Các bài nổi bậtCác Đe dọa Bất đối xứngCác Vấn đề ChínhNhững Khu vực Chung của Thế giớiQuan hệ Đối tác

Công thức cho Sự Thành công

Sự hợp tác đóng vai trò then chốt trong quá trình chiến đấu với các mối đe dọa về sức khỏe

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Những thách thức chưa từng có do đại dịch vi-rút corona gây ra đã nhấn mạnh vai trò tối quan trọng của ngành quân y trong việc đảm bảo sức khỏe và sự sẵn sàng không chỉ của các lực lượng vũ trang, mà còn của cả xã hội nói chung. Từ việc phát triển các loại vắc-xin COVID-19 đến tìm cách để vượt qua những gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và giao những vật tư cứu người, các chuyên gia và các nhà hoạch định trong ngành quân y trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã xoay chuyển và hợp tác để vượt qua khó khăn trong một môi trường y tế công cộng đầy biến động.

“Đây là những thời điểm thực sự khó khăn — đại dịch COVID-19 đã lan ra khắp thế giới với tốc độ kinh hoàng và gây ra tác hại nặng nề,” Chuẩn Đô đốc Pamela Miller, khi đó là Cố vấn Y tế Cao cấp tại Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (USINDOPACOM), đã phát biểu trong lời chào mừng của mình cho Diễn đàn Trao đổi Quân Y trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương(IPMHE) vào tháng 3 năm 2022. “Đại dịch đã định hình lại cuộc sống của tất cả chúng ta và làm nổi bật tầm quan trọng của những quan hệ đối tác, những thực hành tốt nhất các bên cùng thực hiện và cùng nhau hợp tác để giải quyết thách thức tiếp theo trong thế giới đang thay đổi một cách nhanh chóng này.”

Sự kiện này được tổ chức bởi USINDOPACOM và các Dịch vụ Y tế của Lực lượng Vũ trang Ấn Độ và đã quy tụ các chuyên gia quân y từ hơn 30 quốc gia trong một môi trường trực tuyến để xem xét các bài học kinh nghiệm được rút ra từ cuộc chiến chống lại một đại dịch và đi sâu vào những chủ đề cũ và mới như sang chấn và phẫu thuật ở thực địa, liệu pháp gien, khám chữa bệnh từ xa, công nghệ robot và hỗ trợ điều dưỡng trong các hoạt động viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (humanitarian assistance and disaster relief – HADR). “Sự kiện này đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các mối quan hệ và trao đổi tài năng cũng như chuyên môn quý giá trong không gian y tế để mang lại lợi ích cho toàn khu vực”, bà Miller nói với DIỄN ĐÀN. “Nó cũng tạo cơ hội cho những hoạt động kế tiếp về nghiên cứu, hợp tác và trao đổi chuyên gia về các lĩnh vực trong môi trường khoa học hoặc hoạt động y khoa.”

Phó Đô đốc Ấn Độ Rajat Datta, Tổng Giám đốc Dịch vụ Y tế thuộc Lực lượng Vũ trang, phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Trao đổi Quân Y trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. HẠ SĨ QUAN BẬC 1 ANTHONY J. RIVERA/HẢI QUÂN HOA KỲ

Được phong hàm thiếu úy trong Quân đoàn Y tá Dự bị Hải quân Hoa Kỳ vào năm 1989, bà Miller đã tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành điều dưỡng của Đại học Iowa và thạc sĩ ngành quản trị chăm sóc sức khỏe và tiến sĩ ngành y học xương khớp của Đại học Des Moines, cũng ở tiểu bang Iowa quê hương của bà. Bà đã hoàn thành đợt thực tập chuyển tiếp và đợt thực tập nội trú trong y khoa khẩn cấp tại Trung tâm Y tế Hải quân San Diego, California. Bà Miller đã làm việc trong vai trò là một sĩ quan quân đoàn y tá và sĩ quan quân đoàn y tế, bao gồm triển khai đến Iraq để hỗ trợ Chiến dịch Tự do bền vững, nơi bà là sĩ quan phụ trách trung đội di động về chấn thương sốc.

