Kéo Rèm
Một Phân Tích Hé Lộ Thông Tin Về Lực Lượng Dân Quân Hàng Hải Trung Quốc

Gregory B. Poling, Tabitha Grace Mallory, Harrison Prétat và Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Nâng cao
Kể từ khi hoàn thành việc xây dựng các tiền đồn nhân tạo ở quần đảo Trường Sa vào năm 2016, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đã chuyển trọng tâm sang khẳng định quyền kiểm soát đối với hoạt động thời bình trên khắp Biển Đông. Một thành phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi này là sự mở rộng của lực lượng dân quân hàng hải của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — một nhóm các tàu có vẻ như đánh bắt cá thương mại nhưng lại hoạt động bên cạnh lực lượng thực thi pháp luật và quân đội của Trung Quốc để đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc ở những vùng biển tranh chấp.
Được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gọi là Dân quân Hàng hải của Lực lượng Vũ trang Nhân dân, đơn vị này đóng một vai trò trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm thực thi các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, theo Rand Corp. Lực lượng dân quân sử dụng các chiến thuật, chẳng hạn như dùng số lượng lớn để o ép các tàu khác, thách thức sự hiện diện và tuyên bố chủ quyền hợp pháp của các quốc gia khác.
Nhờ khoảng cách gần với các tiền đồn của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, các tàu dân quân cùng lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc gây trở ngại cho các hoạt động đánh bắt cá và dầu khí của các bên có tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á tại các khu vực nằm trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mơ hồ và đã bị nhiều người bác bỏ của Trung Quốc theo cái gọi là đường chín đoạn của nước này. Bên ngoài, lực lượng dân quân mang hình hài của một đội tàu đánh cá thương mại. Điều này giúp Bắc Kinh có thể dễ dàng chối bỏ trách nhiệm, cho phép lực lượng này gây áp lực lên các bên có tuyên bố chủ quyền mà tốn ít chi phí duy trì.
Các chiến thuật vùng xám của lực lượng dân quân đặt ra một thách thức to lớn đối với những người quan tâm đến việc ngăn chặn không cho sự cưỡng ép can thiệp vào một trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế hoặc gây ảnh hưởng đến việc quản lý hoặc giải quyết các tranh chấp theo cách hòa bình. Các bên có tuyên bố chủ quyền chồng chéo thiếu năng lực hàng hải tương xứng với kích thước và số lượng thuyền của Trung Quốc. Các cường quốc khác có quan tâm đến việc ngăn chặn sự cưỡng ép trên biển thường chỉ được trang bị với công cụ yếu kém của sức mạnh hải quân, việc triển khai trang thiết bị chống lại các tàu bề ngoài là tàu đánh cá sẽ là quá mức và không thực tế.

Để ngăn chặn hành vi hung hăng và giảm nguy cơ xung đột ở các vùng biển tranh chấp, phân tích này tìm cách vén màn của những hoài nghi và lời phủ nhận xung quanh lực lượng dân quân hàng hải của ĐCSTQ. Thông qua việc cung cấp một cái nhìn toàn diện về lực lượng dân quân, những phát hiện này xua tan mọi nghi ngờ rằng hầu hết các tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động ở vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông đều ở đó để thực hiện các mục tiêu chính trị thay vì các mục đích thương mại.
Nhưng nghiên cứu bằng ngôn ngữ Trung Quốc công khai, dữ liệu viễn thám và các cuộc tuần tra hàng hải được thực hiện bởi những lực lượng hoạt động trong vùng biển tranh chấp có sức mạnh để phơi bày lực lượng dân quân và làm giảm hiệu quả của nó trong vai trò là một lực lượng vùng xám.
LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN HÀNG HẢI CỦA ĐCSTQ: HÔM QUA VÀ HÔM NAY
Cách ĐCSTQ sử dụng lực lượng dân quân đánh cá theo kiểu hiện đại ít nhất đã bắt đầu từ năm 1974, khi lực lượng này được sử dụng để giành quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam. Một số diễn biến trong thập niên 80, bao gồm việc thành lập một lực lượng dân quân vào năm 1985 ở thị trấn Tanmen ở Hải Nam và việc thành lập các căn cứ đầu tiên của Trung Quốc ở Trường Sa vào năm 1988, đã đặt nền tảng cho một lực lượng dân quân hoạt động mạnh hơn trong những thập kỷ tiếp theo.
Sự tham gia của lực lượng dân quân vào các hoạt động gây hấn gia tăng trong những năm 2000, khi các tàu dân quân trực tiếp can thiệp vào tuyến đường di chuyển của nhiều tàu Hải quân Hoa Kỳ. Điều này tiếp tục đến đầu những năm 2010, với lực lượng dân quân đóng vai trò quan trọng khi Trung Quốc chiếm Bãi cạn Scarborough vào năm 2012, cũng như việc đưa giàn khoan dầu của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam vào năm 2014.
Kể từ năm 2016, các tàu dân quân đã được triển khai đến Trường Sa với số lượng lớn hơn và đều đặn hơn bao giờ hết. Các thành viên trong lực lượng dân quân đã đi cùng với lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc trong một số vụ xung đột về dầu khí với Malaysia và Việt Nam và đã tham gia trong những lần triển khai số lượng lớn tại những bãi đá bị nhắm mục tiêu. Gần 100 tàu dân quân đã được triển khai gần đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát vào năm 2018 và khoảng 200 tàu đã tập trung tại Đá Ba Đầu không có người ở vào đầu năm 2021.
Lực lượng dân quân ở Biển Đông hoạt động từ một chuỗi
10 cảng ở các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam của Trung Quốc. Dữ liệu viễn thám cho thấy ngày nào cũng có khoảng 300 tàu dân quân đang hoạt động ở quần đảo Trường Sa. Các tàu dân quân hàng hải Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông chủ yếu thuộc hai loại: tàu đánh cá dân quân hàng hải chuyên nghiệp (maritime militia fishing vessels – MMFV) và tàu đánh cá trụ cột Trường Sa (Spratly backbone fishing vessels – SBFV). Các tàu MMFV được thiết kế, xây dựng hoặc cải tạo và vận hành bằng các quỹ dành riêng cho các vấn đề dân quân hàng hải. Mặt khác, SBFV là một nhóm nhỏ các tàu đánh cá trong nước mà đáp ứng những yêu cầu nhất định về chiều dài, trọng tải, công suất và hoạt động ở Quần đảo Trường Sa để thực hiện các mục tiêu chính trị của Trung Quốc.
Các tàu chuyên nghiệp thường được chế tạo theo các thông số kỹ thuật bao gồm các đặc tính quân sự rõ ràng, tuy vậy ngay cả các tàu SBFV cũng có thân thép và có kích thước tối thiểu 35 mét, với nhiều tàu vượt quá 55 mét. Cả tàu dân quân chuyên nghiệp và tàu SBFV đều tham gia các cuộc triển khai lớn có mục tiêu nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, và cả hai đều không cho tàu của các quốc gia khác tiếp cận, mặc dù các tuyên bố từ các quan chức Trung Quốc nói rằng các hoạt động bạo lực hơn trước tiên sẽ được giao cho các tàu dân quân chuyên nghiệp.
