Các bài nổi bậtCác Đe dọa Bất đối xứngCác Vấn đề ChínhĐông Bắc ÁKhu vựcQuan hệ Đối tác

Khả năng Răn đe Tích hợp

Xem xét lại cách tiếp cận chiến lược để chống lại các hoạt động vùng xám của Trung Quốc

ĐẠI TÁ (ĐÃ NGHỈ HƯU) ARTHUR N. TULAK/QUÂN ĐỘI HOA KỲ

Trongnăm 2014, thế giới đã chứng kiến một loại hình chiến tranh dường như mới mẻ, được tiến hành dưới mức độ xung đột vũ trang, khi Nga sử dụng phương thức sau này được gọi là “chiến tranh hỗn hợp” để chiếm bán đảo Crimea từ Ukraina. Tuy nhiên, các phương pháp tương tự đã được sử dụng hai năm trước đó, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) dùng vũ lực để chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines và sau đó thực hiện một chiến dịch chinh phục lãnh thổ kéo dài nhiều năm bằng cách sử dụng đội tàu nạo vét trên biển lớn nhất thế giới để tạo ra các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cung cấp cho nước này “đất chủ quyền màu xanh nước biển” dưới hình thức là một chuỗi các căn cứ quân sự được xây dựng trên các vùng đất lấn biển. Sau khi đã giữ chặt những thắng lợi đó mà không vấp phải sự phản đối đáng kể nào, bộ máy cộng sản của Trung Quốc đã thể hiện họ chẳng còn mấy ngại ngần và sẵn sàng sử dụng vũ lực sát thương để buộc các nước láng giềng phải nhượng bộ chiến dịch mở rộng lãnh thổ của mình. Trung Quốc đã làm điều này thông qua việc dồn dập thực hiện các chiến dịch về chủ quyền lãnh thổ, các hoạt động cưỡng chế được thực hiện bởi lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng bán quân sự và quân sự, và việc sử dụng các yếu tố của các học thuyết và chiến lược “Chiến tranh Không Hạn chế” và “Ba Chiến tranh” của mình. Trong hai năm qua, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương, Trung Quốc đã tăng mức độ sử dụng vũ lực quân sự sát thương thực tế và hăm dọa dọc theo toàn bộ khu vực ngoại vi phía nam và phía đông của nước này, đáng kể nhất là để đối lại các quân đội của Ấn Độ, Nhật Bản và Đài Loan.

Trong năm 2014, Nga cũng sử dụng chiến tranh hỗn hợp để tách các quận phía đông ở các khu vực Luhansk và Donetsk của Ukraina, như một phần trong giai đoạn đầu tiên của cuộc Chiến tranh Nga-Ukraina. Gần đây hơn, Nga đã dành một năm để bố trí với sự đe dọa các lực lượng quân sự trên biên giới của nước này với Ukraina để ép Ukraina phải nhượng bộ trong quá trình nước này chuyển dịch sự liên kết sang phương Tây. Vị thế này hóa ra là một bước mở màn để bắt đầu một cuộc xâm lược quân sự theo cách thông thường vào quốc gia có chủ quyền vào cuối tháng 2 năm 2022. Đối với Trung Quốc và Nga, việc hai quốc gia này thể hiện họ sẵn sàng sử dụng vũ lực là một phần trong mục tiêu chung nhằm làm các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ phải nhụt chí. Thái độ gây hấn của họ có chủ đích khiến các đồng minh và đối tác mất niềm tin vào năng lực và ý chí quốc gia của Hoa Kỳ trong việc tuân thủ các hiệp ước và thỏa thuận quốc phòng tương hỗ. Những lời đe dọa về việc dùng vũ lực như vậy cũng nhằm mục đích khiến Hoa Kỳ và các quốc gia khác phải miễn cưỡng chấp nhận thái độ khiêu khích và hành động cưỡng ép của Trung Quốc.

Mục tiêu sau cùng của chiến dịch chinh phục lãnh thổ của Trung Quốc bao gồm hòn đảo Đài Loan tự trị, còn mục tiêu của Nga bắt đầu từ Ukraina và có thể bao gồm các quốc gia khác mà trước đây là một phần của Liên Xô hoặc các quốc gia phụ thuộc vào Nga theo Hiệp ước Warsaw. Thông qua những hành vi ngày càng hung hăng này, cả hai quốc gia đều muốn đạt được khả năng răn đe và ép buộc để bảo vệ phần lãnh thổ họ giành được và tạo cơ hội để tiếp tục tấn công trong môi trường hoạt động và thông tin.

