thời đại — COVID và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina. Những thách thức đáng chú ý này đã thử thách khả năng chịu đựng của các thỏa thuận, liên minh và quan hệ đối tác hiện có, hé lộ các lỗ hổng và điểm yếu. Chúng ta nên cùng nhau giải quyết những vấn đề này, vì không một quốc gia nào có thể làm điều đó một mình. Những thách thức xuyên quốc gia khác mà người đồng cấp của tôi ông Seri Hishammuddin Hussein từ Malaysia đã rất đúng khi chỉ ra rằng, sự chú ý đến những vấn đề chẳng hạn như khủng bố, biến đổi khí hậu và thiên tai, có thể đã bớt đi phần nào khi chúng ta đối phó với hai sự kiện này, nhưng chúng cũng có thể gây biến động không kém cho các quốc gia của chúng ta trong tương lai.

COVID và xung đột Ukraina-Nga đã có tác động trên toàn cầu, và vượt xa lĩnh vực an ninh. Có những chủ đề chung từ cả hai sự kiện mà chúng ta có thể rút ra bài học để phát triển hoặc củng cố các sáng kiến hiện có để làm cho các khu vực của chúng ta, hoặc ASEAN [Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á], ít nhất là trở nên kiên cường hơn. Có khá nhiều thách thức, nhưng tôi sẽ tập trung vào ba.

Thứ nhất, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Với COVID, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đã trải qua cũng như chứng kiến những sự việc xảy ra trong quốc gia mình trong những khoảng thời gian phong tỏa trên toàn quốc, khiến dòng chảy của nguyên liệu thô và thành phẩm bị dừng lại. Tôi chắc chắn rằng điều này đã xảy ra ở rất nhiều, rất nhiều các quốc gia khác. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu và những mặt hàng chủ lực, phụ tùng điện tử, chẳng hạn như thiết bị bán dẫn và thậm chí cả vật tư y tế quan trọng, ví dụ như thiết bị bảo vệ cá nhân. Xung đột Ukraina-Nga cũng đã có tác động tương tự. Giá các mặt hàng và nhiên liệu đã tăng lên một cách chóng mặt. Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, và khi cộng với Ukraina, “giỏ bánh mì của châu Âu”, chiếm gần một phần ba lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Nga cũng cung cấp khoảng 40% khí đốt tự nhiên cho châu Âu và khoảng một phần tư lượng dầu thô nhập khẩu của Liên minh châu Âu.

Một Binh sĩ Indonesia đứng gần một thùng oxy lỏng, thuộc chuyến giao vật tư y tế từ chính phủ Singapore trong thời gian dịch COVID-19 tăng vọt. REUTERS

Trên bình diện tổng hợp, ASEAN là một nhóm xuất khẩu ròng các sản phẩm nông nghiệp. Chúng ta nên khám phá các cơ chế để tập hợp các nguồn lực nhằm xây dựng khả năng phục hồi và giảm thiểu sự gián đoạn trong khu vực của chúng ta trong thời kỳ khủng hoảng. ASEAN đã cam kết với tuyên bố chung của các bộ trưởng về nông nghiệp và lâm nghiệp vào năm 2020 để đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng trong khu vực trong đại dịch COVID và cũng thông qua Quỹ Ứng phó với COVID-19 của ASEAN, quỹ này giúp các quốc gia thành viên mua sắm vật tư và thiết bị y tế cần thiết để chống lại đại dịch. ASEAN cũng đang làm việc để áp dụng miễn trừ thuế quan cho một danh sách các hàng hóa thiết yếu, và thậm chí mở rộng danh sách này để bao gồm các mặt hàng thực phẩm chủ lực và các sản phẩm liên quan đến vắc-xin. Đây là những sáng kiến hay, nhưng chúng ta cần làm nhiều hơn nữa.