Trước khi được phân công làm cố vấn y tế cao cấp của USINDOPACOM, bà Miller đã giữ các vai trò lãnh đạo bao gồm quản lý y tế cao cấp; viên chức y tế của lực lượng; lãnh đạo chuyên ngành y khoa trong hoạt động; sĩ quan chỉ huy; phó tham mưu trưởng; viên chức y tế của hạm đội dự bị, Bộ Tư lệnh Lực lượng Hạm đội Hoa Kỳ; và phó chỉ huy, Lực lượng Y tế Hải quân Đại Tây Dương, thành phần dự bị. Bà đã được trao tặng Huân chương Quân công hai lần, Huân chương Vinh Công bốn lần, Huân chương Thành tựu Hải quân hai lần và Huân chương Phục vụ Tự nguyện Xuất sắc trong Quân đội.

Trong một cuộc phỏng vấn với DIỄN ĐÀN ngay sau IPMHE, bà Miller đã nhấn mạnh các lĩnh vực trọng tâm trong tương lai cho các hệ thống y tế quân sự, thảo luận về một số thành công của nghề này trong thời gian chiến đấu với COVID-19 và nhắc đến sự hợp lực trong những tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe quân sự và dân sự. “Cách tiếp cận toàn xã hội là yếu tố quan trọng nhất để có một cách đối phó hiệu quả và hiệu lực đối với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào ở cấp độ khu vực hoặc thế giới, bao gồm cả các trường hợp khẩn cấp liên quan đến chăm sóc sức khỏe,” bà nói.

Chủ đề của IPMHE là “Quân Y trong một Thế giới Biến động, Không chắc chắn, Phức tạp và Mơ hồ”. Sự biến động khủng khiếp mà đại dịch COVID-19 gây ra đang định hình ngành quân y trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn cầu như thế nào? Bà dự đoán sẽ cần thêm hoạt động đào tạo, chuyên môn, nguồn lực hoặc chú trọng vào đâu trong những năm tới?

Tác hại và khả năng lây truyền của vi-rút SARS-CoV-2 đã thể hiện rõ sự đa dạng của tương tác giữa người với người. Ảnh hưởng của COVID-19 lên các cơ sở và căn cứ ở nước ngoài của quân đội có thể so sánh tương đồng với ảnh hưởng lên các quốc đảo, đảo và vùng lãnh thổ hải đảo. Căn cứ có thể bị tách biệt, và việc đi lại có thể bị giới hạn và giám sát, nhưng các căn cứ không tự có nguồn lực để duy trì. Thực phẩm, nước và các vật tư tiêu hao hàng ngày cần phải được giao đến hoặc vận chuyển đến, điều này làm tăng nguy cơ lây lan các ca nhiễm COVID-19. 

Chuẩn đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Bà Pamela Miller, khi đó là Cố vấn Y tế Cấp cao thuộc Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Trao đổi Quân Y trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào tháng 3 năm 2022. Sự kiện này do USINDOPACOM và Dịch vụ Y tế thuộc Lực lượng Vũ trang của Ấn Độ tổ chức. HẠ SĨ QUAN BẬC 1 ANTHONY J. RIVERA/HẢI QUÂN HOA KỲ

Hoạt động đào tạo, chuyên môn và nguồn lực bổ sung trong môi trường chăm sóc sức khỏe sẽ cần tập trung vào nhân viên chăm sóc sức khỏe và các cơ sở có quy trình vận hành tiêu chuẩn cho COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm các lĩnh vực như quy trình trang thiết bị bảo hộ cá nhân [personal protective equipment – PPE], chỉ định và tạo ra các khoa tách riêng, thiết bị cần thiết để hạn chế tiếp xúc và quản lý chuỗi cung ứng hậu cần.

Công tác giám sát sinh học sẽ yêu cầu nhân viên y tế phải chủ động liên lạc và phối hợp với các chuyên gia quốc tế và các ủy ban quân sự để xác định và giám sát những chỉ số chính trong các giai đoạn đầu của một bệnh truyền nhiễm tiềm ẩn. Hoạt động bảo vệ sức khỏe và giám sát sinh học của lực lượng cần được điều phối và tích hợp với các đối tác quốc tế để phát hiện và cảnh báo sớm nhất.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ thống y tế trên khắp thế giới. Những nỗ lực trong tương lai để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả hệ thống quân y, nên tập trung vào: 

Tăng sức chứa trong thời gian số lượng bệnh nhân tăng đột biến để xử lý mức tăng đáng kể về nhu cầu chăm sóc sức khỏe liên quan đến một đại dịch trên diện rộng.