Sau gần một thập kỷ Trung Quốc và Nga thành công trong việc sử dụng quân đội, lực lượng bán quân sự, lực lượng thực thi pháp luật và các phương thức thương mại nhưng không đến mức xung đột vũ trang — đây được gọi là chiến thuật vùng xám — cũng như dùng quân đội để ép buộc các nước láng giềng, đã đến lúc ta cần suy nghĩ lại về cách tiếp cận chiến lược đối với những thách thức như vậy và làm sao để ngăn chặn chúng một cách hiệu quả hơn. Phương thức răn đe thông thường đã từ từ lấy lại vị thế quan trọng mà nó nắm giữ trong quân đội, chính phủ và giới hàn lâm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Trong hai năm qua, thế giới đã trực tiếp chứng kiến sự phức tạp của hoạt động ngăn chặn bị ngăn trở. Nguyên nhân đến từ việc lợi dụng vùng xám của các cường quốc đối thủ mà có thể khiến người ta nghi ngờ về mức độ hiệu quả của năng lực ngăn chặn thông thường của Hoa Kỳ. Các bên đối lập đang sử dụng những hành động dưới ngưỡng xung đột để đạt được các mục tiêu chiến lược và có khả năng thực hiện những hành động gây hấn và củng cố những thắng lợi họ giành được trước khi Hoa Kỳ và các đồng minh kịp phản ứng.

Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc bắn vòi rồng khi chạm trán với ngư dân Philippines gần Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cưỡng chiếm bãi đá này từ Philippines. THE ASSOCIATED PRESS

Đối với một số nhà quan sát, sự ngăn chặn đã bị suy yếu bởi tình trạng suy giảm thực sự hoặc theo cảm quan về sức mạnh kinh tế, năng lực quân sự và ý chí quốc gia của Hoa Kỳ. Như các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Inhofe và Jack Reed đã cảnh báo trong một bài bình luận vào tháng 5 năm 2020 cho trang web War on the Rocks: “Hiện nay, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nền tảng của năng lực răn đe đang sụp đổ khi một Trung Quốc ngày càng hung hăng tiếp tục quá trình hiện đại hóa toàn diện cho quân đội của mình”. Bà Michele Flournoy, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách về chính sách, đã đồng tình với những lo ngại đó một tháng sau, khi bà viết trên tạp chí Foreign Affairs rằng vì “sự pha trộn nguy hiểm có một không hai giữa sự quyết đoán và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và khả năng răn đe đang suy thoái của Hoa Kỳ”, nên nguy cơ xảy ra chiến tranh “cao hơn so với nhiều thập kỷ qua”.

GỬI ĐI THÔNG ĐIỆP THÔNG QUA HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN

Trung Quốc và Nga đang đạt được những mục tiêu quân sự truyền thống trong thời bình thông qua chiến tranh vùng xám. Đó là một cuộc tranh giành giống như Chiến tranh Lạnh mà có thể, và thực sự đã bao gồm việc sử dụng lực lượng quân sự. Cả hai chế độ độc tài đã thể hiện rằng họ sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để hậu thuẫn cho các hành động vùng xám và để ép buộc các bên khác. Cách tiếp cận này có thể được mô tả là gửi đi thông điệp thông qua hành động gây hấn — một phong cách thô bạo có đặc điểm là sự hiếu chiến và kiêu ngạo nhằm mục đích khiến mục tiêu họ nhắm đến phải tự ngăn cản và tự kiểm duyệt hành vi của họ vì sợ sẽ có thêm bạo lực và sự cưỡng ép. Trung Quốc và Nga tìm cách thể hiện sự vượt trội về ý chí trong việc họ sẵn sàng sử dụng vũ lực để gây ảnh hưởng đến các đối thủ và các bên có liên quan nhằm buộc các bên đó phải chấp nhận các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ của họ và tránh đối đầu.

Các phương thức để cưỡng chế có thể bao gồm hoạt động tình báo bí mật, hoạt động mạng, các biện pháp trừng phạt kinh tế, can thiệp vào cuộc bầu cử, sử dụng lực lượng dân quân hàng hải, viện trợ quân sự cho những phe đối lập, tuyên truyền, các biện pháp chính trị nhằm trừng phạt, khai thác tài nguyên, hỗ trợ cho các đảng phái chính trị đối lập trong nước, và hạn chế thương mại, cấm (cấm vận) hoặc thao túng, cùng với các hình thức khác.

Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army – PLA) liên tục tiến hành những cuộc xâm nhập cưỡng ép tiến vào không phận, đất liền và hải phận của các nước láng giềng của Trung Quốc để làm hao mòn các đối thủ và tạo ra các “mức độ bình thường mới” cho những hành động khiêu khích như vậy, đồng thời cũng cải thiện các điều kiện để đạt được sự bất ngờ cho quân đội và các điểm phóng gần hơn cho các động thái hung hăng hơn.

