Chiến Tranh Tài Nguyên
Trung Quốc Biến Nước thành Vũ khí Như thế nào
Chính phủ cộng sản Trung Quốc từ lâu đã sẵn sàng biến lợi thế mà họ có được so với các quốc gia khác thành vũ khí. Sự độc quyền về nguồn cung khoáng sản đất hiếm trên toàn cầu và chương trình cho vay quốc tế với số tiền khổng lồ của nước này là hai ví dụ nổi bật. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) hiện nắm giữ số tiền nợ chiếm hơn 5% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Quốc gia này đã vượt lên các tổ chức cho vay lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và tất cả các quốc gia chủ nợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cộng lại.
Để giành được sự hỗ trợ cho các mục tiêu chiến lược của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khuyến khích và sau đó lợi dụng sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào Trung Quốc về thương mại, tài chính, thuốc men và thiết bị y tế trọng yếu, khoáng sản và thu nhập từ du lịch. Bộ công cụ để cưỡng ép các nước khác của ĐCSTQ đã bao gồm các hạn chế không chính thức về xuất khẩu và nhập khẩu cùng với các rào cản phi thuế quan khác, cuộc tẩy chay của người tiêu dùng, hạn chế các nhóm khách du lịch Trung Quốc và thậm chí là chặn quyền ra vào để đánh bắt cá.
Xét đến những hành động coi thường các quy tắc quốc tế mà ĐCSTQ từng thực hiện, người ta chẳng mấy ngạc nhiên khi đảng dưới thời Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã không ngại ngần việc biến nước thành vũ khí. Nước là một tài nguyên đem lại sự sống và hỗ trợ sự sống nhưng tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng đang phủ bóng đen lên tương lai kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vị thế Bá quyền Cưỡng ép được Tạo nên bởi những Con đập
Chẳng bao lâu sau khi thành lập CHND Trung Hoa, ĐCSTQ đã sáp nhập Tân Cương và Tây Tạng, tăng lãnh thổ của nước này lên hơn gấp đôi và biến Trung Quốc thành quốc gia lớn thứ tư trên thế giới tính theo diện tích. Sự sáp nhập cao nguyên Tây Tạng có nguồn nước dồi dào là một trong những diễn biến địa chính trị có tác động sâu rộng nhất trong lịch sử sau Thế chiến II, không chỉ vì việc đó cho Trung Quốc đường biên giới giáp với Bhutan, Ấn Độ, Miến Điện và Nepal.
Tây Tạng là đầu nguồn của 10 hệ thống sông lớn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều này có nghĩa là việc sáp nhập này đã thực sự làm thay đổi bản đồ sông ngòi của khu vực. Diễn biến này đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia bá quyền về thủy điện, không có đối thủ trong thế giới hiện đại.
Ngày nay, các siêu đập do Trung Quốc xây dựng gần biên giới quốc tế của cao nguyên Tây Tạng cho ĐCSTQ lợi thế so với các quốc gia ở vùng hạ lưu. Hơn 1 tỷ người ở khoảng một chục quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc đại lục, phụ thuộc vào các con sông bắt nguồn từ Tây Tạng để có thực phẩm sinh tồn, bao gồm cả lượng chất đạm từ nguồn cá lớn.
Việc Trung Quốc thèm khát thủy điện càng làm phức tạp những thách thức trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực thiếu nước nhất trên thế giới tính theo đầu người. Nước đã trở thành một yếu tố mới gây chia rẽ trong mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng ven sông. Sự chia rẽ này đã trở nên rõ ràng khi ĐCSTQ ngày càng chuyển trọng tâm xây dựng đập của nước này từ các con sông trong nước đã có quá nhiều đập sang các con sông chảy qua nhiều nước bắt nguồn từ các khu vực của người dân tộc thiểu số.