Đảm bảo có đủ số lượng nhân viên chăm sóc sức khỏe tuyến đầu để hỗ trợ những người bị vắt kiệt bởi những áp lực trong đại dịch hoặc những người bị ngã bệnh. 

Nâng cao công tác giám sát, thu thập dữ liệu, điều tra về ca nhiễm bệnh và phổ biến thông tin.

Đẩy nhanh công tác nghiên cứu và phát triển các xét nghiệm, vắc-xin và phương pháp điều trị.

Cuộc khủng hoảng y tế công cộng hiện nay đã ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tương tác trong ngành quân y giữa các đồng minh, đối tác và các quốc gia có cùng chí hướng? Ví dụ như, các đối tác đó đã hợp tác như thế nào để giải quyết những vấn đề về chuỗi cung ứng liên quan đến PPE, thuốc men và các vật phẩm quan trọng khác?

Các đối tác đã tăng cường nhận thức và sự hiểu biết chung về các chỉ số bệnh truyền nhiễm và các chiến lược khả thi để sử dụng trong các đại dịch sau này. Trong phạm vi trách nhiệm [area of responsibility – AOR], các quốc gia đã trình bày những yêu cầu trong khi những yêu cầu đó hình thành, cho dù yêu cầu là PPE, thuốc, máy thở hay các vật dụng khác. Đại sứ quán đã xử lý các yêu cầu và — thông qua các quy trình bình thường đã có từ trước — Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã hợp tác khi được yêu cầu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể hoặc cung cấp các nguồn lực cụ thể. Các đối tác chính trong AOR đã sẵn sàng hỗ trợ những quốc gia đang gặp khó khăn, và thông qua việc trao đổi thông tin và sự hợp tác, chúng tôi đã có thể hỗ trợ tối đa cho những quốc gia đang gặp khó khăn. Tất cả chúng ta có lẽ đều hiểu rõ hơn về cách mỗi hệ thống chăm sóc sức khỏe ứng phó trong thời kỳ khủng hoảng dựa trên phương thức vận hành của từng hệ thống.

Trong toàn xã hội, công tác ứng phó với đại dịch đã nêu bật những thách thức và cơ hội. Lĩnh vực quân y đã rút ra được những bài học kinh nghiệm gì? Bà thấy công tác ứng phó của quân đội với COVID-19 có những thành công và thiếu sót nào?

Những bài học kinh nghiệm được rút ra: 

  • Khả năng xác định rõ hơn nhóm vấn đề và hiểu được những kết quả đến từ việc bổ sung kết hợp thiết bị và nhân sự hoặc xem xét thiết bị hoặc chuyên gia y tế như là những giải pháp về hỗ trợ nguồn lực.

Những thành công:

  • Ngoài những bài học kinh nghiệm phổ quát về hệ thống chăm sóc sức khỏe, còn có những bài học kinh nghiệm phổ quát về sự sẵn sàng. Các đại dịch ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong xã hội, và việc lập kế hoạch ứng phó chiến lược của một quốc gia đòi hỏi phải nhìn xa hơn ngành chăm sóc sức khỏe để xem xét những thứ như hệ thống mua sắm, chuỗi cung ứng, sự hỗ trợ về mặt hoạt động và hậu cần. Quân đội đã có kinh nghiệm với những khía cạnh này trong công tác chuẩn bị và điều này đã góp phần vào một số thành công của quân đội trong đại dịch. Ví dụ như, lực lượng được trải rộng trên toàn cầu, bao gồm cả những môi trường khắc nghiệt. Mặc dù vậy, quân đội [Hoa Kỳ] đã có thể tiêm chủng cho 97,8% số binh sĩ đang tại ngũ. Điều này thể hiện một thành công thực sự trong việc ứng phó với đại dịch của chúng tôi. 