Các hoạt động của lực lượng dân quân Trung Quốc vi phạm một số nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Các nỗ lực nhằm chặn theo cách bất hợp pháp những hoạt động hợp pháp của những quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của họ là vi phạm Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc và luật quốc tế dựa trên thông lệ. Những chuyển động không an toàn nhằm cản trở các tàu khác bằng cách tạo ra nguy cơ va chạm vi phạm Quy định Phòng ngừa Va chạm trên Biển của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
NHẬN BIẾT CÁC TÀU DÂN QUÂN
Việc nhận biết trực tiếp trong các nguồn chính thức hoặc cơ quan truyền thông thuộc nhà nước Trung Quốc vẫn là chỉ dấu rõ ràng và dứt khoát nhất về hoạt động của lực lượng dân quân. Tuy nhiên, phần lớn các tàu dân quân hàng hải khó có thể được nhận biết theo cách này. Điều này làm cho việc nhận biết dựa trên hành vi — lấy thông tin từ dữ liệu viễn thám và báo cáo tại chỗ theo cách truyền thống — trở thành con đường hứa hẹn nhất để tiếp tục nhận biết.
Việc chụp ảnh và quay video tại chỗ, cũng như thu thập dữ liệu từ hệ thống nhận dạng tự động (automatic identification system – AIS) giữa tàu với tàu, mang lại tiềm năng lớn nhất để trực tiếp nhận biết các tàu dân quân và ghi lại hành vi của họ. Điều này tăng cường cơ hội cho hoạt động nghiên cứu tiếp theo và tạo ra tác động ngay lập tức bằng cách chỉ ra quy mô, phạm vi và hoạt động của lực lượng dân quân để nhiều người được biết.
Hình ảnh vệ tinh thương mại và dữ liệu AIS rất quan trọng trong việc nhận biết và theo dõi hoạt động triển khai của dân quân.

Khi một tàu có liên quan đến các tàu dân quân và cảng đã biết, thì đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tàu đó cần được nghiên cứu thêm. Tương tự như vậy, các khoản trợ cấp lớn của chính phủ biểu thị rằng một con tàu là một SBFV. Các tàu trên 50 mét hoạt động trong vùng biển tranh chấp — đặc biệt là những tàu có dưới 10 thành viên trong thủy thủ đoàn – cũng cần được xem xét kỹ hơn.
Thông qua việc kết hợp các nỗ lực báo cáo lâu dài từ các nhóm ở Biển Đông với nghiên cứu bổ sung bằng cách sử dụng các tài liệu nguồn mở, tài liệu bằng ngôn ngữ Trung Quốc và dữ liệu viễn thám, việc nhận biết toàn bộ lực lượng dân quân hàng hải không chỉ khả thi, mà còn thuận lợi.
HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN Ở BIỂN ĐÔNG
Lực lượng dân quân hàng hải của ĐCSTQ không phải là một trọng tâm chính của giới hàn lâm phương Tây trước khi sự chú ý của quốc tế chuyển sang Biển Đông trong thập kỷ qua. Việc sử dụng và thành phần của lực lượng dân quân đã thay đổi và mở rộng trong thập kỷ qua. Sau đó giới học giả đã chú ý hơn, cùng với sự tham gia của lực lượng dân quân trong nhiều sự cố gần đây được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế, có thể tạo ra ấn tượng sai lầm rằng sự tồn tại của lực lượng dân quân là một hiện tượng mới có. Trên thực tế, ĐCSTQ lần đầu tiên sử dụng lực lượng dân quân đánh cá ở Biển Đông ít nhất từ bốn thập kỷ trước, và lực lượng dân quân hàng hải đã đóng vai trò trung tâm trong việc khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc kể từ thời điểm đó. Những nỗ lực chưa từng có của Trung Quốc để giành quyền kiểm soát những vùng biển nằm trong đường chín đoạn của nước này trong thập kỷ qua — bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế vào năm 2016 rằng những tuyên bố chủ quyền đó không có cơ sở pháp lý — đã dẫn đến sự mở rộng tương ứng về quy mô và hoạt động của lực lượng dân quân nước này.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy lực lượng dân quân dưới thời Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đang trở thành đội quân tiên phong của một chiến lược Trung Quốc quyết đoán hơn ở Biển Đông xuất hiện vào tháng 5 năm 2014. Trong tháng đó, Việt Nam phát hiện giàn khoan dầu Hải Dương Thạch Du 981 và ba tàu dịch vụ đi qua quần đảo Hoàng Sa. Giàn khoan này đỗ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý (220 kilomet) về phía đông và cách Hải Nam 180 hải lý (333 kilolmet) về phía nam, trong vùng biển rõ ràng đang có tranh chấp. Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo giàn khoan dầu này sẽ tiến hành khoan thăm dò trong khu vực cho đến giữa tháng 8. Việt Nam ngay lập tức điều sáu tàu thực thi pháp luật để ngăn giàn khoan này hoạt động. Bắc Kinh đáp trả bằng một lực lượng hỗn hợp gồm 40 tàu của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (People’s Liberation Army Navy – PLAN), cảnh sát biển Trung Quốc và các tàu dân quân để bảo vệ giàn khoan. Các tàu tạo thành những vòng tròn đồng tâm, với các tàu PLAN ở cự ly gần nhất với Hải Dương Thạch Du và lực lượng dân quân ở xa nhất, nơi sẽ có va chạm nhiều nhất với các tàu Việt Nam.
