Nhìn Về Hướng Nam Và Hành Động Theo Hướng Đông
Chính Sách Của Đài Loan Mang Đến Cơ Hội Hợp Tác Chiến Lược Với Ấn Độ

Saheli Chattaraj
Mặc dù không phải là chính sách đầu tiên thuộc loại này, nhưng Chính sách Hướng Nam Mới (New Southbound Policy – NSP) của Đài Loan — được Tổng thống Thái Anh Văn đưa ra khi bà lên nắm quyền vào năm 2016 — đem đến một tầm nhìn toàn diện để tăng cường mối quan hệ của Đài Loan với 18 quốc gia mục tiêu chính, bao gồm 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sáu quốc gia Nam Á, Úc và New Zealand.
Nhưng khác với các Chính sách Hướng Nam trước đây dưới thời các Tổng thống Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biền mà tập trung vào sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, NSP của bà Thái có động cơ rộng hơn. Chính sách này cũng hướng tới việc tăng cường hoạt động trao đổi giữa các dân tộc và đa dạng phạm vi hơn nữa thành các chương trình trao đổi giáo dục và du lịch để nâng cao sức mạnh mềm của Đài Loan trong khu vực.
“Chính sách Hướng Nam Mới là chiến lược ở cấp khu vực của Đài Loan đối với châu Á. Các mục tiêu và lý tưởng của chính sách này trùng khớp với các mục tiêu và lý tưởng trong Quan điểm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ”, bà Thái cho biết, theo tạp chí tin tức trực tuyến The Diplomat. “Kết hợp với nhau, những sáng kiến này có thể đạt được lợi ích qua lại với những thành công bổ sung về kinh tế và xã hội.”

NSP tập trung vào bốn lĩnh vực chính:
- Hợp tác kinh tế và thương mại. Xây dựng các quan hệ đối tác kinh tế và thương mại mới thông qua xuất khẩu các dịch vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan mở rộng ở các quốc gia mục tiêu và cung cấp cho các công ty Đài Loan khoản hỗ trợ tài chính. Đồng thời, kết nối chặt chẽ hơn với các chuỗi cung ứng và nhu cầu nội địa ở các quốc gia mục tiêu và hợp tác về các dự án cơ sở hạ tầng.
- Trao đổi nhân tài. Chia sẻ nguồn nhân lực và bổ sung cho những thế mạnh của các quốc gia đối tác bằng cách mở rộng các chương trình trao đổi và đào tạo cho các học giả trẻ, sinh viên và các chuyên gia trong ngành. Các sáng kiến bao gồm những chương trình trao đổi học thuật song phương, một trang web kết nối nhân tài của Hướng Nam Mới và một nền tảng thông tin để các công ty Đài Loan đăng ký doanh nghiệp và tìm kiếm nhân tài.
- Chia sẻ nguồn lực. Tạo ra các cơ hội hợp tác song phương và đa phương bằng cách tận dụng sức mạnh mềm của Đài Loan trong văn hóa, du lịch, chăm sóc y tế, công nghệ, nông nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các chiến lược bao gồm thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, tăng cường du lịch hai chiều với các quốc gia khác và thu hút cư dân của các quốc gia Hướng Nam Mới đến Đài Loan để hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng.
- Kết nối trong khu vực. Đẩy mạnh các hoạt động trao đổi chính thức và tư nhân, ký kết và gia hạn các hiệp định thương mại, thể chế hóa sự hợp tác đa phương và song phương với các quốc gia đối tác, đồng thời tăng cường đàm phán và đối thoại.
Tầm quan trọng chiến lược của NSP đối với Đài Loan
Chỉ có khoảng hơn một chục quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, còn hầu hết các quốc gia công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia có chủ quyền duy nhất dưới tên Trung Quốc và hòn đảo tự quản Đài Loan là một phần của quốc gia này. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mặc dù Hoa Kỳ, trong khuôn khổ chính sách “một Trung Quốc” của mình, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng nước này có một “mối quan hệ không chính thức rất khăng khít”.