Các cơ hội: 

  • Các lĩnh vực mà chúng tôi cần cải thiện bao gồm khả năng hợp nhất dữ liệu về y tế công cộng với dữ liệu liên quan đến các yếu tố khác mà góp phần tạo nên những đại dịch, bao gồm các yếu tố ảnh hưởng về mặt môi trường và khí tượng. Phương thức hiện đại hóa dữ liệu và những cách tiếp cận sáng tạo với việc sử dụng dữ liệu và thông tin, bao gồm cả việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, sẽ cải thiện khả năng kiểm soát các đại dịch trong tương lai của chúng ta.

Xin bà cho biết về việc kết hợp các tiến bộ trong quân y vào ngành y tế phục vụ quần chúng và ngược lại? Trong bối cảnh COVID-19, cách tiếp cận toàn xã hội có tầm quan trọng như thế nào trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng trong khu vực và trên toàn cầu, thưa bà?

Cách tiếp cận toàn xã hội là yếu tố quan trọng nhất để có được một phương thức đối phó hiệu quả và hiệu lực đối với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào trong khu vực hoặc trên toàn cầu, bao gồm các tình huống khẩn cấp liên quan đến ngành y tế. Kinh phí và nguồn nhân lực được đào tạo luôn là những hạn chế lớn đối với bất kỳ cách ứng phó nào, đặc biệt là công tác ứng phó trên phạm vi toàn cầu. Ví dụ về một tiến bộ trong ngành quân y mà sẽ có tác động trong toàn xã hội là công việc mà Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed (Walter Reed Army Institute of Research – WRAIR) [thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ] đang thực hiện về vắc-xin COVID-19. WRAIR đang phát triển một loại vắc-xin COVID-19 mà sẽ đem đến phản ứng miễn dịch với nhiều biến thể của SARS-CoV-2. Điều này có thể giúp chúng ta không cần đến những loại vắc-xin mới khi các biến thể mới xuất hiện.

Các vật tư cứu trợ COVID-19 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ quyên tặng đã đến New Delhi. MARTHA VANLIESHOUT/CƠ QUAN PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ HOA KỲ

Một cách tiếp cận toàn xã hội nhấn mạnh các giá trị xã hội và sự tham gia của cộng đồng cũng như vai trò của những nhà lãnh đạo đáng tin cậy và minh bạch. Chỉ thông qua cách tiếp cận toàn xã hội, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng cuộc sống và sinh kế của những người dễ bị tổn thương nhất sẽ được bảo vệ.

Đại dịch đã đòi hỏi một cam kết vô cùng to lớn về thời gian, năng lượng và nguồn lực của ngành quân y trong hơn hai năm qua. Các lĩnh vực khác trong quân y, chẳng hạn như HADR, đã có những sự phát triển quan trọng nào trong cùng giai đoạn này, thưa bà?  

HADR là một lĩnh vực chuyên môn thuộc Bộ Quốc phòng. Trung tâm vì sự Xuất sắc trong Quản lý Thiên tai và Hỗ trợ Nhân đạo là đơn vị trực tiếp thuộc quyền quản lý của USINDOPACOM và là cơ quan chính chịu trách nhiệm đẩy mạnh công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai và khả năng chống chịu của xã hội trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. COVID đã mở ra những cơ hội để cơ quan này thu hút các quốc gia tham gia vào AOR của chúng tôi nhằm nâng cao kiến thức và chuyên môn trong khu vực về HADR. Trong đại dịch COVID, các chương trình này vẫn tiếp tục và phát triển mạnh mẽ trong không gian mạng.

Thời kỳ COVID-19 đã thôi thúc ngành quân y chuẩn bị như thế nào để ứng phó với đại dịch tiếp theo?

COVID-19 đã cho chúng ta thấy rõ rằng cộng đồng ngành y tế cần phải trao đổi thông tin, phối hợp và hợp tác ở tất cả các cấp. Điều này cho phép các cá nhân, nhóm, tổ chức, cơ quan, chính phủ và quân đội kết nối với nhau, phát triển và cập nhật các khái niệm về hoạt động, kế hoạch và chiến dịch. 