Không bên nào bắn súng, nhưng có rất nhiều hành động bạo lực từ cả hai phía, với những cú va tàu cố ý và việc sử dụng vòi rồng. Đến giữa tháng 5 năm 2014, Hà Nội tuyên bố rằng Trung Quốc có 130 tàu ở hiện trường; Bắc Kinh cho biết Việt Nam có 60 tàu. Các tàu Việt Nam, ngoài việc bị áp đảo về quân số, còn bị lép vế về năng lực. Các tàu của cảnh sát biển Trung Quốc lớn hơn và được vũ trang tốt hơn các tàu của cảnh sát biển Việt Nam. Và các tàu dân quân thân thép lớn của ĐCSTQ chiếm phần lớn trong số những tàu tham gia vào cuộc đối đầu, vượt trội hơn hẳn các tàu dân quân thân gỗ của Việt Nam. Một tàu cá Việt Nam đã bị đâm và chìm, tuy nhiên thủy thủ đoàn đã được cứu thoát.
Các tàu cá Trung Quốc thường xuyên tập trung quanh các tiền đồn của các bên có tuyên bố chủ quyền khác ở Trường Sa mà không mấy khi đánh bắt cá. Vào tháng 3 và tháng 4 năm 2019, các tàu dân quân thường xuyên được phát hiện neo đậu trong phạm vi một kilomet của đảo Loaita và Loaita Cay do Philippines nắm giữ. Nghiên cứu của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) với Sáng kiến Hàng hải Skylight của Vulcan cũng cho thấy các tàu dân quân Trung Quốc thường xuyên tập trung gần các tiền đồn của Việt Nam, đặc biệt là trong Cụm đảo Sinh Tồn của Trường Sa. Trong số đó, chín tàu của hạm đội Yue Mao Bin Yu đặc biệt dễ thấy, hoạt động gần các tiền đồn của Trung Quốc tại các rạn san hô Hughes và Johnson và đến gần một cách khiêu khích các cơ sở của Việt Nam tại các rạn san hô Collins, Lansdowne và Đảo Sinh Tồn Đông và Đảo Sinh Tồn. Giờ đây, có vẻ như những tàu đó chỉ là đội tiên phong của lực lượng dân quân Trung Quốc ngày càng đông đảo, tập trung vào Cụm đảo Sinh Tồn.
