Khi OBOR phải đối mặt với nhiều rào cản hơn, ông Tập có thể đang để mắt đến một thương hiệu khác
Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Gần một thập kỷ sau khi được công bố với nhiều sự phô trương rầm rộ, chương trình về cơ sở hạ tầng Một vành đai, Một con đường (One Belt, One Road – OBOR) của Bắc Kinh tiếp tục để lại những tranh cãi trong lộ trình của mình, khiến có nhiều người đồn đoán rằng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang thử một phương thức quảng bá nữa cho một chính sách đặc trưng đã gặp nhiều trắc trở của ông trong khi ông phải đối đầu với những thách thức chưa từng có ở trong nước.
Theo tin từ các cơ quan truyền thông do nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) kiểm soát, trong một cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation – APEC) vào giữa tháng 11 năm 2022, ông Tập đã kêu gọi xây dựng một “cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương với tương lai chung”. Ông nói rằng diễn đàn gồm 21 thành viên này phải “tăng cường sự phối hợp về các chính sách kinh tế vĩ mô, thiết lập các chuỗi cung ứng và công nghiệp trong khu vực được liên kết chặt chẽ hơn… và đều đặn thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế trong khu vực”, cùng với các biện pháp khác.
Tiến sĩ Marina Yue Zhang, một phó giáo sư tại Viện Quan hệ Úc – Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, đã viết trên tạp chí tin tức trực tuyến The Diplomat vào đầu tháng 12 năm 2022: “Trong tầm nhìn của ông Tập về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương với một tương lai chung, Trung Quốc là ‘trung tâm’, kết nối với từng quốc gia trong một mô hình trung tâm và nhánh của một mạng lưới chuỗi cung ứng được phân bổ”.
Một mô tả tương tự thường được áp dụng cho OBOR, chương trình mà bộ máy tuyên truyền chính thức của ĐCSTQ đã tìm cách thay đổi hình ảnh thành Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative – BRI) sau khi chương trình xuyên lục địa này đụng phải vô số vấn đề. Ngân hàng Thế giới và các cơ quan khác đề cập đến những rủi ro cho các quốc gia tham gia như vướng vào khoản nợ khổng lồ mà chủ nợ là các bên cho vay của Trung Quốc, chi phí tăng vượt mức, chất lượng thi công kém, tham nhũng, tổn hại đến môi trường và mất chủ quyền.
Các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bao gồm Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Maldives đã hủy bỏ, thu hẹp hoặc đàm phán lại các dự án OBOR vì những lo ngại như vậy. Vào đầu năm 2022, khi nền kinh tế của Sri Lanka đang tụt dốc hướng đến nguy cơ vỡ nợ, các nhà lãnh đạo của quốc gia này đã đề nghị các quan chức Trung Quốc tái cơ cấu các khoản trả nợ của Colombo. Các nhà phân tích đã chỉ ra câu chuyện đáng ngại của Cảng Hambantota trên Ấn Độ Dương, một dự án OBOR được xây dựng bằng nguồn kinh phí của Trung Quốc mà đã rơi vào quyền kiểm soát của một công ty nhà nước Trung Quốc khi Sri Lanka gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ.
Việc Bắc Kinh thay đổi hình ảnh của OBOR bằng một cái tên mới đã không xua tan được những nỗi sợ rằng chương trình này là một con ngựa thành Troy — một lời đề nghị về sự hỗ trợ phát triển mà chỉ đơn thuần là một cái cớ để mở rộng ảnh hưởng về mặt chính trị và quân sự của Trung Quốc, trong đó các cảng như Hambantota có khả năng cho phép các tàu hải quân Trung Quốc quyền ra vào mà không có sự giám sát của chính quyền địa phương. Theo tờ The Economic Times của Ấn Độ, vài ngày trước khi ông Tập phát biểu trước các nhà lãnh đạo APEC tại Bangkok, Thái Lan, các quan chức Trung Quốc đã tất bật để bác bỏ các báo cáo về những cuộc biểu tình lớn xoay quanh một dự án OBOR ở Tây Nam Pakistan.
Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (China-Pakistan Economic Corridor – CPEC), được khởi công vào năm 2015, đã được tán tụng là một mạng lưới đường bộ và đường sắt trị giá 1,4 triệu tỷ đồng (62 tỷ đô la Mỹ), dài 3.000 kilomet, bao gồm các khu công nghiệp và đường ống nối khu vực Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc với thị trấn đánh cá Gwadar của Pakistan, cho phép chính phủ Trung Quốc quyền tiếp cận với các tuyến đường thương mại quan trọng trên Biển Ả Rập.