Thách thức thứ hai mà chúng ta phải đối mặt là sự cạnh tranh về địa chính trị và các liên minh. Trong một thế giới hoàn hảo, cuộc chiến chống COVID của chúng ta, vốn là một thách thức về sức khỏe cộng đồng, lẽ ra phải là một thách thức chung, bất kể tư tưởng chính trị hay đảng phái chính trị, các nền kinh tế đã phát triển hay đang hình thành. Tất cả chúng ta đều biết chúng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo, nhưng ngay cả như vậy, các tổ chức đa phương phải đối mặt với những khó khăn trong việc xây dựng hành động phối hợp trong một thế giới phân cực. Ngay cả việc phân phối và lựa chọn vắc-xin cũng có thể bị chính trị hóa và dẫn đến sự khác biệt rõ ràng trong việc lựa chọn vắc-xin, phân phối và chấp nhận, chăm sóc y tế, mức độ đầy đủ của oxy và các sản phẩm y tế. Xung đột Ukraina-Nga còn tiếp diễn khiến các nỗ lực liên quan đến biến đổi khí hậu gặp rủi ro, chẳng hạn như giảm phát thải carbon và công tác phát triển các doanh nghiệp xanh và cấp vốn, các nỗ lực liên quan đến an ninh mạng, xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số và nâng cao các chuẩn mực kỹ thuật số. Tất cả những điều này sẽ khó có thể được đưa vào ưu tiên của thế giới khi những cuộc ganh đua trở nên gay gắt.

Thách thức thứ ba là sự trở lại hoặc trở nên trầm trọng hơn của các mối đe dọa hiện có. Tôi muốn đề cập đến vấn đề khủng bố và tấn công mạng. Bất chấp các lệnh hạn chế di chuyển do COVID, các nhóm khủng bố vẫn liên tục tổ chức, kích động và tiến hành các cuộc tấn công, bao gồm cả trong khu vực của chúng ta. Các nhóm khủng bố toàn cầu như ISIS [Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria] và al-Qaida đã cho thấy chúng có khả năng chống chịu và thích nghi tốt. Chúng đã liên tục thay đổi những chiến lược chiêu mộ và cực đoan hóa và đang khai thác không gian mạng để đạt được những kết quả chúng muốn. Với việc gỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại do COVID, chúng ta sẽ thấy sự gia tăng trong hoạt động khủng bố.

Đối với các mối đe dọa từ không gian mạng, cả COVID và xung đột Ukraina-Nga đều cho thấy tác động mà thông tin sai lệch gây ra đối với thế giới vật lý. Với COVID, các thuyết âm mưu và phong trào chống vắc-xin đã gây ra sự hoảng loạn quá mức, chia rẽ người dân và chính phủ của họ, và làm suy yếu các nỗ lực về y tế công cộng trên toàn cầu.

Cơ sở hạ tầng quan trọng có thể bị ảnh hưởng thông qua không gian kỹ thuật số. Tháng 5 năm ngoái [2021], một cuộc tấn công mã độc tống tiền vào một hệ thống đường ống dẫn dầu lớn của Hoa Kỳ, Đường ống Thuộc địa, đã làm tắc nghẽn đường đi của sản phẩm ở Bờ Đông Hoa Kỳ. Vào tháng 10 [năm 2021], đã có một cuộc tấn công mạng vào hệ thống nhiên liệu của Iran. Gần đây, các cuộc tấn công mạng đã ảnh hưởng đến các chuyến chở dầu từ các nhà ga ở Bỉ và Đức. Những sự cố này là những ví dụ rõ ràng về sự phân tách sai lầm giữa thế giới ảo và thế giới thực.

Cả các tác nhân nhà nước và phi nhà nước đều đã nhận ra sức mạnh của không gian kỹ thuật số, và các mối đe dọa bắt nguồn từ miền này chỉ có thể tăng lên.

CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC CHO HỢP TÁC AN NINH

ASEAN có thể đồng tâm hiệp lực để giải quyết những thách thức này, dựa trên các nguyên tắc quốc tế mà từng quốc gia có thể nhất trí. Cho phép tôi điểm qua ba lĩnh vực chính.