Cho đến nay, bạo lực giữa lực lượng dân quân hàng hải của ĐCSTQ và các lực lượng khác hầu hết chỉ giới hạn ở các pha lèo lái nguy hiểm và thỉnh thoảng có xô đẩy hoặc va chạm. Nhưng vào tháng 6 năm 2019, một sự cố khiến những người trên một tàu đánh cá Philippines suýt thiệt mạng. Tàu Yue Mao Bin Yu 42212 đã va chạm và đánh chìm tàu F/B Gem-Ver khi tàu này đang neo đậu vào ban đêm tại Bãi Cỏ Rong. Sau khi xảy ra va chạm, tàu Trung Quốc được cho là đã tắt đèn và bỏ chạy, để mặc các ngư dân chết đuối. May mắn thay, họ được một thuyền Việt Nam đi qua cứu sống. Mặc dù người ta vẫn chưa xác nhận rằng tàu Yue Mao Bin Yu 42212 là một tàu dân quân, nhưng một cuộc điều tra của AMTI và Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Nâng cao đã phát hiện nhiều bằng chứng để chứng minh điều đó. Những phát hiện của phân tích này củng cố vụ việc đó.
Lực lượng dân quân hàng hải cũng đã tham gia vào những vụ đối đầu gần đây về hoạt động dầu khí. Vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, lực lượng này đã cùng cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống một tàu khảo sát thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, Hải Dương Địa chất 8, trong các hoạt động riêng biệt kéo dài nhiều tháng ngoài khơi Việt Nam và Malaysia. Người ta không biết số lượng chính xác của các tàu trong những đợt đó, nhưng có các nguồn tin cho hay 40 đến 80 tàu Trung Quốc đã tham gia; một số là tàu cảnh sát biển và tàu PLAN, nhưng phần lớn có lẽ là tàu của lực lượng dân quân hàng hải.
Lịch sử gần đây của lực lượng dân quân cho thấy hình thái triển khai của lực lượng này ở Trường Sa đã chuyển biến vài lần. Từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2018, số lượng tàu có lẽ là tàu dân quân ở Trường Sa đã tăng lên khoảng 300 chiếc tại bất kỳ thời điểm nào, hầu hết trong số đó đã neo đậu trong nhiều tuần tại các bãi đậu ở Đá Xu Bi và Bãi Vành Khăn. Các đội tàu này bắt đầu phân tán rộng rãi hơn sau tháng 12 năm 2018, với số lượng tập trung lớn nhất xung quanh đảo Thị Tứ. Vào đầu năm 2020, các tàu dân quân bắt đầu tập hợp với số lượng lớn hơn xung quanh Cụm đảo Sinh Tồn, đặc biệt là tại Đá Ba Đầu. Những con số này đã đạt đến 100 tàu vào tháng 5 năm 2020, sau đó lại giảm xuống và sau đó lên đến 200 tàu vào cuối năm 2020.
Kể từ khi giảm bớt vào tháng 4 năm 2021, sự hiện diện của lực lượng dân quân ở quần đảo Trường Sa đã trở nên linh động hơn nhưng không hề nhỏ hơn. Trong tháng đó, hầu hết các tàu từ Đá Ba Đầu di chuyển đến Đá Tư Nghĩa gần đó, nơi số lượng của chúng lên đến đỉnh điểm là hơn 150 tàu. Một đội quân khá đông cũng đi đến Bãi san hô Tizard xa hơn về phía bắc, bao gồm căn cứ của Trung Quốc trên Đá Lạc và căn cứ của Việt Nam trên Đảo Nam Yết. Vào tháng 5 năm 2021, gần như tất cả các tàu từ Đá Tư Nghĩa cũng chuyển đến Bãi san hô Tizard, đưa số lượng tàu tập trung ở đó lên hơn 230. Một tháng sau, hầu hết những tàu đó chuyển về Cụm đảo Sinh Tồn, ở lại xung quanh Đá Tư Nghĩa. Đến giữa tháng 6 năm 2021, có gần 240 tàu quanh Đá Tư Nghĩa và 70 tàu vẫn còn ở Đá Lạc. Bức tranh toàn cảnh là khoảng 300 tàu dân quân hàng hải đã được triển khai trong các nhóm lớn xung quanh Quần đảo Trường Sa kể từ tháng 8 năm 2018, dựa vào các bãi đá nhân tạo của Trung Quốc để hỗ trợ hậu cần nhưng không còn ẩn mình trong những bãi đậu đó.
LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN CHUYÊN NGHIỆP SO VỚI SBFV
Các tàu MMFV chuyên nghiệp và tàu SBFV thường hoạt động giống hệt nhau, cố gắng khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp và (đặc biệt là trong những năm gần đây) đi theo nhóm với số lượng lớn để không cho tàu đánh cá của những bên khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tiếp cận ngư trường và rạn san hô.
Tuy nhiên, có sự khác biệt trong vai trò của hai loại tàu này. Vào năm 2017, Cục Đại dương và Thủy sản thành phố Đài Sơn đã gặp các chủ sở hữu của các tàu SBFV để nhắc nhở họ về “trách nhiệm chính trị” của họ là phải hoạt động trong “vùng biển được chỉ định đặc biệt” để “bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải quốc gia và tuyên bố chủ quyền quốc gia”. Cũng trong cuộc họp này, các chủ sở hữu tàu SBFV cũng được hướng dẫn về việc tránh tạo ra các sự cố lớn với tàu nước ngoài, cho thấy rằng các hành động thô bạo hơn như đâm va tàu cá, can thiệp vào việc điều hướng của tàu chiến nước ngoài hoặc các cuộc đối đầu trực tiếp khác chủ yếu được giao cho các tàu MMFV chuyên nghiệp.
Trách nhiệm nặng nề hơn này phù hợp với thiết kế của tàu MMFV, bao gồm các tính năng như kho vũ khí và vòi rồng lớn. Tuy nhiên, các tàu SBFV vẫn duy trì khả năng ngầm khi cần tích hợp vào các hoạt động quân sự. Như được phơi bày bởi một hợp đồng lao động cho các tàu SBFV thuộc sở hữu của một hợp tác xã nghề cá chuyên nghiệp ở tỉnh Quảng Đông, các tàu phải hoạt động và neo đậu ở những vùng biển đặc biệt quanh năm, tham gia vào khóa huấn luyện và góp phần bảo vệ chủ quyền cũng như hỗ trợ Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army – PLA) trong chiến đấu khi cần thiết. Ngoài ra, các thành viên thủy thủ đoàn bị cấm chụp ảnh các cảng nơi họ neo đậu tại các tiền đồn của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa hoặc cấu trúc bên trong của tàu nếu không có sự cho phép của thuyền trưởng. Các tàu SBFV đủ điều kiện nhận các loại hỗ trợ của chính phủ khác với tàu MMFV.
Sự khác biệt này giữa các tàu dân quân hàng hải được gọi tên chính thức và tàu SBFV khiến loại tàu SBFV có thể phủ nhận nhiều hơn. Nhưng xét đến trách nhiệm và vai trò chính trị rõ ràng của những con tàu này trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, cùng với bổn phận hỗ trợ PLA trong chiến đấu, các tàu SBFV rõ ràng đáp ứng bất kỳ định nghĩa hợp lý nào về lực lượng dân quân.