“Mặc dù Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng chúng tôi có một mối quan hệ không chính thức rất khăng khít… một sự quan tâm trường tồn tới hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan”, theo một tờ thông tin của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó đề cập đến Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979. Đạo luật này cung cấp cơ sở pháp lý cho mối quan hệ và đưa thành luật cam kết của Hoa Kỳ trong việc giúp Đài Loan duy trì khả năng phòng thủ. Đài Loan và Hoa Kỳ chia sẻ các giá trị tương đồng, các liên kết thương mại và kinh tế sâu sắc cũng như mối quan hệ bền chặt giữa hai dân tộc mà tạo thành nền tảng của tình hữu nghị giữa hai bên.

Theo tờ thông tin, Hoa Kỳ hy vọng “những khác biệt giữa hai phía của Eo biển sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình”.
NSP cũng có thể được coi là một sáng kiến của Đài Loan nhằm xây dựng mối quan hệ với các quốc gia láng giềng trong những lĩnh vực kinh doanh, thương mại, giáo dục, giao lưu nhân dân và du lịch.
“Sáng kiến này thúc đẩy một mô hình phát triển kinh tế mới cho quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất… và tránh cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, vốn tập trung vào cơ sở hạ tầng khu vực,” theo một tài liệu của chính phủ có tiêu đề, “Thúc đẩy Tầm nhìn: Chính sách Hướng Nam Mới của Đài Loan” (“Moving the Vision forward: Taiwan’s New Southbound Policy”). “Các dự án của Đài Loan tập trung vào con người và quyền lực mềm, hỗ trợ du lịch, giáo dục, y tế, công nghệ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nông nghiệp.”
Ấn Độ và NSP
Mối quan hệ Ấn Độ – Đài Loan phần lớn đã bị che phủ bởi cái bóng của việc Ấn Độ tuân thủ chính sách một Trung Quốc của mình. Nhưng những thay đổi trong môi trường địa chiến lược có thể dẫn đến việc Ấn Độ trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho Đài Loan.
Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949, Ấn Độ đã công nhận và sau đó đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vào năm 1971, Ấn Độ tiếp tục thể hiện sự ủng hộ của mình dành cho Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Tổ chức này sau đó đã trục xuất Đài Loan khỏi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an vì nghiêng về phía Trung Quốc và do đó, đã đóng cánh cửa để Ấn Độ và Đài Loan xây dựng sự hợp tác. Tuy nhiên, theo Chính sách Nhìn về Hướng Đông năm 1992 của chính phủ, Ấn Độ một lần nữa bắt đầu chú ý nhiều hơn đến khu vực phía đông. Vào năm 1995, Đài Loan và Ấn Độ thành lập Trung tâm Kinh tế và Văn hóa Đài Loan (Taiwan Economic and Cultural Centre – TECC) ở New Delhi và Hiệp hội Đài Bắc Ấn Độ (India Taipei Association – ITA) ở Đài Bắc. Cả hai tổ chức bắt đầu cung cấp các dịch vụ lãnh sự quán và cũng thúc đẩy các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại, giáo dục và giao lưu nhân dân.
Kể từ đó, những tương tác Ấn Độ – Đài Loan đã dần được tăng cường. Trong nửa sau của năm 2014, Ấn Độ tiếp tục chuyển từ Chính sách Nhìn về Hướng Đông sang Chính sách Hành động Hướng Đông, nhấn mạnh hơn vào sự hợp tác trong khu vực. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ bắt đầu một số sáng kiến để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua các chương trình như Make in India, tập trung chủ yếu vào việc khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài thiết lập các đơn vị sản xuất tại Ấn Độ. Sáng kiến này cũng giúp các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tại Ấn Độ được dễ dàng hơn. Ngoài ra, với hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ thống nhất, việc thành lập các đơn vị đầu tư ở Ấn Độ trở nên khả thi và dễ dàng hơn cho các tổ chức nước ngoài. Chính phủ Ấn Độ cũng công bố các khoản trợ cấp để thu hút đầu tư, với các bang như Gujarat, Maharashtra, Andhra Pradesh, Tamil Nadu và Uttar Pradesh đề nghị trợ cấp về đất đai, nước và điện.