Các binh sĩ từ Singapore, Thái Lan và Hoa Kỳ đã rải bê tông cho một trường học ở tỉnh Phitsanulok của Thái Lan trong cuộc tập trận Cobra Gold.
HẠ SĨ QUAN JULIO RIVERA/HẢI QUÂN HOA KỲ

Đầu tiên, chúng ta phải giữ vững vị thế của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia. Trong trường hợp có tranh chấp, chúng ta phải phản bác hành vi gây hấn cưỡng ép và bất hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào, và thay vào đó theo đuổi việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Ở đây, chúng tôi có những ví dụ điển hình, bao gồm trong các tranh chấp giữa Malaysia và Indonesia về Sipadan và Ligitan, giữa Malaysia và Singapore về Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge, cũng như việc Singapore thu hồi đất ở trong và xung quanh eo biển Johor, nơi những tranh chấp này đã được giải quyết một cách hòa bình và dựa trên luật pháp hoặc thông lệ quốc tế được chấp nhận.

Thứ hai, tuy rằng mỗi quốc gia phải có khả năng đưa ra quyết định dựa trên lợi ích của riêng mình, có các cơ chế chung để giải quyết những thách thức xuyên quốc gia và tham gia vào các biện pháp xây dựng lòng tin để giảm căng thẳng và giảm thiểu hậu quả bất lợi. Một lần nữa, chúng ta có những ví dụ tích cực về sự hợp tác trong khu vực của mình — Malaysia và Singapore là một phần trong Đội Tuần tra Eo biển Malacca mà đã bắt đầu hoạt động vào năm 2004, và Malaysia cũng tham gia Thỏa thuận Hợp tác Ba bên ở vùng biển Sulu-Celebes, được thiết lập vào năm 2017, để giải quyết các mối đe dọa như khủng bố và cướp biển. Chúng ta có các sáng kiến để xây dựng lòng tin như Quy tắc Ứng Xử cho các Vụ Va chạm Bất ngờ trên Biển, mà tất cả 18 hải quân trong Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM-Plus) đã thực hành, cùng với Hướng dẫn cho các Vụ Va chạm Quân sự trên Không. Chúng ta nên sử dụng các khuôn khổ hợp tác tương tự để giải quyết những thách thức xuyên quốc gia, bao gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng của các mặt hàng thiết yếu và kể cả năng lượng.

Thứ ba, trong lĩnh vực an ninh, chúng ta phải tăng cường đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin và tăng cường hiểu biết thông qua các nền tảng đã được thiết lập. ADMM và ADMM-Mở rộng — bao gồm 18 quốc gia mà chiếm gần 90% lực lượng quân sự trên thế giới — hiện là thỏa thuận không chính thức về vấn đề an ninh của châu Á. Chúng ta cũng có các Hiệp định Phòng thủ Năm Cường quốc giữa Úc, Malaysia, New Zealand, Singapore và Vương quốc Anh. Chúng ta hợp tác thông qua các sáng kiến bao gồm Trung tâm Xuất sắc về Thông tin và An ninh Mạng ADMM, Mạng Phòng thủ Mạng ASEAN và Cơ sở Thông tin Chống Khủng bố. Các nền tảng đa phương này tạo điều kiện cho hoạt động chia sẻ thông tin, củng cố lòng tin giữa các lực lượng quân sự và tăng cường sự hợp tác trong khu vực để đạt được các mục tiêu chung của chúng ta và giảm thiểu các mối đe dọa chung.

Bằng cách tăng cường khả năng chống chịu và ứng phó trong ASEAN, và bởi ASEAN, trước những thách thức này, chúng ta sẽ bồi đắp uy tín lớn hơn cho vai trò trung tâm của ASEAN.

Hai sự kiện mang tính thời đại đã thay đổi thế giới kể từ lần chúng ta gặp nhau gần đây nhất. Những khiếm khuyết và thiếu sót đã được phơi bày, và chúng ta phải hành động cùng nhau để khắc phục chúng nhằm đảm bảo rằng hòa bình, ổn định và tiến bộ sẽ tiếp tục trong và ngoài khu vực của chúng ta.  o

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore Tiến sĩ Ng Eng Hen đã có bài phát biểu này vào ngày 29 tháng 3 năm 2022, tại Diễn đàn Putrajaya lần thứ sáu ở Malaysia, được tổ chức bởi Viện Quốc phòng và An ninh Malaysia để quy tụ các bộ trưởng quốc phòng, quan chức và học giả để thảo luận về các vấn đề quốc phòng và an ninh. Bài phát biểu đã được biên tập để phù hợp với hình thức của DIỄN ĐÀN.

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button