Theo Tờ The Economic Times đưa tin vào tháng 11 năm 2022, việc Trung Quốc xây dựng một cảng nước sâu tại Gwadar đã khiến cộng đồng rơi vào hỗn loạn, với các cuộc biểu tình nổ ra trên diện rộng và những lời đe dọa về các nút chặn về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chính quyền địa phương, những hoạt động an ninh hà khắc hơn và tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc làm tiêu tan sinh kế trong các cộng đồng ngư dân. (Ảnh: Binh sĩ Hải quân Pakistan đứng bảo vệ trong khi một tàu chở hàng Trung Quốc chuẩn bị rời cảng ở Gwadar vào năm 2016.)
Sự bất mãn đã dâng trào.
“Cảng Gwadar từ lâu đã được mô tả là viên ngọc trong vương miện CPEC, nhưng trong quá trình này, chính thành phố đã trở thành hiện thân của một nhà nước trị an”, tờ báo Dawn của Pakistan nhận định trong một bài xã luận vào cuối năm 2021. “Không những cảng này không trở thành là một điềm báo của sự bùng nổ kinh tế, mà điều ngược lại đã xảy ra. Tình trạng thiếu thốn đã trở nên trầm trọng hơn; khả năng di chuyển của người dân bị hạn chế bởi các lực lượng an ninh và các hoạt động của họ bị tra hỏi dù không có cơ sở xác đáng. Nhiều người nói rằng cách họ bị đối xử làm họ cảm thấy như những người xa lạ trên chính quê hương của họ”.
Khi tình trạng bất ổn dân sự vẫn tiếp diễn ở Gwadar, các cuộc biểu tình chưa từng có đã nổ ra ở các thành phố và các trường đại học trên khắp Trung Quốc về những hạn chế hà khắc của chế độ này liên quan đến vi-rút corona. Các cuộc biểu tình này, trong đó có những lời kêu gọi ông Tập từ chức chỉ vài tuần sau khi ông được bầu cho nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba trong vai trò là lãnh đạo đảng, là những cuộc biểu tình lớn nhất ở Trung Quốc trong nhiều năm qua và dường như đã gây ảnh hưởng đến các quan chức khiến họ giảm bớt các lệnh phong tỏa và hoạt động xét nghiệm toàn dân.
Chiến thuật “không có ca nhiễm COVID” của Bắc Kinh cũng đã khiến nền kinh tế Trung Quốc bị chao đảo, vì các nhà máy và doanh nghiệp thường xuyên phải đóng cửa để làm giảm sự lây lan của vi-rút. Trong khi đó, các nền dân chủ trên toàn thế giới đang tách nền kinh tế và chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc, một phần do thái độ gây hấn ngày càng tăng của ĐCSTQ ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông, những vi phạm nhân quyền và lao động cưỡng bức ở Tân Cương, cũng như các phương pháp thương mại mang tính trừng phạt của Trung Quốc.
Hàng loạt những thách thức mà ông Tập phải đối mặt cũng đặt OBOR vào tình thế nguy hiểm, theo báo cáo “Thực hiện Vành đai và Con đường” (“Delivering the Belt and Road”) vào tháng 12 năm 2022 của AidData, một phòng nghiên cứu tại Trường Cao đẳng William & Mary ở Hoa Kỳ. “Nước này phải đối mặt với những trở ngại lớn: tăng trưởng kinh tế sụt giảm và hình ảnh tiêu cực trong mắt công chúng, với một loạt các quốc gia vay nợ đang căng thẳng vì nợ nần vì họ phải gắng gượng để trả nợ.”
Một lần tô điểm nữa không thể che giấu được những khiếm khuyết như vậy.
“Có một số lý do mà trong tương lai gần, ông Tập sẽ không thể thực hiện tầm nhìn của mình về việc xây dựng một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương, ít nhất là ở cấp độ quản trị”, bà Zhang viết trên The Diplomat. “Đầu tiên, hầu hết các nước láng giềng ở châu Á của Trung Quốc đã chấp nhận trật tự thế giới về tự do và dân chủ do Hoa Kỳ lãnh đạo. Một Trung Quốc đang trỗi dậy với một chế độ độc tài được nhìn nhận là một thách thức an ninh đối với các quốc gia đó.”
HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS