Các Vấn đề ChínhCâu chuyện Nổi bậtĐông Nam ÁKhu vựcNhững Khu vực Chung của Thế giới

Hoa Kỳ thúc đẩy hoạt động loại bỏ mìn trên mặt đất, cải thiện cuộc sống, an ninh trên khắp Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan và binh sĩ Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ bắt đầu khóa đào tạo về xử lý vật liệu nổ (explosive ordnance disposal – EOD) vào giữa tháng 11 năm 2022 tại Trung tâm Hành động Mìn Thái Lan (Thailand Mine Action Center – TMAC) ở Ratchaburi.

Cùng với việc tăng cường các mối quan hệ giữa quân đội Thái Lan và Hoa Kỳ, nỗ lực chung để đào tạo 18 học viên TMAC là một phần trong chương trình Hành động Nhân đạo về Mìn (Humanitarian Mine Action – HMA) của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Trung tâm này hỗ trợ các lực lượng đối tác trong việc xử lý an toàn các mìn trên mặt đất và các tàn dư nguy hiểm khác của chiến tranh để loại bỏ các tác động xã hội, kinh tế và môi trường còn sót lại. (Ảnh: Các giảng viên và học viên thuộc Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan và Hoa Kỳ theo dõi đồng hồ bấm giờ trong một khóa học xử lý vật liệu nổ ở Ratchaburi, Thái Lan, vào tháng 11 năm 2022.)

Được khởi động vào năm 2013, chương trình HMA của Hoa Kỳ-Thái Lan đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các lợi ích an ninh chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sứ mệnh của TMAC là giúp Thái Lan không còn mìn trên mặt đất.

“Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ thu được kiến thức từ các giảng viên Thái Lan và Hoa Kỳ và sử dụng tất cả những kiến thức này để giúp họ thực hiện công việc của mình tốt hơn,” Tướng Supathat Narindarabhakdi, tổng giám đốc của TMAC, cho biết. Chương trình học bao gồm các khóa đào tạo về kỹ thuật EOD, cũng như kinh nghiệm thực tế.

Theo báo cáo vào năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có tên, “Để Dạo bước An toàn trên Trái đất” (“To Walk the Earth in Safety”), Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 100 nghìn tỷ đồng (4,2 tỷ đô la Mỹ) trên khắp thế giới kể từ năm 1993, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, cho việc tiêu hủy vũ khí thông thường (CWD), bao gồm việc loại bỏ mìn trên mặt đất một cách an toàn, trong đó hơn 17 nghìn tỷ đồng (738 triệu đô la Mỹ) được phân bổ cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

CWD cũng bao gồm việc tiêu hủy vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ, chẳng hạn như hệ thống phòng không di động và đạn dược.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã báo cáo rằng những cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ, đặc biệt là ở Đông Nam Á, đã làm ô nhiễm một diện tích lớn đất canh tác do mìn và các vật liệu chưa nổ khác, bao gồm cả từ các chiến dịch ném bom của Hoa Kỳ, làm đình trệ tăng trưởng kinh tế.

Chỉ riêng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm 2021, các nỗ lực CWD đã xác định hơn 193 triệu mét vuông đất sẽ cần được gỡ mìn và giải phóng hơn 101 triệu mét vuông để sử dụng cho mục đích sản xuất. Theo báo cáo này, trong năm đó, các hoạt động do Hoa Kỳ tài trợ cũng đã phá hủy hơn 96.000 mảnh đạn, 6.793 mảnh đạn nhỏ, 2.526 quả mìn trên mặt đất, 51 quả mìn chống tăng và 46 tấn đạn dược dư thừa.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cơ quan dùng khoảng 14% mức chi tiêu về CWD, tài trợ cho các chương trình sáng tạo như Trung tâm Đào tạo Gỡ Mìn Nhân đạo tại Fort Lee, Virginia, nơi chuẩn bị cho các lực lượng quân sự, các bên liên quan của chính phủ và các đối tác quốc tế về các nhiệm vụ HMA, xử lý và quản lý kho.

Báo cáo cho biết, Chương trình Nghiên cứu và Phát triển Gỡ Mìn Nhân đạo của Quân đội Hoa Kỳ phát triển và xác nhận các công nghệ dò tìm và rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ trên mặt đất để nâng cao hoạt động rà phá bom mìn trên toàn cầu.

Chương trình nghiên cứu phối hợp với các bộ tư lệnh chiến đấu địa lý của Hoa Kỳ, bao gồm Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, và đã thử nghiệm các công nghệ gỡ mìn ở Campuchia, Palau, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam, cùng với các quốc gia khác. Binh sĩ Thái Lan và Hoa Kỳ, làm việc với TMAC, đã thử nghiệm Mini MineWolf, một hệ thống xới đất do chương trình phát triển để rà phá các bom mìn trên mặt đất gây sát thương cho người và xe tăng.

Sau cùng, trung tâm ở Thái Lan sẽ duy trì năng lực EOD trong nước cho quốc gia này.

Trung sĩ Pháo binh của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Jeramie Pawloski, chỉ huy nhóm HMA Thái Lan, đã phát biểu trong một thông cáo báo chí rằng: “Bây giờ chúng tôi đang chuyển giao”. “Nhóm EOD của Lực lượng Thủy quân lục chiến ở Thái Bình Dương đang đảm nhận một vai trò nhỏ hơn còn các giảng viên của Trung tâm Đào tạo Gỡ Mìn TMAC đang đảm nhiệm một vai trò lớn hơn — phụ trách các lớp học, lịch biểu và hoạt động đào tạo.”

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hỗ trợ các trung tâm hành động về mìn khác và các nhóm rà phá bom mìn trong khu vực. Từ năm 1993 đến năm 2021, Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 4 nghìn tỷ đồng (180 triệu đô la Mỹ) ở Campuchia, hơn 4 nghìn 400 tỷ đồng (185 triệu đô la Mỹ) ở Việt Nam và hơn 7 nghìn 300 tỷ đồng (310 triệu đô la Mỹ) ở Lào cho các chương trình CWD mà hỗ trợ sự phát triển của năng lực quốc gia, cùng với các hoạt động khác.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ cũng cung cấp sự hỗ trợ về CWD cho Miến Điện, Nepal, Palau, Sri Lanka và Timor-Leste trong năm 2021, và cho Fiji, Ấn Độ, Quần đảo Marshall, Philippines và Quần đảo Solomon trong những năm trước đó.

 

NGUỒN HÌNH ẢNH: HẠ SĨ MOISES RODRIGUEZ/THỦY QUÂN LỤC CHIẾN HOA KỲ

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button