Các bài nổi bậtCác Đe dọa Bất đối xứngCác Vấn đề ChínhKhu vựcNam ÁNhững Khu vực Chung của Thế giới

Một Con Đường, Những Khoản Nợ Lớn

Chương trình cơ sở hạ tầng của Trung Quốc khiến các bên mua phải hối hận

Được xây dựng bằng khoản vay 4 nghìn 900 tỷ đồng (200 triệu đô la Mỹ) từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), cây cầu nối thủ đô Male của Maldives với sân bay đã được mệnh danh là “cây cầu dẫn đến sự thịnh vượng”, và có tên chính thức hơn là Cầu Hữu nghị Trung Quốc – Maldives hay còn gọi là Cầu Sinamale. Lúc đầu, đây có vẻ như là một đề xuất hữu hảo. Sau khi cây cầu này thông xe vào năm 2018, người ta không còn cần một chiếc tàu cao tốc để đưa người dân từ sân bay vào thủ đô, và quá trình bùng nổ phát triển mà cây cầu mang lại trên đảo Hulhumale gần đó đã được đón nhận nồng nhiệt.

Tuy nhiên, giống như nhiều dự án về cơ sở hạ tầng thuộc chương trình Một vành đai, Một con đường (One Belt, One Road – OBOR) của Trung Quốc, cuối cùng cây cầu này cũng gia nhập danh sách các dự án phải oằn mình gánh khoản nợ không thể trả nổi. Một nghiên cứu kéo dài bốn năm được hoàn thành vào tháng 9 năm 2021 bởi các nhà nghiên cứu thuộc Trường Cao đẳng William and Mary ở Williamsburg, Virginia, cho thấy 42 quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình đang nợ các dự án OBOR. Số tiền nợ này vượt quá 10% tổng sản phẩm quốc nội (gross domestic product – GDP) của họ. Các quốc gia đó bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Maldives, Miến Điện và Papua New Guinea.

AidData, một phòng thí nghiệm về phát triển quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Toàn cầu của trường cao đẳng này, cho biết trong báo cáo của mình, “Trông đợi vào Vành đai và Con đường: Phân tích từ một bộ dữ liệu toàn cầu mới gồm 13.427 dự án phát triển của Trung Quốc,” (“Banking on the Belt and Road: Insights from a new global dataset of 13,427 Chinese development projects”). Báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc hỗ trợ các dự án với số tiền khổng lồ là 21 triệu tỷ đồng (843 tỷ đô la Mỹ) trên khắp 165 quốc gia. Báo cáo cho biết, nhìn chung công chúng không được xem xét kỹ khoảng 9,5 triệu tỷ đồng (385 tỷ đô la Mỹ) trong khoản nợ liên quan đến các dự án đó.

Từng được gọi là “cây cầu dẫn đến sự thịnh vượng”, một dự án do Trung Quốc tài trợ liên kết sân bay chính của Maldives với thành phố thủ đô đã trở thành một biểu tượng của khoản nợ không thể trả nổi. REUTERS

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi động chương trình OBOR vào năm 2013 để thúc đẩy quá trình phát triển cơ sở hạ tầng trên khắp châu Phi, châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với tiền tài trợ từ Trung Quốc. Ông hy vọng các dự án, bao gồm đường cao tốc, đường sắt, nhà máy điện và đường ống, sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu và khả năng tiếp cận các cơ sở giao thông trên biển và trên bộ cho Trung Quốc, đẩy mạnh sản xuất và tăng cường “tầm ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc ở nước ngoài”, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một cơ quan tư vấn độc lập. “Tuy nhiên, nếu các khoản đầu tư mới không tạo ra đủ lợi nhuận, chúng cũng có thể tăng số tiền nợ lên mức không bền vững và tạo ra những bất đồng chính trị với Trung Quốc.”

Theo báo cáo vào tháng 1 năm 2022 của EconomyNext, một cơ quan tin tức về tài chính và chính trị, Maldives đã vay tiền vô tội vạ trong nhiệm kỳ của Tổng thống lúc bấy giờ là Abdulla Yameen từ năm 2013-18, giờ đây các quan chức đang chấm dứt một số dự án OBOR do thiếu khả năng trụ vững và lo lắng về những khoản nợ chồng chất. Ông Mohamed Nasheed, phát ngôn viên của Quốc hội của quốc đảo kiêm lãnh đạo của Đảng Dân chủ Maldives, nói với The Associated Press vào năm 2019 rằng ông ước tính các khoản tiền đất nước ông nợ các tổ chức Trung Quốc lên đến 74,5 nghìn tỷ đồng (3 tỷ đô la Mỹ), mặc dù các quan chức Trung Quốc nói rằng con số này thấp hơn nhiều. Theo dự kiến của Ngân hàng Thế giới, GDP của Maldives cho năm 2022 là khoảng 131,6 nghìn tỷ (5,3 tỷ đô la Mỹ).