Trong trường hợp của Đài Loan, các cuộc xâm nhập của PLA được thiết kế để ngăn chặn việc chính phủ chính thức tuyên bố nền độc lập của hòn đảo này, đồng thời làm quân đội và người dân Đài Loan bị chai lỳ và hao hụt nhuệ khí đồng thời gây ra sự mệt mỏi và căng thẳng trong đội ngũ binh sĩ và hệ thống chiến đấu của họ. Việc Trung Quốc phô bày sức mạnh quân sự là để nhằm làm giảm ý chí của các quốc gia mục tiêu trong việc tham gia vào các hành động chính trị tương tự, hạn chế. Những sự thể hiện như vậy nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi, nghi ngờ và lo lắng để làm suy yếu quyết tâm của Đài Loan. Trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, tần suất các vụ xâm nhập của PLA vào khu vực nhận dạng phòng không của Đài Loan và số lượng máy bay trong mỗi nhiệm vụ đã tăng đáng kể, với các vụ xâm nhập diễn ra gần như mỗi ngày trong năm 2021.

Những chiến thắng vùng xám của các bên đối lập bào mòn năng lực ngăn chặn và làm họ ngày càng tự tin hơn rằng họ có thể đạt được lợi thế thậm chí còn lớn hơn trong chiến tranh thông thường khi cấu trúc ngăn chặn của Hoa Kỳ được xem là mỏng manh và thiếu hiệu quả. Những phản ứng không thuyết phục trước động thái khiêu khích vùng xám tạo điều kiện cho những hành động hung hăng tiếp tục lặp lại sau này, như ông Elliott Abrams, một cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ kiêm phó cố vấn an ninh quốc gia, đã viết trong một bài báo vào tháng 3 năm 2022 cho tạp chí National Review có tựa đề “Chiến tranh Lạnh Mới” (“The New Cold War”). 

Một máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Đài Loan theo dõi một máy bay ném bom Trung Quốc khi máy bay này bay gần Đài Loan. THE ASSOCIATED PRESS

Ngoài ra, như các nhà phân tích quân sự và chính sách David Santoro và Brad Glosserman đã ghi nhận, khi các hoạt động vùng xám tiếp tục gia tăng và vẫn không bị thách thức, chúng có thể khiến các đồng minh của Hoa Kỳ thoái chí và góp phần tạo ra một quan điểm rằng năng lực ngăn chặn đang hao hụt. Điều này đặc biệt đúng khi các hoạt động gây tử vong hoặc đe dọa đến tính mạng, chẳng hạn như cuộc đấu tay đôi do lính PLA khơi mào dọc biên giới Trung Quốc – Ấn Độ vào năm 2020 mà đã khiến 63 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương, và vụ một tàu cá Trung Quốc đâm rồi đánh chìm tàu cá Philippines năm 2019 — tàu Trung Quốc bị nghi ngờ là thuộc lực lượng dân quân hàng hải PLA — tàu này đã bỏ mặc thủy thủ đoàn Philippines gồm 22 người dưới biển trước khi họ được một tàu cá Việt Nam cứu sống.

Vậy thì, làm thế nào có thể ngăn chặn các hoạt động vùng xám và sự cưỡng ép của các đối thủ?

“Các chiến lược gia về dân sự và quân sự Hoa Kỳ thường nghĩ về năng lực ngăn chặn dưới hai hình thức: ngăn chặn chiến tranh thông thường hoặc chiến tranh hạt nhân”, Trung tướng Quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu James Dubik đã viết trong một bài báo vào tháng 1 năm 2022 cho Hiệp hội Quân đội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có một hình thức ngăn chặn thứ ba, ông Dubik trình bày, đó là “ngăn chặn các đối thủ của chúng ta đạt được các mục tiêu chiến lược của họ dưới ngưỡng của chiến tranh thông thường”.

Một báo cáo vào năm 2019, “Xem xét lại Năng lực Ngăn chặn trong Kỷ nguyên của sự Cạnh tranh Chiến lược” (“Revisiting Deterrence in an Era of Strategic Competition”), đã nhìn nhận sự cần thiết phải tích hợp hình thức ngăn chặn thứ ba này. Santoro, Brendan Thomas-Noone và Ashley Townshend đã viết báo cáo cho Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ ở Sydney, Úc. Các tác giả lập luận rằng bản chất của sự cạnh tranh chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “đòi hỏi Hoa Kỳ, Úc và các đồng minh và đối tác của họ phải có một cách tiếp cận được đổi mới đối với hoạt động ngăn chặn”. Cụ thể, họ đã kêu gọi một chiến lược chủ động hơn để ngăn chặn sự cưỡng ép vùng xám mà sẽ “kháng cự, bác bỏ hoặc trừng phạt sự cưỡng ép theo phương cách tích hợp”.