Chỉ có ba con sông quan trọng chảy qua nhiều nước — Amur, Ili và Irtysh, chảy đến Kazakhstan hoặc Nga — là bắt nguồn từ Trung Quốc mà ở bên ngoài cao nguyên Tây Tạng. Nguồn tài nguyên nước và khoáng sản phong phú ở Tây Tạng là một yếu tố lớn khiến vùng đất này bị thâu tóm về mặt chính trị. Việc Trung Quốc chuyển hướng dòng nước từ sông Ili gây ra nguy cơ biến hồ lớn nhất của Kazakhstan — Balkhash, trải rộng trên khoảng 18.000 kilomet vuông — thành một biển Aral nữa. Vùng biển này đã trở thành một biểu tượng của thảm họa môi trường do con người gây ra.
Số lượng lớn các con đập khổng lồ mới của Trung Quốc trên các con sông bắt nguồn từ Tây Tạng rồi chảy qua nhiều quốc gia gây ra những tổn hại lớn nhất về môi trường. Trung Quốc, nước vốn đã tự hào vì có số lượng đập lớn nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại, đã trở thành trở ngại chính đối với việc xây dựng sự hợp tác được thể chế hóa về tài nguyên nước chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các quốc gia có khả năng phải gánh chịu hậu quả từ chương trình của ĐCSTQ nhằm kiểm soát dòng chảy của các con sông xuyên biên giới là những quốc gia xa nhất ở vùng hạ lưu của các con sông như sông Mê Kông và sông Brahmaputra (được người Tây Tạng gọi là Yarlung Zangbo). Sông Brahmaputra cung cấp nguồn nước ngọt lớn nhất cho Bangladesh. Trong khi đó, Việt Nam nằm ở vùng hạ lưu của hai con sông chảy từ rìa của cao nguyên Tây Tạng: sông Hồng, dòng nước chính của miền Bắc Việt Nam; và sông Mê Kông, con sông chính của miền Nam Việt Nam.
Đối nghịch với những hiệp ước song phương về nước giữa nhiều nước láng giềng (bao gồm hiệp ước chia sẻ giữa các đối thủ truyền kiếp như Ấn Độ và Pakistan), Trung Quốc bác bỏ khái niệm chia sẻ nước hoặc công tác quản lý chung, dựa trên các quy tắc đối với nguồn nước chung. Do đó, Trung Quốc từ chối giao kết một hiệp ước chia sẻ nước với bất kỳ quốc gia nào ở vùng hạ lưu.
Trung Quốc khăng khăng rằng các hồ ao và sông ngòi phải tuân theo chủ quyền đầy đủ của quốc gia có sông ngòi và ao hồ đó. Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền không thể chối cãi” đối với sông ngòi nằm ở phần đất của Trung Quốc trên ranh giới quốc tế, bao gồm quyền chuyển hướng bao nhiêu nước chung tùy thích cho nhu cầu của mình.
Nguyên tắc này được trình bày đầu tiên trong Học thuyết Harmon đầy tai tiếng ở Hoa Kỳ hơn một thế kỷ trước và giờ đây đã bị bác bỏ. Học thuyết này được đặt tên theo Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ lúc đó là Judson Harmon, người đã đưa ra khái niệm rằng Hoa Kỳ không có nghĩa vụ gì với Mexico về tài nguyên nước chung theo luật pháp quốc tế và được tự do chuyển hướng bao nhiêu nước chung tùy thích cho các nhu cầu của Hoa Kỳ. Bất chấp học thuyết đó, Hoa Kỳ đã ký kết các thỏa thuận chia sẻ nước với Mexico trong khoảng từ năm 1906 đến năm 1944.
Trung Quốc, khi từ chối công ước năm 1997 của Liên Hợp Quốc về quản lý tài nguyên nước chung, đã chính thức đưa ra luận điểm của mình rằng một cường quốc ở thượng nguồn có quyền thực hiện chủ quyền lãnh thổ tuyệt đối với sông ngòi nằm ở phần đất của mình trong ranh giới quốc tế — hoặc quyền chuyển hướng dòng nước chung bất kể ảnh hưởng lên các quốc gia ở hạ nguồn.