NSP cũng cho phép Đài Loan chuyển một số cơ sở sản xuất sang Ấn Độ, một điểm đến đầu tư hấp dẫn với lực lượng lao động có tay nghề và chi phí rẻ.
“Đài Loan và Ấn Độ là đối tác tin cậy và tự nhiên của nhau. Hai quốc gia của chúng ta chia sẻ các giá trị cơ bản và thiết yếu như tự do, dân chủ, pháp quyền và tôn trọng nhân quyền”, ông Baushuan Ger, đại sứ Đài Loan tại Ấn Độ, nói với báo Hindustan Times vào tháng 11 năm 2020. “Đáng chú ý là, có một sự giao thoa lớn giữa Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ và Chính sách Hướng Nam Mới của Đài Loan, nhằm tăng cường mối quan hệ của Đài Loan với 18 quốc gia mục tiêu ở Đông Nam Á, Nam Á và Châu Đại Dương.”
Để củng cố và nâng cao mối quan hệ công nghiệp và thương mại Ấn Độ – Đài Loan, TECC và ITA cũng đã ký một thỏa thuận để thúc đẩy sự hợp tác trong công nghiệp. Các doanh nghiệp Đài Loan như Foxconn và Maxxis đã bắt đầu sản xuất tại Ấn Độ. Hơn nữa, vì Đài Loan tương đồng về văn hóa với các quốc gia Đông Á, nên Đài Loan có thể học hỏi kinh nghiệm và mô hình kinh doanh của Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc, vì các quốc gia này đã hoạt động ở Ấn Độ được một thời gian.
Ông Ger nói với tờ Hindustan Times: “Chúng ta đang chứng kiến quá trình tái cấu trúc của các chuỗi cung ứng toàn cầu mà đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho Đài Loan và Ấn Độ để tăng cường hơn nữa các liên kết của chúng ta trong lĩnh vực sản xuất”. “Do đó, chúng ta nên đánh giá cẩn thận các vị thế tương ứng của mình và đưa ra các chính sách để vun đắp một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn.”
Đài Loan đã bày tỏ sẽ sẵn sàng thắt chặt quan hệ với Ấn Độ, một trong những quốc gia mục tiêu chính trong các hướng dẫn của NSP. Ấn Độ cũng cần thêm đối tác tham gia sáng kiến Make in India của nước này để bắt đầu sản xuất tại Ấn Độ và bán sản phẩm không chỉ ở Ấn Độ mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Nam Á thông qua chương trình cơ sở hạ tầng Một vành đai, Một con đường, vốn là tên gọi khác của Sáng kiến Vành đai và Con đường, và khoản thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc, một mối quan hệ đối tác kinh doanh và văn hóa rộng hơn giữa Ấn Độ và Đài Loan có thể đem lại lợi ích cho cả hai bên.
“Trong 25 năm qua, cả Đài Loan và Ấn Độ đều được hưởng lợi rất nhiều từ thương mại và đầu tư, hoạt động trao đổi giáo dục và hợp tác công nghệ ngày càng lớn mạnh,” ông Ger nói với Hindustan Times. “Bây giờ là thời điểm để chúng ta xác định lại các mục tiêu có lợi cho cả hai bên và những chiến lược để đạt được các mục tiêu đó.”
Bài viết này được xuất bản lần đầu trên Bản tin Châu Á Thái Bình Dương của Trung tâm Đông-Tây và có thể được truy cập tại https://www.eastwestcenter.org/publications/india %E2%80% 99s-act-east-and-taiwan %E2%80%99s-new-southbound-policy-are-win. Bài đã được biên tập để phù hợp với hình thức của DIỄN ĐÀN và có thêm tin bài của nhân viên DIỄN ĐÀN.