Ông Nasheed bắt đầu lên tiếng cảnh báo về khoản nợ sau khi đảng của ông đánh bại ông Yameen vào năm 2018. Kể từ khi ông Yameen thất thế, chính phủ Maldives đã thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ, và ông Nasheed đã khởi xướng cáo buộc bằng cách lập luận rằng người lãnh đạo tiền nhiệm đã đẩy Maldives vào một bẫy nợ. Chính phủ sẽ không thể hoàn trả các khoản vay của Trung Quốc trừ khi một cuộc đánh giá giảm số tiền nợ xuống bằng đúng giá trị thực của chúng, ông nói với EconomyNext.

Các nhà nghiên cứu cho biết công chúng không được biết về phần lớn khoản nợ của một dự án đường sắt tốc độ cao kết nối thành phố Côn Minh của Trung Quốc với Vientiane, Lào. REUTERS

Maldives đã dừng một số dự án tại các khu nghỉ dưỡng trên đảo. Ông Nasheed nói với trang web này: “Việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng và quyền sở hữu các hòn đảo này cũng là vấn đề cần phải đặt câu hỏi”. “Có khoảng sáu đến bảy hòn đảo đang trong các giai đoạn thi công khác nhau do các công ty Trung Quốc thực hiện. Nhưng công việc xây dựng hiện đã dừng lại trong một thời gian dài và quyền sở hữu theo hợp đồng đối với các hòn đảo này vẫn cần phải được phân xử tại tòa án.”

Khoản Nợ Thiếu Minh bạch, Chi phí Cao

Theo AidData, với các cam kết tài chính dành cho phát triển quốc tế là gần 2,1 triệu tỷ đồng (85 tỷ đô la Mỹ) mỗi năm, Trung Quốc hiện vượt Hoa Kỳ và các cường quốc lớn khác về mức chi tiêu với biên độ 2-1. Báo cáo của AidData nêu rõ, thay vì trao các khoản trợ cấp không hoàn lại hoặc các khoản vay ở mức lãi suất thị trường để hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn, các tổ chức Trung Quốc đã “sử dụng khoản nợ thay vì viện trợ để thiết lập vị thế áp đảo trên thị trường tài chính cho phát triển quốc tế”. Theo báo cáo này, kể từ khi OBOR đi vào hoạt động từ năm 2013, Trung Quốc đã giữ tỷ lệ các khoản vay so với các khoản trợ cấp là 31-1.

Các điều khoản cho vay mà các bên cho vay thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc quy định khắt khe hơn so với các chủ nợ đa phương, và khoản vay trung bình đi kèm với mức lãi suất là 4,2%. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn cho người nộp thuế ở các quốc gia mắc nợ, đó là công chúng thường không được thông báo về bản chất của việc cho vay. Điều này gây khó khăn cho việc đánh giá mức độ thực sự mà một chính phủ đang gặp khó khăn bị lún sâu trong nợ nần.

Báo cáo AidData cho biết, nguyên nhân là vì 70% các khoản cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc được chuyển sang các công ty quốc doanh, các ngân hàng nhà nước, các kênh tài chính phục vụ mục đích đặc biệt, các công ty liên doanh và các tổ chức trong khu vực tư nhân. Quốc gia mắc nợ thường không trực tiếp vay tiền, mặc dù có thể phải chịu trách nhiệm nếu không trả được nợ.

“Phần lớn những khoản nợ này không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của chính phủ,” báo cáo cho hay. Tuy nhiên, hầu hết các bên cho vay “đều được hưởng lợi từ các hình thức bảo vệ trách nhiệm pháp lý rõ ràng hoặc ngầm định của chính phủ nước sở tại, điều này đã làm lu mờ sự phân định giữa nợ tư nhân và nợ công và gây ra những thách thức lớn về quản lý tài chính công”.

Những thách thức đó đang trở nên rõ ràng ở Lào, nơi đã khánh thành một liên kết đường sắt trị giá 149 nghìn tỷ đồng (6 tỷ đô la Mỹ) với Trung Quốc vào tháng 12 năm 2021. Tuyến đường sắt này nối thủ đô Vientiane của Lào với thành phố Côn Minh ở phía nam Trung Quốc. Theo tờ The Manila Times, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã tôn vinh một “kỷ nguyên mới của công cuộc phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại” tại lễ khánh thành liên kết đường sắt, và nói thêm rằng “những giấc mơ của người dân Lào đã trở thành hiện thực”.

Tổng thống Sri Lanka khi đó là ông Gotabaya Rajapaksa, ở giữa, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến dự án Thành phố Cảng lấn biển do Trung Quốc tài trợ ở Colombo vào tháng 1 năm 2022. THE ASSOCIATED PRESS

Mặc dù chính phủ hy vọng đến năm 2027 đường sắt này sẽ có lời, nhưng các chuyên gia lo ngại rằng Lào sẽ khó lòng trả nổi các khoản vay của Trung Quốc mà đã cấp kinh phí cho dự án này. Ông Jonathan Andrew Lane, một nhà phân tích của Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á, đã viết trong một báo cáo vào tháng 9 năm 2020 rằng có “rất ít tính hợp lý về mặt thương mại cho một tuyến đường sắt tốn kém” kết nối đất nước 7 triệu dân này với Côn Minh. Ông cho rằng các lợi ích đối với Lào không lớn hơn các rủi ro. “Việc trả khoản nợ đó sẽ gây thêm áp lực lên những khả năng tăng thuế vốn đã hạn chế của chính phủ,” ông Lane viết.

Báo cáo của AidData cảnh báo rằng gần một nửa trong tổng số các khoản nợ trị giá 330 nghìn tỷ (13,3 tỷ đô la) của nước này là tiền vay từ Bắc Kinh, và liên kết đường sắt này thậm chí còn là một khoản nợ khó thấy hơn. Ba công ty nhà nước Trung Quốc và một doanh nghiệp của Lào đã hợp tác trong dự án này, trong đó Bắc Kinh góp 70% của khoản nợ trị giá 88 nghìn tỷ đồng (3,54 tỷ đô la Mỹ) cho liên kết đường sắt. Các nhà nghiên cứu của AidData cho biết người ta không rõ quốc gia nào sẽ phải trợ vốn cho liên doanh trong trường hợp không trả được khoản vay. Nếu đường sắt “không tạo ra đủ lợi nhuận, bất cứ phần nào từ 0% đến 100% trong tổng số tiền nợ 88 nghìn tỷ đồng (3,54 tỷ USD) đều có thể chuyển thành khoản nợ mà chính phủ Lào có nghĩa vụ phải trả”, AidData cảnh báo.

Tình thế tuyệt vọng ở Sri Lanka

Trong năm 2022, Sri Lanka thiếu các nhu yếu phẩm như sữa bột và khí đốt nấu ăn. Một cuộc khủng hoảng nợ nần không ngừng leo thang, lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 5 khi đất nước này đối mặt với phá sản và chính thức mất khả năng trả nợ nước ngoài. Theo tạp chí tin tức trực tuyến The Diplomat, chỉ tính riêng năm 2022, các nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Sri Lanka đã lên tới 173 nghìn tỷ đồng (7 tỷ đô la Mỹ). Tổng nợ nước ngoài của nước này vượt quá 1 triệu 266 nghìn tỷ đồng (51 tỷ đô la Mỹ), trong đó 620 nghìn tỷ đồng (25 tỷ đô la Mỹ) đến hạn phải trả chậm nhất là năm 2026.

Việc người dân phải xếp hàng dài để mua thực phẩm và nhiên liệu đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần trên khắp Sri Lanka vào tháng 4 năm 2022, khiến Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức vào tháng 7. Ông này bị người dân quy trách nhiệm là đã làm nền kinh tế suy sụp.

Khoảng 70% Cảng Hambantota ở Sri Lanka đã được một đơn vị vận hành thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc thuê theo một hợp đồng 99 năm. AFP/GETTY IMAGES

Anh Naveendra Liyaanarachachi, 27 tuổi, một trong những người biểu tình, nói với báo The New York Times vào giữa tháng 5 năm 2022: “Không có giải pháp nào ngoài việc Tổng thống phải ra đi”.

Các nhà lập pháp Sri Lanka đã bầu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm tổng thống sau khi ông Rajapaksa bỏ trốn khỏi đất nước này.