Điều này cho thấy rằng Học thuyết Harmon có thể đã chết ở quốc gia nơi nó sinh ra nhưng vẫn còn tồn tại ở Trung Quốc.
Con Đập Lớn Hơn Đập Tam Hiệp
Với sứ mệnh là giúp Trung Quốc chiếm được ưu thế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách hạ bệ các nước láng giềng, ĐCSTQ rao giảng về sự bình đẳng và tương hỗ trong các mối quan hệ quốc tế nhưng trên thực tế không thực hiện điều nào. Nếu không có một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xoay quanh Trung Quốc, Trung Quốc không thể đạt được vị thế bá chủ toàn cầu. ĐCSTQ xem Ấn Độ và Nhật Bản là hai đối thủ cạnh tranh tiềm năng của nước này trong khu vực. Trong bối cảnh này, họ muốn dùng nước ngọt để gây bất lợi cho Ấn Độ — một chiêu bài không có sức mạnh gì với Nhật Bản vì biển tách biệt nước này với Trung Quốc.
Để đối đầu với Ấn Độ, ĐCSTQ đang tìm cách lặp lại chiến lược Lưu vực sông Mê Kông của mình. Bằng cách xây dựng các đập lớn và các hồ chứa trên sông Mê Kông, Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát đối với các dòng chảy xuyên biên giới của con sông đó, vốn là nguồn sống cho các quốc gia ở vùng hạ lưu của con sông này. Qua đó, ĐCSTQ đã kéo các quốc gia ở hạ nguồn vào các ván bài địa chính trị đầy rủi ro về các vấn đề nước.
Mười một con đập lớn của Trung Quốc trên sông Mê Kông đã giúp ĐCSTQ có quyền lực ngắt nguồn nước ở hầu hết phần đất liền của Đông Nam Á. Điều này đã khiến các nước ở vùng hạ lưu phải phụ thuộc vào “thiện chí” của Trung Quốc để tiếp tục được sử dụng nước ngọt.
Với một chiến lược tương tự nhưng đa chiều hơn, ĐCSTQ và cánh quân sự của họ — Quân đội Giải phóng Nhân dân — hy vọng sẽ kiểm soát được tình hình ở Ấn Độ. Các yếu tố chiến tranh gián tiếp rất dễ thấy trong các hành động của Trung Quốc để gây bất lợi cho Ấn Độ, bao gồm việc định hình lại dòng chảy xuyên biên giới của các con sông, thực hiện các cuộc tấn công mạng và chiếm dần các vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Himalaya. Chủ nghĩa xét lại lãnh thổ của Trung Quốc đã dẫn đến những cuộc đối đầu quân sự liên tục ở Himalaya giữa các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ kể từ tháng 5 năm 2020, làm dấy lên lo ngại sẽ xảy ra thêm những cuộc đụng độ khác và thậm chí là một cuộc chiến tranh toàn diện.
Trong khi cuộc đối đầu quân sự với Ấn Độ đang diễn ra, vào tháng 3 năm 2021, quốc hội bù nhìn của Trung Quốc đã phê chuẩn quyết định của ĐCSTQ về việc xây dựng siêu đập đầu tiên của thế giới trên sông Brahmaputra. Siêu đập sẽ đi qua hẻm núi dài nhất và sâu nhất trên Trái đất gần biên giới Tây Tạng giáp Ấn Độ, khu vực được quân đội canh phòng cẩn mật.
Sông Brahmaputra uốn quanh dãy Himalaya theo hình chữ U và tạo thành Hẻm núi Lớn Yarlung Zangbo ở Tây Tạng trong khi đổ xuống từ độ cao hơn 2.800 mét về phía các đồng bằng Ấn Độ. Hẻm núi này, một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới, chứa mức năng lượng nước sông tích tụ chưa được khai thác lớn nhất hành tinh.