SỰ XÁC NHẬN CÔNG KHAI VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA DÂN QUÂN
Những phát hiện của phân tích này nên chấm dứt nhiều nghi ngờ mà, cho đến nay, đã ngăn cản sự hiểu biết chung của công chúng về lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc. Lực lượng dân quân không phải là bí mật. Rất nhiều các tài liệu công khai hiện có của chính phủ Trung Quốc, các tin bài trên phương tiện truyền thông, các bài viết học thuật và các tài liệu khác thảo luận cởi mở về các vấn đề của lực lượng này. Nó bao gồm lực lượng dân quân chuyên nghiệp — các tàu được vận hành bởi thủy thủ đoàn mặc đồng phục, được xây dựng với các tính năng quân sự như kho vũ khí — cũng như các tàu đánh cá dân sự lớn và mạnh mẽ được chiêu mộ và cải tạo hoặc được xây dựng để phục vụ mục đích như các tàu SBFV để thực hiện các mục tiêu chính trị của ĐCSTQ trong vùng biển tranh chấp. Các hoạt động của những tàu này được chính phủ Trung Quốc cấp kinh phí thông qua các khoản trợ cấp nhằm khuyến khích các lực lượng địa phương đóng tàu mà đáp ứng các thông số kỹ thuật của quân đội và vận hành chúng trong các vùng biển tranh chấp, sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng thực thi pháp luật và hải quân Trung Quốc khi cần thiết. Các cấu trúc doanh nghiệp phía sau các tàu dân quân không phải là những sáng tạo phức tạp được thiết kế để làm các chủ sở hữu cao nhất phải bối rối, mà đơn giản và thẳng thắn, và chúng tương ứng với các địa phương nơi tàu được đưa về cảng nhà. Ngoại trừ các hạm đội chuyên nghiệp được vận hành bởi các công ty chuyên môn ở Hải Nam, quyền sở hữu các tàu dân quân được đa dạng hóa trong nhiều công ty. Hiện tượng này phản ánh bản chất phi tập trung tổng thể của lực lượng dân quân, trong đó các tổ chức và doanh nghiệp địa phương hồi đáp các tín hiệu tài trợ được tung ra bởi các sáng kiến chính sách lớn hơn trong thập kỷ qua.
Mặc dù các kết nối về mặt tổ chức với các cơ quan chính phủ Trung Quốc không phải là một cách thức chắc chắn để nhận biết các tàu dân quân một cách rõ ràng, nhưng các tàu mà có những kết nối như vậy, đặc biệt là bên cạnh các chỉ dấu khác cho thấy là tàu dân quân, rất đáng để điều tra.
Báo cáo này, ban đầu có tiêu đề “Vén Màn về Lực lượng Dân quân Hàng hải của Trung Quốc” (“Pulling Back the Curtain on China’s Maritime Militia”), được xuất bản vào tháng 11 năm 2021 bởi Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Nâng cao. Bài viết đã được biên tập để phù hợp với hình thức của DIỄN ĐÀN. Để đọc toàn bộ báo cáo, hãy truy cập https://www.csis.org/analysis/pulling-back-curtain-chinas-maritime-militia.
Những chuyến đi che đậy, quá khứ và hiện tại
Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Công cuộc bành trướng trên biển ngày nay của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gợi nhớ đến các chuyến đi vào thế kỷ 15 của Trịnh Hòa trong triều đại nhà Minh, người đã giong buồm qua khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tiến vào châu Phi. Ông Trịnh là người nổi tiếng nhất trong lịch sử hàng hải Trung Quốc. Ông được sinh ra ở khu vực Vân Nam ở biên giới của đế chế Mông Cổ trong một gia đình theo đạo Hồi, có tổ tiên là người Trung Á, có khả năng là có chung nguồn gốc với người Duy Ngô Nhĩ đương đại.
Quân đội nhà Minh bắt Trịnh khi ông còn nhỏ, biến ông làm hoạn quan và cho ông phục vụ Minh Thành Tổ sau này. Hoàng đế đã lên nắm quyền tối cao trong một cuộc đảo chính bằng cách lật đổ vị hoàng đế danh chính ngôn thuận — cháu trai của ông — và đoạt lấy ngai vàng. Điều này đã dẫn đến một vấn đề về tính chính danh, và hoàng đế mới đã sử dụng bộ máy kiểm duyệt và tuyên truyền để giải quyết vấn đề đó. Ông ra lệnh thanh lọc các văn bản ghi chép của vị hoàng đế trước đó và tiến hành tuyên truyền để củng cố cho tính chính danh của mình.