Mặc dù tình trạng thiếu hụt tiền mặt của đất nước phụ thuộc vào du lịch này bị gây ra một phần do đại dịch COVID-19, nhưng việc chính phủ liên tục vay tiền đã dẫn đến một loạt các khoản nợ nước ngoài đến hạn phải trả mà không thể trả được. Theo The Diplomat đưa tin, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021, nền kinh tế của nước này đã sụt giảm 1,5% và lạm phát đã tăng vọt lên mức 12,1% vào tháng 12 năm 2021.

Tình trạng thiếu hụt tiền mặt của Sri Lanka đã góp phần gây ra một cuộc tuột dốc kinh tế, làm chậm quá trình nhập khẩu nhiên liệu. Mực nước giảm mạnh tại các đập thủy điện đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện và nhiên liệu. Vào tháng 1 năm 2022, các nhà lãnh đạo Sri Lanka đã yêu cầu các chủ nợ Trung Quốc giảm nợ khi nước này rơi vào nguy cơ vỡ nợ, theo tin bài của WION, một mạng lưới tin tức toàn cầu có trụ sở tại Ấn Độ. Theo WION đưa tin, ông Rajapaksa nói với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm vào tháng 1: “Đất nước chúng tôi sẽ đỡ lo lắng hơn nhiều nếu việc tái cơ cấu các khoản nợ được lưu ý đến như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế đã phát sinh trong đại dịch COVID-19”. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không đồng ý giảm nợ. “Sri Lanka chắc chắn sẽ vượt qua những khó khăn nhất thời ngay khi có thể”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phát biểu.

Kể từ năm 2007, Sri Lanka đã tích lũy khoản nợ trị giá 270 nghìn tỷ đồng (11,8 tỷ đô la Mỹ) qua các trái phiếu nước ngoài, chiếm 36,4% tổng số tiền nợ nước ngoài của nước này. Theo Reuters đưa tin, chủ nợ lớn thứ hai của nước này là Ngân hàng Phát triển Châu Á, với số tiền đã cho Sri Lanka vay là 114 nghìn tỷ đồng (4,6 tỷ đô la Mỹ). Các chủ nợ lớn tiếp theo là Nhật Bản và Trung Quốc, cả hai nước đều cho Sri Lanka vay khoảng 87 nghìn tỷ đồng (3,5 tỷ đô la Mỹ).

Mặc dù Trung Quốc không phải là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka, nhưng các dự án của nước này đã gây tranh cãi nhiều nhất. Một ví dụ được dư luận quan tâm là Cảng Hambantota. Cảng này đã mở cửa vào tháng 11 năm 2010 bằng tiền tài trợ của Trung Quốc và cuối cùng đã bị chuyển cho Trung Quốc kiểm soát. Vào năm 2017, Công ty TNHH China Merchants Port Holdings đã ký được một hợp đồng thuê để vận hành cảng này trong 99 năm và nắm 70% cổ phần của dự án trong một liên doanh với Cơ quan Quản lý Cảng Sri Lanka do nhà nước điều hành khi Sri Lanka không trả được nợ.

Tham nhũng, Biểu tình và vụ Bê bối

Trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới, các vụ bê bối vẫn tiếp tục lan tràn trong các dự án OBOR. Báo cáo đánh giá của AidData cho biết 35% các dự án OBOR gặp vấn đề trong khi triển khai, chẳng hạn như “những vụ bê bối tham nhũng, vi phạm lao động, những nguy hiểm về môi trường và những cuộc biểu tình của người dân”. Để so sánh, 21% danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ Trung Quốc bên ngoài OBOR gặp phải các vấn đề tương tự. “Các nhà hoạch định chính sách của quốc gia sở tại đang xếp xó các dự án BRI nổi bật vì tham nhũng và các mối lo ngại về giá quá cao cũng như những thay đổi quan trọng trong cảm quan của công chúng mà gây khó khăn cho việc duy trì mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc”, báo cáo nêu rõ, sử dụng một từ viết tắt khác cho chương trình OBOR.