Siêu đập này sẽ lớn hơn nhiều Đập Tam Hiệp mà đã phá vỡ kỷ lục của Trung Quốc trên sông Dương Tử và được quảng cáo là sẽ sản xuất lượng điện gấp khoảng ba lần mỗi năm.
Việc xây dựng siêu đập trong một khu vực được biết đến với hoạt động địa chấn thường xuyên có thể khiến nó trở thành một “quả bom nước” đếm ngược cho các cộng đồng vùng hạ lưu ở Ấn Độ. Vào tháng 8 năm 2020, khoảng 400 triệu người Trung Quốc đã rơi vào tình thế nguy nan sau khi lũ lụt ở mức kỷ lục gây nguy hiểm cho Đập Tam Hiệp, con đập lớn nhất thế giới.
Trong năm 2021, ĐCSTQ đã chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đập bằng cách hoàn thành một đường cao tốc chiến lược xuyên qua hẻm núi cheo leo và bằng cách bắt đầu cho tàu cao tốc chạy đến một thị trấn quân sự gần đó. Đường sắt và đường cao tốc cho phép vận chuyển thiết bị nặng, vật liệu và công nhân đến khu vực xa xôi, nơi có địa hình hiểm trở mà trước đây người ta không thể tiếp cận được.
Siêu đập này sẽ cho phép Trung Quốc điều khiển dòng chảy xuyên biên giới của con sông và tận dụng tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ nước này đã có từ lâu đối với bang Arunachal Pradesh ở vùng hạ lưu của Ấn Độ.
ĐCSTQ, trong khi tìm cách sử dụng nước như một vũ khí để chống lại Ấn Độ, sẵn sàng phớt lờ những thiệt hại không thể khắc phục được mà dự án của họ có nhiều khả năng sẽ gây ra trong một khu vực vô cùng đa dạng về sinh học. Ngoài ra, khu vực này là vùng đất thiêng của người Tây Tạng, với những ngọn núi, vách đá và hang động là biểu trưng cho cơ thể vị thần bảo hộ của họ, thần Dorje Phagmo, và sông Brahmaputra là biểu tượng cho cột sống của nữ thần.
Được tạo nên chủ yếu từ đồng bằng bãi bồi và vùng châu thổ, đất nước Bangladesh đông dân cư có lẽ sẽ phải gánh chịu tác động phá hủy của dự án này. Dân số 165 triệu người của đất nước này phải đối mặt với một tương lai bị đe dọa bởi biến đổi môi trường và biến đổi khí hậu, và sự tàn phá do con đập của Trung Quốc gây ra có thể làm bùng lên một cuộc di cư mới của những người tị nạn đến Ấn Độ, nơi đã đón nhận hàng triệu người di cư Bangladesh.
Những Tác động Lớn hơn
Với lòng tôn kính thiên nhiên, văn hóa Tây Tạng đã đóng vai trò như một người canh giữ môi trường trong nhiều thế kỷ, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh học và cảnh quan nguyên sơ. Nhưng ĐCSTQ tham lam, qua từng bước, đã và đang báng bổ những vùng đất thiêng của người Tây Tạng.
Từ việc đổ xô đến khai thác vàng ở một khu vực biên giới giành được từ Ấn Độ cách đây nhiều thập kỷ đến việc điên cuồng xây dựng đập trên các con sông quốc tế, ĐCSTQ đã ra sức chiếm đoạt những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Tây Tạng. Tên Trung Quốc đặt cho Tây Tạng kể từ triều đại dân tộc Mãn Thanh — Xizang, tức là “Vùng đất Quý phía Tây” — giải thích tại sao các dự án lớn về khai khoáng và sông ngòi của Trung Quốc lại tập trung ở cao nguyên đó.
