Các Vấn đề ChínhĐông Bắc ÁKhu vựcNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Đám đông phẫn nộ vì những lệnh phong tỏa đã kêu gọi ông Tập của ĐCSTQ từ chức

The Associated Press

Những người biểu tình phẫn nộ về các biện pháp chống vi-rút hà khắc đã kêu gọi nhà lãnh đạo quyền lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) từ chức, một sự chỉ trích chưa từng có tiền lệ khi chính quyền ở ít nhất tám thành phố phải vất vả để đàn áp các cuộc biểu tình vào cuối tháng 11 năm 2022. Đây là một thách thức trực diện hiếm hoi đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền.

Cảnh sát sử dụng bình xịt hơi cay đã xua đuổi những người biểu tình ở Thượng Hải, những người này đã kêu gọi Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình từ chức và chấm dứt quyền lực trong tay một đảng, nhưng vài giờ sau đó, người dân lại tụ tập ở chính chỗ đó. Cảnh sát một lần nữa phá vỡ cuộc biểu tình, lôi những người biểu tình lên một chiếc xe buýt.

Các cuộc biểu tình — bắt đầu vào ngày 25 tháng 11 và lan ra các thành phố bao gồm thủ đô Bắc Kinh và hàng chục cơ sở trường đại học — là thái độ chống đối đảng cầm quyền được thể hiện rộng rãi nhất trong nhiều thập kỷ qua. (Ảnh: Những người biểu tình giơ giấy trắng để biểu thị sự kiểm duyệt của nhà nước và hô vang những câu khẩu hiệu trong một cuộc tuần hành ở Bắc Kinh vào cuối tháng 11 năm 2022.)

Trong một video về cuộc biểu tình ở Thượng Hải, những lời hô hào phản đối ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của quốc gia này kể từ ít nhất là những năm 1980, và ĐCSTQ đã rất vang vọng và rõ ràng: “Tập Cận Bình! Từ chức đi! ĐCSTQ! Rút lui đi!”

Ba năm sau khi vi-rút corona xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, Trung Quốc là cường quốc duy nhất vẫn đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Chiến lược “không có COVID” của nước này đã cấm người dân ra vào các khu dân cư trong nhiều tuần liên tiếp. Một số thành phố xét nghiệm hàng triệu người dân mỗi ngày.

Mặc dù điều đó đã giữ cho số ca nhiễm được báo cáo của Trung Quốc thấp hơn so với số ca nhiễm của các cường quốc khác, nhưng sự chịu đựng của công chúng đã bị bào mòn. Những người dân phải cách ly tại nhà nói rằng họ thiếu thực phẩm và thuốc men. ĐCSTQ cũng phải đối mặt với sự bức xúc của công chúng sau khi hai trẻ nhỏ tử vong. Cha mẹ của các em cho biết những biện pháp kiểm soát để ngăn chặn vi-rút đã cản trở những nỗ lực tìm sự trợ giúp y tế.

Các cuộc biểu tình mới nhất đã nổ ra sau khi một đám cháy đã giết chết ít nhất 10 người trong một tòa nhà chung cư ở Urumqi, thủ phủ của khu vực Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc, nơi một số cư dân đã bị nhốt trong nhà của họ trong bốn tháng qua. Điều đó đã thôi thúc hàng loạt những câu hỏi phẫn uất trên mạng về việc liệu lính cứu hỏa hay những người đang cố gắng thoát ra ngoài có bị chặn lại do cửa bị khóa hoặc các biện pháp hạn chế khác để ngăn ngừa vi-rút hay không. Khoảng 300 người biểu tình đã tập trung ở Thượng Hải, nơi hầu hết trong số 25 triệu cư dân đã bị buộc phải ở trong nhà của họ trong gần hai tháng bắt đầu từ cuối tháng 3 năm 2022.

Trên một con đường mang tên Urumqi, một nhóm người biểu tình đã mang theo nến, hoa và các bảng biểu để tưởng nhớ những người đã bị lửa thiêu chết. Theo một người biểu tình nhất quyết muốn giấu tên, một nhóm khác đã hô to các khẩu hiệu.

Người biểu tình đó và một người khác, người chỉ nêu họ của mình, Zhao, đã xác nhận những lời hô chỉ trích ông Tập, người gần đây đã giành được nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba với tư cách là lãnh đạo ĐCSTQ và một số người cho rằng ông này sẽ cố gắng nắm quyền trong suốt cuộc đời. Những người biểu tình yêu cầu được giấu tên vì họ sợ bị bắt hoặc bị trả thù.

Không khí của cuộc biểu tình đã khuyến khích người dân nói về những chủ đề được coi là cấm kỵ, bao gồm việc ĐCSTQ đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Tại Bắc Kinh, khoảng 200 người đã tụ tập trong một công viên ở phía đông của thủ đô và giơ những tờ giấy trắng, một biểu tượng của thái độ thách thức trước sự kiểm duyệt sâu rộng của ĐCSTQ.

“Chính sách phong tỏa quá mức hà khắc. Bạn không thể so sánh nó với bất kỳ quốc gia nào khác,” một người biểu tình chỉ nêu họ của mình, Li, cho biết. “Chúng ta phải tìm cách thoát ra”.

Các bài đăng trên mạng xã hội cho biết các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại 50 trường đại học, trong đó có trường của ông Tập, Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University) ở Bắc Kinh, nơi khoảng 2.000 sinh viên đã yêu cầu giảm bớt các hạn chế chống vi-rút và đòi phải có tự do ngôn luận.

Những người biểu tình đã rời đi sau khi phó bí thư ĐCSTQ của trường hứa sẽ tổ chức một cuộc thảo luận cho cả trường.

Theo tin tức, các video trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình va chạm với cảnh sát trong bộ đồ bảo hộ màu trắng hoặc dỡ bỏ những rào chắn được sử dụng để phong tỏa các khu dân cư ở các thành phố bao gồm Nam Kinh và Quảng Châu.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Bắc Kinh thông báo sẽ không còn dựng cổng để chặn đường vào các khu chung cư nơi có ca nhiễm bệnh được báo cáo. Ngoài ra, Quảng Châu, đô thị về sản xuất và thương mại, điểm nóng lớn nhất trong đợt lây nhiễm mới nhất của Trung Quốc, đã thông báo một số cư dân sẽ không còn bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm hàng loạt. Cơ quan này nói rằng cần phải tiết kiệm các nguồn lực.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button