COVID-19 đã chứng minh sự phụ thuộc của xã hội — và quân đội — vào hàng hóa và vật tư tiêu hao mà đan xen trong cơ sở hạ tầng quan trọng của việc cung cấp và vận chuyển, cũng như tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài. COVID-19 đã đem lại những tác động vô cùng to lớn về mặt nhận thức. Chúng ta đã học được cả cách phòng ngừa và điều trị một loại vi-rút hoàn toàn mới. Chúng ta cũng đã học được cách sắp xếp tốt hơn cách ứng phó đa chiều, với sự hỗ trợ của toàn xã hội trước các mối đe dọa thông qua việc trao đổi thông tin và hợp tác.

Việc tổ chức một sự kiện đa phương trong đại dịch có những thách thức ra sao về mặt hậu cần, thưa bà?

Việc tổ chức IPMHE là một nhiệm vụ vô cùng thử thách, đặc biệt là trong những biến động không ngừng của COVID-19. Ban đầu, sự kiện này được dự kiến sẽ diễn ra trực tiếp. Địa điểm hội thảo và nơi lưu trú đã được xác định sớm để sắp xếp nguồn tiền hỗ trợ kinh phí. USINDOPACOM dự tính sẽ tài trợ cho hơn 25 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đến tham gia, và điều này liên tục thay đổi trong thời gian theo dõi COVID cùng với các đối tác của chúng tôi ở Ấn Độ. 

Khi các ca nhiễm do biến thể omicron tăng vọt gần đây, và ba tuần trước khi diễn ra sự kiện, chúng tôi quyết định chuyển sang tổ chức theo hình thức trực tuyến hoàn toàn. Hình thức này yêu cầu việc thiết lập các không gian ảo và nhiều phòng được tổ chức cùng lúc để có chỗ cho tất cả các bài thuyết trình và diễn giả. Một số bài thuyết trình cần được ghi trước để nhiều người dùng ở nhiều múi giờ khác nhau đều có thể xem được chủ đề đó. Việc thu thập và chuẩn bị các bài thuyết trình được ghi trước bổ sung thêm một công việc bắt buộc phải làm.

Bà đã biết được điều gì về những sự phát triển trong ngành quân y ở IPMHE mà bà cảm thấy hứng thú nhất?

Các ứng dụng quân y liên quan đến trí tuệ nhân tạo, thiết bị đeo trên người và công nghệ mà giúp tăng cường khả năng theo dõi sức khỏe và nâng cao hoạt động giám sát, cũng như thành tích hoạt động.

Các sự kiện như IPMHE có giá trị như thế nào với việc nâng cao chuyên môn, tính hiệu quả và khả năng tương tác của các tổ chức quân y thuộc những lực lượng đồng minh và đối tác trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thưa bà? Theo dự đoán của bà, IPMHE sẽ phát triển như thế nào trong những năm tới, xét đến những yếu tố như việc áp dụng rộng rãi các công nghệ ảo?

Các sự kiện và hội nghị lớn, đa quốc gia và đa phương như IPMHE và Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Y tế Dân sự Quân sự phát huy những sự hợp tác và mối quan hệ trong cộng đồng y tế của Hoa Kỳ cũng như các nước khác để củng cố những năng lực của nhau nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc một cách hiệu quả và hiệu lực, không chỉ cho quân đội của chúng ta mà còn cho tất cả người dân.

Sự kiện này đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các mối quan hệ và trao đổi tài năng và chuyên môn có giá trị trong không gian y tế để mang lại lợi ích cho toàn khu vực. Nó cũng tạo cơ hội cho những hoạt động kế tiếp về nghiên cứu, hợp tác và trao đổi chuyên gia về các lĩnh vực trong môi trường khoa học hoặc hoạt động y khoa. Diễn đàn này cũng mang đến cơ hội cho tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, để thể hiện tài năng và chuyên môn có trong quốc gia của họ.  

Trong vài năm qua, hết lần này đến lần khác, chúng ta đã chứng tỏ rằng những tương tác này có thể tiếp tục diễn ra trong không gian ảo. Tuy nhiên, phản hồi nhất quán là không gì có thể thay thế các sự kiện về giá trị của sự tham gia giữa các cá nhân và việc xây dựng mối quan hệ mà chỉ có thể được tối ưu hóa tại một địa điểm cho phép người ta gặp gỡ trực tiếp.  

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button