MỘT CÁCH TIẾP CẬN SÁNG TỎ 

VỀ NGĂN CHẶN
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ được chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công bố vào tháng 2 năm 2022, diễn giải cụ thể khái niệm ngăn chặn tích hợp được Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin công bố vào năm 2021. Chiến lược này bao gồm khái niệm ngăn chặn các hành động vùng xám và sự cưỡng ép, giúp vấn đề được chú ý hơn so với phiên bản của chiến lược trong năm 2019. Chiến lược năm 2019 thừa nhận rằng các hoạt động vùng xám của Trung Quốc đang thay đổi dần dần vị thế an ninh nhưng không đặt ra vấn đề là cần phải ngăn chặn chúng. Chiến lược nhấn mạnh rằng các đồng minh và đối tác là những yếu tố nâng cao sức mạnh lực lượng nhìn từ những góc độ của sự ngăn chặn và chiến đấu. Hiệu ứng khuếch đại này xuất phát từ khả năng hoạt động liền mạch của các đồng minh và đối tác cùng với các lực lượng liên quân Hoa Kỳ, kết quả của những nỗ lực và khoản đầu tư nhằm thiết lập và duy trì khả năng tương tác trong các chiến thuật, thông tin liên lạc và hệ thống vũ khí.

Ông Austin đã đề cập đến tầm quan trọng của các đồng minh và đối tác trong chiến lược mới, giải thích rằng “sự ngăn chặn tích hợp cũng có nghĩa là làm việc với các đối tác để ngăn chặn hành động cưỡng ép và gây hấn trong xung đột ở các mức độ, bao gồm cả cái gọi là vùng xám”. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương năm 2022 của Hoa Kỳ kêu gọi phát triển “các sáng kiến để tăng cường khả năng ngăn chặn và đáp lại hành vi cưỡng ép, chẳng hạn như phản đối những cố gắng nhằm thay đổi ranh giới lãnh thổ hoặc làm suy yếu quyền của các quốc gia có chủ quyền trên biển”. Chiến lược này cũng bao gồm một kế hoạch hành động mà sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2024, khiến người ta cảm thấy nhiệm vụ này rất cấp bách và khẩn trương.

Một máy bay ném bom B-2 Spirit của Không quân Hoa Kỳ bay trong đội hình với các máy bay chiến đấu của Không quân Hoàng gia Úc và Không quân Hoa Kỳ trong một nhiệm vụ huấn luyện song phương vào tháng 3 năm 2022 để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở. TRUNG SỸ KỸ THUẬT HAILEY HAUX/KHÔNG QUÂN HOA KỲ

Một động lực chính cho việc ngăn chặn tích hợp là sự cần thiết của việc phải kiểm soát nguy cơ của những ảnh hưởng và kết quả bất ngờ đến từ các hoạt động ngăn chặn mà không được tích hợp trọn vẹn trong khắp chính phủ Hoa Kỳ cùng với các đồng minh và đối tác. “Những nỗ lực ngăn chặn của Hoa Kỳ tập trung vào một đối thủ tiềm năng có thể có những tác động nối tiếp thứ hai và thứ ba không mong muốn và không lường trước được đối với các nỗ lực của chúng tôi nhằm trấn an, đẩy lùi và ngăn chặn mà tập trung vào các bên khác,” Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trình bày trong “Hoạt động Ngăn chặn”: Khái niệm Hoạt động Chung” (“Deterrence Operations: Joint Operating Concept) năm 2006. Các bộ tư lệnh chiến đấu được phân chia theo khu vực địa lý của quân đội Hoa Kỳ phải đảm bảo rằng họ tích hợp sự ngăn chặn với nhau, cũng như với các đồng minh và đối tác trong các lĩnh vực trách nhiệm tương ứng của họ. Ví dụ, Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (USINDOPACOM) có chung một mối đe dọa ở Nga, tất nhiên, đây là trọng tâm cốt lõi của Bộ Tư lệnh Châu Âu của Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Chiến lược của Hoa Kỳ. Trong khi đó, sự hiện diện ngày càng mở rộng trên toàn cầu của Trung Quốc đòi hỏi tất cả các bộ tư lệnh chiến đấu phải góp sức vào nỗ lực ngăn chặn tích hợp dưới sự lãnh đạo của USINDOPACOM.

Thực hiện các biện pháp ngăn chặn tích hợp với trọng tâm là các hành động và sự ép buộc vùng xám đòi hỏi phải phát triển các khái niệm và mục tiêu rõ ràng ở cấp khu vực nhằm vào những hành vi của Trung Quốc và Nga. Khái niệm Hoạt động Chung năm 2006 của Hoa Kỳ đã cung cấp hướng dẫn và khuôn khổ cho việc phát triển các mục tiêu ngăn chặn và các hoạt động ngăn chặn hiệu quả. Cụ thể, tài liệu này đề cập đến mối đe dọa của các hoạt động vùng xám, giải thích rằng các cấu trúc ngăn chặn phải có tính linh hoạt để đóng vai trò là một hàng rào “chống lại khả năng một đối thủ có thể nhận thức không đúng đắn rằng hành động của họ là ‘dưới tầm ngắm’ của quyết tâm và phản ứng từ phía Hoa Kỳ”.