Việc thi công Liên kết Đường sắt Bờ Đông của Malaysia đã bị trì hoãn do các tranh cãi về giá cả và vụ bê bối chính trị. AFP/GETTY IMAGES

Có lẽ không nơi nào xu hướng này rõ ràng hơn ở Malaysia, nơi hàng loạt dự án OBOR đã bị đình trệ bởi vụ bê bối. Ví dụ, Liên kết Đường sắt Bờ Đông là dự án OBOR được chú ý ở Malaysia. Tuyến đường sắt dài 640 kilomet đáng lẽ sẽ nối Cảng Klang ở bờ biển phía tây với Kota Bharu ở bờ biển phía đông. Theo The Diplomat đưa tin vào tháng 10 năm 2021, dự án này đã bị đình chỉ vào năm 2018 vì các cáo buộc tham nhũng và kể từ đó đã trải qua nhiều cuộc đàm phán lại và tái phân bổ.

Dự án này là tâm điểm của một vụ bê bối mà sau này đã khiến Thủ tướng Najib Razak bị mất chức vào tháng 5 năm 2018. Trong năm đó, ông Najib đã phải chịu một thất bại ê chề trong cuộc bầu cử trước ông Mahathir Mohamad, 92 tuổi, người đã lãnh đạo đất nước trong 22 năm, trước khi gián đoạn thời gian nghỉ hưu để phản đối ông Najib.

Khi thất bại của ông Najib trở nên chính thức, “có lẽ không ai thất vọng hơn các quan chức ở Bắc Kinh”, tạp chí Foreign Policy đưa tin vào tháng 1 năm 2019. Đó là bởi vì ông Najib đã cho phép Trung Quốc quyền tiếp cận vượt mức bình thường với vô số dự án trên khắp đất nước này. Ông Najib cuối cùng đã trở thành tâm điểm của một vụ bê bối liên quan đến một quỹ phát triển của nhà nước được gọi là 1Malaysia Development Berhad, viết tắt là 1MDB. Đối thủ của ông cáo buộc rằng “một phần trong số tiền Trung Quốc đổ vào Malaysia đã được sử dụng để bỏ lại vào các két bị rút ruột để đút lót của quỹ này,” theo tin từ Foreign Policy.

Vào tháng 1 năm 2019, tờ Wall Street Journal đã đưa ra bằng chứng. Biên bản từ một loạt các cuộc họp thể hiện rằng các quan chức Malaysia đã đề nghị với các đối tác Trung Quốc của họ rằng Trung Quốc nên tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng với chi phí khai khống lên để giúp trả các khoản nợ của 1MDB. “Nếu đúng, báo cáo này đưa ra bằng chứng cụ thể để chứng minh cho sự nghi ngờ của nhiều người rằng Trung Quốc lợi dụng các chế độ tham nhũng để tiến lên”, theo Foreign Policy đưa tin.

Ông Najib không thoát được vụ bê bối này. Vào tháng 12 năm 2021, một tòa án Malaysia đã xác nhận tuyên án ông ta với bản án 12 năm tù vì tội tham nhũng. Tòa án kết luận rằng Najib đã nhận khoảng 248 tỷ đồng (10 triệu đô la Mỹ) theo cách bất hợp pháp từ SRC International, một đơn vị cũ thuộc 1MDB giờ đã ngừng hoạt động.

Ông Ismail Sabri Yaakob lên nắm chức thủ tướng vào tháng 8 năm 2021 và đã thề sẽ duy trì hoạt động của liên kết đường sắt. Tuy nhiên, OBOR đã bị tổn hại danh tiếng. Bà Agatha Kratz, phó giám đốc tại công ty nghiên cứu và phân tích Rhodium Group, nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trong một podcast tháng 3 năm 2021 rằng đại dịch COVID-19 làm nổi bật một xu hướng đã có từ trước, trong đó các dự án của Trung Quốc đang bị trì hoãn do lo ngại về tính bền vững của khoản nợ. “Nó thực sự đã làm bùng lên toàn bộ câu chuyện về kiểu ngoại giao bẫy nợ” của OBOR, bà nói. “Bỗng nhiên, các phương tiện truyền thông quốc tế bắt đầu đưa tin về những thất bại đó và bạn biết đấy, người ta trở nên khá khó chịu với sáng kiến này.”  

Xin bình luận ở đây

Quyền riêng tư của Quý vị rất quan trọng đối với chúng tôi. Nếu Quý vị chọn chia sẻ địa chỉ email, nhân viên DIỄN ĐÀN sẽ chỉ sử dụng phương thức này để liên lạc với Quý vị. Chúng tôi sẽ không chia sẻ hoặc công khai địa chỉ email của Quý vị. Chỉ có tên và trang web của Quý vị sẽ hiển thị trong phần bình luận. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Những bài viết liên quan

Back to top button