Hình ảnh tuyên truyền nổi tiếng nhất trong thời đại này là báu thuyền tức là “thuyền quý báu” — nằm trong số những con thuyền gỗ khổng lồ và tuyệt vời nhất từng được đóng. Sử sách của Trung Quốc cho biết những con thuyền này dài hơn 120 mét — dài hơn cả một sân bóng đá. Một đội gồm hàng trăm thuyền hỗ trợ các thuyền quý báu này, bao gồm các thuyền vận chuyển ngựa, thuyền cung cấp nước, thuyền chứa kho vũ khí và thuyền đã đổ đất lên các boong trồng các vườn cây họ cam quýt để đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh cho thủy thủ đoàn gồm hàng nghìn binh sĩ và thủy thủ.
Bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ mô tả các cuộc thám hiểm của Trịnh Hòa như một ví dụ hoàn hảo về tình hữu nghị quốc tế nhân ái của Trung Quốc và hợp tác đôi bên cùng có lợi — giống như chiến dịch Một vành đai, Một con đường ở thế kỷ 15 — nhưng sự thật lại phức tạp hơn.
Mục đích thực sự của các chuyến đi của Trịnh Hòa là để đạt được tính chính danh chính trị cho hoàng đế. Trong lịch sử Trung Quốc, tính chính danh chính trị gắn liền với hệ thống triều cống. Hệ thống cống nạp của Trung Quốc được phần còn lại của thế giới diễn giải dễ hiểu hơn là sự trao đổi, theo đó các nước triều cống sẽ khiêm tốn dâng lên những món quà là các xa xỉ phẩm và động vật quý hiếm cho hoàng đế, người sau đó sẽ ban các món quà để thể hiện ân điển như các sản phẩm lụa, trà và đồ sứ quý của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc coi hệ thống cống nạp là sự thừa nhận của quốc tế đối với quyền lực chính trị ưu việt của hoàng đế, còn các quốc gia khác thường xem đây là một nghi thức kỳ quặc để trao đổi với Trung Quốc.
Nhiều người đã so sánh các nghi lễ cống nạp cổ xưa với Diễn đàn Vành đai và Con đường cho Hợp tác Quốc tế hiện đại do Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình tổ chức. Đây cũng là một sự kiện tuyên truyền được thiết kế để
xây dựng uy tín cho chế độ ở Bắc Kinh và các chính sách Một Vành Đai, Một Con đường.
Đội thuyền của Trịnh Hòa là một cảnh tượng rực rỡ, đầy màu sắc khi những con thuyền cập vào cảng và trưng bày những món quà của hoàng đế. Khi trở về, hạm đội mang theo các sản phẩm địa phương, các quan chức chính phủ hoặc hoàng thân quốc thích về Trung Quốc để quỳ gối trước mặt hoàng đế và cho triều đình của ông thấy rằng những người từ khắp nơi trên thế giới thừa nhận hoàng đế Minh Thành Tổ là người cai trị chính danh của “toàn thiên hạ”.
Trịnh Hòa đã tìm kiếm những người cai trị các vùng mà đã cống nạp cho các hoàng đế trước đó như Kublai Khan. Nhưng khi một số vị vua chúa trong Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không muốn tham gia, đội thuyền quý báu đổ ra để tiến hành các cuộc xung đột quân sự và can thiệp chính trị, bao gồm bắt giữ các vua chúa từ Indonesia và lật đổ vương quốc cầm quyền ở Sri Lanka.
Đội thuyền của Trịnh Hòa cũng phô diễn sức mạnh công nghệ, hàng hải, kinh tế và quân sự của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cuối cùng đã dẹp bỏ những con thuyền này vì chúng cực kỳ tốn kém, và các quan lại Trung Quốc lập luận rằng lợi ích tuyên truyền không tương xứng với chi phí. Tuy nhiên, những con thuyền là một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc có khả năng tạo ra những điều kỳ diệu, nhưng những món quà đôi khi đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn. Và những gì có thể được coi là trao đổi hoặc ngoại giao ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đôi khi lại được xem là cống nạp hoặc sự phục tùng ở Trung Quốc.