Việc thay đổi những nhận thức này đòi hỏi thông điệp và các hoạt động phải rõ ràng để chống lại và bào mòn các hành động vùng xám. Về việc thực hiện khái niệm ngăn chặn, Tiến sĩ Mara Karlin, thứ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách về chiến lược, kế hoạch và năng lực, đã lập luận rằng các hoạt động ngăn chặn “phải thường xuyên, vì vậy Lầu Năm Góc cần thường xuyên đánh giá tác động của các quyết định cơ quan này đưa ra liên quan đến ngăn chặn”. Thứ hai, họ phải “thật nghiêm ngặt để đảm bảo tất cả các bên liên quan tôn trọng những phát hiện của họ, ngay cả khi họ không đồng ý với những phát hiện đó. Và cuối cùng, [họ] phải nhìn nhận một cách rõ ràng.” Như Chuẩn đô đốc Sam Paparo, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã nhận xét tại Hội nghị chuyên đề về Liên đoàn Hải quân, Biển, Không quân và Không gian vũ trụ vào tháng 4 năm 2022, việc truyền đạt một cách hiệu quả thông điệp ngăn chặn của Hoa Kỳ là hoạt động mà “bao gồm tất cả” nỗ lực ngăn chặn trong việc thay đổi nhận thức của đối phương về ý chí và năng lực của quốc gia, liên minh và khối liên kết.

Khái niệm Hoạt động Chung củng cố điều này, giải thích rằng sự ngăn chặn phải được kết hợp vào các hoạt động hàng ngày, có nghĩa là nó phải được phản ánh trong kế hoạch và lệnh của chiến dịch, kế hoạch ứng phó khủng hoảng và tất cả các giai đoạn trong khâu lập kế hoạch cho xung đột. Tài liệu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rõ rằng các hoạt động chiến dịch trong thời bình nên là những nền tảng cho các hoạt động ngăn chặn, và rằng các hoạt động ngăn chặn trong thời bình phải có thể “kéo dài trong suốt thời gian diễn ra khủng hoảng, xung đột vũ trang, leo thang/giảm leo thang, chấm dứt chiến tranh và các hoạt động hậu chiến tranh”.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken thảo luận về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Hoa Kỳ trong một bài phát biểu ở Jakarta, Indonesia. THE ASSOCIATED PRESS

Việc tích hợp với các yếu tố khác của sức mạnh quốc gia và với các đồng minh là cần thiết để tạo ra nhiều thách thức cùng một lúc cho các đối thủ. Nếu các thành phần sức mạnh của quân đội không rõ ràng là một phần trong năng lực ngăn chặn tích hợp rộng hơn, Đại tá Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Thomas A. Drohan đã viết, thì “các hoạt động như biểu dương lực lượng, hoạt động đi lại trên biển và các cuộc tập trận đa phương, cũng như quan hệ quân sự với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, khó có thể thay đổi hành vi của Trung Quốc”. Tương tự như vậy, các hoạt động ngăn chặn được xây dựng trên các phương thức phi quân sự mà không được củng cố bởi một yếu tố rõ ràng, có thể nhận thức được và có liên quan của sức mạnh quân sự thì sẽ dễ bị thất bại. Ví dụ, việc chống lại chiến tranh pháp lý của Trung Quốc, hay còn gọi là chiến tranh luật pháp, bằng cách viện dẫn các quy tắc và luật pháp quốc tế đã không ngăn cản được công cuộc mở rộng lãnh thổ của nước này, bà Aurelia George Mulgan, một chuyên gia về chính trị Nhật Bản và các vấn đề an ninh Đông Bắc Á tại Đại học New South Wales của Úc, đã nhận định trong một bài viết cho tạp chí The Diplomat.

Tương tự như vậy, việc chống lại những hoạt động vùng xám như đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc — nhóm vi phạm nhiều nhất thế giới, theo Sáng kiến Toàn cầu về Chống Tội phạm Có Tổ chức Xuyên Quốc gia (Global Initiative against Transnational Organized Crime), một tổ chức có trụ sở ở Geneva — đòi hỏi các phương pháp tiếp cận tích hợp. Để chống lại hình thức chiến tranh kinh tế này, Hoa Kỳ sử dụng cách phân nhóm lực lượng thích ứng mà kết hợp sức mạnh quân sự của Hải quân Hoa Kỳ với thẩm quyền thực thi pháp luật của Cảnh sát Biển Hoa Kỳ, thể hiện được hoạt động và năng lực ngăn chặn dễ thấy.