Sau khi đã vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên của mình trong quá trình tăng trưởng kinh tế phung phí, Trung Quốc đang tham lam vơ vét tài nguyên từ cao nguyên Tây Tạng có nền sinh thái mong manh. Đây không chỉ là cao nguyên lớn nhất thế giới mà còn là cao nguyên cao nhất, vì thế nên Tây Tạng được gọi là “nóc nhà của thế giới”. Siêu đập trên sông Brahmaputra sẽ nằm ở độ cao khoảng 1.520 mét — cao nhất trong tất cả những con đập khổng lồ.
Hầu hết các con đập lớn mà Trung Quốc đang xây dựng hoặc lập kế hoạch tập trung ở khu vực tây nam với nhiều hoạt động địa chấn của Trung Quốc. Ở đây chủ yếu là người Tây Tạng hoặc các dân tộc thiểu số khác sinh sống. Những dự án như vậy đang gây ra căng thẳng sắc tộc về việc các cộng đồng phải di dời và bị nhấn chìm dưới nước.
Tuy nhiên, các quốc gia ở vùng hạ lưu khó có thể làm gì để ngăn Trung Quốc tàn phá môi trường trong quá trình xây đập điên cuồng. Ấn Độ đã đối đầu với Trung Quốc bất chấp nguy cơ chiến tranh và công khai thách thức năng lực và quyền lực của Trung Quốc. Tuy vậy, Ấn Độ có rất ít phương thức để đối phó với việc Trung Quốc định hình lại các dòng chảy xuyên biên giới ngoài việc thu hút sự chú ý đến các hành động đơn phương của Trung Quốc.
Các hoạt động ở thượng nguồn của Trung Quốc đã gây ra lũ quét ở các bang vùng biên giới Ấn Độ và làm ô nhiễm dòng chính của sông Brahmaputra, sông Siang xưa kia từng rất trong lành. Siêu đập của Trung Quốc gần biên giới Ấn Độ có thể gây ra sự tàn phá trên quy mô lớn hơn những hậu quả quan sát được ở lưu vực sông Mê Kông, nơi hạn hán đang xảy ra thường xuyên hơn vì mạng lưới các con đập khổng lồ của Trung Quốc. Các con đập cũng đang gây tổn hại đến đa dạng sinh học và các ngư trường vì chúng làm gián đoạn chu kỳ nước lũ hàng năm của sông Mê Kông và cản trở dòng chảy của trầm tích giàu chất dinh dưỡng từ dãy Himalaya. Nhưng các con đập đã giúp ĐCSTQ tận dụng khả năng kiểm soát nước ở thượng nguồn để gây ảnh hưởng đến chính sách của các quốc gia ở hạ nguồn. Trung Quốc không có hiệp ước về nước với các quốc gia ở vùng hạ lưu sông Mekong. Các báo cáo gần đây phát hiện rằng mặc dù vào cuối năm 2020, Trung Quốc đã đồng ý sẽ chia sẻ nhiều dữ liệu trong cả năm hơn với Ủy hội sông Mê Kông, một cơ quan quản lý cấp khu vực, nhưng Trung Quốc đã không cung cấp mức độ minh bạch cần thiết hoặc dữ liệu đủ kịp thời cho các quốc gia hạ nguồn để họ quản lý dòng chảy.
Khi ĐCSTQ biến khả năng kiểm soát và điều khiển dòng chảy của sông thành điểm tựa của quyền lực Trung Quốc, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành điểm dễ bùng phát xung đột về nước nhất. Bắc Kinh đã nắm giữ lợi thế đáng kể về tài chính, thương mại và chính trị so với nhiều quốc gia láng giềng. Giờ đây, bằng cách dùng thủ đoạn để giành được quyền kiểm soát bất đối xứng đối với các dòng chảy xuyên biên giới, Trung Quốc đang tìm cách để thâu tóm được nguồn cấp nước của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.