Yếu tố quân sự của sức mạnh là điều cần thiết cho bất kỳ chiến lược ngăn chặn nào. Lầu Năm Góc xác định Trung Quốc là “thách thức số 1 được đặt ra” cho Hoa Kỳ và vào năm 2020, đã công bố Sáng kiến Ngăn chặn ở Thái Bình Dương để xác định và triển khai vị thế của lực lượng và những năng lực cần thiết cho việc ngăn chặn trong khu vực. Các đối thủ sẽ đánh giá mức độ hiệu quả của những thay đổi trong vị thế của lực lượng và những biện pháp để cải thiện năng lực, nhưng thành phần quân sự trong hoạt động ngăn chặn phải được thể hiện rõ ràng. Điều này có thể được thể hiện dưới hình thức các lực lượng thực địa; các cuộc tập trận song phương và đa phương (và người tham dự tăng khả năng tương tác); những cuộc phô diễn năng lực liên quan trong các thử nghiệm và hoạt động diễn tập; và khoản đầu tư tài chính vào những năng lực chiến đấu then chốt. Điều cuối cùng trong số này được thể hiện rõ ràng trong việc chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho các ưu tiên của Sáng kiến Ngăn chặn ở Thái Bình Dương để củng cố vị thế của lực lượng, huấn luyện đa miền, thử nghiệm và phòng thủ tên lửa trong khu vực.

MỘT KHUÔN KHỔ CHO QUAN HỆ ĐỐI TÁC

Việc hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng đóng vai trò then chốt đối với an ninh của quốc gia, của khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2019 nhấn mạnh sự cần thiết của việc tích hợp những đóng góp của các đồng minh và đối tác vào an ninh tập thể. Thông qua chiến lược đó, Hoa Kỳ đã cam kết sẽ củng cố các liên minh và quan hệ đối tác đã được thiết lập trong khi tìm cách phát triển các khuôn khổ hợp tác cùng có lợi để tăng cường an ninh tập thể. Trong báo cáo năm đó cho Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, các tác giả Santoro, Thomas-Noone và Townshend đã trình bày rằng những nỗ lực và hoạt động răn đe, nếu được phối hợp và tích hợp với các đồng minh và đối tác, thì có thể “phân tán chi phí của các hành động của Trung Quốc và nhân lên tác động của các chiến lược răn đe của từng quốc gia”.

Một đơn vị của Lực lượng Vũ trang Đài Loan tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật để ngăn chặn một lực lượng đổ bộ ven biển trong cuộc tập trận Hán Quang vào tháng 9 năm 2021. Cuộc tập trận kéo dài năm ngày này giúp quân đội chuẩn bị cho khả năng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa xâm lược hòn đảo tự quản này. THE ASSOCIATED PRESS

Vào năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ lúc đó là ông Mark Esper đã nâng cao công tác lập kế hoạch và giám sát các nỗ lực để phát triển các liên minh và quan hệ đối tác thông qua việc xuất bản Hướng dẫn về Phát triển các Liên minh và Quan hệ đối tác. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, hướng dẫn này cung cấp “định hướng nền tảng và các ưu tiên để đạt được một cách tiếp cận chiến lược có sự phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng ta”. Mục đích của hướng dẫn là để đảm bảo rằng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ duy trì được lợi thế chiến lược dài hạn thông qua những nỗ lực phối hợp, cạnh tranh hơn, tận dụng các điểm mạnh vốn có trong các mối quan hệ của bộ. Các ưu tiên trong hướng dẫn bao gồm một phương pháp lập kế hoạch lực lượng có sự phối hợp lớn hơn “để giúp điều phối sự phát triển lực lượng của các quân đội đồng minh và đối tác để có những lực lượng tinh nhuệ hơn trong tương lai”.

Khuôn khổ Chiến lược của Hoa Kỳ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được phát triển vào năm 2018 bởi Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và được giải mật vào năm 2021 (một phần, để truyền đạt rõ ràng ý định của Hoa Kỳ và ngăn chặn Trung Quốc xâm lược Đài Loan), ghi nhận rằng các liên minh mạnh mẽ là điều cần thiết để răn đe những hành động khiêu khích và ngăn chặn chiến tranh mở. Tài liệu này cũng đề cập đến mối đe dọa đến từ những hành động cưỡng ép và ảnh hưởng xấu bằng cách đề nghị hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong việc chống lại các hoạt động tình báo, gián điệp, hoạt động bất chính và gây ảnh hưởng của Trung Quốc nhằm vào lãnh thổ chủ quyền của những quốc gia đó. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2022 của Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên tài liệu này và các khuôn khổ và hướng dẫn khác đã có từ trước để dựa vào năng lực tập thể của các đồng minh và đối tác cho khả năng răn đe.

Khả năng răn đe tổng hợp đòi hỏi sự đầu tư vào việc xây dựng năng lực tập thể của từng quốc gia, với các nguồn lực mà có thể hỗ trợ một liên minh. Việc chống lại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nước này đòi hỏi “phải huy động sự kháng cự đa phương lớn hơn trước sức mạnh của Trung Quốc, kể cả khi điều đó dẫn đến hệ quả là một châu Á căng thẳng hơn, bị quân sự hóa nhiều hơn”, ông Hal Brands, một giáo sư về các vấn đề toàn cầu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins đồng thời là cựu trợ lý đặc biệt cho bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ về lập kế hoạch chiến lược, đã viết trong National Review vào tháng 3 năm 2022. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2022 của Hoa Kỳ đã mở rộng phạm vi của các đồng minh và đối tác có liên quan và ghi nhận những kỳ vọng đã tăng lên đối với “các đối tác châu Âu ngay cả trong những lĩnh vực có nguy cơ cao nhất là sẽ xảy ra bất đồng với Trung Quốc, chẳng hạn như tương lai của Đài Loan”, ông Vikram J. Singh, một cố vấn cấp cao của Chương trình Châu Á thuộc Viện Hòa bình Hoa Kỳ, đã nhận định trong một bài xã luận vào tháng 3 năm 2022 cho trang web của viện. Nếu các nỗ lực răn đe được tích hợp đầy đủ, các đồng minh và đối tác phải đóng vai trò quyết liệt hơn, và Hoa Kỳ phải sẵn sàng tạo điều kiện cho các nỗ lực đó.

Khả năng tương tác cũng là một thành phần quan trọng trong năng lực tập thể và do đó, trực tiếp hỗ trợ khả năng răn đe. “Trên khắp khu vực, Hoa Kỳ sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để nâng cao khả năng tương tác, phát triển và triển khai những năng lực chiến đấu tiên tiến trong khi chúng tôi hỗ trợ họ trong việc bảo vệ công dân và lợi ích chủ quyền của họ,” Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2022 của Hoa Kỳ trình bày. Như đã trình bày từ trước, các đồng minh và đối tác là những yếu tố giúp nhân sức mạnh của lực lượng lên nhiều lần. “Bản chất của tác động răn đe đến từ sự hợp tác và tích hợp như vậy là cả chính trị và quân sự,” Khái niệm Hoạt động Chung của Lầu Năm Góc giải thích, trong đó các tác động chính trị “chủ yếu bắt nguồn từ những ảnh hưởng mà các phản ứng dựa trên liên minh có đối với nhận thức của những người ra quyết định đối địch về ý chí chính trị của Hoa Kỳ và đồng minh”.

Việc lập kế hoạch dự phòng tích hợp giữa các đồng minh quan trọng là một trong những cách tiếp cận được khuyến nghị để thể hiện sự phản đối chung với khả năng Trung Quốc xâm lược vào Đài Loan. Các nỗ lực răn đe chống lại sự cưỡng ép và các hành động vùng xám của Trung Quốc phải được cân bằng cùng với hoạt động răn đe thông thường để chống lại các mối đe dọa khác, bao gồm cả việc Trung Quốc tấn công trở lại vào các lực lượng Ấn Độ dọc theo biên giới Himalaya đang tranh chấp giữa hai quốc gia. Khu vực này được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế. Khi khả năng tương tác của đồng minh và đối tác được cải thiện, ĐCSTQ sẽ phải cân nhắc đến yếu tố này khi đưa ra quyết định có chủ động khơi mào một cuộc chiến hay không.

THAY ĐỔI VIỆC RA QUYẾT ĐỊNH
Tầm quan trọng của việc đưa ra quyết định đúng đắn được ghi nhận trong một quan sát năm 2018 của chuyên gia phân tích Mike Mazarr thuộc Rand Corp. Những thất bại trong răn đe thì dễ phát hiện hơn là thành công trong răn đe, vì chiến tranh không xảy ra không hẳn có nghĩa là năng lực răn đe đang có hiệu quả. Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra, việc phân tích xem một chiến lược răn đe đã đi sai hướng ở chỗ nào là việc làm hợp lý. Quãng thời gian “nằm im” kéo dài cả năm trong khi Nga cố tình triển khai lực lượng dọc theo biên giới của Ukraina đã cho người ta rất nhiều thời gian để tiến hành các hoạt động răn đe hiệu quả và những nỗ lực để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Nga, tuy vậy Nga vẫn không hề chùn bước. Trong lời khai trước Ủy ban Lực lượng Vũ trang Hạ viện Hoa Kỳ, Tướng Tod Wolters, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Châu Âu của Hoa Kỳ, đã thừa nhận rằng chiến lược mà Hoa Kỳ sử dụng nhằm ngăn chặn Nga xâm lược Ukraina đã thất bại. Dân biểu Hoa Kỳ Mike Gallagher đã đưa ra những lập điểm tương tự trước ủy ban này và trong một bài bình luận trên tờ The Wall Street Journal.

Cùng với các hoạt động ngăn chặn có nền tảng vững chắc là những năng lực và ý chí quân sự sắt đá, Hoa Kỳ cũng phải trấn an các đồng minh và đối tác rằng Hoa Kỳ hậu thuẫn họ để giúp giữ vững nền an ninh của họ. Nếu Hoa Kỳ không làm gì để phản bác những hành động vùng xám và sự ép buộc của đối phương, các đồng minh và đối tác có thể mất lòng tin và bắt đầu đi nước đôi, thay vì đứng vững trước mối đe dọa quân sự. Ví dụ như, Philippines đã mất quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough vào tháng 6 năm 2012 sau một cuộc đàm phán với Hoa Kỳ trong đó cả hai bên đều phải rút lui nhưng chỉ có Manila thực hiện việc này, khiến Trung Quốc nắm được lãnh thổ Philippines. Cuộc đối đầu đã bắt đầu hai tháng trước đó và dẫn đến các cuộc tham vấn giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Philippines ở Washington, D.C., nhưng Hoa Kỳ không rõ ràng về việc liệu Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Hoa Kỳ-Philippines có bao gồm các đảo do Philippines kiểm soát ở Biển Đông hay không, điều này đã góp phần gây ra sự mập mờ về việc liệu Hoa Kỳ có can thiệp trực tiếp nếu cần thiết hay không. Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, Philippines đã kỳ vọng về sự hỗ trợ lớn hơn và đã tìm cách để tối đa hóa sự tham gia của Hoa Kỳ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn này sau khi cử lực lượng lớn hơn để đánh bật các tàu của Philippines. Vào năm 2014, Bộ Quốc phòng Trung Quốc công khai tuyên bố rằng bãi cạn này là một phần của “lãnh thổ tự nhiên của Trung Quốc”. Những thất bại như vậy trong việc giữ vững cam kết làm mất uy tín của những nỗ lực răn đe trong tương lai.

Thừa nhận rằng các đồng minh và đối tác sẽ rút ra kết luận về độ tin cậy của Washington với tư cách là một đối tác an ninh từ kinh nghiệm của những quốc gia khác, chính quyền của Tổng thống Biden đã và đang trấn an họ về cam kết của Hoa Kỳ. Ví dụ như vào tháng 8 năm 2022, Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken đã hứa hẹn với Manila rằng Hoa Kỳ sẽ trợ lực để bảo vệ nếu Philippines bị tấn công ở Biển Đông, theo tin từ Reuters. Ông Blinken đã nói rằng không gì lay chuyển nổi Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ giữa hai quốc gia. Ông Blinken cho biết: “Một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Lực lượng Vũ trang Philippines, các tàu và máy bay công cộng sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ tương hỗ của Hoa Kỳ theo hiệp ước đó”. “Philippines là một quốc gia hòa hữu, đối tác và đồng minh không thể thay thế của Hoa Kỳ”.

Để sự răn đe tích hợp có thể thắng thế, phải có một chiến dịch kéo dài nhiều năm được phối hợp với các đồng minh và đối tác và được các bên đánh giá và tinh chỉnh để những tính toán và quá trình ra quyết định của Trung Quốc liên quan đến những hành động gây hấn ngày càng trở nên phức tạp hơn. Các đối thủ cần thấy được một năng lực hiệu quả ở vị thế mà nó có thể khiến họ phải chịu phí tổn, được vận hành bởi các lực lượng có năng lực và được đào tạo, cũng như được hậu thuẫn bởi một ý chí và cam kết ở cấp quốc gia được thể hiện rõ ràng. Như Tướng Quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Jack Keane đã nhận xét trong một chương trình phát sóng vào tháng 3 năm 2022 trên Fox Business: “Chúng ta thực sự phải thiết lập một năng lực ngăn chặn quân sự hiệu quả. Có một sức mạnh quân sự hùng hồn trên giấy và không triển khai quân đội đến nơi có mối đe dọa thì không đủ.”

“Răn đe không phải là hoạt động được ‘thực hiện’ trong một khoảng không,” Khái niệm Hoạt động Chung năm 2006 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã giải thích. Tài liệu này đòi hỏi một chiến lược được hỗ trợ bởi các khái niệm hoạt động răn đe và các mục tiêu răn đe rõ ràng. Ông Paparo đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu vào tháng 4 năm 2022 của mình, ghi nhận rằng “sự ngăn chặn [tự thân nó] không phải là một hoạt động, mà nó là một kết quả” và một sự cần thiết để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở.  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button